Pages

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Một góc khác của con người Hồ Chí Minh


Thiếu niên Việt Nam đi ngang qua một cơ sở sản xuất tượng Hồ Chí Minh.Thiếu niên Việt Nam đi ngang qua một cơ sở sản xuất tượng Hồ Chí Minh.
Lâu nay, trên sách báo chính thống trong nước, ai cũng ca ngợi Hồ Chí Minh. Được khen nhiều nhất, ngoài tài lãnh đạo, là khả năng cảm hoá người khác của ông. Theo những bức chân dung do hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản tô vẽ, hầu như bất cứ người nào, từ các chính khách đến các văn nghệ sĩ, từ giới trí thức đến giới bình dân, từ người Việt Nam đến người ngoại quốc, hễ gặp Hồ Chí Minh một lần là kính phục và cảm mến ông ngay tức khắc. Cá tính và tài năng ngoại giao của Hồ Chí Minh gần như trở thành một huyền thoại.

Mới đây, trong một bài hồi ký về nhà thơ Lưu Trọng Lư, kịch tác gia Vũ Đình Phòng, một đảng viên Cộng sản, kể lại những câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Theo ông, ấn tượng mà Hồ Chí Minh để lại trong ký ức của Lưu Trọng Lư là một người “thô lỗ, cục cằn”; dưới mắt Hà Huy Giáp, Hồ Chí Minh là một người “khó tính” và nóng nảy; còn Đỗ Đức Dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thì thẳng thừng gọi Hồ Chí Minh là “một con người vô văn hoá”.
Nhưng Vũ Đình Phòng là ai?
Theo bản tiểu sử in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1997, tr. 520), Vũ Đình Phòng sinh ngày 18 tháng 11 năm 1933 tại Hải Phòng. Năm 1945, ông tham gia Cách mạng tháng Tám, sau đó, vào bộ đội. Năm 1954, trở về Hà Nội, ông làm trong Vụ nghệ thuật Bộ Văn hoá, rồi được cử sang Nga du học (1960-64) về ngành sân khấu. Về nước, ông làm việc ở Quảng Ninh một thời gian rồi về Hội sân khấu. Là hội viên Hội Nhà văn, ông xuất bản một số vở kịch và một số cuốn sách về lý luận và phê bình kịch nghệ. Ngoài ra, ông dịch cũng khá nhiều.
Hiện nay, về hưu, ông vẫn sống trong nước.
Dưới đây, tôi xin trích nguyên văn một số chuyện Vũ Đình Phòng kể liên quan đến Hồ Chí Minh theo bản đăng trên Viet-studies.info
***
“Sau Hiệp nghị Genève, anh [Lưu Trọng] Lư được chuyển ra Hà Nội. Suốt thời gian Kháng chiến, từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc ấy, anh chỉ ở Khu Bốn (miền Trung), chưa được nhìn thấy Bác bao giờ, cho nên ra Hà Nội, anh vẫn ao ước được “nhìn thấy” Bác bằng xương bằng thịt. Năm sau anh được phân về tham gia ban lãnh đạo Vụ Nghệ thuật, và được phân công đặc trách “khối Văn công”. Cuối năm ấy (1956), đột nhiên Vụ nhận được điện thoại từ Phủ Chủ tịch yêu cầu một điều, đại khái: “Mấy hôm nay Bác có vẻ buồn. Yêu cầu Vụ Nghệ thuật cử vài diễn viên ca múa và ngâm thơ lên tiêu khiển cho Bác.” Lệnh còn nói rõ: “Nhất thiết phải có nghệ sĩ ngâm thơ bằng giọng miền Trung.” Nhận được lệnh, anh Lư bàng hoàng, vậy là nhất định phen này sẽ được gặp Bác, thỏa nỗi ao ước bấy lâu, vì chắc chắn anh sẽ phải đích thân dẫn tốp văn công ấy lên Phủ Chủ tịch và có mặt trong lúc các diễn viên biểu diễn. Anh hồi hộp chờ cho mau đến giờ đi.
Lên đến Ba Đình, trong lúc các diễn viên vào một phòng nhỏ trang điểm và thay quần áo, anh thơ thẩn ngoài hành lang tòa nhà, bước chân lững thững và hồi hộp chờ … Đột nhiên anh thấy có bóng người từ cuối hành lang đi đến. Hành lang hơi tối nên lúc đầu anh không nhìn thấy mặt, nhưng anh đoán chính là “Bác”. Dáng người mảnh khảnh và bước chân nhanh nhẹn. Anh thấy tim mình đập mạnh. Anh đứng lại, chờ Bác đến để chào và tỏ lòng tôn kính. Nhưng bất ngờ thay, Cụ bước nhanh đến, cau mặt, gắt luôn: “Không có việc gì để làm à? Mà đứng thơ thẩn, lại hút thuốc thế này? Đi tìm xem có việc gì mà làm đi chứ”. Và trong lúc ông anh của tôi còn đang đứng ngẩn người, chưa biết đối đáp ra sao thì “Cụ” đã thoăn thoắt đi khuất vào hành lang phía đối diện và biến mất…” Đột nhiên anh cảm thấy không ngờ “ông Cụ” thô lỗ, cục cằn thế!” Bao nhiêu điều trước đây anh tưởng tượng ra, về một con người lịch lãm, biến mất sạch. Thay vào đấy là một cảm giác thất vọng tràn trề… ”
Kể xong câu chuyện này anh kết luận. “Đấy là một ấn tượng rất xấu về Bác mà suốt thời gian qua và có lẽ còn lâu sau này nữa, mình phải cố xóa nó đi trong ký ức. Cho đến hôm nay chưa phải đã xóa được hết!”
Về cách thức xử sự này của ông Hồ, về sau tôi đã được ông Hà Huy Giáp kể, sau khi ông nghe tôi đọc bản phác thảo ban đầu kịch bản “Kể chuyện Bác Hồ” (kịch bản sau đấy được viết lại rồi “bị” cưỡng bức nhận thêm tác giả thứ hai… Chính ông này đổi tên kịch bản thành “Người Công dân số Một”).
Ông Hà Huy Giáp kể rằng sau Đại Hội Hai, Đảng ra công khai, đổi tên thành Đảng Lao Động, Sau Đại hội, “Cụ” giữ ông Hà Huy Giáp ở lại (đoàn đại biểu Nam Bộ ra họp hình như chỉ có ba người) giúp Cụ. Ông Hà Huy Giáp ở bên Bác vài tháng. Và ông kể đại khái: “Bác rất nghiêm, nghiêm đến mức khó tính. Nghe thấy tiếng cười bên ngoài là Bác đang gõ máy chữ, cũng chạy ra mắng: “Không có việc gì à? Mà nhăn răng cười cợt thế kia? Tìm việc gì mà làm chứ. Có đống củi kia, ra mà bổ đi…” Cụ khó tính đến nỗi không ai dám bén mảng đến gần phòng của Bác. Chỉ khi Bác cho ai đi gọi thì mới dám đến…
Rồi ông Đỗ Đức Dục (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đảng viên Đảng Dân chủ, sau bị Lê Duẩn cách chức, cho về Viện Văn học). Hôm ấy, nhìn thấy tôi đi ngoài hành lang cơ quan Viện, ông gọi vào để trò chuyện. Nhân nói đến ông Hồ, ông Dục kể: “Một con người vô văn hóa. Đầu năm 1946, hôm Chính phủ Liên Hiệp ra mắt ở Nhà hát Lớn, ông ta nhìn thấy Cụ Tố (Nguyễn Văn Tố) mặc âu phục, ông thô lỗ chạy đến, kéo chiếc cà-vạt Cụ Tố đang đeo ra, gắt: “Sao ông ăn mặc thế này?” (Lúc ấy ông Đỗ Đức Dục là Thứ trưởng Giáo dục)…”
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: