Pages

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Đường lưỡi bò ‘phản cảm’ trong cộng đồng khoa học


BienDong.Net: Ngày 6/6, Hội thảo với chủ đề “Kiểm soát căng thẳng Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã kết thúc, trong đó nguyên nhân chính cho mối căng thẳng gia tăng tại khu vực này vẫn xoay quanh “đường lưỡi bò” và cuộc chạy đua vũ trang của các nước ASEAN trước sức ép quân sự ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Mở đầu hội thảo, ông Gregory Poling - Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Trung tâm CSIS - đã có diễn giải súc tích và mạch lạc về nhân tố chính tạo nên tranh chấp Biển Đông.
Ngô Sĩ Tồn - Giám đốc Viện nghiên cứu Hải Nam - đã có bài phát biểu gây tranh cãi khi đưa ra những luận điểm mập mờ về đường lưỡi bò. Ảnh: CSIS

Đó là các đường phân định lãnh hải theo tuyên bố chủ quyền của mỗi nước, sự phức tạp của những hòn đảo chìm và đảo nổi cũng như lợi ích dầu khí tại 3 khu vực chính: Hoàng Sa, Trường Sa và Scarborough. Theo phân tích của ông Poling, vấn đề phức tạp là các tuyên bố chủ quyền của mỗi nước đôi khi vượt quá ranh giới phân định theo luật biển quốc tế và nếu không có sự nhượng bộ để cùng thương lượng thì căng thẳng trong khu vực có thể dâng cao.
Tranh chấp Biển Đông trở nên phức tạp khi các quan điểm về “đường ranh giới” giữa các nước chưa có điểm chung.
Điểm nhấn trong bài thuyết trình của ông Poling là khi tác giả chuyển bản slide sang hình minh họa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Điều này đã khiến cử tọa không thể không bật cười trước sự phi lý và đơn độc trong yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Sự “tham lam” của đường 9 vạch này còn được ông Poling chỉ rõ khi nó bao trùm một khu vực còn lớn hơn cả những yêu sách tối đa mà các nước trong ASEAN đề cập đến.
Trong phiên hội thảo lần thứ 2, Joe Yun (Joseph Yun) - quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương - cũng đã thể hiện rõ 7 quan điểm về chính sách ngoại giao của Mỹ tại Biển Đông với 2 ý mạnh nhất: trung lập đi cùng hậu thuẫn tự do hàng hải trên nền tảng thượng tôn pháp luật của Washington. Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ của Mỹ với Trung Quốc hay bất kỳ nước láng giềng khác đều dựa trên nền tảng pháp luật quốc tế. Trước một số quan điểm của cử tọa về tiến trình chậm chạp từ DOC tới COC của ASEAN, ông Joe Yun cho rằng liên minh các quốc gia Đông Nam Á đã khác 20 năm trước khi ngày càng năng động và vượt qua những vấn đề tồn đọng trong lịch sử. Bên cạnh đó vị quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng đánh giá sự tích cực của Thái Lan trong vai trò điều phối ASEAN - Trung Quốc - điều có thể sẽ còn tốt hơn khi Myanmar đảm nhiệm vị trí này vào năm sau.
Ông Murray Hiebert đã bày tỏ sự cảm thông trước những những mối đe dọa mà ngư dân Quảng Ngãi hàng ngày phải đối mặt tại Hoàng Sa.
Bước đến phiên hội thảo thứ 3, vấn đề Biển Đông đã được các chuyên gia quốc tế nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh từ quyền đánh bắt cá, lợi ích năng lượng cũng như xây dựng các định chế an ninh khu vực. Tại đây, ông Murray Hiebert - Phó Giám đốc CSIS - cho biết ông đã trực tiếp gặp ngư dân Quảng Ngãi, những người đã bị Trung Quốc dùng súng đe dọa, đốt tàu và khẳng định đây là những hành động đáng lo ngại bởi ngư dân chính là những người chịu thiệt thòi nhất trong vòng xoáy căng thẳng tại Biển Đông. Còn ông Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ đã nhận định thẳng thắn rằng động thái “tích cực” của Trung Quốc không chỉ trên biển mà còn trong các hoạt động kinh tế tại các nước ASEAN là điều không thể chối cãi. Và để đảm bảo được một môi trường thịnh vượng thì các nước phải cùng xây dựng một khung luật pháp có hiệu lực.
Ông Joseph Yun - quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ - đã bày tỏ sự lạc quan trước những chuyển biến năng động của ASEAN trong việc xúc tiến đàm phán COC.
Đứng trên phương diện lập luận khoa học, học giả Ngô Sĩ Tồn của Trung Quốc vẫn đơn độc khi đại diện nước này không chứng minh được tính pháp lý của đường lưỡi bò ngoài việc khẳng định lãnh đạo Bắc Kinh “không có thời gian thêm bớt đường 9 đoạn” và còn cảnh báo “nhiều nước đang lợi dụng chiêu quốc tế hóa để làm phức tạp tình hình Biển Đông”. Hầu hết mỗi một luận điểm ông Ngô đều bị cử tọa phản bác dữ dội. Thậm chí, đại diện của phía Đài Loan dù không phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nhưng vẫn thể hiện mềm mỏng bằng thái độ thiện chí, kêu gọi sự hợp tác giữa các bên. Trong khi đó, đại diện phía Philippines tiếp tục đanh thép như tại rất nhiều diễn đàn quốc tế khác khi khẳng định nhân tố cần thiết trong việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Quan điểm này đã lấy được sự đồng thuận của nhiều cử tỏa khi có người đã đặt ngược vấn đề, nếu Trung Quốc là một nước lớn thì tại sao lại phải e ngại phiên tòa công minh?
Trong khi đó, đại diện phía Việt Nam - ông Trần Trường Thủy thuộc Bộ Ngoại giao - đã có một cách tiếp cận mềm mỏng nhưng đã khẳng định được sự tương phản giữa hành động của Việt Nam và Trung Quốc khi một bên đi theo xu thế quốc tế, lấy luật pháp làm tôn chỉ hành động, còn một bên đang ngày càng lộ rõ mục đích khống chế Biển Đông. Đại diện Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự hối thúc Mỹ có thái độ rõ ràng hơn về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn báo chí Philippines bên lề CSIS, Peter Dutton - Giáo sư nghiên cứu chiến lược kiêm Giám đốc của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc - cho rằng: “Trung Quốc đã từ chối luật pháp quốc tế vì họ biết nó không hỗ trợ yêu sách của mình”. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng từ Hội Luật gia Việt Nam cũng khẳng định các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và họ có một lựa chọn là chấp hành UNCLOS - một bản “Hiến pháp đại dương” có thể điều chỉnh hành vi cư xử của các nước tại Biển Đông. Hiện nay, điều duy nhất khiến học giả Philippines thất vọng là ASEAN vẫn im lặng trước hành động lấn lướt của Trung Quốc trước Philippines tại bãi cạn Scarborough vào năm ngoái.
BDN (Theo songmoi.vn
)

Không có nhận xét nào: