Phạm Trần
Thời gian 47 ngày lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân cho 3 Văn kiện dự thảo: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Báo cáo Chính trị để trình ra trước Đại hội đảng XI vào tháng 1/2011 đả kết thúc hôm 31 tháng 10 (2010).
Nhưng các tầng lớp người dân đã “đáp lễ” lòng tốt của đảng ra sao?
Hãy đọc báo cáo của Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói về kết quả thực hiện:
“Qua báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập hợp được 690 lượt ý kiến, trong đó có ý kiến của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, chuyên gia thuộc các lĩnh vực; trí thức trong nước và một số trí thức Việt kiều, các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận được 243 thư và 11 bản tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức và nhân dân gửi về.”
“Tính đến ngày 29/10/2010, qua “kênh” của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban nhận được 254 thư và bản tổng hợp góp ý của các tổ chức và nhân dân gửi về: Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng…, trong đó có thư của một số đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, các cán bộ lão thành.” (Tạp chí Tuyên giáo, 3-11-2010)
Lạ thật, cả nước có 87 triệu dân, trong số này có trên 3 triệu đảng viên mà tại sao chỉ có tổng số 1,198 lượt ý kiến, thư và bản tổng hợp ý kiến đóng góp cho 3 Văn kiện quan trọng này?
Chẳng nhẽ người dân lơ là yêu cầu của đảng đến thế, hay ai cũng biết có góp ý cũng chẳng thay đổi được gì, nhỡ có nói những điều đảng không muốn nghe, hay “trái chiều” thì còn vạ vào thân nên ai nấy đã bảo nhau mặc kệ đảng?
Nhưng những người góp ý đã nói gì thì Nguyễn Thế Kỷ cho biết : “Hầu hết ý kiến tập trung góp ý làm rõ thêm một số quan điểm, những ưu điểm, thành tựu, những hạn chế, khuyết điểm của Đảng, của đất nước; góp ý bổ sung, sửa đổi một số từ, cụm từ, một số đoạn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Cũng có ý kiến góp ý về vấn đề của địa phương, đơn vị, những bức xúc của cá nhân không liên quan tới dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Đa số ý kiến góp ý cơ bản nhất trí với dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng; cho rằng các dự thảo Văn kiện nhìn chung được chuẩn bị công phu, bố cục hợp lý, nội dung toàn diện, xác định rõ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu lớn, các đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Những quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đã có sự gắn kết, thống nhất với nhau. Việc lấy ý kiến của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng là một bước tiến về dân chủ của Đảng. Thời hạn lấy ý kiến kéo dài hơn dự kiến, điều này thể hiện Đảng tin tưởng, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý chí, nguyện vọng của nhân dân.”
Như vậy là qúa tốt rồi còn gì nữa? Sự đồng thuận, nhất trí với đảng là chìa khóa giúp đảng thành công và tồn tại, có phải thế không?
Nhưng “những hạn chế, khuyết điểm của Đảng, của đất nước” mà người dân đã nói với đảng là những hạn chế ở khâu nào? Do chính sách hay đường lối, hay do Lãnh đạo?
Và những khuyết điểm của đảng là gì, do ai gây ra? Người cầm đầu hay đảng viên, giữ chức vụ gì, phục vụ ở cơ quan nào trong đảng và nhà nước, hay đó là những hạn chế và khuyết điểm của cả hệ thống cai trị?
Thế còn những “hạn chế và khuyết điểm” của đất nước thì sao? Đất nước làm gì mà phạm lỗi lầm? Chỉ có đảng, nhà nước (Chính phủ), Quốc hội, các Tổ chức của đảng, kể cả Quân đội, lực lượng công an-cảnh sát và những lãnh đạo của các cơ chế này đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng làm cho dân khốn đốn, đất nước chậm tiến, lạc hậu từ bao nhiêu năm nay thôi chứ?
LÊN ÁN VÀ CHỬI
Ngòai những người gửi góp ý thằng cho đảng còn có những bài viết của nhiều Trí thức, cựu đảng viên tự ý bầy tỏ quan điểm của họ phát tán trên một số Báo mạng (Internet) tòan cầu vì họ biết có gửi cho đảng cũng bị vứt vào sọt rác do nội dung không phù hợp với ý đảng muốn.
Vì vậy, Nguyễn Văn Hải đã vạch lá tìm sâu để lôi ra những ấn ý (chưa chắc đã có thật) của người viết để lên án trong Báo Quân đội Nhân dân ngày 17-10-2010.
Hải viết : “Việc tổ chức lấy ý kiến của toàn dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng là nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân tộc xây dựng đường lối phát triển của đất nước, tạo dựng nhịp cầu nối liền giữa Đảng với dân, làm cho ý Đảng hòa quyện vào lòng dân, để từ đó dân thêm tin yêu Đảng và Đảng càng gắn bó máu thịt với dân - một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại, vững mạnh của Đảng.”
Nhưng ý nghĩa của “ý đảng lòng dân” có thật không, hay đảng đã tự tay nhét đầy giẻ rách vào mồm người dân cho dân đừng nói để cho đảng làm theo ý đảng rồi bảo nhân dân đã đồng tình với mình như đã chứng minh trong lịch sử của đảng này?
Vì vậy, khi có những ý kiến ngịch nhĩ thì lập tức đảng cho cán viết dùng mọi thứ ngôn ngữ, dù xấu xa, bần tiện cách mấy để bôi nhọ những người nói ngay, nói thằng.
Hãy đọc tiếp ý của Nguyễn Văn Hải : “Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, vẫn có không ít những ý kiến chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, đi ngược xu thế phát triển của dân tộc Việt Nam.
Thứ nhất, một số ý kiến được trình bày theo kiểu nước đôi. Người viết tỏ ra có cái nhìn khách quan, nhưng thực chất là “lập lờ đánh lận con đen”, đánh tráo khái niệm khoa học, làm biến dạng bản chất vấn đề. Người viết đã “khôn ngoan” phân tích, mổ xẻ vấn đề, mới thoạt nghe có vẻ xuôi tai, nhưng nếu người đọc không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì tư tưởng rất dễ bị chao đảo, ngả nghiêng bởi những bài viết đầy ẩn ý.
Thứ hai, một số ý kiến đưa ra khá nhiều quan niệm, quan điểm, mô hình, chính sách, tư duy phát triển của nước ngoài để “lái” nước ta theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Việc học hỏi, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực và những nước có điều kiện, hoàn cảnh giống nước ta là điều rất đáng làm và trên thực tế cũng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện từ lâu. Nhưng tuyệt đối hóa những chính sách, mô hình đó rồi đòi hỏi ta bắt chước nguyên si tư duy cứng nhắc, thiếu biện chứng, hay nói chính xác hơn là “học đòi” một cách rập khuôn, máy móc.
Thứ ba, một số ý kiến cho rằng,Việt Nam muốn phát triển và không bị “lạc loài” với thế giới, thì nên quan tâm thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, “tam quyền phân lập” như các nước tư bản phát triển... Những ý kiến này thực chất là lợi dụng đóng góp ý kiến để truyền bá những nội dung xa lạ, lệch lạc, làm biến dạng bản chất cách mạng của Đảng.”
Trong thời gian trước và sau ngày phổ biến các Văn kiện dự thảo của Đại hội XI, có nhiều ý kiến trong nước chất vấn đảng 3 vấn đề then chốt : 1) Tại sao vẫn còn bám lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng lỗi thời Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước. 2) Tại sao lại có tư tưởng “lộn sòng” làm kinh tế thị trường mà còn đeo cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. 3) Muốn đất nước phát triển thì phải có nền kinh tế tự do và phải chấm dứt chủ trương lấy kinh tế nhà nước làm đầu tầu, vì các tổng công ty của nhà nước là các ổ tham nhũng, lãng phí, lỗ nhiều hơn lời và nợ nần chống chất như đã chứng minh trong vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) bị sụp đổ với khỏan nợ từ 86,000 đến 120,000 tỷ đồng.
Nhà nước coi những đòi hỏi này là phi lý, không phù hợp với đường lối và xu hướng phát triển của thời đại nên các Tác gỉa bài viết góp ý với đảng đã bị lên án gắt gao như những dòng chữ sau đây của Nguyễn Văn Hải :
“Đối với những ý kiến truyền bá những quan điểm sai trái, chúng ta cần có thái độ lên tiếng đấu tranh ngăn chặn, phê phán và phản bác kịp thời. Đó cũng là một lẽ thường tình đối với bất cứ một chính đảng cầm quyền nào trên thế giới. Bởi không ngăn chặn, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu thù địch cũng đồng nghĩa với việc tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các thành phần (lực lượng) cơ hội, xét lại và chống đối phát sinh và phát triển - một nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của chính đảng cầm quyền đó.”
Cũng trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 24-10-2010, một người có học vị Tiến sỹ là Cao Đức Thái đã ra công bênh vực cho chủ trương tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HỒ Chí Minh của đảng được quy định trong Cương lĩnh 1991.
Thái viết : “Ngày nay, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) của Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình với tinh thần mới, bao hàm các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn CNXH hiện thực trên phạm vi thế giới, cũng như từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.”
Nghĩ rằng hồ hởi như thế chưa đủ nên Cao Đức Thái đã vẽ vời thêm : “Ngoài ra, Cương lĩnh (bổ sung và phát triển) của Đảng còn xác định nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh thời đại và đất nước, trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo, chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, chính sách đối ngoại và xây dựng Đảng.”
Nhưng có trét phấn, tô son đến đâu thì cái mặt đã bị nhân loại phế thải của Chủ nghĩa Cộng sản vẫn rỗ chằng rỗ chịt, không đẹp lên được nên khi bị chỉ trích thì đám thợ viết tuyên truyền của đảng CSVN đã dẫy lên như đỉa phải vôi như phản ứng của Nguyễn Văn Hải: “Cũng như kinh nghiệm của các thời kỳ lịch sử đã qua, bảo vệ Đảng trước hết phải đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc và bôi nhọ Đảng, đồng thời phải thấy được những giới hạn lịch sử, tiềm năng hữu hạn của các quan điểm lý luận, nhất là các chính sách cụ thể, để không ngừng phát triển học thuyết cách mạng đó, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể giữ vững được vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.”
CÀNG ĐỠ CÀNG BỊ CHỐNG
Cùng về hùa đánh hội đồng những người chống đảng, chống chủ nghĩa Cộng sản trước thềm Đại hội đảng XI, nhưng Đinh Thị Thanh Tâm của Học viện Báo chí & Tuyên truyền viết trong Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng, đã để lộ những yếu kém, lung lay trong tư tưởng cán bộ, đảng viên.
Thanh Tâm viết : “Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái đã đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã từng bước giành thế chủ động, vô hiệu hóa được nhiều kế hoạch, chiến dịch, luận điệu tuyên truyền của địch, góp phần giữ vũng nền tảng tư tưởng, tạo được lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết: một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng còn mơ hồ, mất cảnh giác, thậm chí có người bất mãn, tiêm nhiễm luận điệu sai trái của địch quay lại chống phá Đảng, Nhà nước; nhiều tình huống xử lý còn bị động, lúng túng; các cơ quan ban ngành chưa có sự phối hợp thống nhất trong chương trình, hành động chống lại các quan điểm, sai trái.”
Để đối phó với phong trào nhân dân và trí thức quay lưng lại với đảng, Thanh Tâm đề nghị đảng cần : “Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là một trong những giải pháp góp phần tạo “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” và sự cảnh giác cao độ đối với kẻ thù. Hiện nay, âm mưu và thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, núp dưới những chiêu bài tưởng chừng “màu hồng” nhưng thực chất là hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Mục đích của chúng đã quá rõ ràng,chúng ta không được chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác, đồng thời phải thấy rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh này. Cấp ủy và thủ trưởng đứng đấu các cơ quan, đơn vị phải luôn xác định nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.”
Nhưng “các quan điểm sai trái” ở đâu ra, hay nằm ngay trong lòng mỗi đảng viên và mỗi người dân?
Điều này đã được Thanh Tâm nhìn nhận : “Có thể nói, hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân còn những nhận thức hết sức mơ hồ, mất cảnh giác trước những thủ đoạn của kẻ thù. Họ cho rằng, các quan điểm mà chúng đưa ra đang phản ánh đúng hiện tại của đất nước, có người còn ngây thơ rằng “họ đã nói hộ những yếu kém, khuyết điểm của chúng ta để ta có thể nhìn thấy mà sửa”. Đó là sự nhận thức hết sức chủ quan và mất cảnh giác. Đúng, chúng ta còn nhiều những hạn chế trong phát triển đất nước, vẫn còn những tham nhũng, lãng phí, vẫn còn những tệ nạn xã hội... nhưng Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn vào sự thật và đang từng bước khắc phục những tồn tại để đưa đất nước phát triển vững mạnh. Còn âm mưu của các thế lực thì khác, chúng tìm cách xoáy sâu vào những yếu kém, khuyết điểm của ta để chứng minh rằng Đảng đang lãnh đạo sai đường, đang đưa đất nước đến bờ vững thẳm và gieo rắc vào tâm lý quần chúng nhân dân “màu đen”, sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng và về tương lai của đất nước.”
Nhưng không chỉ có những cá nhân bị hoang mang, dao động trước sức tấn công của “các thế lực thù địch” mà còn có cả những tập thể, đơn vị như Thanh Tâm chứng minh : “Hơn thế, có những đơn vị còn nhận thức một cách phiến diện, với thái độ thờ ơ và thiếu trách nhiệm rằng công việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái chỉ là công việc của cấp trên, của những cơ quan chuyên trách, chứ không phải của đơn vị mình, do vậy mặc dù có nhận thức được những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù nhưng bàng quan và không tham chiếm. Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân nhưng cơ sở triết học của vấn đề là ở chỗ: lợi ích của việc tham chiến trên lĩnh vực tư tưởng để bảo vệ Đảng chưa trở thành nhu cầu tự nhiên của nhiều công dân do tính tích cực chính trị- xã hội chưa được khơi dậy.”
Như vậy thì có phải đảng đang tiến gần đến bờ vực thẳm rồi không, hay Lãnh đạo còn mơ ngủ nên chưa biết nước lụt đã ngập đến mép giường?
Phạm Trần
(11-010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét