Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Cái “rổ” của Nhà nước khác cái “rổ” của bà nội trợ


Thuận Hải – Khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn ở Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn hiện đã tăng 25% so với cách đây 1 tháng, giá trứng tăng tới 45% trong khi giá rau củ tăng bình quân 30%. Giá cá đồng tăng mạnh nhất tới 60% còn giá thịt gà công nghiệp cũng tăng không kém ở 40%.
Dù giá tăng mạnh nhưng người dân vẫn phải chấp nhận bởi không có cách nào khác.

Bà Nguyễn Ánh Thục (60 tuổi) ở Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, ngày nào bà cũng đi chợ nhưng vẫn bị “sốc” bởi giá thực phẩm. Bà cho biết thêm, vì giá lên nên gia đình bà phải chấp nhận bằng cách giảm lượng mua hàng ngày”.

Trong khí đó, trao đổi với báo chí sáng 22/3, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) vẫn dự báo:”chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng khỏang 2,1%. Như vậy, mức tăng CPI quý I sẽ là 6%”.

Dẫu biết rằng tỷ trọng giá thực phẩm trong “rổ” CPI chiếm không quá bán (50%), nhưng khỏang cách chênh lệch giữa số tăng CPI do Nhà nước công bố với mức tăng giá ngòai chợ sao quá xa đến vậy?


Người dân không hiểu vì sao thực phẩm tăng 30-40% mà CPI vẫn chỉ tăng có 2,1% (IE)

Tiêu dùng – trong quan niệm của số đông người lao động, với mức thu nhập hiện nay, cũng mới chỉ đủ loanh quanh cho nhu cầu ăn – ở. Vì thế mức tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) họ cũng có thể tự đo và thống kê được bằng số tiền tăng thêm hàng tháng cho tiền điện; mua xăng đi làm và khỏan tiền đi chợ trong tổng thu nhập của gia đình hàng tháng; hàng quý.

Nếu như mức chi tiêu cuộc sống hàng ngày của người dân cũng chỉ giảm 2,1%/tháng hay 6%/quý thì cũng chưa gây trạng thái “sốc” cho người dân. Nhưng nếu đồng tiền trong tay các bà nội trợ sụt giá đến 30-40% thì các thông tin từ bàn giấy của cơ quan chức năng nhà nước về mức tăng CPI định kỳ chẳng ăn nhập gì với khối lượng nhẹ đi “rõ ràng” trong làn của các bà nội trợ.

Theo đó, niềm tin vào những con số trong văn bản pháp quy, các bản thông tin và rộng hơn là trong các nhận định và dự báo của Nhà nước cũng chẳng còn có mấy giá trị.

Và những cam kết “vĩ mô” hơn, từ phía Chính phủ như: bảo đảm nguồn cung vàng; ngọai tệ, thắt chặt tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải trong đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và nhiều hơn thế là cam kết về sự ổn định kinh tế-xã hội cũng khó lôi kéo được sự đồng cảm và tham gia cùng Nhà nước của tòan xã hội.

Vì từ cái sát sườn lợi ích, người dân không thấy số “nhà nước” và số “của dân” nó tương đương nhau – chỉ số CPI là một ví dụ cụ thể.

Trong các chỉ đạo và giải pháp điều hành kinh tế của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ gần đây đã có thêm một nội dung mới: tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về tình hình và những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; củng cố niềm tin; động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Con số CPI “trong thống kê” và “trong mỗi gia đình” phải được xử lý và công bố sao đó để người dân thấy nó phản ảnh đúng giá trị hiện thực. Xa vời quá, chỉ số CPI chỉ còn ý nghĩa với các cơ quan Nhà nước, các nhà kinh tế, còn người dân thì không biết thế nào mà lên kế họach chi tiêu cho tương lai.

Mà khi tương lai cuộc sống hàng ngày mà họ còn không thể hoạch định cho mình thì khó có thể “đồng thuận” để làm việc gì lớn hơn, phục vụ cho lợi ích chung của tòan xã hội theo chỉ đạo và định hướng của Nhà nước.

Thuận Hải

Không có nhận xét nào: