Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
Những điều vô lý thì phải bỏ
Nhưng chỉ bỏ những thứ… nhỏ nhỏ kiểu tổ dân phố. Còn chuyện người dân băn khoăn hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên thì “chưa có cơ sở.” Chuyện nhỏ như con thỏ của Tàu. Nhưng mà có nhỏ thì mới có lớn. Cứ tạm tin như vậy mà sống, chiến đấu, học tập không theo gương ai cả (Danlambao)…
SGTT.VN – “Kỳ bầu cử này là lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày. Làm như vậy, vừa tiết kiệm được tiền bạc, vừa không làm mất thời gian của cử tri. Tuy nhiên, để tìm được một đại biểu xứng đáng, cần phải thay đổi quy trình hiệp thương. Cách hiệp thương như hiện tại còn có không ít điều vô lý”, ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật uỷ ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nguyên phó chủ tịch uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh.
Cụ thể, sự vô lý đó là gì, thưa ông?
Ông Lê Hiếu Đằng. Ảnh: TL SGTT
Ví dụ quy định các ứng cử viên, kể cả người tự ứng cử, phải thông qua tổ dân phố. Thực tế, bây giờ chúng ta đánh giá hoạt động của tổ dân phố rất là hình thức. Có hộ chủ gia đình không đi họp tổ dân phố mà thường xuyên cử người giúp việc đi họp thay. Nhiều vị trí thức, do thấy hoạt động của tổ dân phố quá hình thức nên ít hoặc không đi họp tổ dân phố. Khi họ tự ứng cử, họ sẽ bị đánh rớt ngay tại khu phố mình ở.
Theo tôi, việc đánh giá đại biểu nên để cho cử tri của cả khu vực thực hiện chứ không thể loại trước bằng tổ dân phố được. Ở đây, tôi kêu gọi đổi mới là ở chỗ đó. Chính cách làm trên đã khiến không ít người tự ứng cử nản lòng không ra ứng cử tiếp, hay những người có ý định tự ứng cử không dám ra ứng cử.
Chúng ta khắc phục bằng cách nào?
Theo tôi, trong tổ chức bầu cử không nên lấy ý kiến của tổ dân phố làm yếu tố quyết định, mà chỉ nên tham khảo. Bởi có ứng cử viên khi lấy phiếu tín nhiệm ở tổ dân phố không đạt, nhưng thực tế họ lại là người có đủ tâm, đủ tầm khi tham gia ứng cử. Nếu mình không nói rõ điều này thì khó mà khuyến khích những người có tài, có đức tự ứng cử. Vì vậy, MTTQ phải là cơ quan chịu trách nhiệm trước dân về việc lựa chọn đại biểu để đưa vào danh sách ứng cử. Đặc biệt, MTTQ phải kiên quyết gạt tên khỏi danh sách những đại biểu nào được bầu nhiệm kỳ trước mà không hề có tiếng nói gì bảo vệ quyền lợi của dân, của đất nước.
Có ý kiến cho rằng việc phân bổ đại biểu cho từng tỉnh thành hiện nay không còn phù hợp?
Bản thân tôi cũng thấy việc phân bổ chỉ tiêu đại biểu như những nhiệm kỳ trước là hết sức bất cập, bởi tình hình phát triển của mỗi tỉnh, thành khác nhau. Chẳng hạn, TP.HCM là thành phố lớn, nếu chỉ tiêu ngang bằng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác như Cần Thơ, Đà Nẵng là vô lý.
Vậy theo ông, bao nhiêu là phù hợp với TP.HCM?
Theo tôi, cần đưa ra quy định bao nhiêu dân số thì được một đại biểu Quốc hội, không nên hạn chế. Như kinh nghiệm của tôi, cứ khoảng 200 ngàn dân thì nên có một đại biểu Quốc hội. TP.HCM khoảng 10 triệu dân thì cứ theo đó mà tính ra số lượng đại biểu của thành phố.
Ông nghĩ thế nào về vai trò của đại biểu chuyên trách?
Nhân anh đặt vấn đề này, tôi xin nói: để một Quốc hội, một HĐND thực chất là một Quốc hội, HĐND đại diện cho tiếng nói của người dân, theo tôi, ít nhất phải có 60% đại biểu chuyên trách. Như vậy mới tạo thế độc lập cho Quốc hội, cho HĐND, chứ không thể như Quốc hội, HĐND vừa rồi.
Theo ông, đại biểu được “lấy” ra từ cơ quan, đoàn thể nào thì hoạt động hiệu quả?
Theo kinh nghiệm cũng như quan sát thực tế của tôi, những đại biểu là người của các đoàn thể, mặt trận, các nhà hoạt động xã hội, các nhà văn hoá là những đại biểu hoạt động hiệu quả hơn so với các đại biểu là quan chức nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, những đại biểu có tiếng nói tích cực, làm nghị trường nóng lên toàn là những đại biểu không phải là quan chức nhà nước. Những đại biểu thuộc các đoàn thể, mặt trận, các nhà hoạt động xã hội,… là những người có thời gian để sâu sát với cuộc sống của người dân. Không phải là quan chức nhà nước nên việc giám sát chính quyền của họ cũng dễ hơn.
Có người cho rằng đa phần đại biểu Quốc hội, HĐND là đảng viên nên họ gặp nhiều chuyện khó nói, không dám nói trên nghị trường…
Thực tế hiện nay có hơn 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Từ thực tế quan sát của mình, tôi cho rằng băn khoăn trên của người dân chưa có cơ sở. Bởi không phải cứ đảng viên là không dám chất vấn. Chỉ có các đảng viên thiếu bản lĩnh mới thế. Thực tế thì mọi đường lối, chủ trương của Đảng đã được Nhà nước thể chế hoá bằng các quy định và văn bản thực thi dưới luật. Thế thì là đảng viên, chiếu theo những quy định trên, anh phát hiện ra những vấn đề đi ngược lại lợi ích của xã hội, của dân tộc, thì dù có ý kiến của chi bộ, đảng bộ địa phương đó thế nào, chúng ta cũng phải trao đổi và có ý kiến trở lại với chính quyền nơi đó, chứ không phải răm rắp thực hiện và cho rằng mình là đảng viên thì phải tuân thủ yêu cầu, chỉ đạo của tổ chức. Ví dụ, ở việc tranh luận xung quanh dự án đường sắt cao tốc, tuy có ý kiến của Đảng rồi nhưng các đại biểu có quyền có ý kiến khác với ý kiến của Đảng. Có như vậy mới cần thành lập Quốc hội, HĐND, nếu không thì thành lập làm gì? Nếu đảng viên là đại biểu Quốc hội hay HĐND mà thực sự có bản lĩnh thì không có gì là mâu thuẫn lợi ích khi thực hiện quyền và nghĩa vụ đại biểu của mình.
“Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sắp tới, những người được giới thiệu hay tự ứng cử nên làm hai việc công khai minh bạch ngay từ đầu là bằng cấp và tài sản. Những năm trước tôi đã đề nghị phải công khai nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi nào có vấn đề gì hay ai kiện cáo thì mới bổ sung. Nay tôi nhắc lại đề nghị này vì thời gian gần đây, vấn đề bằng cấp gây hoang mang cho không ít cử tri. Về vấn đề tài sản, một khi anh chấp nhận làm đại biểu Quốc hội, HĐND, anh phải chứng minh cho dân thấy mình là người trong sáng, minh bạch. Tôi cho rằng kỳ bầu cử này nếu đổi mới thì trước hết nên đưa hai điều khoản đó vào để người dân có thêm điều kiện dễ dàng lựa chọn” ông Đằng nhấn mạnh.
Đào Lê (thực hiện)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét