Lịch sử nhân loại là những trang đẫm đầy máu và nước mắt. Và Máu và nước mắt luôn là phó sản của sự đau khổ mất mát khi con người bị tước đoạt quyền sống và hạnh phúc.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Liên Hiệp Quốc được thành lập như một định chế để ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, giữa các cộng đồng… nhằm duy trì hòa bình trên thế giới, nói chung là vì mục đích gìn giữ hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng trên thực tế, từ đó cho đến nay thế giới vẫn chưa có một ngày im tiếng súng, máu vẫn đổ và nước mắt vẫn tuôn tràn trên khuôn mặt của những số phận bất hạnh, không chỉ trong bóng tối mờ ám của tù ngục mà còn ngang nhiên giữa ánh sáng mặt trời.
Xét trên thực tế, từ ngày ra đời cho đến nay, Liên Hiệp Quốc cũng đã ngăn chặn hoặc dập tắt được một số những cuộc xung đột giữa một số quốc gia, và cũng chỉ có thế, sự đau khổ của nhân loại có vẻ như không giảm đi mà càng ngày càng gia tăng trong đủ loại hình thái tinh vi hơn. Từ sau cuộc Thế Chiến II đến nay, các chế độ thực dân lần lượt sụp đổ, hầu như không một chính quyền hoặc dân tộc nào dám xua quân xâm chiếm một quốc gia khác để dựng lên một chế độ thực dân đối với dân tộc khác (ngoại trừ trường hợp của bạo chúa Iraq: Saddam Hussein).
Chế độ thực dân cổ lỗ trong đó dân tộc này bóc lộ dân tộc kia đã cáo chung, nhưng một hình thái thực dân bóc lột mới lại nảy sinh và càng ngày càng bộc phát mạnh: những chế độ thực dân nội địa trong đó một thiểu số cầm quyền cai trị bóc lột chính nhân dân mình và cướp đoạt tài nguyên đất nước mình. Nghĩa là chế độ con người bóc lột con người, vi phạm nghiêm trọng tuyên ngôn nhân quyền do chính Liên Hiệp Quốc đề ra, và Liên Hiệp Quốc cũng đành bó tay… đứng nhìn. Ngoài Liên Hiệp Quốc với Tuyên Ngôn Nhân Quyền còn có Tòa Án Công Lý Quốc Tế và Tòa Hình Sự Quốc Tế, Tuyên Ngôn về Trách Nhiệm Bảo Vệ [1], hàng trăm tổ chức nhân quyền khác như: Human Rights Watch, Amnesty International, Free House, Committee to Protect Journalists, Reporters without Borders, v.v.
Tóm lại, hàng trăm định chế và tổ chức loại này đã được thiết lập hoặc được các quốc gia ký kết để rồi… bó-tay!
Lương tâm nhân loại quả có lao xao nhưng chẳng làm gì được với những chế độc độc tài hoặc côn đồ đang trắng trợn chà đạp quyền làm người, bóc lột chính nhân dân và đất nước của họ, gây bất ổn cho cuộc sống nhân loại trên toàn thế giới.
Những con người có lương tri biết làm gì ngoài việc cảm nhận sự đau khổ của đồng loại (và của chính mình) trong một tâm trạng bất lực? Những câu hỏi chúng ta có thể đặt ra ở đây là: Do đâu mà các chế độ độc tài côn đồ vẫn cứ nảy nòi và tồn tại trong thế giới ngày nay? Cộng đồng nhân loại có phương cách nào để dẹp bỏ những chế độ phi nhân đang đi ngược xu hướng chung tìm đến tự do và bình đẳng cho mỗi công dân của Trái Đất? Làm thế nào để dẹp bỏ những chính quyền độc tài của những quái vật thời hiện đại như Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, Than Suê của Miến Điện, “đại tá” Muammar Gaddafi của Lybia, “thằng hề” Hugo Chavez của Venezuela … và nhất là chế độc độc tài toàn trị phi nhân của đảng cộng sản đang đè đâu cỡi cổ nhân dân chúng ta từ 80 năm nay?
Để trả lời cho những câu hỏi (đồng thời là khát vọng của lương tri nhân loại) trên, trước tiên có lẽ chúng ta phải đi tìm những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại của các chế độ phi lý trên. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo chủ quan của người viết, sau đây là các nguyên nhân chủ yếu:
1. Lòng tham mù quáng hoặc ảo tưởng điên cuồng của con người. Con người cụ thể ở đây là giai tầng lãnh đạo mà mãnh lực của đồng tiền và quyền lực đã biến họ thành những quái thú, nô lệ của đồng tiền và danh vọng. Và hầu như chẳng có lòng tham nào là có đáy.
2. Sự xuất hiện của chủ thuyết cộng sản trong thế kỷ 19, dẫn đến sự tồn tại của các quốc gia cộng sản với cuộc Chiến Tranh Lạnh trong thế kỷ 20. Sự việc Liên Xô – thành trì của thế giới cộng sản và các quốc gia độc tài cộng sản đã đổ sụp vào cuối thế kỷ 20, chứng tỏ sự sai lầm của chủ thuyết này. Tàn dư của nó vẫn còn rơi rớt đến nay là 4 quốc gia cộng sản do “đại ca” Trung Cộng đứng đầu với hai tên đàn em trung kiên là Bắc Triều Tiên và Việt Nam ở châu Á, bên kia Tây Bán Cầu là nhân dân đất nước Cuba xinh đẹp đã rên siết hơn 50 năm dưới bàn tay sắt đầy máu của anh em nhà Castro.
3. Chính sách thiển cận của một số chính quyền Hoa Kỳ và phương Tây. Với bề dày truyền thống xã hội dân chủ của mình, một số chính quyền của Hoa Kỳ và phương Tây thay vì chọn đứng về xu hướng tiến bộ chung của nhân loại – nhưng vì ích lợi cục bộ quốc gia hoặc bị chi phối bởi các tập đoàn tư bản đa quốc gia – nên đã đứng về phe của các giai tầng thiểu số cầm quyền phản động. Thay vì đóng vai trò lãnh đạo, theo qui luật tự nhiên, dẫn dắt thế giới tiến đến cuộc sống bình an tốt đẹp hơn, Hoa Kỳ và phương Tây nhiều lúc đã đóng vai trò con buôn ích kỷ, điều này càng làm cho thế giới càng bất bình và bất ổn hơn bởi sự nảy nòi và thách thức của những lực lượng đề kháng cực đoan vô trách nhiệm với sự tồn tại của nhân loại: Al Qaeda và sự lớn mạnh của đất nước độc tài cộng sản Trung Quốc.
4. Sự lớn mạnh của Trung Quốc. Dưới bàn tay cai trị của đảng cộng sản TQ và tầng lớp thống trị mang dòng máu Hán tộc, bản chất gian manh và chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng bá chủ thế giới, đất nước độc tài toàn trị Trung Cộng đã thực sự trở thành mối đe dọa cho thế giới và nhân loại (và cả đại khối nhân dân Trung Hoa với chính sách bóc lột của chế độ thực dân nội địa: đại đa số người dân bị bóc lột sức lao động nhưng vẫn sống trong nghèo khổ, hố cách biệt giàu nghèo trong xã hội quá lớn, đảng viên và chính quyền thì càng ngày càng giàu và toàn quyền sử dụng tài sản quốc gia – gần 3000 tỉ đô la thặng dư mậu dịch là kết quả của sự bóc lột sức lao động người dân và xâm hại môi trường sống được đem cho nước ngoài vay, tạo thanh thế chính trị và kinh tế nhằm duy trì quyền lực của đảng cộng sản chứ không phục vụ cho đời sống của nhân dân). Các chế độ độc tài quái đản từ Á sang Phi như Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Sudan, Congo, Zimbabwe… liệu tồn tại được bao lâu nếu không có sự chống lưng đỡ đầu của Trung Quốc? Và sau rốt, sự lớn mạnh của tên thực dân Trung Quốc phải chăng có trách nhiệm từ chính sách con buôn sai lầm của Hoa Kỳ, bắt đầu từ màn “ngoại giao bóng bàn” của cặp đôi Nixon – Kissinger năm 1972?
5. Sự bất lực của Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế là một thực tế rõ ràng, với quy chế VETO (quyền phủ quyết) của những quốc gia thiếu trách nhiệm với sự bình yên của thế giới (nếu không nói là côn đồ) như Trung Quốc, đôi khi là Nga, đôi khi là các “con buôn” Mỹ, Anh, Pháp. Tuyên ngôn Nhân Quyền đã và đang bị các chính phủ thực dân nội địa vi phạm. Tuyên ngôn về Trách nhiệm Bảo vệ (R2P) cũng chưa một lần được thực thi để cứu vớt các dân tộc đang chết dần trong đau khổ, mất tự do. Tòa án Hình Sự quốc tế của LHQ cũng chưa xét xử trọn vẹn một phiên tòa nào đối với những tên bạo chúa đã và đang cầm quyền trên thế giới…!
Tóm lại, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới nhiểu nhương và bế tắc, trong đó lương tâm nhân loại sẽ không ngơi dằn vặt khắc khoải bởi những đau khổ của đồng loại, của dân tộc và chính bản thân mình do sự bất lương và tàn ác của các chế độ độc tài. Trong đó, khổ đau của đại đa số người dân là hạnh phúc của bọn thiểu số cầm quyền vô lương.
Theo số liệu của Ts Nguyễn Hưng Quốc lấy từ tổ chức Free House [2] hiện nay trên thế giới có 2,434 tỉ người sống dưới các chế độ độc tài; 60% số người ấy hiện đang sống ở TQ. Như vậy, cứ 10 người chịu đựng sự độc tài thì có 6 người đang sống ở TQ. 2,434 tỉ người tức là hơn 40% nhân loại đang sống trong khổ đau và rủi thay trong đó có gần 90 triệu dân Việt Nam chúng ta.
Chúng ta không có con số để so sánh tỉ lệ này với thời điểm các năm thập niên 1960, thời điểm cáo chung của các chế độ thực dân kiểu cũ, nhưng tôi tin rằng từ đó cho đến nay tỉ lệ con người sống dưới các chế độ độc tài đã tăng lên, số các quốc gia độc tài đã nảy sinh càng lúc càng nhiều hơn trong thế giới hiện đại, dưới những chiêu bài càng lúc càng tinh vi và dối trá tàn tệ hơn so với chủ nghĩa thực dân cũ. Nhân dân các nước thuộc địa cũ đã đấu tranh mong dành được độc lập cho đất nước và quyền làm người cho bản thân, nhưng sau đó hầu hết lại lọt vào một loại xiềng xích nô lệ mới: các chế độ độc tài giả danh dân chủ hoặc các chế độ cộng sản sắt máu. Con số 2,434 tỉ người (40% nhân loại) đang sống mất tự do, nhân phẩm bị chà đạp, bị súc vật hóa… nói lên điều gì? – Con người đang biến Trái Đất này, ngôi nhà ở duy nhất trong vũ trụ của mình thành một nơi dung dưỡng tội ác, bất ổn đầy hiểm nguy và đau khổ. Số 60% nhân loại còn lại có thể làm gì để đấu tranh chống lại cái ác đó?
– Rõ ràng là sự bất lực của các định chế quốc tế. Không ai có thể làm gì trước sự lộng hành của một nhóm cướp biển Somalia, không một chế tài nào có thể ngăn được những hành động điên rồ hoặc quái ác của các bạo chúa tân thời như: Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, Mahmoud Ahmadinejad của Iran, tập đoàn quân phiệt Miến Điện, Hassan Al-Basir của Sudan, bàn tay sắt máu của các chế độ cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam. Phải chăng lương tâm nhân loại là một thứ hàng xa xỉ?
Lịch sử nhân loại đã bỏ qua những tội ác tày trời của các bạo chúa đương đại: hàng chục triệu người Nga chết dưới bàn tay Stalin, hàng chục triệu con dân Trung Hoa có lẽ vẫn đang ngậm hờn trong mộ phần của họ vì những ảo tưởng ngông cuồng và ác tâm của người cầm lái vĩ đại Mao Trạch Đông, mấy chục triệu dân Bắc Triều Tiên vẫn đang sống kiếp sống súc vật từ hơn 60 năm nay, hàng tỉ người dân đang phải sống dưới mức chuẩn nghèo đói trong các quốc gia mà thiểu số cầm quyền đang tha hồ vùng vẫy bơi lội trong những thú vui xa hoa lãng phí mà mức độ vô luân còn hơn thời Trung Cổ… Những thí dụ kể trên phải chăng không là tội ác đối với nhân loại? Bao giờ thì những tên bạo chúa trên mới được đem ra xét xử trước tòa án công lý của nhân loại để trả lại sự bình đẳng cho những người đã bị bức hại đến chết và sau nữa, gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho những bạo chúa đang còn tại vị hay lăm le chực chờ ngoi lên những ngai vàng máu của chúng? Công lý? Bao giờ hoặc sẽ chẳng bao giờ đến với những cơ chế và định chế bị chi phối bởi lòng tham ích kỷ của thế giới hiện nay?
Trong tác phẩm Cội nguồn của Chiến tranh, Ayn Rand [3] đã lên tiếng phê phán từ những năm 60: “Chúng ta ca ngợi hòa bình, chúng ta chống lại việc dân tộc này sử dụng vũ lực chống lại dân tộc khác chứ không chống lại việc chính phủ của một nước sử dụng vũ lực nhằm chống lại các công dân của chính nó” [4]. Dù vậy, từ đó cho đến nay thế giới vẫn bất lực, không có một quan điểm hợp lý và đúng đắn để từ đó hình thành được những định chế hữu hiệu trong công cuộc phòng ngừa và chống lại những chế độ bất lương và côn đồ trên thế giới.
Thế giới này và nhân loại sẽ đi về đâu và liệu bao giờ dân tộc và bao giờ đất nước Việt Nam chúng ta mới thoát khỏi cái kiếp nạn độc tài cộng sản này?
Những biến cố xảy ra mới đây tại Tunisia, Ai-cập, Lybia, Yemen… đang thắp lên trong chúng ta một ngọn lửa hy vọng: khát vọng tự do của con người là ngọn lửa thiêng ngàn đời bất diệt, phen này sẽ đốt cháy một lần cuối những chế độ độc tài vô lương trên thế giới để vĩnh viễn mang lại cho con người – sinh vật thiêng liêng của vũ trụ – cuộc sống bình đẳng, tự do và phẩm giá.
Sự nổi dậy của nhân dân các nước vùng Trung Đông dù ôn hòa và bất bạo động nhưng vẫn có chết chóc thương vong do đàn áp của các chính quyền độc tài, hàng trăm người bị chết và bị thương cho đến khi lật đổ được hai ông Vua Tổng Thống Ben Ali và Hosni Mubarak. Nhân dân các nước Lybia, Yemen, Bahrain, Iran, Algeria, Morocco… vẫn đang đổ máu, nhiều hay ít là do mức độ thức tỉnh của lực lượng an ninh và quân đội nước sở tại.
Dù ngọn lửa đấu tranh chống độc tài đang bùng cháy tại Trung Đông nhưng con đường đấu tranh chung của cả nhân loại không hề dễ dàng, nếu không nói là sẽ khó khăn hơn vì các chế độ độc tài khác (nhất là độc tài cộng sản ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam) có thời gian để rút kinh nghiệm đối phó với đám đông quần chúng nổi dậy. Vì vậy, việc đề ra những phương án đấu tranh là cần thiết và cần sự hợp sức của nhiều người nhiều tổ chức. Thí dụ, về mặt luật pháp quốc tế chúng ta sẽ đề ra những cải cách như sau đối với tổ chức Liên Hiệp Quốc:
1. Sửa đổi quyền phủ quyết (VETO) của 5 cường quốc thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An: Sự phủ quyết (đối với một vấn đề, hoặc nghị quyết nào đó) chỉ có giá trị khi có ít nhất 02 phiếu phủ quyết.
2. Thành lập Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử (UBGSBC) độc lập, ngang hàng với Hội Đồng Bảo An, có nhiệm vụ giám sát tất cả các cuộc bầu cử của các quốc gia trên thế giới. Một số các điều khoản chi tiết về Luật Giám Sát Bầu Cử (bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên LHQ phải ký kết) đề nghị như sau:
a) Các cuộc trưng cầu dân ý, bầu cử quốc hội hoặc lãnh đạo của các quốc gia bắt buộc phải tổ chức dưới sự giám sát quốc tế, cụ thể là Ủy ban Giám sát bầu cử của LHQ.
b) Những cuộc bầu cử không có sự giám sát quốc tế của UBGSBC sẽ không được công nhận, theo đó chính quyền được dựng lên bởi cuộc bầu cử này sẽ không được sự thừa nhận của quốc tế. Lãnh đạo chính quyền này, thân nhân cũng như bộ máy cầm quyền của họ sẽ bị xem là bất hợp pháp và sẽ bị những chế tài theo luật quốc tế (không được tham dự các hội nghị, tài sản bị phong tỏa, không được bất kỳ quốc gia chính danh nào đón tiếp, không được tham gia hoặc bị loại bỏ khỏi các tổ chức quốc tế v.v. cho đến khi – chậm nhất là 12 tháng sau – tổ chức lại các cuộc bầu cử có sự giám sát của UBGSBC quốc tế).
c) Bất kỳ chính quyền lâm thời nào (do chính biến hoặc do quốc gia mới thành lập) buộc phải tổ chức bầu cử có sự giám sát của UBGSBC quốc tế để thành lập chính quyền dân sự chính thức và hợp pháp trong thời hạn chậm nhất là 18 tháng kể từ ngày chính quyền lâm thời được thành lập.
Cuối cùng, trở lại với tình hình thực tế của Việt Nam chúng ta. Mặc dù trong lòng đang chứa chan hy vọng rằng một “cuộc cách mạng hoa sen” của dân tộc chắc chắn sẽ phải xảy ra bởi cái ác không thể thắng cái thiện để cứ “đời đời quang vinh”, nhưng trước mắt chúng tôi mong mỏi những ai không còn muốn cúi đầu chấp nhận thứ quốc hội cây cảnh do “đảng cử dân bầu”, mong các bạn trẻ giỏi phương tiện công nghệ thông tin hãy giúp lập ra một trang báo điện tử với chủ điểm cô đọng là “taychaybaucu.com” (“tẩy chay bầu cử”), mục đích để kêu gọi mọi người ký tên tẩy chay cuộc bầu cử cuội do cộng sản Việt Nam sắp tổ chức vào tháng Năm/ 2011 này.
Và biết đâu, ngày đó chúng ta sẽ tập họp lại thay vì tiếp tục hèn nhát tham gia trò “đảng cử dân bầu” dối trá kia, chúng ta sẽ nổi lửa lên để đưa dân tộc và đất nước thoát khỏi kiếp nạn độc tài cộng sản và dã tâm xâm lược ngàn đời của lũ sài lang phương Bắc.
Lê Lão Trượng
Sài Gòn, tháng 02 – 2011
[1] The Responsibility to Protect (R2P) Declaration (Tuyên Ngôn về Trách Nhiệm Bảo Vệ): tuyên ngôn này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào Tháng 9/2005, theo đó “cộng đồng quốc tế có quyền can thiệp để bảo vệ nhân dân một quốc gia khi nhà cầm quyền quốc gia đó rõ ràng thất bại trong việc bảo vệ người dân khỏi bị diệt chủng, tội phạm chiến tranh, hoặc tàn sát chủng tộc khác (ethnic cleansing) và những tội phạm chống con người”.
[2] Một tổ chức phi chính phủ (NGO) thành lập năm 1941, trụ sở đặt tại Washington D.C., chuyên nghiên cứu về dân chủ, tự do chính trị, nhân quyền…
[3] Theo Wikipedia: Ayn Rand (tên thật là Alisa Zinov’yevna Rosenbaum; sinh ngày 2 tháng 2 năm 1905 mất ngày 6 tháng 3 năm 1982) là một nhà văn Mỹ gốc Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta những kẻ sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem. Là người có ảnh hưởng rộng với xã hội Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã nhận được sự mến mộ nồng nhiệt cũng như những phản bác gay gắt.
Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, đồng thời cũng chỉa mũi dùi tấn công vào những khía cạnh không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể (collectivism) và chủ nghĩa cộng sản.
[4] Huỳnh Thục Vy, “Thế giới có thật sự hòa bình?”, Đàn Chim Việt, ngày 31/01/2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét