Đây là cảnh mà giới hay bia rượu ở Hà Nội vẫn thường chứng kiến: Đồng hồ chuẩn bị điểm lúc nửa đêm là xe cảnh sát lao tới. Nhạc bị tắt và tiếng loa phóng thanh nổi lên: “Đã đến giờ đóng cửa.” Đa số mọi người ra về trong tâm trạng bực bội. Những người khác chán nản tỏa ra tìm nơi khác làm thêm một ly.
Trong ba năm sống ở thủ đô, tôi liên tục nghe cả người địa phương lẫn khách nước ngoài phàn nàn về giờ đóng cửa sớm của các quán rượu Hà Nội.
Tôi vẫn thấy khó chịu mỗi khi gặp bạn bè bên ly rượu lại không thể tránh khỏi bị lực lượng thi hành luật thiếu trí hài hước can thiệp mà không lời giải thích.
Tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể đi chơi muộn ở mọi nơi khác ở Việt Nam, trong đó có Huế (là thành phố bảo thủ hơn), nhưng trừ Hà Nội.
Tôi từng nghe giải thích đây là vấn đề an ninh công cộng. Nhưng chắc rằng để mọi người vui vẻ uống rượu trong quán bar thì vẫn hơn là tụ họp ngoài phố với cảm giác bất mãn, chán nản?
Và đúng là lái xe trong lúc say rượu là vấn đề lớn, nhưng có những cách hiệu quả hơn để đối phó với nạn này (mà theo ý tôi, đây là lĩnh vực cảnh sát có thể thực sự tập trung nỗ lực giải quyết).
Điều này cũng không mấy hợp lý nếu nhìn từ khía cạnh kinh tế. Quán rượu và câu lạc bộ đêm ở các thành phố lớn thường làm ăn khá thịnh về đêm. Hà Nội chắc hẳn đang bỏ lỡ bộn tiền mỗi tối.
Vấn đề quán rượu gần đây bắt đầu gây chú ý trên truyền thông. Một loạt bài được đưa lên mạng xã hội trong vài tuần qua, cho rằng khách du lịch chán do thiếu vắng hoạt động ban đêm.
Bài báo trên tờ Dân Sinh phỏng vấn một số người nước ngoài phàn nàn về vấn đề này. Một người từ Anh nói: “Đầu tiên tôi thấy rất tò mò [về quán bar] do mọi thứ còn mới. Đến hôm thứ Hai tôi quay lại đây và gọi một chai bia. Nhưng đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu thấy chán vì chẳng còn gì để làm.”
Một du khách người Mỹ, 30 tuổi, nói anh bị vướng vào vòng luẩn quẩn “ăn đồ ăn đường phố, uống bia, tối về nhà sớm.” Anh nói thêm, tôi yêu Việt Nam, nhưng điểm đến yêu thích của tôi là Thái Lan. Tôi có khoảng thời gian rất vui ở đó và tôi sẽ quay lại vài lần nữa.”
Tuy hoàn toàn hiểu được quan điểm này, tôi nghĩ những lời nói trên cho thấy vấn đề sâu hơn, đáng lo ngại hơn hiện tượng đóng quán sớm, là suy nghĩ về việc du khách đến Việt Nam chỉ để ăn và uống.
Ở đất nước còn có rất nhiều điều đáng xem – phong cảnh đẹp tuyệt vời, văn hóa đầy mê hoặc, lịch sử độc đáo – thì đây là nhận xét thật đáng buồn.
Theo tôi có hai vấn đền liên quan tới nhau đằng sau câu chuyện này. Trước tiên là thiếu sự đa dạng cho khách du lịch.
Dù là mỗi khách du lịch có xuất thân hay mối quan tâm khác nhau thế nào đi nữa, trải nghiệm du lịch của họ ở Việt Nam gần như giống nhau.
Các tour du lịch hầu như lặp lại, khách sạn và khu nghỉ dưỡng bên biển không mấy khác nhau, và vâng, hầu hết quán rượu lẫn nhà hàng đều đóng cửa sớm vào buổi tối.
Dường như ít có nghiên cứu thị trường nhắm tới các nhóm khách du lịch khác nhau muốn gì khi tới Việt Nam.
Thương hiệu rõ ràng
Vấn đề thứ hai là thiếu một bản sắc rõ nét. Ẩm thực đường phố và bia tươi Việt Nam được biết đến trên toàn thế giới, nhưng những trải nghiệm còn lại ở Việt Nam thì rất khó để định lượng, mặc dù đất nước này đã được quảng cáo vài lần qua nhiều chương trình truyền hình.
Khách du lịch biết họ sẽ nhận được gì từ một kỳ nghỉ ở Thái Lan hay Malaysia, bởi những nước này đã tiêu cả đống tiền vào các chiến dịch tiếp thị và đầu tư hợp lý vào các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Mỉa mai thay, tôi nghĩ Việt Nam cũng có ngang thế, thậm chí là hơn những điểm đến kia, nhưng thông điệp lại không mạnh mẽ bằng. Họ không có một thương hiệu rõ ràng, cụ thể.
Trong phim quảng cáo gần đây của Bộ Ngoại giao - mà có lẽ lấy cảm hứng từ đoạn phim du lịch ngắn của đạo diễn người Nga, Georgy Tarasov trên Vimeo – cho thấy đã có tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực này. Nhưng thông điệp quảng cáo đi kèm vẫn nói Việt Nam là đất nước “hòa bình, ổn định và phát triển”, “giàu nhân văn, sức sống mạnh mẽ, không ngừng phát triển và là điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.”
Đây là những tình cảm đẹp khó có thể tranh cãi, nhưng chúng rất trừu tượng. Không một lời nào trong đó khẳng định được “đây là Việt Nam”.
Với khách du lịch, tôi muốn gợi ý rằng, nếu bạn đã tốn khá nhiều thời gian lẫn tiền bạc để đến Việt Nam, bạn nên tìm hiểu xem có hoạt động gì khác ngoài việc ăn và uống (dù những hoạt động này cũng vui đấy).
Có rất nhiều thông tin trên mạng về những địa điểm hay và những nơi không thể bỏ lỡ.
Vâng, thật khó chịu quán rượu đóng cửa lúc nửa đêm, thậm chí còn sớm hơn thế. Nhưng nếu muốn thức cả đêm nhậu nhẹt thì các bạn có thể làm ở đất nước của các bạn (và chắc là tốn tiền hơn nhiều).
Ở nhiều nước châu Á có văn hóa đi ngủ sớm và dậy sớm. Tôi cuối cùng cũng học được cách thích nghi với văn hóa này. Không dễ, nhưng nếu bạn làm được thì sẽ có thành quả.
Việt Nam rất đẹp vào sáng sớm. Khung giờ yêu thích của tôi là khoảng 6 giờ sáng, khi trời còn mát và người đủ mọi lứa tuổi, thành phần ra tập thể dục, uống cà phê và ăn sáng cùng nhau. Với tôi, điều này cũng hay như một buổi tối thức khuya nhậu nhẹt với bạn bè.
Điểm cuối cùng là, việc vấn đề này được đưa ra bàn tán rộng rãi là rất tốt. Dần dần, vấn đề trong ngành công nghiệp du lịch đã gây được chú ý trên truyền thông và chính quyền dường như đang lắng nghe.
Hồi tháng Sáu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói với báo chí rằng, giao thông nguy hiểm, thực phẩm mất vệ sinh, ô nhiễm, trộm cắp, người ăn xin và bán hàng đắt đỏ khiến khách du lịch có trải nghiệm xấu ở Việt Nam.
Cho dù những vấn đề này chưa được giải quyết thấu đáo tới mức có thể thấy được hiệu quả, thì ít nhất cũng đã có bàn luận công khai.
Và hy vọng rằng bài viết này sẽ thêm vào cuộc thảo luận với nhiều người bàn về nó trên bàn ăn hay bên chầu bia, ít nhất, là cho tới trước khi xe cảnh sát đến.
Tác giả là một nhà báo tự do, từng sống và làm việc ở Việt Nam và đã viết cho các báo như The Guardian, The Diplomat cùng một số bài cho trang web bbcvietnamese.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét