Bẩy mươi năm đi qua, một chặng đường chưa dài so với lịch sử, nhưng nó lại rất dài so với một đời người. Kể từ ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công đến nay, đề tài này vẫn đang là thời sự cho những ai có quan tâm đến hiện tình đất nước. Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, cộng sản Việt Nam thì cho đây là cuộc cách mạng “ long trời lở đất”, đưa đất nước Việt Nam vào một kỷ nguyên mới , kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việt Nam, từ một nước không tên tuổi trên thế giới, trở thành một nước Việt Nam có độc lập,chủ quyền, người dân Việt nam từ một kẻ nô lệ trở thành người làm chủ đất nước v.v... Ở một góc độ khác, cũng rất nhiều người nhìn nhận cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu cho một thảm kịch ra đời và là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Những người này khẳng định nếu không có cách mạng tháng 8 thì đất nước đã khấm khá hơn, dân tộc Việt nam không thể tụt hậu và không có sự nghèo nàn và lạc hậu như ngày nay.
Chúng ta đều biết vào thời điểm đó thế chiến thứ hai đang đi vào giai đoạn kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị hồng quân Nga xô và đồng minh đánh bại. Ở Việt Nam, ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp, tình thế nước sôi, lửa bỏng. Xã hội Việt Nam thời đó vắng bóng các tổ chức chính trị, Việt Nam quốc dân đảng đã đi vào thời kỳ suy thoái, các lãnh tụ của đảng hầu hết tẩu thoát ra nước ngoài; tổ chức Đại việt mới được thành lập mà chủ yếu trong giới sinh viên, chưa có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, phạm vi ảnh hưởng hạn chế.
Vua Bảo đại, một ông vua vô trách nhiệm với đất nước, ham thú vui hưởng lạc; Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật hoàng hối thúc thành lập và bảo trợ, chưa đầy bốn tháng tuổi, ngày15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng sau khi cánh quân Sơn đông ở Trung quốc bị đánh bại và sau vụ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagazaki. Vua Bảo đại và chính phủ Trần trọng Kim hoảng loạn vì không còn chỗ dựa và nhanh chóng tan dã. Thực ra chính phủ Trần trọng Kim không có thực lực, không nắm được quyền điều hành đất nước, chỉ mang hình thức trang trí, nói cách khác là” bù nhìn”.
Đảng cộng sản Việt Nam được sự chỉ đạo, cổ vũ của quốc tế cộng sản là lực lượng duy nhất có sự ảnh hưởng trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Bằng những kinh nghiệm hoạt động lúc bí mật, lúc công khai, nửa công khai từ năm 1930, họ đã biết chớp thời cơ, tập hợp lực lượng quần chúng với những khẩu hiệu đi vào lòng người như “ xóa bỏ bóc lột, người cày có ruộng v.v...” nên Cách mạng tháng 8 được gọi là cuộc cách mạng vô sản đã thành công . Như vậy trong bối cảnh đó một cuộc cách mạng nổ ra như một tất yếu khách quan, nó trở thành cuộc cách mạng vô sản bởi những người cộng sản đã có sự chuẩn bị và biết chớp lấy thời cơ và nếu không có đảng cộng sản thì cách mạng vẫn cứ nổ ra chỉ khác đó là không phải cuộc cách mạng vô sản. Hiển nhiên từ đó Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, kỷ nguyên thoát khỏi ách đô hộ của thực dân.
Tại sao ta tốt thế mà vẫn cứ nghèo?
Việt Nam lúc bấy giờ so với các nước trong khu vực như Malaisia, Philippine, Thái lan, Singapo, Miến điện, ta không hề thua kém họ, nếu không muốn nói có phần nổi trội hơn. Bẩy mươi năm qua đi, ngoảnh lại bỗng thấy ta bị tụt hậu xa so với các nước trên. Theo số liệu mới đây được công bố, Việt Nam có năng suất lao động thấp nhất khu vực châu á Thái bình dương, thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 15% mức trung bình của thế giới, bằng 1/30 Hàn quốc và bằng 1/20 Đài loan, với tốc độ này 100 năm sau ta mới có được một nền kinh tế phát triển như Thái lan hiện nay. Đièu trớ trêu thay đến cả hai nước Lào và Campuchia một số lĩnh vực đã vượt mặt Việt Nam. Chiếc xe Ôtô do người Campuchia sản xuất được trưng lên mạng cho thấy sự phát triển rất đáng kể so với thành tích nước ta đã sản xuất được ốc vít như bộ trưởng Công thương Việt Nam tuyên bố. Mới đây phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với các doanh nhân trẻ Việt Nam “ tại sao ta tốt thế mà vẫn cứ nghèo”?
Thưa ngài phó thủ tướng! Ta nghèo vì cả một quãng thời gian dài, những người chèo lái con thuyền đất nước ta đã đặt lợi ích dân tộc đứng thứ sau lợi ích gọi là “quốc tế vô sản”. Nói theo cách nói cộng sản là “ tình nghĩa quốc tế vô sản cao cả hơn nghĩa tình đất nước”, điển hình là cuộc nội chiến tương tàn giữa hai miền nam- bắc “ ta đánh là đánh cho Liên xô, Trung quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa”( Lê Duẩn, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam). Như vậy là cuộc chiến huynh đệ tương tàn trong suốt 30 năm qua làm cho đất nước tàn phế bao hàm cả yếu tố quốc tế vô sản.
Một thể chế xã hội chủ nghĩa được dập khuôn theo mô hình Liên xô, Trung quốc và các chủ chương, chính sách được nhập khẩu từ hai nước đàn anh trên đã góp phần tàn phá đất nước. Liên xô, Trung quốc xây dựng “ nông trang tập thể”, Việt Nam dồn dân vào hợp tác xã; Trung quốc có “cách mạng văn hóa”, Việt Nam có “ nhân văn giai phẩm”; Liên xô, Trung quốc tiêu diệt các nhà tư bản, Việt Nam có chính sách “cải tạo công thương”. Trung quốc tập trung cải tạo những người xã hội cũ, Việt Nam thành lập các “trại tập trung cải tạo” những người đã bại trận; Liên xô thực hiện chính sách “cải tổ”, Trung quốc tiến hành “ cải cách”, Việt Nam tiến hành “ đổi mới” v.v...
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một thể chế quái gở vì nội hàm của nó chứa đựng đầy những mâu thuẫn , nghịch lý. Ảnh: Internet
Khi Liên xô, các nước đông âu tan dã, Trung cộng phản trắc, Việt Nam ngơ ngác tìm đến các nước tư bản như một kẻ “ tha phương cầu thực”, tự hào là kẻ biết thức thời. Chính sách “ lá mặt, lá trái” không thể che mắt được thiên hạ, cộng sản Việt Nam một mặt hổ thẹn vì đất nước tụt hậu, nguy cơ dẫn đến phá sản chế độ nên sốt ruột đẩy nhanh phát triển kinh tế mà lối duy nhất là phát triển tư bản, mặt khác cố níu bám lấy thể chế độc tài vì ở đó họ được tận hưởng những đặc quyền đặc lợi một cách vô tận. Trên tinh thần đó, một thể chế vận hành được ra đời đó là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một thể chế quái gở vì nội hàm của nó chứa đựng đầy những mâu thuẫn , nghịch lý. Vì chủ nghĩa xã hội bản chất của nó là nền kinh tế tập trung, công hữu về chế độ sở hữu là trung tâm, nòng cốt của bản chất chế độ. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Đó là lý do Việt Nam đang kêu gào các nước phát triển công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, nhưng đều bị thế giới quay lưng lại.
Một thể chế chính trị độc tài là tác nhân gây ra sự nghèo đói. Trên thế giới chưa có một nước cộng sản nào trở thành giàu có. Liên xô, Trung quốc chưa thể bước vào ngưỡng cửa của các nước phát triển, Việt Nam, Cu ba, Bắc hàn đang trong tốp nghèo nhất thế giới. Đó là hình ảnh thực tế không thể chối cãi.
Tại sao ta nghèo! Ta nghèo chính vì ta có đội ngũ “ tiên phong” cầm lái con thuyền ngơ ngác trước những diễn tiến của thời cuộc, không đủ cả tâm, không đủ cả tầm để chèo lái con thuyền.
Cách mạng tháng tám đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, đó là hiển nhiên, nhưng cũng nhận thấy rằng cách mạng tháng tám cũng đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên tụt hậu một cách thê thảm.
Vi Đức Hồi
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét