Pages

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Tản mạn về đại hội đảng lần thứ 11


Chỉ còn vài ngày nữa đại hội lần thứ 11 của đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra. Giống như khai mạc của Olimpích Bắc Kinh 8 giờ 8 phút ngày 8/8/2008 (ngày, giờ, tháng, năm đều chứa số 8, một con số “đẹp” theo quan niệm của người Trung Quốc), đại hội 11 sẽ khai mạc vào ngày 11/1/2011 rất có thể vào lúc 11giờ 11 phút, cũng rất nhiều số 11, để mong muốn nhiều điều tốt đẹp.

Đến hẹn lại lên

Thời gian đầu khi mới thành lập, đảng cộng sản chưa giành được chính quyền, thời gian tiếp theo đất nước lại trải qua hai cuộc chiến tranh nên từ đại hội lần 1 diễn ra năm 1935 đến đại hội lần 4 năm 1976 các nhiệm kỳ đều kéo dài. Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, 5 năm một lần ban chấp hành trung ương lại tổ chức các đại hội đảng toàn quốc để đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua, quyết định đường lối, chính sách của đảng nhiệm kỳ tới, bầu ban chấp hành trung ương. Số lượng ủy viên Trung ương chính thức và ủy viên trung ương dự khuyết do đại hội quyết định. Bổ sung, sửa đổi cương lĩnh chính trị và điều lệ đảng khi cần. Đều đặn như vậy nên người ta liên tưởng tới câu quan họ “đến hẹn lại lên”của anh chị hai vùng Kinh Bắc hẹn hò gặp lại nhau khi từ biệt. Thời gian 5 năm thì lại là quá dài với các anh chị hai những người chỉ mong ngóng thời gian trôi nhanh để được gặp nhau và thực tế thời gian chờ để gặp nhau của họ dài nhất chỉ là 1 năm. Người dân Việt Nam tuy chẳng hẹn, chẳng chờ đợi nhưng cứ 5 năm lại chứng kiến(gặp lại)một đại hội đảng thì cảm giác và thái độ cũng rất khác nhau. Người bàng quan với thời cuộc thì nếu biết cũng chỉ coi nó như các đại hội khác. Kẻ quan tâm tới chính trị hiểu rõ hiện tình đất nước thì một số ngây thơ hy vọng may ra sẽ có thay đổi, một số thất vọng vì hiểu chẳng có gì thay đổi. Những người trong cuộc đó là những đảng viên có chức, có quyền, có những miếng béo bở là những chiếc ghế chức quyền được chia chác sau đại hội thì: kẻ chắc chắn đại hội tới leo lên vị trí cao hơn thì muốn nhanh tới đại hội để tránh những sơ sẩy. Kẻ cần đấu đá để ngoi lên, triệt hạ đối thủ lại thấy cần thêm thời gian…

Một đại hội tốn kém

Theo tin vỉa hè các đại biểu về dự đại hội đảng 11 ở khách sạn 5 sao mỗi người được cấp may một bộ comple. 10 ngày ăn, ở, đi, lại xe đưa đón, phục vụ cho 1400 đại biểu đều ở mức cao nhất. Rồi còn bảo đảm an ninh, truyền thông phục vụ, tuyên truyền quảng cáo,.. Sơ sơ bình quân mỗi đại biểu cũng tốn tới vài chục triệu. Vài chục triệu nhân lên với 1400, một số tiền khá lớn. Nhưng cũng chưa đủ! Để tổ chức được đại hội trung ương trước đó phải tổ chức đại hội đảng bộ ở các tỉnh thành, các đảng bộ trực thuộc trung ương. Để tổ chức được đại hội đảng bộ tỉnh, thành trước đó phải tổ chức đại hội đảng bộ các huyện, quận … Liên quan như vậy nên có thể nói để tổ chức được đại hội trung ương đầu tiên phải bắt đầu từ đại hội của các chi bộ cơ sở trên cả nước. Thực tế đã thấy từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 11 năm 2010 đại hội các chi bộ các đảng bộ tuần tự từ cấp thấp đến cấp cao liên tục diễn ra và phải đến đầu tháng 12 khi đại hội đảng bộ ở các tỉnh thành, các đảng bộ trực thuộc trung ương hoàn tất lúc đó mới có đầy đủ danh sách của các đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc. Do vậy chi phí cho đại hội đảng toàn quốc phải tính của tất cả các đại hội từ cấp cơ sở trở lên. Tuy trung ương không bao giờ công khai số tiền chi phí cho đại hội nhưng cũng ước tính được tới vài ngàn tỷ đồng. Chưa hết! Còn một chi phí nữa, đó là các đại biểu (đa phần là sếp) mang tiền “chùa” về Hà Nội “ăn chơi nhảy múa” trong 10 ngày. Khoản chi phí này khó mà ước tính nhưng nó cũng chẳng nhỏ. Như vậy số tiền dân Việt Nam phải gánh cho đại hội không phải như ước tính trên mà còn nhiều hơn nữa và nếu cộng với cả những đại hội khác tổ chức trong năm phục vụ các chủ trương của đảng thì số tiền đó cũng chẳng kém gì món nợ của Vinashin để lại.

chỉ để thông báo

Cũng như các đại hội đảng các cấp dưới, đại hội trung ương cũng có hai nội dung quan trọng đáng quan tâm là phần nghe báo cáo chính trị, tham luận và phần bầu cử bầu BCH trung ương, ban bí thư, ban kiểm tra, bộ chính trị,…Báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương được công bố trước đại hội dựa trên bản dự thảo báo cáo chính trị đã được công bố từ giữa năm 2010 để nhân dân, đảng viên cả nước góp ý ban chấp hành trung ương tiếp thu sửa đổi. Ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo chính trị có thể phân ra nhiều loại :

Loại đóng góp về câu chữ, văn phong, từ ngữ tất nhiên ban chấp hành rất quan tâm sẵn sàng sửa đổi vì họ cũng rất muốn một báo cáo chính trị “hoành tráng”, “bóng bẩy”. Loại này ít, vì khi soạn thảo ban chấp hành đã lựa chọn các chuyên gia viết lách giỏi, cẩn thận và thực ra cũng ít người có đóng góp loại này.

Loại đóng góp về các đánh giá về thành tựu và tồn tại của nhiệm kỳ 5 năm trước: khi nhận xét về dự thảo báo cáo chính trị nhiều ý kiến đã cho rằng bản dự thảo là “làm xiếc với ngôn từ, với câu chữ” để nói về những đánh giá trong dự thảo. Chẳng hạn khi nói về thành tựu kinh tế “ Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển” nhưng khi nói về hạn chế, khuyết điểm lại viết “Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng… Các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra”. Với giáo dục đào tạo khoa học công nghệ khi khen thì bảo “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ …” còn lúc chê thì nói “các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường còn nhiều hạn chế yếu kém gây bức xúc cho xã hội”. Một công tác quan trọng hàng đầu là công tác xây dựng đảng cũng được đánh giá kiểu như vậy. Thành tích của công tác này là “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực” còn hạn chế khuyết điểm là “Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục”. Những đánh giá kiểu trên là chung chung, nước đôi khiến cho người đọc rất khó góp ý và nếu có góp ý thì BCH trung ương sửa cũng được mà không cũng được.

Trong loại đóng góp cho phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước thì dĩ nhiên các ý kiến ca ngợi “sáng suốt”, “đổi mới”, “sáng tạo”, “kết tinh trí tuệ”,…của những tấm lòng “trung với đảng” sẽ được BCH trung ương “cám ơn, ghi nhận” ghi họ tên tác giả để “lưu tâm” nhưng xét thấy cũng không cần thiết phải sửa lại dự thảo.

Các ý kiến khác đóng góp cho phương hướng, mục tiêu xoay quanh các nội dung: Đòi xóa bỏ mô kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xây dựng kinh tế thị trường theo đúng nghĩa. Đề nghị cải cách thể chế chính trị. Xem xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vai trò quản lý nhà nước của đảng. Cần phải có luật cho đảng… Các ý kiến đóng góp kiểu này đều là những điều mà BCH trung ương không thích nghe.

Nếu cắt bỏ “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường” thì còn đâu những “quả đấm thép” những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước tuy làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản, chẳng đóng góp gì cho phát triển kinh tế đất nước, nhưng “dòng sữa”từ đó để nuôi đảng lại chảy rất đều đặn.

Thực ra con đường đi lên chủ nghĩa xã hội các lãnh đạo đảng đã “bí mật” rời bỏ từ khi “đổi mới” và không ngừng tích lũy tài sản để “phất lên” thành các nhà “tư bản đỏ”. Hiện giờ chỉ còn đông đảo nhân dân lao động là có “khát vọng đi lên chủ nghĩa xã hội”. Tất nhiên thể theo “khát vọng”cùng với “sứ mạng cao cả” đảng vẫn phải tiếp tục lãnh đạo để đưa toàn dân theo con đường này và cần phải nói trong dự thảo là “kiên định” để họ yên tâm.

Đề nghị “cải cách thể chế chính trị, cần có luật cho đảng” thì hệt như giọng điệu của “các thế lực thù địch”mà vô số hiện đang là tù nhân trong các nhà tù của nhà nước.

….

Không thích nghe nên chúng được liệt vào loại “ý kiến mang động cơ xấu”. Số phận của những ý kiến kiểu này ở các đại hội trước là các tác giả thì bị ghi danh tính còn ý kiến thì được “đưa vào sọt rác”. Còn ở đại hội này nó đã bị dọa dẫm, được công khai số phận ngay từ hội nghị trung ương lần thứ 14 trước đại hội 11 qua thông cáo“Riêng đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”. Như vậy bản “dự thảo báo cáo chính trị” sẽ là “nguyễn y vân”, “báo cáo chính trị” cơ bản vẫn là “dự thảo báo cáo chính trị” đã được công bố rộng rãi từ trước.

Về các tham luận, lẽ ra đây phải là phần thảo luận sôi nổi thể hiện được dân chủ trong đảng nhưng vì sợ các ý kiến “trái chiều”, “không mang tính chất xây dựng” nên các bản tham luận của các đoàn đại biểu, của các cá nhân đều được giao hoặc đăng ký nội dung trước, được trưởng các đoàn hoặc BCH trung ương duyệt nội dung. Vì vậy đại hội sẽ được nghe những bản tham luận được duyệt nội dung, nói vuốt đuôi các nội dung đã nêu trong dự thảo.

Phần bầu bán cuối tháng 10 đầu tháng 11 trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải kết quả nhân sự đại hội đảng bộ của các tỉnh và các đảng bộ ngang cấp cho thấy : Trừ một số vị bí thư nghỉ vì quá tuổi, trừ bí thư tỉnh ủy Hà Giang vì để địa phương xảy ra vụ án mua bán dâm nổi tiếng không bao che nổi, trừ bí thư tỉnh ủy Bắc Giang phải nghỉ để con tổng Mạnh lên thay các bí thư tỉnh ủy kể cả những tỉnh bán rừng đầu nguồn, có thành tích phá rừng xây thủy điện tràn lan, liên quan tới các vụ tham nhũng lớn nhưng chưa bị lộ vẫn tái đắc cử. Dĩ nhiên họ vẫn được cơ cấu, vẫn được hội nghị trung ương 14 giới thiệu, định hướng để đại hội bầu vào BCH trung ương khóa 11. Còn đối với bộ chính trị theo báo chí nước ngoài trong cuộc họp BCH trung ương khóa 14 đã sắp xếp 4 vị trí cao nhất. Vẫn là 4 nhân vật cũ trong bộ chính trị đặc biệt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người phải chịu trách nhiệm lớn nhất về vụ Vinashin gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế có thể vẫn tiếp tục làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tới. Có thể khẳng định “4 vị trí trên” dù có được xếp vào phe thân Mỹ hay thân Tàu thì vẫn “kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội”bằng cách thay mặt toàn dân nói “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” , vẫn ca bài “4 tốt, 16 chữ vàng”với “người bạn lớn”, vẫn kiên quyết không chịu thi hành các quyền tự do dân chủ của người dân nêu trong các công ước quốc tế mà chính họ đã ký kết, vẫn chỉ đạo để khai thác bauxite ở Tây Nguyên đúng tiến độ, chỉ đạo để chuẩn bị xây dựng đường sắt cao tốc, tiếp tục cho xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước kiểu như Vinashin. Kết quả nhân sự của phần bầu bán chỉ là việc công khai những điều mà hầu như dư luận đã biết từ trước.

Thay đổi sau đại hội 11

Những ai còn mơ tưởng sau đại hội 11sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp trước tiên xin hãy điểm qua những việc mà đảng cộng sản Việt Nam làm được cho đất nước dân tộc theo các mốc thời gian là các đại hội đảng mà họ vẫn thường tự nhận đó là “những công lao trời biển”

Đại hội 1 năm 1935 đảng cộng sản chưa giành được chính quyền nên chưa có ảnh hưởng gì.

Đại hội 2 năm 1951 khởi xướng cải cách ruộng đất giết oan hàng vạn người vô tội.

Đại hội 3 năm 1960 khởi xướng xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam làm dân miền Bắc lâm vào cuộc sống đói khổ, cả nước lâm vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn làm chết hàng chục triệu người.

Đại hội 4 năm 1976 phá tan nền kinh tế thị trường ở miền nam bằng chính sách hợp tác hóa, ngăn sông cấm chợ, gây nên cuộc chạy trốn chế độ, gây nên thảm họa thuyền nhân khiến hàng chục vạn người thiệt mạng.

Đại hội 5 năm 1982 sau đại hội này chính sách giá lương tiền đã làm cả nước điêu đứng.

Đại hội 6 năm 1986 khởi xướng chính sách đổi mới thực chất là trở lại với nền kinh tế thị trường đã xóa bỏ.

Đại hôi 7, 8, 9 đánh dấu mức độ thần phục, lệ thuộc ngày càng tăng của lãnh đạo cộng sản Việt Nam vào cộng sản Bắc Kinh. Các hiệp ước cắt đất biên giới được ngầm ký kết để bảo đảm cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam. Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hàng chục ngàn km vuông biên giới bị mất trong thời gian này.

Đại hội 10 năm 2006 cho đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân thực chất là để hợp lý hóa khối tài sản tham nhũng của lãnh đạo đảng. Nhiệm kỳ của đại hội 10 liên tiếp xảy ra các vụ tham nhũng lớn như PMU18, PCI, in tiền Polime liên quan tới các lãnh đạo cao cấp của đảng. Các vụ đàn áp tàn bạo với tôn giáo, các nhà bất đồng chính kiến, dân oan khiếu kiên như Đồng Chiêm, Thái Hà, Tam Tòa, Làng Mai Bát Nhã. Ban hành các điều luật hạn chế cấm đoán các quyền tự do, dân chủ như nghị định 97, cấm khiếu kiện đông người, thắt chặt kiểm soát báo chí. Các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới sự chỉ đạo điều hành của nhà nước làm ăn thua lỗ do tham nhũng do quản lý kém gây thất thoát lớn như tập đoàn Vinashin, than khoáng sản,…Núp dưới “chủ trương lớn” để Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên bất chấp luật lệ, bất chấp sự phản đối của đông đảo nhân sĩ, trí thức.

Kế đến hãy đọc dự thảo thực ra cũng là báo cáo chính trị thật công bố tại đại hội và điểm lại các gương mặt dự kiến trong bộ chính trị thì sẽ thấy rõ :

Sau đại hội 11 Việt Nam có thay đổi là ngày một tụt hậu thêm, nhưng xếp hạng tụt hậu thì không thay đổi vì đã đứng ở tốp cuối.

1/2011 TRẦN HOÀNG LAN

Không có nhận xét nào: