Pages

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Lấy chồng là một quy luật bắt buộc?

Hạ Vũ, thông tín viên RFA

Những người phụ nữ độc thân chưa hẳn họ cô đơn (ảnh minh họa)

Những người phụ nữ độc thân chưa hẳn họ cô đơn (ảnh minh họa)
 Dolinh



Những cô gái ở Việt Nam, quá 25 tuổi mà chưa lấy chồng sẽ được gọi là “gái ế” như một cách mỉa mai, chế diễu sự kém duyên của họ. Đi đâu họ cũng được hỏi thăm về bạn trai, kế hoạch lấy chồng, sinh con, v.v.. khiến các cô đều cảm thấy áp lực.

Người Việt Nam, giữa thế kỷ 21 vẫn hồn nhiên đem lại sức ép cho người khác như vậy, nguyên nhân vì sao?


Đây là đề tài trên trang phụ nữ kỳ này, mời quý thính giả cùng theo dõi.



“Gái lớn ai không phải lấy chồng” vốn dĩ chỉ là một câu trong bài thơ “lòng mẹ” của Nguyễn Bính. Tuy nhiên, câu thơ đó, đã vượt xa tác động thông thường của một câu thơ, khiến nhiều người nhầm tưởng là một câu ca dao, bởi nó đã nói lên một quy luật bắt buộc cho mọi cô gái Việt Nam: đến tuổi - phải lấy chồng.
“Gái lớn, ai không phải lấy chồng”. Ừ thì cứ cho rằng đó là quy luật bắt buộc. Mặc dù vậy, câu thơ tiếp theo lại như nhắc nhở chúng ta về những tác động của quy luật bắt buộc trên, đến cảm xúc của các cô gái. Câu thơ rằng “can chi mà khóc, nín đi không!”.
Tiếng khóc được nhắc đến trong bài thơ một cách nhẹ nhàng, âu yếm của một người mẹ mắng yêu con gái. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, những tiếng khóc “phải lấy chồng” nhức nhối, khó chịu hơn nhiều.
“Lúc đấy nó mang tính chất trách nhiệm và ổn định. Bởi vì khi đó tôi đã ngoài 30 rồi. Và đó là lý do mà tôi xây dựng gia đình. Tuy nhiên bây giờ đã gần 10 năm, tôi đã có 2 cháu và cuộc sống thì không được như tôi mong đợi. Chưa đến 10 năm đâu nhưng sự mất mát trong niềm tin, tự do của bản thân và tình yêu nữa là rất nhiều. Cho nên nay gia đình tôi nó đang tồn tại chỉ có trách nhiệm một phía. Nghĩa là chỉ có một mình tôi phải gánh vác cả gia đình này. Ngược lại thì cả gia đình tôi lại muốn đòi hỏi sự hoàn hảo của một người vợ, người mẹ, người làm dâu trong khi đó trách nhiệm lại chỉ một vế là bản thân tôi thôi. Và hiện tại cuộc sống của tôi hoàn toàn bế tắc. Tôi đang sống cuộc sống theo kế hoạch của người khác chứ không theo kế hoạch nào của tôi cả. Tôi mong muốn mọi phụ nữ khác hãy sống theo kế hoạch của mình chứ đừng ai như tôi.”

Đó là tâm sự của Mai Đỗ, một 7x đã quyết định lấy chồng khi “đến tuổi”. Hầu hết phụ nữ thuộc thệ 7x, 8x đời đầu đều có lựa chọn tương tự Mai Đỗ. Họ lấy chồng chỉ trong vòng một, hai tháng tìm hiểu và giành cả phần đời còn lại chịu đựng những hậu quả từ quyết định “đầu hàng” dư luận đó của mình. Hạnh phúc, tình yêu, sự chia sẻ trong cuộc sống, sự hòa hợp tình dục, v.v. vốn là những giá trị của hôn nhân đều là những khái niệm xa lạ đối với các chị.

Thế hệ 8x đời cuối thường có cảm giác tiến thoái lưỡng nan, năm nay 30 tuổi và tối ngày mệt mỏi với những câu hỏi về bạn trai, về dự kiến lấy chồng, Trang Như - một cô gái xinh đẹp, cá tính và hoàn toàn độc lập chia sẻ:
“Thỉnh thoảng thì ok nhưng mà thỉnh thoảng thì cũng cảm thấy không thoải mái. Bởi vì là nó cứ giống như là mình đang có một khuyết điểm gì đó và người ta cứ soi vào mình là tại sao lại chưa lấy chồng, vì sao và vì sao. Đó. Những câu hỏi như thế thì thi thoảng cảm thấy áp lực và không muốn trả lời”.

Hàng năm, các ngôi chùa, phủ mẫu, điện mẫu, v.v. khắp nơi trên cả nước tập nập lễ cầu duyên, cắt duyên âm, trả nợ tiền duyên, v.v. để giúp các cô gái sớm lấy được chồng. Những dịch vụ này, đã giúp cho không ít nhà sư, bà đồng, ông cốt giàu có kếch sù, trở thành những thành phần được “ăn trên ngồi trốc” trong xã hội. Khiến đạo Phật, đạo Mẫu đều bị lợi dụng vào vòng xoay điên đảo của xã hội, làm mất lòng tin của người dân vào những tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Người phụ nữ đã có quá nhiều áp lực rồi, cho nên không cần thêm các cái tư tưởng cổ hủ nữa...(ảnh minh họa)
Người phụ nữ (9X) đã có quá nhiều áp lực rồi, cho nên không cần thêm các cái tư tưởng cổ hủ nữa...(ảnh minh họa)Photo RFA
Khác với những thế hệ trước, những cô gái thuộc thế hệ sau này, thường có lựa chọn táo bạo, thẳng thắng hơn. Nói về việc bị giục giã lấy chồng, Huyền Thương - một cô nàng 9x cho biết:
“Hồi trước thì em cảm thấy cũng hơi kỳ cục: tại sao đấy là chuyện của mình mà người ta lại cứ phải quan tâm một cách thái quá như thế. Sau đó, khi mà bị hỏi quá nhiều thì nhiều lúc cũng tức, cũng thấy khó chịu. Thế nhưng mà đến bây giờ, sau một thời gian rồi thì em cũng thấy bình thường. Cái việc của mình, mình nghĩ như thế nào nó mới là quan trọng, còn họ nghĩ như thế nào thì em cũng không quan tâm nữa nên bây giờ em thấy bình thường”.

Những thế hệ sau, với khả năng ngoại ngữ, cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều trên internet, cơ hội đi lại, giao lưu văn hóa đa chiều đã có thể tự tin hơn trong lựa chọn của mình. Tuy nhiên, cách phản ứng đối với thái độ chung của xã hội về vấn đề riêng tư của họ chỉ dừng lại ở việc “cho qua”, “lờ đi”, chấp nhận rằng đấy là một phần của văn hóa Việt.

“Thường thì mình chỉ cười và cho qua những câu hỏi kiểu như thế. Hoặc là sẽ phản ứng cao nhất là nói là nếu mà có hỏi nữa thì sẽ không nói chuyện nữa. Còn lại thì không nói thẳng ra là đừng có hỏi những câu hỏi riêng tư, lấy chồng hay không là việc của mình. Bởi vì mình biết, có thể đấy là cách hoặc hình thức mà người ta quan tâm đến mình nên mình cũng không nỡ làm tổn thương đến họ thôi.”

Văn hóa là một khái niệm khó nắm bắt. Chính vì vậy, nó thường xuyên được lợi dụng để bảo vệ những nhóm lợi ích nhờ màn sương bí ẩn của mình. Để giải thoát con người khỏi những màn sương độc hại đó, từ thế kỷ 18 - 19, xã hội phương tây phát triển đã tiếp cận mọi thứ dựa trên “Quyền” nhằm đảm bảo mọi người, mọi thành phần trong xã hội đều có quyền bình đẳng như nhau.

Claire - một thợ may người Pháp mà Hạ Vũ tình cờ gặp trên phố chia sẻ về vấn đề này ở nước cô:

“Ồ. Bạn sẽ cần phải đợi và phải chắc chắn là bạn phải chọn được người bạn đời phù hợp nhất trước khi cưới. Chúng tôi cũng tin rằng, bạn phải trải nghiệm rất nhiều, thất bại rất nhiều và có rất nhiều kinh nghiệm để chắc chắn về lựa chọn của bạn.
Có rất nhiều hoàn cảnh, bà mẹ đơn thân, ông bố đơn thân, cũng như rất nhiều hoàn cảnh khác. Vì thế, chẳng ai chế diễu bạn về bất cứ điều gì bạn làm. Có rất nhiều cách cư xử và bạn không thể bắt người khác cư xử theo cách mà mình muốn.
Báo chí thì nói rất nhiều về tình yêu. Nhưng họ chẳng bao giờ động chạm đến những cô gái chưa lấy chồng cho dù cô ấy có 30 hay 40 tuổi. Bởi vì, như tôi đã nói đấy, chúng tôi có rất nhiều cách sống khác nhau. Hơn nữa, đất nước chúng tôi cũng tôn trọng quyền tự do cá nhân, có nghĩa là ai cũng có quyền được tự do theo đuổi hạnh phúc riêng mình và chúng tôi hoàn toàn chấp nhận việc bạn muốn lựa chọn sống thế nào”.
Trong khi đó, báo chí trong nước, hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ của ban tuyên giáo Đảng Cộng sản, đặc biệt trong vấn đề phụ nữ, thường không động chạm đến khái niệm quyền mà luôn dẫn dắc người đọc đi lòng vòng với những khái niệm gái ngoan, gái hư, gái ế, gái abc, v.v.. khiến những người phụ nữ tội nghiệp hoang mang với lựa chọn của mình. Bạn có thể tìm thấy gần 550.000 kết quả trên Google khi tra cụm từ “gái ế” với rất nhiều hình ảnh châm biếm, các câu chuyện bi hài về cuộc sống của họ cũng như thậm chí các hội, nhóm chia sẻ thơ vui về gái ế, v.v…

9x Huyền Thương, đồng thời cũng là một phóng viên, chia sẻ:
“Thực chất là việc nhà nước thiếu quản lý cũng do từ hồi xưa người ta đã có truyền thống là con gái đến tuổi là phải lấy chồng. Rồi thì cần phải chính chuyên, v.v. và rất nhiều cái mà người ta áp đặt cho phụ nữ là phải như thế này, như thế kia. Thì cái đấy cũng gọi là truyền thống từ ngày xưa đã như thế. Còn bây giờ người ta vẫn nghĩ như thế, một phần là do thói quen suy nghĩ, lối suy nghĩ như thế cho nên là truyền qua hết thế hệ này đến thế hệ nọ. Thế còn vấn đề truyền thông, theo em bây giờ cũng nên có những biện pháp để mà thay đổi, để mà giúp cho họ có tư duy mở hơn, thay đổi tư duy. Tại vì cuộc sống hiện tại đã có quá nhiều áp lực và người phụ nữ đã có quá nhiều áp lực rồi, cho nên không cần thêm những cái tư tưởng cổ hủ như thế nữa”.

“Một cổ ba bốn tròng” có lẽ là câu tục ngữ không chỉ để nói đến việc người dân Việt Nam phải chịu những khoản sưu thuế nặng nề, vô ích mà còn hết sức phù hợp với thực trạng của phụ nữ Việt Nam hiện tại. Tam tòng, Tứ đức, giỏi việc nước - đảm việc nhà, giữ gìn nét truyền thống, lao động phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại, v.v… giường như vẫn chưa đủ, họ còn phải “lấy chồng cho đúng tuổi”.

Dân số tăng nhanh, mất cân bằng, vượt khỏi kiểm soát của nhà nước. Các phong trào kiểm soát dân số thất bại “đúng quy trình”; tỷ lệ nạo phá thai xếp top 5 thế giới; chất lượng dân số kém cả về mặt thể hình, sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn và ngày càng xuống cấp. Mặc dù vậy, những hủ tục, quan điểm lạc hậu như việc “phải lấy chồng” vẫn “hồn nhiên” được khuyến khích tồn tại trong xã hội Việt, tạo nên một đất nước hỗn loạn, bất ổn giữa tấm bình phong “Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc”.

Tạp chí Trang Phụ nữ tuần này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại các bạn vào kỳ tới.
Mọi chia sẻ, góp ý cho chương trình này xin gửi về địa chỉ email havu082008@gmail.co
m

Không có nhận xét nào: