Pages

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng : Đường sắt cao tốc "dứt khoát là phải làm"


Dự kiến sau 3 năm nữa mới xem xét trình lại Quốc hội

“Dứt khoát là phải làm nhưng mà thời điểm như thế nào thì mình phải tính kỹ. Tất nhiên là phải theo đúng thủ tục, quy định, rồi phải báo cáo QH”.
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định như vậy khi trao đổi với báo giới về kế hoạch hợp tác nghiên cứu dự án khả thi đường sắt cao tốc bên hành lang Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 vừa diễn ra trong hai ngày 30 - 31.12.2010 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng, hiện bộ và đối tác Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ giữa hai bên về dự án nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc, có lẽ đầu năm 2011 sẽ triển khai nghiên cứu.

Dứt khoát là phải làm

Kế hoạch nghiên cứu khả thi lần này sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?

Đề cương nghiên cứu nhiều nội dung lắm. Bây giờ xem lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bổ sung một số vấn đề cho rõ thêm, lập 2 dự án khả thi đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn. Trên cơ sở đó lên quy hoạch chi tiết cắm mốc giới tuyến để giữ đất về lâu dài.


Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng
Nghĩa là, Chính phủ quyết tâm xây đường sắt cao tốc?

Dứt khoát là phải làm nhưng mà thời điểm như thế nào thì mình phải tính kỹ. Tất nhiên là phải theo đúng thủ tục, quy định, rồi phải báo cáo QH. Chính phủ quyết tâm là quyết tâm để chuẩn bị dự án chứ không phải mọi người cứ ngộ nhận Chính phủ cứ làm mà không báo cáo QH.

Chính phủ quyết tâm lập dự án đường sắt cao tốc thì chắc hẳn cũng đã dự kiến thời điểm trình lại QH để xin chủ trương đầu tư dự án?

Chưa, bây giờ nếu làm báo cáo dự án này theo tôi cũng phải mất từ 2 - 3 năm, rồi còn xem tính khả thi của nó đến đâu đã rồi mới trình chứ không phải làm xong rồi trình. Có thể nó khả thi nhưng cũng lại phải cân nhắc thời điểm đó nguồn lực của đất nước như thế nào nữa, tình hình kinh tế của đất nước thế nào nữa.

Vậy điều Bộ trưởng lo ngại nhất khi nghiên cứu và thực hiện dự án đường sắt cao tốc là vấn đề gì?

Nguồn lực. Cơ bản vẫn là nguồn lực của đất nước. Bản thân dự án một phần nhưng còn phải xem sức chịu đựng của nền kinh tế.


Tàu cao tốc Nhật Bản
Trong bối cảnh nợ công sắp chạm ngưỡng an toàn cho phép như cảnh báo của các Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, Ủy ban Kinh tế và nhiều chuyên gia kinh tế tài chính thì theo Bộ trưởng, liệu chúng ta có nên nhất quyết làm đường sắt cao tốc không, trong khi nếu thực hiện dự án thì nguồn vốn vay sẽ rất lớn, đe dọa đến an toàn nợ quốc gia?

Cái đó phụ thuộc nguồn lực trong nước và sự hợp tác của đối tác. Nếu thực hiện dự án cũng không thể hoàn toàn sử dụng vốn trong nước được hết mà còn phải xem khả năng của đối tác thế nào, có thể có cơ chế ODA, có thể có cơ chế về các nguồn vốn vay ưu đãi. Cái đó còn phải bàn rất kỹ, không phải dễ dàng.

Vì sao không nâng cấp đường sắt hiện hành?

Tại một phiên họp báo Chính phủ gần đây, khi lý giải về việc chuẩn bị lập dự án nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc, Bộ trưởng có nói nếu nâng cấp đường sắt hiện hành sẽ tốn rất nhiều chi phí cho giải phóng mặt bằng, không thể thực hiện nổi nhưng nhiều chuyên gia về lĩnh vực giao thông, chuyên ngành đường sắt lại cho rằng đó là cách tiết kiệm chi phí và tận dụng hiệu quả giao thông đường sắt tối đa nhất. Bộ trưởng lý giải thế nào về vấn đề này?


Hệ thống đường sắt VN



Đường sắt bây giờ đang là khổ 1m, bây giờ nâng hết lên 1m45 thì phải ngưng toàn bộ hệ thống này vài ba năm để làm, như vậy việc giải quyết giao thông đường sắt như thế nào chưa thể lường được hết. Vấn đề thứ hai là bây giờ hành lang hai bên đường sắt đều đô thị hóa hết rồi, nếu muốn làm đường sắt 1m45 là làm đường đôi chứ không thể làm đường một được, mà đường đôi thì không còn mặt bằng nữa trên tuyến này để làm. Ai nói gì thì nói, tôi làm thực tế tôi bảo đảm không thể nào giải phóng mặt bằng được để làm.

Đường sắt cao tốc cũng dựa trên hạ tầng 1m45 và không cao tốc thì cũng dựa trên hạ tầng 1m45, mà làm đường đôi. Đường đôi thì bây giờ mình phải làm cái mới chứ không thể nâng cấp đường sắt khổ 1m hiện hành được. Trên hạ tầng đường đôi mới 1m45 đó, mình mới tính làm đường sắt cao tốc hay không và làm đoạn nào trước, đoạn nào sau, thì nó kết hợp như vậy. Cho nên lần này làm quy hoạch để tính giữ cho được đất, tính cho vài ba chục năm, 50 năm tới, và đoạn nào có thể làm được thì ưu tiên làm trước.

Nghĩa là sau 3 năm nữa Chính phủ mới tính đến chuyện cân nhắc trình dự án ra Quốc hội?

Chắc là khoảng đó. Tôi cũng nghĩ phải sau 3 năm nữa.

Bảo Cầm (thực hiện)

Nguồn : Thanh Niên Online

Không có nhận xét nào: