Vào giữa năm 2015 và trùng với khoảng thời gian bắt đầu rộ lên những tin đồn về một chiến dịch ‘thanh trừng phe thân Tàu’ trong nội bộ đảng CSVN, nghị trường quốc hội bất chợt nổi lên nghi vấn về ‘20 tỷ đô la nhập lậu từ Trung Quốc’.
Trước đó, chỉ có thông tin chính thức về nạn nhập siêu của VN từ Trung cộng lên đến 24 - 25 tỷ USD hàng năm. Thế nhưng nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà ‘không ai biết’ được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của VN từ Trung cộng phải lên đến gần 40 tỷ USD.
Nhưng cho tới nay, vẫn không một cơ quan nào làm rõ dù chỉ một chút manh mối về con đường tuồn vào của 20 tỷ đô la đó.
Bộ Công Thương - cơ quan chịu trách nhiệm chính về cán cân xuất nhập khẩu và hàng buôn bán tiểu ngạch - đã rất thường xuyên chăm bẳm vào các chiến dịch tăng vọt giá điện và xăng dầu để ‘bù lỗ vào giá’ lên đầu dân tình VN, nhưng lại đổ trách nhiệm về 20 tỷ USD nhập lậu cho Tổng cục thống kê VN.
Nhưng quan chức có trách nhiệm của Tổng cục Thống kê lại lý lẽ rằng hoặc là do phương pháp luận hay do gian lận thương mại, không thể lượng hoá được tác động của từng nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này.
"Chúng tôi đề xuất với Quốc hội, cần kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công Thương đề nghị phía Trung Quốc phối hợp hải quan hai nước thực hiện rà soát số liệu, thì mới lượng hoá tác động của từng nguyên nhân" - Bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ, Tổng Cục Thống kê - ‘đá’ quả bóng lại phía Bộ công thương.
Trong thực tế, khoảng chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa VN và Trung cộng chủ yếu rơi vào các nhóm hàng có chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Năm 2014, với hàng xuất khẩu, nhóm hàng điện tử, điện thoại, linh kiện, VN thống kê thấp hơn TC 5,5 tỷ USD. Ở nhóm nhập khẩu, VN ghi thiếu 20 tỷ USD so với TC, trong đó, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị xe cộ..., thiếu 12,5 tỷ USD so với TC thống kê, chiếm tới 60%. Hàng tiêu dùng như rau quả cũng chênh tới 1,6 tỷ USD.
Đây không phải lần đầu tiên số liệu thống kê kinh tế ở VN bị sai số khủng khiếp như thế. Vào năm 2013, trước tình trạng hầu hết các tỉnh thành đều báo cáo ‘GDP địa phương’ tăng trên 10%, nhưng bình quân của GDP quốc gia chỉ hơn 5%, Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ phải cay đắng ‘GDP có chân’.
Nhưng ‘gian lận thương mại’ - cụm từ được luật hóa trong ngành hải quan và thuế ở VN - đã có thể trở thành một loại ‘gian lận chính trị’ có chân, liên quan đến chiến dịch 20 tỷ USD nhập lậu. Ai đã gây ra hậu quả gian lận cả về kinh tế lẫn chính trị này? Ủy viên trung ương đảng Vũ Huy Hoàng - quan chức phụ trách Bộ Công Thương và bao trùm những lĩnh vực mà các doanh nghiệp và tổng thầu Trung cộng đang chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị trường VN - phải chăng đang cố tìm cách bao che cho các tập đoàn lợi ích thân Trung, trong việc bắt nền kinh tế VN phụ thuộc nặng nề vào rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung cộng?
Lê Dung/ SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét