Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Lạm phát tại Việt Nam lên đến 13,9%, mức cao nhất từ hai năm qua


Thụy My (RFI) – Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã lên đến mức cao nhất trong vòng hai năm qua, với gần 14% trong tháng Ba theo nguồn tin chính thức được hãng AFP đưa lại, trong khi chính quyền đang cố gắng ổn định nền kinh tế sau thời gian dài dành ưu tiên cho việc tăng trưởng.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tăng với nhịp độ 13,9% hàng năm. Nạn lạm phát là một trong những nỗi lo hàng đầu của các chính phủ châu Á, nhưng ở Việt Nam lại càng đáng lo hơn. Tỷ lệ lạm phát trong quý 1 năm nay tăng trung bình 12,79% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do giá thực phẩm tăng 17%.

Phát biểu trước Quốc hội hồi đầu tuần này, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố là chính phủ sẽ theo đuổi “một chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng”, với việc “giảm bớt đầu tư vào khu vực công và quản lý thâm hụt thương mại” vốn đã lên đến 12,4 tỉ đô la trong năm 2010.

Việt Nam đã xoa dịu nỗi lo ngại của các nhà đầu tư và nhà kinh tế hồi tháng Hai, thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước loan báo phá giá đồng bạc lần thứ tư trong vòng 14 tháng, ở mức 9,3%. Chính quyền Hà Nội đã dành ưu tiên cho việc đấu tranh chống lạm phát. Ngân hàng đã tăng một số lãi suất cơ bản và tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm ổn định các chỉ số quan trọng. Ngược lại, chính phủ đã quyết định tăng giá xăng dầu lên 18% và giá điện lên 15% kể từ ngày 1/3.

Các nhà kinh tế cho rằng trước mắt lạm phát sẽ lại tăng, nhưng hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện vào cuối năm nay. Nhiều chuyên gia đã hoan nghênh việc thắt chặt chính sách tiền tệ, và nỗ lực đấu tranh chống lại tình trạng vật giá tăng cao. Chính phủ Việt Nam khẳng định ý hướng kìm hãm tỷ lệ lạm phát năm nay ở mức 7%.

Không có nhận xét nào: