Pages

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Những khuôn mặt “bình mới rượu cũ” của Cộng sản Việt Nam

Những trò khua chiêng gõ trống và quảng cáo ầm ĩ của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua xong một đợt năm năm. Cả nước có một hàng ngũ lãnh đạo được tân trang lại, và trong trí óc người dân họ chỉ quan tâm có 2 việc : chuẩn bị đón mừng tết nguyên đán bắt đầu vào ngày 3/2, và tìm hiểu xem việc thay đổi nhân sự trong giới lãnh đạo chóp bu sẽ có ý nghĩa gì đối với cách hành xử của chính phủ trong những năm sắp tới.
Nạn lạm phát, nhất là trong giá cả thực phẩm, như một đám mây mù đang tiến vào che phủ những ngày Tết sắp đến, mà theo truyền thống là thời gian để mọi người tiêu xài rộng rãi, mua sắm đồ ăn và quần áo. Thông thường thì nhà nước sẽ tung thêm lưu lượng tiền tệ ra thị trường trước khi tết đến rồi sau đó sẽ siết chặt lại. Năm nay, dường như họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hãm phanh đạp thắng gấp. Từ khi giá cả mọi thứ tăng vọt lên mức 11,5% vào tháng 12 khi so với cùng thời kỳ năm ngoái, vượt xa mục tiêu 7% của nhà nước, các nhà phân tích nước ngoài đã khuyến cáo chế độ là họ “bị ám ảnh bởi sự tăng trưởng” đến độ làm phương hại cho sự cân bằng của kinh tế vĩ mô.

Các tham luận viên đã thừa nhận gần như thế trong đại hội đảng vừa kết thúc. Một đảng viên cao cấp là ông Trương Tấn Sang đã nhìn nhận rằng “thiếu sót trong quản lý kinh tế xã hội gây ra hậu quả là các món nợ nước ngoài gia tăng nhanh chóng, đưa đến nguy cơ tái lạm phát cao và đầu tư không ổn định”. Ông Sang, trong nội bộ là kẻ mà người ta cho là hay mạnh mẽ chỉ trích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ lên nắm chức vụ chủ tịch nước trong 5 năm tới trong khi ông Dũng vẫn giữ nguyên cái ghế của mình.

Đầy rẫy những cạm bẫy

Cách đây một năm, ông Dũng có vẻ như thất thế không còn khả năng để phục hồi lại quyền hạn của mình. Việc chi tiêu mãnh liệt đến mức thâm thủng cả ngân sách đã giúp cho Việt Nam không bị suy sụp mặc dù kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, và có tin đồn rộng rãi rằng đầu tư nước ngoài vào trong nước sẽ gia tăng mạnh mẽ vì mức lương công nhân tăng cao khiến các nhà máy lắp ráp sản xuất phải rời bỏ Trung Quốc. Nhưng làn sóng đầu tư đã không trở thành hiện thực, và thay vào đó, ông Dũng bị vùi dập vì việc gần phá sản của một công ty nhà nước từng mang nhiều tham vọng (Vinashin), lẫn một cán cân thanh toán bị thâm thủng nặng nề cùng với sự thiếu tin tưởng vào khả năng của ngân hàng trung ương trong việc quản lý giá trị đồng bạc Việt Nam đối với đồng Mỹ kim.

Giữa sự tràn ngập của những khó khăn ngắn hạn, một chiến lược kinh tế xã hội 10 năm do nhà nước đưa ra hồi tháng 7 đã không gây được nhiều chú ý mặc dù nó cho biết trước những chính sách nào thì cần thiết để đưa nền kinh tế từ chỗ không tự chống đỡ đươc, chỉ dựa vào nguồn nhân lực rẻ tiền và tài nguyên thiên nhiên đang kiệt quệ sang một nền kinh tế tự lực cánh sinh dựa trên công nghiệp thông tin và “các chuỗi giá trị” hợp nhất. Trong một đất nước mà mọi tuyên bố quan trọng đều là sản phẩm tập thể của giới lãnh đạo, thì chiến lược này có nhiều khả năng chính là kế hoạch riêng của ông Dũng cho nhiệm kỳ thứ hai của ông ta.

Chiến lược kinh tế xã hội trên đặt nặng vào việc cải thiện chất lượng đầu tư, nghĩa là thay thế các xí nghiệp sản xuất dây chuyền thuộc dạng “cửa hàng vắt mồ hôi”, điển hình của nền công nghiệp Việt Nam hiện nay, bằng một mạng lưới các công ty biết gìn giữ môi trường, biết dựa vào các ý kiến đóng góp của địa phương và luôn chú tâm vào việc nâng cao tay nghề.

Các bình luận gia nước ngoài đã dựa vào điều quyết đoán của chiến lược này là các công ty nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế như là một bằng chứng rằng nó không đáng được coi trọng. Khả năng thấp kém đến mức trầm trọng của bộ phận doanh nghiệp nhà nước là một nguyên nhân chính đáng gây nhiều lo ngại, lại còn thêm nạn tham nhũng lộng hành trong các cơ quan nhà nước, việc phát triển các cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém và không đồng bộ, chỉ tập trung phát triển vào hai thành phố lớn nhất nước cũng như khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng tăng.

Được 1400 đại biểu thông qua trong đại hội đảng vào ngày 17/1, chiến lược kinh tế xã hội đã đưa ra phương cách đối phó với tất cả các khó khăn của việc phát triển tự lực cánh sinh trong những năm sắp tới và, đồng thời, tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng hàng năm của tổng sản lượng nội địa ở tỷ lệ 7% hoặc cao hơn. Nhà nước Việt Nam có đạt được những mục tiêu này hay không còn tuỳ thuộc vào sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết mà giới lãnh đạo cao cấp mới sẽ cùng nhau đóng góp.

Thành phần mới

So với những kẻ tiền nhiệm, thì trên bề mặt, Bộ Chính trị mới của đảng cũng không có khả năng gì hơn để quyết định thay đổi sang đường lối tiến bộ

Sáu uỷ viên đã về hưu, và năm người được thêm vào, nhưng không có sự chuyển đổi quyền lực rõ ràng để bất cứ phe nhóm nào trong đảng có nhiều thành phần đại diện hơn. Được đưa vào giữ một vai trò để tạo ra sự đồng tâm nhất trí trong đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, 67 tuổi, là người sẽ phải đứng ra giàn xếp những bất đồng giữa hai đối thủ lâu năm là thủ tướng Dũng và tân chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng phe nhóm của họ.

Như đã được đoán trước, kể từ sau cuộc bỏ phiếu thăm dò trong hội nghị ban chấp hành trung ương hồi tháng 12, ông Trọng được bầu làm tổng bí thư vào ngày cuối cùng của đại hội. Ông Trọng trải qua nhiều năm làm việc trong toà soạn của Tạp Chí Cộng Sản, tờ báo tuyên truyền tư tưởng của đảng, rồi trở thành tổng biên tập vào năm 1991. Năm 2000, ông được chỉ định làm bí thư thành uỷ Hà Nội cho đến năm 2006, khi ông được bầu làm chủ tịch Quốc hội. Nói chung thì ông được công nhận là đã lèo lái Quốc hội thành một diễn đàn thích hợp hơn để nghiêm túc bàn cãi về quốc sự và nhiệm vụ của các quan chức nhà nước.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, 62 tuổi, được xem là một người có tư tưởng tiến bộ trong chính sách kinh tế nhưng lại bảo thủ đối với vấn đề an ninh trong nước. Cựu thủ tướng có tinh thần đổi mới là ông Võ Văn Kiệt đã kéo ông Dũng ra Hà Nội và đưa vào Bộ Chính trị hồi năm 1995 sau khi ông ta tự làm cho mình nổi bật lên như một lãnh đạo của tỉnh Kiên Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi giữ những chức vụ trong bộ công an, rồi Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, là cơ quan quản lý tài chánh của đảng, ông Dũng được chỉ định vào Bộ Chính trị vào năm 1995. Ông trở thành thống đốc ngân hàng nhà nước và phó thủ tướng vào năm 1997. Năm 2005, ông được chỉ định làm thủ tướng, kế vị ông Phan Văn Khải.

Ông Sang, cũng 62 tuổi, cũng là người miền Nam, được bầu vào Bộ Chính trị năm 1995. Ông tạo dựng tên tuổi của mình rất sớm trong chức Bí thư thành uỷ TPHCM. Mặc dù bị mất uy tín trong một vụ án hình sự tai tiếng bùng nổ ra tại TPHCM trong năm 2000-01, ông được cho là đã quản lý tốt các công tác trong đảng như làm trưởng ban kinh tế trung ương và sau đó làm phụ tá cho tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa mới về hưu. Dư luận cho rằng ông Sang đã tích cực vận động để được thay thế ông Mạnh, và chức chủ tịch nước, một vai trò đầy tính nghi lễ, chỉ là giải an ủi dành cho ông ta.

Những uỷ viên trong Bộ Chính trị cũ được tái đắc cử bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (62 tuổi), Phó thủ tướng thứ nhất Nguyễn Sinh Hùng (62), Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (62), Bí thư thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải (61), Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa (63) và Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị (62).

Năm uỷ viên mới được bầu vào Bộ Chính trị lần đầu tiên bao gồm Thứ tr­ưởng Công an Trần Đại Quang (55), Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (55), là người Tày và là phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Ngô Văn Dụ, Tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh, và Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (56)

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo “Same new face of Vietnam“, Asia Times

Không có nhận xét nào: