Pages

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Kẻ nào đang run sợ sau cái chết của cháu Đỗ Đăng Dư ?


Me DuNguyễn Tường Thụy
Hành động khủng bố, thương lượng với gia đình cho thấy âm mưu che lấp sự thật của những kẻ gây nên tội ác, đồng thời cũng nói lên chúng đang run sợ…
Cháu Đỗ Đăng Dư 17 tuổi, ở thôn Đông Cựu xã Đông Phương Yên huyện Chương Mỹ TP Hà Nội đã qua đời ngày 10/10/2015. Cái chết của cháu đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên công luận. 

Đỗ Đăng Dư bị bắt ngày 5/8/2015 rồi giam ở trại tạm giam Xa La, Hà Đông do hành vi lấy trộm tiền của hàng xóm. Ngày 4/10/2015, công an đã đưa cháu Dư cấp cứu ở bệnh viện Hà Đông rồi chuyển sang bệnh viện Bạch Mai vào ngày 5/10/2015 trong tình trạng chỉ còn như một cái xác. Cháu đã qua đời ngày 10/10/2015. Ngay từ khi công an đưa cháu Dư đi cấp cứu, thông tin này đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng. Tuy vậy, chỉ một ngày sau khi cháu Dư chết, báo chí nhà nước mới thông tin về vụ này và gần như cùng một lúc.
Cứ ngỡ báo chí đã vào cuộc nhưng đó chỉ là những thông tin một chiều đăng lại thông báo của cơ quan điều tra Hà Nội. Nội dung chủ yếu của các bài báo này là cháu Dư chết là do bị phạm nhân cùng buồng đánh. Không có lấy một bài báo nào phản biện thậm chí đặt ra một câu hỏi nghi vấn. Ngược lại, họ còn xoáy vào tội ăn cắp của cháu Dư tới những 4, 5 lần, vào việc gia đình ghét bỏ đứa con hư, tạo người đọc cảm giác Dư chết là đáng đời.
Thông tin thủ phạm là Vũ Văn Bình cùng buồng giam đánh chết Đỗ Đăng Dư rất khó tin. Nhiều người phân tích, đặt ra những đầy rẫy những nghi ngờ, cho rằng công an đã tìm được kẻ thế tội. Những bài viết phản biện phân tích một cách khá thuyết phục.
Trả thù bất chấp việc làm bất nhân thất đức
Nếu đơn giản chỉ là phạm nhân Vũ Văn Bình đánh chết Đỗ Đăng Dư thì việc gì chúng phải cay cú tới mức trả thù anh Trương Văn Dũng một cách ngang nhiên đến thế. Ngày 16/10/2015, một đoàn 23 người gồm những người hoạt động trong các hội nhóm xã hội dân sự và bà con dân oan Dương Nội, Bình Định, Đồng Nai đến chia buồn với gia đình cháu Đỗ Đăng Dư. Khi câu chuyện được chừng mươi phút thì gần chục tên xông vào tận nhà lôi anh Trương Văn Dũng ra đánh. Chúng gọi đích danh anh, kể tội anh đã kích động trong vụ cháu Dư chết. Khi bị mọi người phản ứng và bị chủ nhà đuổi ra, chúng đuổi xe ra xa để mọi người phải đi bộ, tạo cơ hội đánh anh Dũng một lần nữa. Lần này thì chúng đánh anh ngay tại khu vực ủy ban xã Đông Phương Yên. Nếu vụ trả thù anh Dũng không do công an tổ chức thì làm sao chúng dám hành hung người ngang nhiên như thế. Làm sao chúng nhận diện đúng và gọi đúng tên anh.
Trương Văn Dũng là người đã luôn bên cạnh gia đình trong 6 ngày ở bệnh viện Bạch Mai. Anh có mặt để an ủi, tư vấn cho gia đình và đặc biệt có những đoạn video rất có ý nghĩa về cảnh công an canh chừng ở bệnh viện, cản trở, gây chuyện với những người đến chia sẻ với gia đình. Nếu chỉ đơn giản Dư bị phạm nhân đánh chết thì làm gì họ phải lo sợ đến thế. Chúng cay cú tới mức bất chấp cả việc làm bất nhân thất đức, xông vào nhà đánh người ngay khi gia đình có tang.
Vận động gia đình rút đơn
Ngay trong ngày chúng tôi đến chia buồn với gia đình cháu Dư, bà Đỗ Thị Mai mẹ cháu đã viết đơn gửi Cao ủy Liên Hợp Quốc. Trong đơn, bà Mai cho rằng “cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc” và đề nghị “Cao ủy Liên Hợp Quốc vào cuộc để làm rõ”.
Sự lo sợ từ phía những kẻ hãm hại cháu Dư càng rõ hơn khi trong mấy ngày liên tiếp, chính quyền địa phương đến vận động gia đình rút lá đơn nói trên ngay sau khi nó được đưa lên mạng. Qua điện thoại, bà Mai cho chúng tôi biết :
“Sáng nay họ đến bảo chúng em bây giờ gia đình nên rút đơn về thì người ta sang bồi thường ít nhiều. Nếu không, cái người kia đi tù là xong, gia đình không được lợi ích gì nữa. Em cũng chỉ bảo, con nhà em cháu đi là khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật gì. Bây giờ em chỉ đòi lại công bằng cho con nhà em chứ em chẳng mong muốn cái gì. Chết thì chết rồi cũng chẳng lấy lại được. Em sẽ theo đuổi đến cùng, không bao giờ em rút đơn đâu. Trước khi về, họ còn hẹn đến nữa”.
Thêm một lần kẻ ác muốn dùng tiền để lấp liếm tội lỗi nhưng thất bại. Là một người ít hiểu biết về pháp luật và gia đình rất nghèo nhưng bà Mai đã dứt khoát chọn con đường đi tìm công lý cho con. Đây là điều rất quý ở những người nông dân thường là an phận thủ thường, vốn không muốn những điều rắc rồi.
Việc kiên quyết đòi công lý cho con, không màng đến việc bối thường của gia đình bà Mai là con đường sáng. Tôi hiểu, để có được quyết tâm này còn nhờ tác động của những anh chị em hoạt động phản biện xã hội đã sát cánh với gia đình bà kể từ khi cháu Dư vào viện cấp cứu mà cái giá phải trả của họ là bị trả thù.
Rõ ràng, đằng sau cái chết của cháu Dư còn rất nhiều uẩn khúc. Mặc dù Giám đốc công an Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ vụ việc này nhưng khó hy vọng vụ việc được phơi bày toàn bộ ra ánh sáng, nhất là các vụ án liên quan đến trách nhiệm của công an. Mọi việc sẽ được lấp liếm, dàn xếp.
Hy vọng vào sự minh bạch như thế là ngây thơ. Vụ công an đánh chết người tại trụ sở công an Tuy Hòa với nụ cười tươi giễu cợt công lý của kẻ ác tại tòa, vụ tên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh chỉ bị 4 năm tù khi đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vì không đội mũ bảo hiểm và nhiều vụ khác chứng tỏ điều đó.
Hành động khủng bố anh Trương Văn Dũng, thương lượng với gia đình cho thấy dấu hiệu âm mưu che lấp sự thật của những kẻ gây nên tội ác trong vụ án cháu Đỗ Đăng Dư, đồng thời cũng nói lên chúng đang run sợ, cho dù vẫn trông cậy sự dàn xếp dựa vào quyền lực của bè đảng chúng.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 19/10/2015 (nguyentuongthuy’s blog)
**************************
Luật sư vụ Đỗ Đăng Dư hứa ‘sẽ làm hết mình’ (BBC, 18/10/2015)
runso3
Luật sư Trần Thu Nam cho hay các luật sư sẽ làm tất cả để làm sáng tỏ sự thực về cái chết của bị can 17 tuổi Đỗ Đăng Dư.
Một luật sư trong vụ bị can vị thành niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại giam của Công an Hà Nội nói các luật sư ‘sẽ làm tất cả’ để đảm bảo cho sự thực khách quan trong vụ việc được đưa ra ánh sáng.
Trao đổi với BBC tuần này, Luật sư Trần Thu Nam, một trong mười bốn luật sư đã gửi thư kiến nghị lên chính quyền về vụ Đỗ Đăng Dư và là luật được gia đình nạn nhân, bị hại trong trại giam này mời bảo vệ lợi ích hợp pháp trong vụ án, nói :
“Chúng tôi đã vào cuộc một cách nhanh chóng, sau khi làm đơn trình báo của các luật sư, thì hôm nay, tất cả các luật sư đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Dư, cho gia đình người bị hại trong vụ án mà cháu Dư bị đánh chết”, luật sư nói với Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm.
“Tiếp theo nữa, chúng tôi đã soạn những văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Chương Mỹ để yêu cầu cung cấp cho gia đình những văn bản tố tụng như là các lệnh bắt giữ, rồi các lệnh tạm giam, rồi các lệnh khởi tố đối với cháu Dư trong hồ sơ vụ án mà cháu Dư là bị can vụ án trộm cắp.
“Để chúng tôi đánh giá xem việc mà đã tạm giữ, tạm giam của cháu Dư đã có đúng pháp luật hay không và chúng tôi sẽ làm tất cả những việc theo trình tự quy định của pháp luật để xác định ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Dư có đúng là cháu Vũ Văn Bình đánh không, hay là những đối tượng nào khác, thì chúng tôi sẽ phải xác định…”, ông Trần Thu Nam nói với BBC.
Hôm 12/10, một thư kiến nghị dưới dạng ‘Đơn trình báo’ đã được nhóm luật sư 14 người thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong đó có các luật sư Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Hà Luân, Hoàng Văn Hướng, Phan Hữu Thư, đã được gửi tới Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đề nghị chính quyền điều tra, xác minh vụ việc.
Tiếp tục trợ giúp
Hôm 16/10, trên trang Facebook cá nhân của mình, Luật sư Trần Thu Nam cập nhật thêm về việc các luật sư tiếp tục trợ giúp trong vụ án Đỗ Đăng Dư.
Ông viết : “Hiện nay có thêm Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Hồng Thái và cộng sự của Luật sư Nguyễn Hồng Thái sẵn sàng tham gia tố tụng hoặc các kiến nghị khác để trợ giúp cho gia đình.
“Ngoài ra, còn hai nữ Luật sư sẵn sàng sát cánh cùng người phụ nữ mất con là bà Đỗ Thị Mai trong vụ án.
“Tôi sẽ thông báo các thông tin này đến gia đình bà Mai biết để làm các thủ tục mời Luật sư theo Luật định.
“Khi nào hoàn tất các thủ tục tôi sẽ công khai danh tính của các nữ Luật sư sau.
runso4
Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) từ Đức cho rằng có thể nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã qua đời sớm hơn ngày 10/10 không như những gì đã được loan báo.
“Chúng tôi, các Luật sư xin chia sẻ nỗi đau mất mát cùng cha, mẹ của cháu Đỗ Đăng Dư !”, Facebook của Luật sư Nam viết.
Tin cho hay, gia đình nạn nhân là bị can vị thành niên Đỗ Đăng Dư, người bị thiệt mạng hôm 10/10 trong Trại Giam số 3 ở Hà Nội, đã gửi đơn cầu cứu tới Cao ủy Liên Hiệp Quốc.
Trong lá đơn được gửi một tuần sau cái chết của con trai mình, bà Đỗ Thị Mai, mẹ của nạn nhân hôm 16/10 đã yêu cầu làm sáng tỏ cái chết. Lá đơn viết :
“Ngày 10/10/2015, con trai tôi là Đỗ Đăng Dư đã tử vong sau hơn hai tháng bị tạm giam trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội.
“Cái chết của con trai tôi quá nhiều uẩn khúc, gia đình tôi không tin rằng con trai tôi bị bạn tù đánh chết”.
Có nhiều dấu hỏi
Tại bàn tròn trực tuyến của BBC hôm 15/10, ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, một trong số nhiều nhà hoạt động trên mạng xã hội đã theo dõi và bình luận về vụ Đỗ Đăng Dư, cho rằng có nhiều ‘dấu hỏi và mâu thuẫn’ trong vụ nạn nhân này bị một ‘bạn tù đánh chết’ trong trại tạm giam.
Trình bày quan điểm dưới dạng những giả thuyết, blogger từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức nói :
“Bà (Đỗ Thị) Mai mẹ của cháu Dư có nói rằng lúc 10h ngày 4/10, công an gọi bà đến trại giam để nhìn thấy con, cái sự việc bị đánh này xảy ra lúc 8h30 theo báo chí (Việt Nam), đến 10h, công an gọi bà đến trại để nhìn con, tất cả những kinh nghiệm của tôi ở trong trại giam (cho thấy rằng) không bao giờ công an người ta gọi người nhà đến ngay lập tức như thế, trừ trường hợp đã tử vong.
“Và ở trong vấn đề này, bà Mai nói rằng khi bà đến nơi rồi, bà nhìn thấy con bà không nói năng gì và đang nằm bất tỉnh, có thể bà Mai chưa thể khẳng định được rằng con bà còn sống lúc ấy hay không. Cho nên tôi hỏi rằng sau đấy một quá trình người ta chuyển đi thì không ai thấy cháu Dư đều ở trạng thái mê man, bất tỉnh, mà nhiều người nói rằng là có nước vàng rỉ ra.
“Tôi nghĩ nguyên nhân tử vong này bây giờ phải làm rõ ràng nó xảy ra lúc 18h30 của ngày 10/10 hay nó xảy ra ngay lúc mà xảy ra sự việc, tức là 8h30 ngày 4/10 xảy ra sự việc ‘đánh nhau’ ? Mười giờ thì công an gọi bà Mai vào. Tất cả những trường hợp mà tôi đã từng kinh qua trong các nhà tù, thì không bao giờ… Ở trong nhà tù thì họ đánh nhau nhiều và đi viện rất là nhiều, và họ thậm chí vài ba ngày hôm sau họ về, họ cũng chẳng báo gia đình.
“Bệnh viện lại đưa người tù đó trở về, còn trường hợp bị gãy xương tay phải bó bột, hoặc là liệt tay, liệt chân, thì cũng phải một, hai tháng sau người nhà lên thăm thì mới biết, chứ họ không bao giờ họ gọi. Ở trong trường hợp này có một điểm rất đặc biệt, trái với mọi quy luật bình thường là chỉ 8h30 xảy ra việc đánh nhau, 10h công an đã gọi gia đình lên, và gia đình lên chỉ nhìn thấy cháu Dư đang ở trong trạng thái bất tỉnh, và từ lúc 10h của ngày 4/10 ấy đến lúc nhận xác đều hoàn toàn bất tỉnh.
“Cho nên tôi nghĩ rằng, thời điểm của cái chết này cần phải làm rõ. Cái việc mà khám tử thi, cháu Dư đã nằm ở trong một thời gian điều trị, thì các bác sỹ có thể chụp siêu âm, cắt lớp, họ có thể xác định được nguyên nhân tử vong hay nguyên nhân bệnh lý, hoàn toàn họ có thể xác định được rồi, ngay ở trong thời điểm mà họ ở bệnh viện rồi, cho nên việc khám nghiệm tử thi, tôi hoàn toàn tôi thấy rằng việc ấy chỉ mang tính chất thủ tục”, ông Bùi Thanh Hiếu nêu quan điểm.
Điều không bình thường
runso5
Luật sư Trần Quốc Thuận nói vụ Đỗ Đăng Dư đã đang làm công luận liên hệ tới ít nhất 226 người bị chết trong các trại giam ở Việt Nam vài năm trở lại đây.
Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận về vụ án, ông nói : “Bà Đỗ Thị Mai được gọi vào và vào thì không cho vào, ở đây gọi vào bảo là con bị bệnh thế này, thế kia, thế thì gọi vào như vậy, tôi cho là một hiện tượng không bình thường.
“Bởi trong trại giam, chuyện đánh đập bị thương tật, như có luật sư mới trình bày, như (ý kiến) của anh Bùi Thanh Hiếu trình bày, thì tôi cho rằng chuyện đánh nhau trong trại giam rồi bị thương tật này kia, nhưng mà tự nhiên có người gọi gia đình chạy vào rồi thế này, thế kia, thì đó là… những hiện tượng đó không bình thường.
“Những hiện tượng đó làm cho người ta liên hệ đến là trong các năm vừa qua đến 226 người bị bắt, rồi bị chết trong trại giam vì lý do này, vì lý do khác, v.v… người ta suy nghĩ đến chuyện đó. Cho nên tôi nghĩ người ta sốt ruột rồi cho… công an nên an toàn trong các trại giam, đây là trại giam của các trẻ em vị thành niên, tức là dưới 18 tuổi, thì dĩ nhiên là trong thông báo mà báo chí đăng, dường như đọc, thấy nó có vẻ hoàn toàn là đúng luật cả.
“Nào phê chuẩn trại giam thiếu niên, rồi ba cháu kia (giam chung) cũng thiếu niên này kia, thì hình như không có chuyện gì. Nhưng mà (cái) tự nhiên không có chuyện gì đó, cần phải điều tra nó có chuyện gì trong cái không có chuyện gì đó”, Luật sư Thuận nói với BBC.
Hôm thứ Năm, từ Đà Nẵng, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất cũng bình luận thêm về vụ Đỗ Đăng Dư, đặc biệt là từ góc nhìn, động thái của giới luật sư và giới báo chí, ông đề xuất cần làm gì để làm giảm thiểu các vụ việc như đã xảy ra với bị can vị thành niên mới tử vong ở tuổi 17 ở Hà Nội.
“Trong những vụ việc như thế này, thì làm sao để hai lực lượng chúng ta tự tham gia thế nào để làm đối trọng, để làm giảm bớt cái oan sai và những cái gọi là tự tung, tự tác ở phía cơ quan điều tra. Đó là lực lượng luật sư và báo chí”, ông Trương Duy Nhất nói.
Tuần qua, trên mạng xã hội và dư luận tiếp tục có nhiều bình luận về vụ việc Đỗ Đăng Dư bị thiệt mạng, một số cho rằng chính quyền nên có lời xin lỗi ‘công khai’ và ngay lập tức trước với gia đình nạn nhân trên truyền thông đại chúng về việc để vị thành niên này bị chết trong trại tạm giam, thay vì là ‘giữ im lặng’.
Cũng có những ý kiến khác đặt dấu hỏi về việc liệu lãnh đạo công an thành phố Hà Nội đã ‘làm tròn trách’ nhiệm hay chưa trong vụ Đỗ Đăng Dư, trong khi đó, việc để tới ít nhất 226 nạn nhân thiệt mạng trong các trại giam trong vài ba năm trở lại đây, theo số liệu được truyền thông Việt Nam loan bố, có thuộc ‘pham vi trách nhiệm’ của lãnh đạo Bộ công an và ngành này hay là không ?
****************************
Chính quyền yêu cầu gia đình Đỗ Đăng Dư rút đơn gửi Liên Hiệp Quốc (RFA, 19/10/2015)
runso6
Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015. Photo Nguyen Dinh Ha/luatkhoa.org
Vụ việc thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại tạm giam Công an Hà Nội đang được nhóm hơn chục luật sư trong nước yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm pháp luật suốt quá trình bắt giữ, tạm giam cho đến khi chết. Ngoài ra vụ việc cũng được nói đã được trình đến cơ quan phụ trách vấn đề nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Yêu cầu rút đơn ?
Bà Đỗ thị Mai, mẹ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư, vào sáng ngày 19 tháng 10 cho biết về việc có người đến gia đình yêu cầu rút đơn gửi đến cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc trình bày về cái chết của người con mà bà này cho là oan ức :
“Ông ấy bên Hội đồng Nhân dân sang khuyên chứ không phải bên công an. Ông ấy sang bào nhà tôi rút tờ đơn không làm gì nữa để bên công an người ta sang bồi thường ít nhiều, lấy tiền ở nhà hay sang xã lấy. Tôi bảo bây giờ đã ủy quyền hết cho luật sư rồi thì phải tham khảo luật sư ; chứ tôi không nói gì”.
Bà này nói rằng do bản thân cũng như gia đình không biết gì nhiều về luật pháp nên mọi việc đều phải hỏi ý kiến của luật sư giúp gia đình trong vụ việc này là luật sư Trần Thu Nam.
“Pháp luật tôi không hiểu như thế nào do tôi ít học, không được học mấy nên về pháp luật nhờ luật sư giúp đỡ, chứ tôi không biết gì đâu”.
Chúng tôi cũng được luật sư Trần Thu Nam nói về thông tin gia đình hỏi ý kiến ông về việc tiếp xúc với cơ quan Liên Hiệp Quốc :
“Việc họ liên lạc với bên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì có một kênh khác có người bên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tiếp xúc với gia đình. Họ có hỏi tôi tư vấn gì không thì tôi nói nếu đúng người bên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nắm vụ việc thì sẽ được bảo vệ tốt hơn. Nếu có cơ quan quốc tế nhân quyền lên tiếng thì sẽ có tác động rất lớn đối với chính phủ Việt Nam. Tôi chỉ biết tư vấn cho họ về những vấn đề hợp tác với Cao ủy thôi ; chứ còn việc tiếp xúc với Cao ủy như thế nào, ai là người đưa đến thì tôi cũng không được rõ lắm và tôi cũng không có tư vấn về việc đó”.
Còn về việc có người đến yêu cầu gia đình rút đơn gửi đến cơ quan Liên Hiệp Quốc thì luật sư Trần Thu Nam cho biết ông chưa được gia đình chính thức thông báo ; và luật sư Trần Thu Nam đề nghị nên cẩn trọng về thông tin này :
“Việc này thì tôi có nghe trên phương tiện thông tin đại chúng và facebook thôi. Thực ra gia đình chưa có ý kiến và chưa hỏi về vấn đề này với tôi. Thực ra mà nói đó chỉ là thông tin thôi, còn nó có thực sự hay không thì lại là vấn đề khác… Có thể người nào đó bắn tin, cho nên chúng ta không nên quá vội vàng khi đánh giá sự việc, kể cả thông tin của gia đình vì gia đình chưa thể đánh giá sự việc đó có đúng sự thật hay không, hay đối tượng nào đó gây nhiễu sự kiện này. Cho nên chúng ta phải hết sức tỉnh táo khi phán xét một sự việc mà theo luật sư là phải có chứng cứ”.
Hỗ trợ từ các tổ chức xã hội dân sự
Thông tin về việc cháu Đỗ Đăng Dư bị đưa vào Bệnh Viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, phù não được một thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền là chị Trần Thị Nga đưa lên các trang mạng xã hội. Theo chị Trần Thị Nga thì chính gia đình đã chủ động liên lạc với hội để được công khai về vụ việc của cháu Đỗ Đăng Dư. Chị Trần Thị Nga nói :
“Trường hợp cháu Đỗ Đăng Dư từ khi ngày nhập viện 4/10 đến ngày 6/10, họ qua người này, người kia mới biết đến những người đấu tranh, trong đó có Hội Phụ nữ Nhân quyền. Họ qua người này, người kia và đặc biệt những người quen của gia đình Đỗ Đăng Dư cũng biết tôi là người đẩy thông tin vụ án Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng nên họ đã chủ động liên lạc với tôi để nhờ đưa tin vì tôi biết cách đưa tin và biết cách giúp đỡ gia đình họ, cũng như hướng dẫn về mặt pháp lý phải làm như thế nào. Chính họ là người chủ động liên lạc nhờ tôi làm việc đó”.
Ý thức luật pháp
Luật sư Trần Thu Nam thừa nhận tình trạng nhiều người dân Việt Nam, nhất là những người dân nghèo còn rất ít hiểu biết về luật pháp và các quyền lợi hợp pháp của bản thân họ. Dù rằng Việt Nam hiện có dịch vụ trợ lý pháp lý cho người nghèo ; nhưng chẳng mấy người biết cách để mà sử dụng.
“Có thể nói rằng hiểu biết pháp luật của người dân Việt Nam nói chung là một hạn chế. Họ hiểu biết pháp luật rất ít, có thể khẳng định như vậy, và họ không biết cách sử dụng hết các quyền lợi của mình đối với dịch vụ pháp lý. Hiện nay Nhà nước Việt Nam có dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo ; thế nhưng người dân không quan tâm nhiều lắm, và hình như được phổ cập rất ít ; cho nên họ không biết cách tiếp xúc thế nào và bày tỏ những vướng mắc pháp lý của mình như thế nào, và trợ giúp pháp lý cho những người nghèo, những người ở vùng sâu- vùng xa còn bị hạn chế”.
Trong trường hợp của gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư, luật sư Trần Thu Nam cho biết sau khi vướng vào vụ việc thì trong mọi tình huống đều hỏi ý kiến của luật sư :
“Đối với gia đình Đỗ Đăng Dư, qua sự việc này họ thấy vai trò của luật sư rất lớn và rất quan trọng trong quá trình đi tìm sự thật của vụ án cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi cho mình theo qui định của pháp luật. Hiện nay họ nhận thức được điều đó, và mọi việc họ đều nhất nhất hỏi ý kiến của luật sư trước khi thực hiện.
Tôi cũng rất mừng khi người dân nhận ra vài trò của luật sư trong xã hội nói chung và trong vấn đề pháp lý nói riêng”.
Sau khi xác nạn nhân Đỗ Đăng Dư được đưa về quê chôn cất và một số nhà hoạt động xã hội đến thăm thì lực lượng công an đã vào ngay trong nhà hành hung những người đến phúng điếu. Một nạn nhân bị đánh nhiều nhất là nhà hoạt động Trương Văn Dũng ở Hà Nội.
Theo chị Trần Thị Nga thì dù gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư vì cái chết oan ức của người thân trong trại giam công an số 3 Hà Nội mà đòi hỏi công lý cho người qua đời ; nhưng hành xử mang tính trấn áp của công an và cơ quan chức năng địa phương có thể làm cho gia đình hoảng sợ. Trong tình thế đơn độc hiện nay của gia đình tại thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thì cần có thêm nhiều người quan tâm lên tiếng và đồng hành cùng gia đình trong quá trình đòi công lý.
Nhà hoạt động Trần Thị Nga cho rằng nếu mọi người không lên tiếng thì vừa qua là vụ việc của Đỗ Đăng Dư, có thể trong thời gian sắp tới sẽ có thêm nạn nhân chết vì bị tra tấn trong đồn công an mà người đó có thể là thân nhân của những người không lên tiếng đòi hỏi chấm dứt tình trạng này theo như Công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã tham gia ký kết và Quốc hội phê chuẩn vào năm ngoái.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
Nguồn : RFA, 19/10/2015

Không có nhận xét nào: