Mộ mô hình tàu ngầm Nhật Bản tại hội chợ vũ khí MAST-Asie 2015, ở Yokohama, phía nam Nhật Bản, ngày 13/05/2015.REUTERS / Toru Hanai
Bên lề hội chợ hàng hải tại Sydney, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố sẵn sàng chấp nhận điều kiện đóng toàn bộ các tầu ngầm bán cho Úc ngay tại nước Úc. Khác với hai đối thủ cạnh tranh Đức và Pháp, doanh nghiệp vũ khí của Nhật cho đến nay vẫn dè dặt thỏa mãn điều kiện này. Đối với Canberra, công ăn việc làm trong kỹ nghệ quốc phòng là một hồ sơ nhạy cảm.
Phải chăng Nhật Bản sợ mất hợp đồng 35 tỷ đôla về tay Pháp hoặc Đức ? Ngày 06/10/2015, trong khi viếng thăm hội chợ triển lãm hàng hải tại Sydney, Úc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Masaki Ishikawa tuyên bố với báo chí là Tokyo « rất tin tưởng vào khả năng Nhật đóng tàu ngầm tại Úc » cho dù giải pháp phân chia công việc « phân nửa đóng tại Úc, phân nửa tại Nhật là sẽ ít gây tốn kém nhất cho túi tiền của người dân Úc ».
Theo Reuters, sở dĩ chính phủ Nhật phải thay đổi lập trường vì sợ không còn thế thượng phong bởi hai lý do : Một là Tony Abbott, người bạn thân của Thủ tướng Shinzo Abe, mất chức Thủ tướng Úc. Thứ hai là trong thời gian gần đây, hai tập đoàn công nghiệp vũ khí của Nhật là Kawasaki Heavy và Mitsubishi Heavy đã có nhiều sai sót trong vấn đề « giao tế». Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật đã nhìn nhận cần phải gia tăng thuyết phục giới chính trị, truyền thông và công luận Úc về lợi ích hợp tác với Tokyo.
Hiện nay tập đoàn công nghiệp đóng tầu chiến của Pháp DCNS và Thyssenkrupp Marine System của Đức đang chạy đua ráo riết với Nhật để tranh hợp đồng 35 tỷ đôla của Úc. Pháp tỏ ra rất hy vọng. Ngày 05/10/2015, Úc thông báo mua của Pháp 1.100 xe thiết giáp loại Hawki. Tập đoàn Thales Australia, một chi nhánh của Pháp tại Úc chế tạo toàn bộ xe thiết giáp tại bang Victoria. Chương trình này tạo ra 230 công ăn việc làm cho người dân địa phương, theo đúng chính sách và yêu cầu của Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét