Pages

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Xóa tên trong kỷ yếu vì 'lệnh miệng'?

Image copyrightFacebookNguyenDongThuc
Image captionTrên Facebook, nhà văn Nguyễn Đông Thức (trái) nói việc báo Tuổi Trẻ gạch tên Đỗ Trung Quân (phải) trong kỷ yếu là 'nhỏ mọn, không đàng hoàng'
Đang có tranh cãi quanh việc một tờ báo lớn tại Việt Nam, Tuổi Trẻ, không đưa nhà thơ Đỗ Trung Quân, từng làm ở báo, vào kỷ yếu 40 năm thành lập.
Câu chuyện ban đầu được nhà báo, nhà văn Nguyễn Đông Thức viết trên Facebook hôm 2/9:

“Báo Tuổi Trẻ có mời tôi viết một bài trong cuốn ‘Chuyện nghề - Chuyện người’, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập.
Trong phần liệt kê các tên tuổi văn chương sau 1975 xuất hiện từ những ngày đầu trên Tuổi Trẻ, tôi nhắc hàng loạt tên, trong đó có nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả của những bài thơ ‘Quê hương, Phượng hồng, Những bông hoa trên tuyến lửa’... Ông cũng đã có hơn 12 năm làm phóng viên Tuổi Trẻ.
Trong bài viết, tôi chỉ nhắc chung tên ông trong hàng loạt cái tên nhà thơ trẻ cùng thời thập niên 1980, như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Thái Dương, Thanh Nguyên, Bùi Chí Vinh, Cao Vũ Huy Miên, Đoàn Vị Thượng...
Nhưng khi in sách, cái tên Đỗ Trung Quân trong bài viết của tôi đã... biến mất.”
Ông Thức nói thêm: “Đỗ Trung Quân hiện đang nằm trong ‘danh sách đen’, sau khi ông hăng hái tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo và có tên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn Độc Lập (tất cả những điều này có gì là sai ở một đất nước đã tự nhận là có tự do, dân chủ?)... Cũng như vài bạn cùng chí hướng, ông đang bị phong toả về kinh tế, không cho xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, xuất bản, báo chí và coi như thất nghiệp”.
“Việc những người biên tập tập sách ở báo Tuổi Trẻ xoá tên ông Quân trong bài viết của tôi, về một thực tế đã có, chẳng chút liên quan gì đến chính trị, cho thấy đây là một hành động nhỏ mọn, không đàng hoàng, tử tế,” ông Thức viết.

‘Không buồn, chỉ buồn cười’

Hôm 3/9, trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, nhà thơ Đỗ Trung Quân nói:
“Tôi không buồn, không ngạc nhiên, chỉ buồn cười khi biết về chuyện mình bị phủ nhận. Đó không phải là cách hành xử của lãnh đạo một tờ báo lớn. Họ không thể phủ nhận chuyện tôi đã làm ở Tuổi Trẻ 12 năm và chỉ tôi mới có thể phủ nhận quá khứ của chính mình”.
Ông Quân nói không chỉ mình ông mà còn nhà báo Huy Đức, nhạc sĩ Tuấn Khanh, những người từng có đóng góp cho danh tiếng của Tuổi Trẻ cũng bị ‘lờ đi’ trong kỷ yếu.
Ông Quân nhấn mạnh rằng mình ‘không có án’ và việc báo Tuổi Trẻ phủ nhận ông có thể là do ‘lệnh miệng’ từ Ban Tuyên giáo.
“Tôi cho rằng chỉ một số người trong Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ có cách hành xử này chứ không phải toàn bộ. Tuy tôi đã nghỉ Tuổi Trẻ từ lâu nhưng những đồng nghiệp khác ở báo này vẫn giữ mối liên hệ thân tình với tôi”, ông Quân nói.
Ông Quân nói ông không bao giờ hối tiếc về chuyện đã lên tiếng chống Trung Quốc ‘với tư cách một người cầm bút và một công dân Việt Nam’.

‘Còn nhiều người khác không được nhắc tên’

Hôm 3/9, ông Lưu Đình Triều, cựu nhà báo ở Tuổi Trẻ và là một trong những người biên tập cuốn ‘Chuyện nghề - Chuyện người’, nói với BBC Tiếng Việt:
“Tôi không nhớ rõ về chuyện cuốn sách loại tên ông Quân và cũng không theo dõi status trên Facebook của ông Thức. Tuy vậy, có nhiều người từng làm ở Tuổi Trẻ cũng không được nhắc tên trong kỷ yếu chứ không riêng các ông Đỗ Trung Quân, Huy Đức và Tuấn Khanh”.
Trong khi đó, viết trên Facebook, ông Đỗ Trung Quân nói thêm: "Câu chuyện nhỏ - không đủ sức gây buồn cho cá nhân tôi - nó chỉ gây cái buồn cười bởi sự trưởng thành của những người cầm nắm đôi khi lại không theo kịp cái bóng lớn của một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ."

Không có nhận xét nào: