Pages

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Hai ngày sau vụ bom nổ làm rúng động Bangkok

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Một phụ nữ thắp hương cầu nguyện ở đền Erawan tại Bangkok, Đền đã mở cửa trở lại ngày 19 tháng 8, 2015.

Một phụ nữ thắp hương cầu nguyện ở đền Erawan tại Bangkok, Đền đã mở cửa trở lại ngày 19 tháng 8, 2015.
 AFP




Vụ nổ bom tại khu Đền ngay trung tâm mua bán sầm uất của thủ đô Bangkok vào chiều tối ngày 17 tháng 8 đang làm xôn xao dư luận người dân Xứ Thái cũng như nhiều du khách yêu mến đất nước Chùa Vàng.

Sau khi vụ việc xảy ra, tình hình thực tế tại nơi vụ nổ thế nào?
Thu dọn- đón khách
Chúng tôi có mặt tại khu đền Erawan ngay góc giao lộ nằm dưới tuyến tàu trên cao, và đối diện với hai khu mua sắm lớn của thủ đô Bangkok là Central World, Gaysorn, cũng như Bệnh Viện Cảnh sát Thái Lan.
Khung cảnh tại đền thật đông đúc; nhưng hôm nay khác với trước kia là rất nhiều phóng viên Thái Lan cũng như nhà báo nước ngoài có mặt tại đó với đầy đủ thiết bị, máy móc và tác nghiệp quay phim, chụp ảnh và phỏng vấn.
Trong khi đó một số người thành tâm vẫn đốt nhang đèn, quỳ lạy trước bức tượng thần bốn mặt mà lâu nay người ta đồn đãi với nhau rất linh thiêng. Đó là lý do mà rất nhiều người Thái và cả du khách nước ngoài đến để dâng hoa, đốt nhang, nguyện cầu, quì gối thành tâm khấn nguyện khi các nhạc công tấu nhạc cho các nữ vũ công trong các bộ váy áo truyền thống múa cầu cho thân chủ.
Bức tượng sơn son thếp vàng hiện bị sứt một miếng dưới cằm làm lộ ra chất liệu trắng để đắp tượng.
Ngôi nhà nơi các nhạc công và vũ nữ biểu diễn bị hư hại và nhiều công nhân đang cạo gỡ những chỗ bị phá hủy; những người khác dọn đi những chậu cây cảnh bị vỡ và những tượng voi lớn do thiện nam, tín nữ cúng lạy thần.
Lối vào của đền vẫn mở cho mọi người ra vào; nhưng một phần tường rào được bọc lại bằng màng nylong trắng.
Trước khi chúng tôi ít khi thấy cảnh sát gác ngay tại đền, nhưng nay có một số đi lại quanh đó.
Lời thuật của một du khách gốc Việt
Trong số những du khách nước ngoài đến lễ bái tại đền Erawan, đôi khi cũng có những khách Việt Nam hay người gốc Việt. Vào chiều ngày 17 tháng 8, một nhóm những người gốc Việt từ các nước như Australia, Hoa Kỳ… từng có thời tỵ nạn tại Thái, nay trở về và đến ngôi đền Erawan để lễ tạ.
Ông Đặng Quốc Vinh, một trong số những người đó, kể lại lúc ông cùng những người trong đoàn khi về đến khu mua sắm BigC không xa ngôi đền là bao nghe tiếng nổ và suy đoán cũng như giải thích của những người khác:
“Vừa bước vào thương xá nghe tiếng ‘ầm’, tôi nói đây là khủng bố chứ không là gì hết. Một người bạn của tôi là anh Trần Nhân vừa bước vào bên trong cũng chạy ra ngoài hỏi chuyện gì vậy. Ngay lúc đó một số người nói là tông xe, chúng tôi hỏi ông bảo vệ thì ông nói rằng sấm sét. Nghe vậy tôi cũng bước vào nói lại với bà con đó là sấm sét thì họ cũng tin. Trong khi đó người trưởng đoàn ở Thái nói bình ga xe taxi nổ. Khi hỏi có vấn đề gì không thì họ nói ‘đi’ hết rồi, tức chết hết. Chúng tôi nghĩ cũng nên cầu nguyện cho những người vắn số. Lúc đó không ai muốn ăn uống, mua sắm gì nữa hết, ai cũng rất buồn. Lý do vì mình sống trong một đất nước chiến tranh, khi chiến tranh lại không chết; mà trong thời bình của một đất nước Thái Lan an lành mà lại xảy ra một tai nạn. Lúc đó dù chúng tôi được tin là bình ga xe taxi nổ; nhưng chẳng bao lâu sau chừng 10’ tôi thấy xe cảnh sát, cả chìm lẫn nổi rồi xe cứu thương . Tôi đứng đếm đến chiếc xe cảnh sát thứ 30 và xe cứu thương cũng khoảng 30-40 thì tôi nói chắc chắn đây không phải là vụ nổ bình thường hay tai nạn giao thông, chắc chắn đây là vụ khủng bố vì tôi sống ở Úc hay xem TV và thấy những nơi không may mắn có chiến tranh như Iraq, Iran thì mình biết rồi. Bạn tôi là anh Trần Nhân cũng đồng ý đây cũng không phải là chuyện bình thường mà là chuyện ngoài sức tưởng tượng.
Tôi thấy xe cảnh sát, cả chìm lẫn nổi rồi xe cứu thương . Tôi đứng đếm đến chiếc xe cảnh sát thứ 30 và xe cứu thương cũng khoảng 30-40 thì tôi nói chắc chắn đây không phải là vụ nổ bình thường
Ông Đặng Quốc Vinh
Lúc đó các đường phố từ 7 giờ tối đến gần 10 giờ tối thứ hai, cảnh sát chặn đường hết, rất khó đi lại và họ làm việc liên tục.”
Tâm trạng của người mới đến
Vào chiều 19 tháng 7 có một số người gốc Việt khác cũng vừa đến phi trường Don Muang để đi đến lại những nơi cũ mà họ từng có thời tỵ nạn. Chương trình của họ đã được chuẩn bị từ lâu nên dù khi nghe tin vụ nổ bom gây chết người và làm nhiều người khác bị thương mới xảy ra hai hôm trước khiến họ lo âu, nhưng cũng phải tiếp tục chương trình đã định.
Chị Tạ Thị Phụng từ California cho biết khi vừa đến sân bay Don Muang như sau:
“Tôi cũng hơi lo lắng không biết vụ việc này có ảnh hưởng đến việc đi lại và khách sạn đã đặt phòng ở Bangkok hay không. Tuy nhiên đánh bom cũng đánh rồi.”
Thầy Phổ Hương, trụ trì Chùa Long Quang, tại Australia dịp này cũng đến Thái Lan để cầu nguyện cho những thuyền nhân Việt Nam bỏ mình trên đất Thái cũng có chia sẻ:
“ Tôi thấy mỗi con người ai cũng có số phận riêng của họ. Trong chuyến đi này tôi thấy mình làm việc tốt thì mọi chuyện thiện cũng đến với mình.
Có một số Phật tử khuyên chúng tôi đánh bom hai ba nơi như thế thì khoan nên đi. Tôi nói không nên như vậy vì lịch trình đưa ra giúp cho đồng hương mình đi cầu nguyện cho những người chết khi đi tìm lý tưởng tự do bằng cách vượt biên, vượt biển nên cứ làm bình thường không có gì cả.
Theo cá nhân tôi: có nhân thì có quả. Nếu anh gieo nhân xấu, anh sẽ gặp quả xấu. Nếu làm xấu như đặt bom giết người thì phải bị bắt vô tù, phải chấp nhận làm sai. Đó là lẽ công bằng trong xã hội.”
Tờ The Nation của Thái Lan số ra ngày 19 tháng 8 cho biết số người chết do vụ nổ bom tại đền Erawan là 20 người; số bị thương là 125 người.
Hiện cảnh sát Thái Lan đang truy lùng một nam nghi phạm mặc áo vàng mà camera ghi hình cho thấy đã để chiếc ba lô dưới một băng ghế rồi rời đi chẳng bao lâu trước khi xảy ra vụ nổ bom chết người vào chiều tối thứ hai ngày 17 tháng 8 vừa qua
.

Không có nhận xét nào: