Pages

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

VŨ HOÀNG NGUYÊN - CON NGƯỜI HAY CƠ CHẾ?

Đứng trước những khổ đau của Con Người thì thường dẫn đến một thiểu số cá nhân — có Tri Thức để nhận định rõ nguyên nhân của vấn đề — từ chối những ưu đãi của xã hội dành cho mình; dấn thân, hy sinh tài sản vẫn tính mạng, hầu tìm cách để giải quyết vấn đề và đưa con người ra khỏi những khổ đau. 
Sự xuống cấp của xã hội — mà trong đó đời sống của mỗi thành viên trong xã hội phải trực diện và lo sợ cho cuộc sống của chính mình — xảy ra bởi chính mỗi thành viên trong xã hội đó không nhận thức được trách nhiệm của chính mình trong việc tạo ra một xã hội hướng thiện, giảm bớt đau khổ và gia tăng sự sung sướng. Bất cứ tệ nạn xã hội đều bắt đầu từ Con Người. Chính những Con Người sống trong xã hội đó dung túng những tệ nạn trên — để rồi tệ nạn trở thành chuyện bình thường, xem như chẳng có gì phải đáng quan tâm. Và khi tệ nạn càng ngày càng phát triển đến mức độ toàn bộ xã hội thấy rằng đã quá đà — thì lúc đó sự thay đổi, nếu có thể xảy ra, cần một sức bật thật lớn, thật mạnh để xây dựng lại một xã hội lành mạnh.

Những ai đã từng sống xa quê hương Việt Nam mấy chục năm, nếu có dịp trở về thăm Việt Nam của thời điểm hôm nay, sẽ thấy được sự “tiến bộ” khá lớn so với thời điểm của mấy chục năm về trước. Có nghĩa là chợ búa được buôn bán tự do hơn, mọi ngõ ngách đều có một sạp nhỏ bán đồ ăn, thức uống và cuộc sống khá hơn cái thời của những năm tháng 1975 – 1985. Tuy nhiên Con Người không đơn thuần sống chỉ vì miếng ăn, thức uống. Khi đã có đủ ăn, đủ mặc thì Con Người nghĩ đến mình ăn cái gì, những món mình ăn độc hại như thế nào, đồng thời cuộc sống của mình ra sao trước sự văn minh tiến bộ của thế giới. Nếu cuộc sống của mình khá hơn chỉ bởi vì đứa con của mình hy sinh đi làm ăn xa, gửi tiền về nuôi bố mẹ — thì có lẽ mình sẽ hãnh diện là có một đứa con ngoan, biết hiếu. Nhưng nếu chuyện làm ăn xa của con mình lại là chuyện cướp giựt tài sản của người khác, hoặc phải bán thân để tạo ra tiền nuôi bản thân và gia đình, thì liệu cái cuộc sống khá của chính mình có đáng để tự hào? Và nếu mình biết nhưng vẫn chấp nhận bởi nghĩ rằng con mình không có sự lựa chọn thì vô hình chung, chúng ta đã gián tiếp tạo ra một xã hội mà tệ nạn cướp giựt, bán thân là chuyện bình thường bởi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có sự lựa chọn.
Ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống, chúng ta không có sự lựa chọn. Thí dụ là chúng ta không có sự lựa chọn cho sự ra đời của chính mình; không có sự lựa chọn sanh ra từ một gia đình nào đó, hay ở một quốc gia nào đó. Sự hiện hữu của chúng ta trên quả địa cầu này, ngay từ ngày giờ chúng ta còn ở trong bụng mẹ, chúng ta thực sự không có sự lựa chọn cho sự hiện hữu đó. Tuy nhiên, khi chúng ta lớn lên và đến tuổi trưởng thành, tất cả chúng ta đều có sự lựa chọn trong hầu hết những quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể lựa chọn sống làm một con người tốt hoặc làm một con người xấu. Chúng ta có thể lựa chọn đưa tiền hối lộ hay không đưa tiền hối lộ cho cảnh sát giao thông. Chúng ta có thể lựa chọn thái độ im lặng trước cái ác hoặc lên tiếng chống lại cái ác. Chúng ta có thể lựa chọn thái độ nô lệ phục vụ cho đảng, cho đồng tiền và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có được nhiều tiền và quyền hành trong đảng; hoặc chọn thái độ không làm nô lệ cho bất cứ ai, bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào; hoặc không để đồng tiền biến mình thành người nô lệ. Chúng ta có quyền lựa chọn và sự lựa chọn của chúng ta ra sao sẽ tạo ra một xã hội tốt hay xấu trong sự lựa chọn đó.
Trong một xã hội mà có nhiều cá nhân trong xã hội đó — lựa chọn cái xấu bởi nghĩ rằng mình không mình có quyền lựa chọn — thì sẽ tạo ra một “truyền thống” truyền từ đời này qua đời khác cái suy nghĩ không lựa chọn đó.  Từ đó biến cái xã hội thành vô đạo đức những vẫn mặc nhiên chấp nhận bởi cái suy nghĩ không có quyền lựa chọn trong cuộc sống. Đó là những gì đang xảy ra trên đất nước Việt của chúng ta. Chúng ta chối bỏ quyền lựa chọn của chúng ta và để mặc nhiên hoặc âm thầm ủng hộ cái ác bởi cái ác đó tạo cho cuộc sống chúng ta sung sướng hơn. Nếu ai đó chất vấn sự lựa chọn của chúng ta thì chúng ta cho rằng xã hội này là vậy, không thể thay đổi được mà mình phải biết hòa nhập vào nó để cuộc sống được ổn định — cho dù sự ổn định này mất cả nhân tính, mất cả chủ quyền của Con Người, của đất nước. Chúng ta quan niệm rất thụ động là “một con én không làm nên mùa xuân”. Chúng ta chọn vế thụ động của vấn đề để biện minh cho sự lựa chọn của mình mà không chọn vế chủ động như “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chúng ta sợ hãi sự đàn áp của công an bởi nghĩ rằng họ sẽ bẽ gãy mình nhưng chúng ta quên đi là — một đôi đũa có thể bẽ gãy dễ dàng nhưng nếu mười đôi đũa chụm lại thì không thể bẽ gãy được. Từ thái độ thụ động đó — chúng ta mặc nhiên nhìn nhận sự đánh đập, đàn áp của công an đối với người dân mình, không dám cùng nhau đứng lên chống lại lực lượng công an mà nếu nói về con số, họ không nhiều lắm so với con số của người dân. Chúng ta quan niệm không đúng với câu “đèn nhà ai nấy sáng” và từ đó chúng ta mặc nhiên không tham gia vào những cuộc biểu tình của những dân oan đòi hỏi công bằng, đòi hỏi đảng cầm quyền trả lại đất đai, nhà cửa mà đảng đã cướp bởi nhà đó, đất đó không phải là của mình thành ra mình không quan tâm.
Rõ ràng sự xuống cấp đạo đức của xã hội tại Việt Nam là do chính Con Người sống trong xã hội Việt Nam tạo ra. Nhưng nếu đặt giả thuyết là chúng ta có những Con Người khá hoàn hảo; biết sự lựa chọn đúng – sai, biết xa lánh cái ác phát triển cái thiện; biết lo cho từng người dân trong làng xóm mình, trong đất nước mình; biết chống lại chính sách nô lệ để giành lại quyền tự quyết, tự chủ cho chính bản thân, gia đình và dân tộc. Vậy thì như thế có đủ chưa để bật dậy sức mạnh của dân tộc hầu chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của phương Bắc (Trung Quốc) mà từ khi lập nước đến nay, Trung Cộng luôn luôn dòm ngó đất nước chúng ta và sẽ không bao giờ từ chối mộng thôn tính Việt Nam thành một phần đất của Trung Cộng?
Theo thuyết của Darwin thì Con Người phát xuất từ loài thú mà do quá trình biến hóa đã thành Con Người hôm nay. Nếu chúng ta tin vào thuyết này thì trong mỗi Con Người của chúng ta luôn luôn có thú tính. Thú tính thì luôn luôn được hiểu là tàn bạo, ngay cả tàn bạo với chính đồng loại của mình. Nói chung phần trăm Người Tính hiện hữu trong mỗi Con Người của chúng ta nhiều hơn là Thú Tính. Ở một xã hội mà Người Tính mạnh hơn Thú Tính thì chúng ta có một xã hội nhân bản, biết lo cho những người sống trong xã hội đó, bảo vệ những người sống trong xã hội đó về tài sản lẫn tính mạng. Ở một xã hội mà Thú Tính mạnh hơn Người Tính thì xã hội đó đạo đức suy đồi, bệnh vô cảm càng ngày càng gia tăng bởi thú tính làm mất đi những cảm tính thiện – ác mà một Con Người có Người Tính mạnh — sẽ nhận diện dễ dàng hơn.
Cho nên dù chúng ta có một xã hội tương đối hoàn hảo, có nghĩa là số đông trong xã hội có Người Tính mạnh hơn Thú Tính — thì cơ hội để Thú Tính lấn áp những Con Người trong xã hội có thể xảy ra, dù rằng phần trăm đó rất nhỏ trong một xã hội rất nhiều Người Tính. Phần trăm tuy nhỏ nhưng mức nguy hiểm của nó rất cao — cho nên chúng ta cần phải có một cơ chế mà mục đích của cơ chế đó là để phát hiện những cá nhân đang chuyển từ Người Tính mạnh sang Thú Tính mạnh để có những biện pháp điều chỉnh lại Người Tính của cá nhân đó trở lại trạng thái bình thường, hoặc ngăn ngừa chuyện thay đổi Người Tính sang Thú Tính này.
Nói một cách mộc mạc là trong mỗi Con Người của chúng ta đều có Tham, Sân, Si. Chính ba cái đặc tính này có thể chuyển hóa chúng ta từ một người có Người Tính mạnh sang một người có Thú Tính mạnh. Có nghĩa là chúng ta có thể là một người tốt, một công dân tốt, nhưng cái cơ chế (định chế nhà nước) quá lõng lẽo trong việc phát hiện những hiện tượng xấu trong cơ quan cầm quyền, cũng như những hiện tượng xấu trong xã hội và từ cái cơ chế lõng lẽo đó, chúng ta sẽ trở thành những người tham bởi cái suy nghĩ rất là Con Người “mình không ăn người khác cũng ăn. Hơn nữa, nếu có ăn thì cũng chẳng có ai, cơ quan nào làm gì được mình”.  Chính cái suy nghĩ này mà đảng cầm quyền hiện giờ, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên ra sức ăn hối lộ, tham nhũng ở khắp mọi nơi. Chính cái đảng này cho rằng giết “chuột” đừng làm vỡ bình (lời của đảng trưởng đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, trong việc chống tham nhũng). Chính cái đảng này cho rằng cảnh sát giao thông nhận vài trăm không thể nào gọi là hối lộ (lời Thiếu Tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và bộ công an).
Vậy thì Con Người và Cơ Chế là hai cái rất cần thiết để tạo ra một xã hội nhân bản, hướng thiện, giảm sự khổ đau trong xã hội, kéo dài hạnh phúc cho mỗi thành viên sống trong xã hội đó. Cơ chế đó như thế nào và mục đích của cơ chế đó ra sao?
Cần phải xác định một điều là không có cơ chế nào trên thế giới này hoàn hảo. Chúng ta không đi tìm một cơ chế hoàn hảo bởi nếu chúng ta vẫn mang tư tưởng tìm một cơ chế hoàn hảo thì tự chúng ta sẽ lập lại sai lầm của đảng cầm quyền hiện giờ, tức là đưa đất nước dân tộc vào Xã Hội Chủ Nghĩa mà chính những người lãnh đạo không biết cái Xã Hội Chủ Nghĩa đó ra sao, khi nào được hình thành. Chúng ta cũng không đem bất cứ cơ chế của quốc gia nào đó vào áp dụng trên dân tộc của mình bởi chúng ta sẽ vấp phải sai lầm mà đảng CSVN đang sai lầm.
Cơ chế đó như thế nào? Có lẽ chúng ta sẽ tìm câu trả lời trong mục đích của cơ chế đó. Dĩ nhiên cơ chế đó dựa vào bản chất của Con Người để hình thành với những mục đích thiết thực — giảm sự khổ đau của những người sống trong xã hội và gia tăng hạnh phúc cho từng cá nhân sống trong xã hội.
·        Con Người luôn luôn có chiều hướng thay đổi. Sự thay đổi cho tốt hơn có đó, nhưng sự thay đổi cho xấu hơn thường xảy ra nhiều — khi mà những người nằm trong bộ máy cầm quyền, những người sống trong xã hội không bị ràng buộc, không bị sự cạnh tranh trên lãnh vực nắm giữ quyền lực hoặc bảo quản những giá trị cần phải bảo quản. Mục đích đầu tiên của cơ chế này là tránh sự độc tài, tránh sự hũ hóa của mỗi cá nhân sống trong xã hội đó, đặc biệt những cá nhân nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy điều hành quốc gia. Để làm điều này, một cơ chế đa đảng phải xảy ra để có sự cạnh tranh của các đảng phái, cá nhân, những ai muốn tham gia vào công việc quản trị quốc gia, đưa đất nước đi lên để cạnh trạnh với quốc tế.
·        Đa đảng không có nghĩa là có dân chủ. Đa đảng mà các đảng hợp lại với nhau để đưa ra những chính sách độc tài thì đa đảng cũng là sự nguy hiểm không thua gì độc đảng. Cho nên bộ máy điều hành của quốc gia phải có sự phân chia quyền lực và hoàn toàn độc lập trên ba lãnh vực: Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp. Người làm luật (Lập Pháp) chỉ có bổn phận duy nhất đưa ra luật và giao cho người thi hành (Hành Pháp) đem luật áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, để tránh Lập Pháp và Hành Pháp vi phạm luật và lạm dụng luật thì Tư Pháp là cơ quan chức năng để kiểm soát người ra luật (Lập Pháp) và thi hành luật (Hành Pháp).
·        Một cơ chế pháp quyền và có trách nhiệm áp dụng cho tất cả mọi thành viên sống trong xã hội. Luật pháp áp dụng cho tất cả mọi người và tất cả mọi người phải có trách nhiệm với chính luật pháp đặt ra. Pháp quyền mục đích để bảo vệ tài sản, tính mạng của tất cả thành viên sống trong xã hội.
·        Một cơ chế bảo đảm và tạo điều kiện để mọi người thực thi quyền tự do của Con Người mà tất cả chúng ta đều có khi mà chưa có sự hình thành các hình thức chính quyền, nhà nước. (Xem bài Tại Sao Phải Vì Dân, Do Dân và Của Dân để hiểu rõ sự hình thành chính quyền http://nganlau.com/2013/04/15/tai-sao-phai-vi-dan-do-dan-va-cua-dan/)
Đó là vài điểm căn bản mà một cơ chế cần phải có để tạo ra một xã hội với cái tốt xuất hiện nhiều hơn cái xấu; tạo ra một xã hội mà số đông nắm rõ được thế nào là hành động nhân bản, thế nào là hành động đi ngược lại quyền lợi của tập thể nhân dân.
Sự xuống cấp về giáo dục, đạo đức; nền an ninh của chúng ta sống trong xã hội tại VN bị đe dọa từ thức ăn, miếng uống đến sự đe dọa, sách nhiễu từ những người đang nằm trong bộ máy cầm quyền, những người đã tình nguyện làm thái thú thời đại cho Trung Quốc và đang tiếp tục đàn áp chúng ta. Đã đến lúc chúng ta phải có suy nghĩ và hành động để cùng nhau giải quyết những vấn nạn mà dân tộc chúng ta đang trực diện. Không thể nào chờ đợi bởi ngày nào chúng ta còn chờ đợi thì sự thoát Trung, thoát nô lệ kiểu mới càng khó khăn hơn.
Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 5 năm 2015
Houston, TX

Không có nhận xét nào: