Pages

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Tranh chấp Biển Đông sau phiên điều trần tại Tòa Trọng tài

EXODUS-VI-West-Lamma-Channel-South-China-Sea-2011

Phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện về tranh chấp Biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague đã kết thúc vào ngày 13/07 sau một tuần diễn ra mà không có sự tham gia từ phía Trung Quốc. Phiên điều trần là đề tài nóng của giới truyền thông, chính phủ các nước và các học giả trong suốt tuần qua. Các vấn đề được đặt ra là liệu Tòa Trọng tài có đưa ra quyết định về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện hay không, quyết định sẽ theo hướng có lợi cho bên nào, phạm vi thẩm quyền của Tòa Trọng tài đến đâu, phản ứng của Trung Quốc và Philippines ra sao, cũng như các nước quan sát như Maylaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản được hưởng những lợi ích bên lề nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh một lần nữa  quan điểm “không chấp nhận và không tham gia vụ kiện này” của Trung Quốc tại The Hague và cáo buộc Philippines vi phạm cam kết của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 về việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường thương lượng. Hầu hết thông tin về quan điểm này của Trung Quốc đều được các hãng truyền thông Trung Quốc đăng tải qua nhiều bài phỏng vấn khác nhau. Các trang mạng xã hội như Weibo hay Wechat đã khơi gợi các cuộc bàn thảo, tranh luận của những người trẻ, những người có sự quan tâm trải dài từ vị thế quốc gia tới các vấn đề an ninh, địa chính trị của nước này. Các học giả luật quốc tế ủng hộ lập luận của Trung Quốc bằng cách nêu tỉ mỉ Bản tuyên bố lập trường của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền của Toà trọng tài tại Biển Đông, cho rằng Toà trọng tài này hiển nhiên không có thẩm quyền giải quyết.

Dù quan điểm đó nhận được nhiều sự ủng hộ tại Trung Quốc, các chuyên gia và dư luận vẫn có những quan ngại nhất định. Thứ nhất, vụ kiện của Philippines, trong đó điểm mấu chốt của nó chính là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến phân định biển, mà những vấn đề này đã được Trung Quốc loại bỏ khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc có sự tham gia của bên thứ ba của UNCLOS bằng thông báo năm 2006. Tuy nhiên, cách mà Philippines trình bày quan điểm của mình cho thấy quốc gia này đã cố gắng khéo léo loại bỏ những vấn đề như “lãnh thổ”, “phân định biển” và “danh nghĩa lịch sử” ra khỏi lập luận của mình với sự giúp đỡ của đội ngữ tư vấn pháp lý đầy kinh nghiệm của Mỹ – điều này có thể sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến phiên tòa. Trong khi đó, Trung Quốc lại đánh mất cơ hội trình bày quan điểm của mình một cách hợp pháp và chuyên nghiệp như họ đã làm qua việc đưa ra Bản Thông báo lập trường vào ngày 07/12/2014. Một điều cũng đáng đặt câu hỏi là liệu những thông điệp mà Trung Quốc có ý định truyền đạt đến Toà thông qua amicus curiae (thân hữu của Toà) có đến được với năm trọng tài không và sức ảnh hưởng của các tài liệu này đến đâu để được xem là “lời đáp” cho bản kiến nghị của Philippines.

Bên cạnh những tranh cãi về mặt pháp lý, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng là một trong những điều gây lo ngại cho nhiều người. Truyền thông quốc tế đã bóp méo về việc gia tăng căng thẳng tranh chấp trên biển Đông và thường vẽ lên rằng Trung Quốc gia tăng sự kiên quyết của mình trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền.Việc từ chối tham gia vụ kiện của Trung Quốc cũng được truyền thông miêu tả như một hành động không tôn trọng luật quốc tế mặc cho các nỗ lực của Bắc Kinh trong thuyết phục chính mình và thế giới rằng Tòa Trọng tài không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện.

Sự chú ý từ các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản thậm chí cũng đã gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng có khả năng trong tương lai biện pháp bằng con đường Toà án hoặc Trọng tài để giải quyết các tranh chấp phức tạp về chủ quyền và phân định biển trong khu vực sẽ được xem xét đến. Quyết định của Toà trọng tài, có thể nó “không có thẩm quyền”, “có một phần thẩm quyền” và “hoàn toàn có thẩm quyền” đối với đơn kiện của Philippines sẽ cho phép các quốc gia khác trong khu vực đưa ra kết luận về khả năng sử dụng bên thứ ba cho việc giải quyết các tranh chấp về biển. Lập trường của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý này với Philippines có thể không phải là một giải pháp kiểu mẫu và tốt nhất của Trung Quốc nếu có thêm nhiều vụ kiện tương tự (chống lại Trung Quốc – NHĐ) trong tương lai.

Tuyên bố của chính quyền Đài Loan về vấn đề Biển Đông ngày 07/07/2015 là một phản ứng kịp thời đối với phiên điều trần tại The Hague. Ngoài việc lặp lại lập trường của mình về chủ quyền đối với bốn quần đảo trên Biển Đông, bản tuyên bố còn tập trung vào tính pháp lý của đảo Ba Bình, thực thể được cấu thành một cách tự nhiên lớn nhất trên quần đảo Trường Sa. Đài Loan cho rằng Ba Bình hoàn toàn đủ điều kiện là đảo theo Điều 121 của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc và con người có thể sinh sống cũng như có đời sống kinh tế riêng. Theo Bản tuyên bố đó, “bất cứ tuyên bố nào nhằm phủ nhận sự thật này cũng không làm ảnh hưởng đến tính pháp lý của đảo Ba Bình (Itu Aba) và các quyền trên biển của đảo này theo UNCLOS”. Đây rõ ràng là một phản ứng cứng rắn của Đài Loan đối với lập luận từ đội ngũ tư vấn pháp lý của Philippines cho rằng Ba Bình chỉ là “đá”. Dù không có bình luận chính thức nào từ Bắc Kinh về Bản tuyên bố của Đài Bắc, ngụ ý rằng hai chính phủ từ hai bên eo biển có cùng lập trường về Biển Đông, bản tuyên bố này đã xoa dịu sự lo lắng của Trung Quốc về việc Đài Loan sẽ thay đổi lập trường của mình dưới sức ép của Mỹ. Thú vị là, bản tuyên bố của Đài Bắc không hề nhắc đến “đường chữ U” – nội dung chính trong vụ kiện của Philippines. Đó có phải là dấu hiệu của chính phủ Đài Loan trong việc phủ nhận đường chữ U hay Đài Loan chỉ là cố tình bỏ qua nội dung đó vẫn còn là một câu hỏi, và đó sẽ là một điểm đặc biệt nổi bật trong “chiến dịch bầu cử Tổng thống” tại Đài Loan năm 2016.

Sẽ có hai kịch bản xảy ra sau phiên điều trần. Dù cho bên nào thắng kiện đi nữa, quyết định của Toà cũng chẳng đưa ra một biện pháp pháp lý hiệu quả để giải quyết các tranh chấp đang diễn ra. Nếu Trung Quốc thua kiện, các yêu sách của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên và mong muốn giải quyết tranh chấp bằng thương lượng của quốc gia này vẫn không thay đổi. Nếu Philippines thua kiện, quốc gia này sẽ từ bỏ việc kiện Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia này sẽ từ bỏ tất cả các phản đối của mình,  bởi vì các tranh chấp lãnh thổ trên biển và việc phân định biển giữa hai nước vẫn chưa giải quyết được. Những vấn đề này sẽ cần được giải quyết thông qua thương lượng giữa hai quốc gia.

Philippines được ca ngợi rộng rãi cho hành động thiết lập tiền lệ cho việc vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc từ bên thứ ba để đối phó với nhiều yêu sách chồng lấn lẫn nhau từ nhiều phía ở Biển Đông, và giá trị của các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo UNLCOS không nên bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua tác động của vụ kiện ra Toà trọng tài đối với an ninh khu vực do tính phức tạp của các tranh chấp về chủ quyền và phân định biển. Trong ngắn hạn, vụ kiện này đã làm tăng căng thẳng trong các vấn đề trên Biển Đông và trì hoãn sự hợp tác trong quá trình thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử. Về lâu dài, nó có thể làm sáng tỏ một số các vấn đề pháp lý nhưng điều này đi kèm với nguy cơ làm suy yếu quá trình giải quyết tranh chấp quốc tế (theo quan điểm giải quyết thông qua thương lượng của Trung Quốc – NBT). Vụ kiện ra Tòa trọng tài về Biển Đông tỏ ra là một ví dụ điển hình của trò chơi chính trị liên quan đến Luật quốc tế.

Nguồn: Nong Hong, “The Post-Hearing Reality in the South China Sea Arbitration Case”, Asia Maritime Transparency Initiative, 15/07/2015.

Biên dịch: La Thị Bình An | Hiệu đính: Phạm Ngọc Minh Trang

Nong Hong là giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ – Trung (ICAS), một đơn vị nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận do Quỹ Nghiên cứu Nam Hải Hải Nam thành lập.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào: