Vào ngày 28 tháng 5 năm 2004, tại viện Goethe, ở Hà Nội, thi sĩ Dương Tường đã ví von (một cách rất thâm trầm và ấn tượng) rằng nhà văn Bùi Ngọc Tấn là “người chưng cất nỗi đau thành hy vọng.” Ối, Yàng ơi, tưởng gì chứ “chưng cất nỗi đau” thì người miền núi chúng tôi không thiết tha hay mặn mà gì cho lắm. Chuyện thơ/văn cũng thế. Và bởi thế, tôi nghe qua rồi bỏ ngoài tai.
Đến đêm qua, sau khi đọc xong Hồi Ký Vi Đức Hồi, tôi mới thấy là mình lâm vào một tình cảnh khó khăn (thật) chứ không phải bỡn.Tôi cũng muốn vinh danh tác giả – một người đồng bào dân tộc thiểu số anh em của mình – hết sức nhưng loay hoay mãi vẫn không nói được thành lời, kể cả những lời lẽ không được “thâm trầm” hay “ấn tượng” gì cho lắm.
Chúng tôi đều không phải nhà văn hay nhà thơ gì xất cả. Lều văn, túp văn, hoặc chòi thơ cũng không luôn. Tôi vốn vụng. Ông Vi Đức Hồi cũng vụng về (không kém) nên khi muốn khen nhau (hoá) hơi bị khó.
Tập hồi ký của ông lỗi chính tả tùm lum. Những qui luật văn phạm căn bản cũng đều được … “bỏ qua.” Vi Đức Hồi viết tự nhiên như nói, thế thôi.
Ông có cách nói rất giản dị, bình thản, nhẹ nhàng và hoàn toàn không hề lựa lời hay cân nhắc gì ráo trọi. Những lời tâm sự mộc mạc, chân thành, và nhẹ nhàng của ông tựa như một giòng suối nhỏ – êm đềm, len lách âm thầm trong rừng xa núi thẳm – chợt róc rách lên tiếng giữa một khoảng trời xanh bát ngát bao la.
Tôi đọc Vi Đức Hồi mà thấy “đã” như đang uống ừng ực những ngụm nước suối trong veo và tươi mát, giữa một buổi trưa rừng nóng nực. Ông kể:”
“… ngày giỗ đầu của cụ Hoàng Minh Chính,tôi đến thắp nén hương cho cụ,
vừa đến cổng,có một người chạy tới tự xưng là công an Hà Nội nói với tôi.
-Anh Hồi vào nhà ông Chính phải không?
-Vâng,tôi vào nhà cụ Chính thắp nén hương cho cụ.
-Anh vào thắp hương rồi ra nhé, đừng làm gì cho phức tạp ra.
-Anh nói gì tôi không hiểu!
-Không. Ý em nói là anh đừng tụ tập,họp hành,bàn bạc gì ở trong ấy,cứ thắp hương xong rồi về.
Tôi vào làm thủ tục xong rồi xin phép gia đình về luôn.Thực tình tôi cũng muốn về sớm vì là ngày tết mồng 1 tháng giêng.Ra đến cổng,người tự xưng là công an Hà Nội lại chạy ra đón tôi.
-Anh Hồi còn đi đâu nữa không?
-Tôi về luôn thôi,ngày tết bận lắm.
-Vâng.Bọn em rất biết về anh,vì là công việc mà anh Hồi!bọn em không như ở trên kia,anh xuống đây liên tục, anh biết đấy,trừ trường hợp anh quá đáng thì bọn em mới phải làm việc với anh,còn bình thường đi thăm thân,anh cứ thoải mái.Em đọc trên mạng em biết đúng là công an rừng có khác,nghe mà khủng khiếp.Thời đại văn minh mà đi làm những trò mọi rợ thế sao được!Nhưng thôi mỗi nơi một khác anh ạ.”
Thế ra ở Việt Nam có (đến) hai lọai công an: công an rừng và công an Hà Nội. Chả hiểu đám công an “ở trên kia” hành xử “mọi rợ” ra sao mà tai tiếng (dữ) vậy Trời?
Muốn biết thêm chi tiết, xin nhẩn nha nghe (tiếp) chuyện kể của Vi Đức Hồi:
“Quê tôi,một trong những Xã nghèo nhất Nước ta ,là một trong 9 Xã cuả Tỉnh Lạng sơn và là một trong hai Xã duy nhất của Huyện Hữu lũng chưa có bóng dáng điện lưới quốc gia;là Xã vùng sâu,vùng xa,Xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí phân loại của chương trình 135 của chính phủ…
Sinh ra và lớn lên trong điều kiện của một gia đình nghèo,nằm trong một quê hương nghèo như vậy,tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của những người Dân quê tôi,biết vậy mà không giúp gì được cho quê mình.Kẻ như tôi ‘ốc chẳng mang nổi mình ốc’ nên ‘lực bất tòng tâm’!
“Từ ngày ly khai Đảng, tôi ‘được’ Đảng tung ra một loạt chiến dịch nhằm bao vây,cô lập,tách tôi ra khỏi cộng đồng, để rồi sẽ chẳng có ai gần tôi, nghe tôi nói,chẳng biết lấy ai để chia sẻ, để tâm sự. Đảng cho rằng, tôi đã xúc phạm Đảng!làm sao mà không xúc phạm! vì ở cái thế giới này, duy nhất chỉ có Đảng cộng sản Viêt nam được toàn Dân ‘trìu mến’ gọi ‘Đảng ta’, Đảng tự hào lắm!(Đảng biết đâu được dân gọi Đảng ta để cho khỏi lẫn với Đảng tây) tôi là ‘thằng’ cả gan vạch ra đủ thứ tội của Đảng,nhiều người Dân ngớ ra:té ra Đảng cũng nhiều tội! biết chắc tôi chẳng làm được gì ngoài tiếng nói cảnh tỉnh cho người Dân tôi biết đích thực về ‘Đảng ta’ ,nhưng dù sao đây cũng là việc làm ‘tày trời’ ,bởi làm mất ‘cái uy’ của Đảng,nếu không ra tay trừng trị thì quả là một hiểm hoạ khôn lường.Hôm nay có một ‘thằng’ ,mai có vài ‘thằng’, rồi đến toàn Dân vạch tội Đảng thì không những ‘Đảng ta’ chẳng ra thể thống gì, mà quan trọng hơn là còn đâu uy tín để muôn thủa làm”người Đại biểu của Dân! ,còn bới đâu ra cái ‘danh hiệu’:anh minh,sáng suốt,tài tình, đúng đắn…là lực lượng duy nhất xứng đáng để lãnh đạo Nhà nước và Xã hội!với các chiêu bài của Đảng đưa ra,tôi thật sự đã bị cô lập.Những bạn bè,chiến hữu của tôi trước đây là ‘Đồng chí’ với nhau,cùng công tác với nhau, nay họ xa lánh tôi,họ quay lưng lại với tôi, không phải vì tư cách đạo đức của tôi,mà là vì miếng cơm,manh áo của họ gắn chặt với ‘Đảng’,vì thế họ phải chịu sự dạy bảo,răn đe của Đảng.”
“Thế nhưng những người Dân quê tôi thì hoàn toàn ngược lại,họ không những không lánh xa tôi mà có phần còn gần gũi hơn,cùng chia sẻ với những khó khăn của tôi.Bất chấp những mối đe doạ của Đảng,họ luôn bênh vực tôi vì họ biết rõ về tôi,tôi không bao giờ phản bội Tổ quốc tôi,không bao giờ đi ngược lại lợi ích của Đồng bào tôi,họ đón nhận tôi như những người thân yêu nhất của họ.Tôi thầm cảm ơn họ và tự thấy mình hổ thẹn vì chưa đáp lại được gì cho họ dù chỉ là chút xíu.Thế nên tôi cố tìm cách để tỏ lòng biết ơn,thể hiện tấm lòng của mình đối với những người láng giềng xung quanh tôi,tạo thêm sự gắn bó,sự mật thiết tình làng,nghĩa xóm.Tôi mạnh dạn trao đổi với mấy người bạn của tôi, đề nghị họ giúp và thế là tôi có được ít tiền của bạn bè cho vay, cộng với chút ít của tôi giành dụm.Tôi mua được một chục cặp lợn con, giúp cho 10 hộ nghèo nhất ở làng tôi để họ chăn nuôi, khi nào lợn xuất chuồng bán thì hoàn trả gốc cho tôi,để tôi chuyển cho hộ khác.Nhiều người phấn khởi,nhận lợn và cảm ơn…”
“Hai ngày sau,Thường trực Huyện uỷ triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt ở xã Tân lập(quê tôi) để nghe cơ sở báo cáo tình hình.Huyện uỷ quán triệt: đây là một trong những âm mưu rất nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta,hơn lúc nào hết,chúng ta phải nêu cao cảnh giác cách mạng,chặn đứng mọi hành động nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân,gây mất ổn định an ninh chính trị.Ngay lập tức phải họp toàn dân quán triệt về những thủ đoạn, ‘âm mưu diễn biến hoà bình’ của bọn chúng,kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của Vi đức Hồi.Vận động những người đã nhận lợn của Vi đức Hồi đem tả lại ngay cho hắn…”
Những dòng chữ thượng dẫn được viết (xong) tại Lạng Sơn, vào ngày 20 tháng 7 năm 2009. Gần hai năm sau, vào ngày 11 tháng 5 năm 2011, tôi tình cờ đọc được trên trang mạng Bauxite đôi dòng nhật ký (hơi kỳ) của bà Nguyễn Thị Từ Huy:
“Chiều nay tôi gặp một vị cán bộ quản lý của trường nơi tôi làm việc, do trước đó ông có gọi điện và hẹn gặp tôi. Ông rất nhã nhặn và tỏ ra lúng túng khi bắt đầu câu chuyện. Rút cục thì ông cũng nói rằng chuyện liên quan đến việc ký vào bản kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, rằng công an đã gọi điện đến và yêu cầu ông kiểm tra xem tôi có ký hay không…
Mươi ngày sau nữa, hôm 20 tháng 5 năm 2011, cũng trên mạng Bauxite, có bản tin ngăn ngắn: “Một người ký Kiến nghị bị o ép làm đơn tố cáo Bauxite Việt Nam.” Nhân vật ẩn danh này cho biết:
“Cháu tên XXX, ký tên trong bản kiến nghị vụ TS CHHV ở vị trí XXX. Sáng nay bên an ninh gọi cháu lên làm việc về việc đó. Do xác định mình muốn góp một tiếng nói cho lẽ phải nhưng không thể vì thế mà để bên đó gây khó dễ cho tương lai nên cháu buộc phải đổi hướng từ chối việc ký kiến nghị. Bởi vì cháu mới nghỉ công tác đơn vị cũ và qua đơn vị mới được nửa năm nên bất cứ điều gì bất lợi đều ảnh hưởng rất lớn. Sau khi cân nhắc kỹ, cháu buộc phải hành động như vậy, mong các bác thứ lỗi…”
“Sau đó họ yêu cầu làm một cái đơn tố cáo là trang web sai trái và đã đưa tên cháu trái phép, nhưng không đưa tên cơ quan công an vào đơn, chỉ tố cáo khơi khơi như vậy và nơi nhận là các cơ quan chức năng thì cháu không chịu…”
Khi mạn đàm với phóng viên Tranh Trúc (RFA) về bản án 8 năm tù và 3 năm quản chế dành cho Vi Đức Hồi, tại phiên toà xử vào hôm 26 tháng Giêng năm 2011, bà Hoàng Thị Tươi – người bạn đời của ông – có nêu nghi vấn như sau:
“… chồng tôi phải chăng là người miền núi dân tộc cho nên là họ nghĩ rằng không biết gì hay là ở vùng xa xôi, không gần trung tâm thủ đô, thì chèn ép như thế nào đó, cho nên họ làm như vậy thì tôi nghĩ rằng về điều đó tôi mong rằng anh em bạn bè xa gần hãy có tiếng nói giúp đỡ trong việc đó để xem là họ làm như vậy là có đúng không?”
Kính thưa bà Hoàng Thị Tươi, tôi xin phép được thay mặt “anh em bạn bè xa gần” để thưa rằng:
- “Không, không có sự kỳ thị hay phân biệt đối xử nào (ráo) giữa người miền xuôi với miền ngược. Ở đâu thì công an cũng tai ngược, ngang ngược, và bạo ngược (y) như nhau thôi. Công dân Việt Nam (không phân biệt tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, sắc tộc) đều bình đẳng trước bạo lực và khủng bố. Đây là một cơ hội đồng đều (equal opportunity) cho tất cả mọi người dù họ đang sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, hay hay giữa lòng “thủ đô lương tâm của nhân loại!”
Sự dị biệt (có chăng) là ở Lạng Sơn thì người dân bị “o ép” phải từ bỏ mấy chú heo con vì lo sợ “âm mưu diễn tiến hoà bình,” còn ở Hà Nội thì người dân bị “o ép” chối bỏ chữ ký của mình cũng vì lý do … tương tự!
Chỉ riêng chuyện o ép người dân (phải) làm đơn tố cáo tha nhân thì mới thực là điều hoàn toàn độc đáo, và là một điểm son của công an Hà Nội. Từ nay – chắc chắn – đám công an ở Bình Nhưỡng, ở Bắc Kinh, ở Havana, hay ở Rangoon cũng sẽ đều phải gọi công an ở Thủ Đô (nước ta) bằng cụ.
K’ Tien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét