Pages

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Từ câu chuyện của Nguyễn Trí Đức: Nhận thức là một quá trình


Vì thế, nhiều khi chúng ta trách người khác tại sao lại tin những điều vô lý tưởng chừng không thể tin nổi, tại sao không làm những điều mà lẽ tất nhiên phải làm… chúng ta cần hiểu điều đơn giản rằng để họ nhận thức được, cần một quá trình.

Quá trình đó dài hay ngắn, nhanh hay chậm đều phụ thuộc môi trường, hoàn cảnh, điều kiện… của mỗi cá nhân.

Chủ nhật tuần trước, sau khi đi biểu tình về, đang ngồi trong quán bia, một người đến sau lưng tôi nói to:
 “Nhận thức là một quá trình, đúng thật, nhận thức là một quá trình”. Nghe câu nói quen quen như sách, quay lại, tôi mới biết người nói câu đó là Nguyễn Trí Đức, người thanh niên đã “nằm xuống đường, đã được bốn đồng chí công an giúp đỡ nâng lên xe bus và đã đập mặt vào đế giày công an nhiều lần” – theo cách nói hiện nay – trong cuộc biểu tình hôm nào đó được một nhà báo nhân dân ghi lại.

Nguyễn Trí Đức, người từng có niềm tin lớn


Khá ngạc nhiên, tôi hỏi: “Cậu nói vậy nghĩa là sao”? Anh ta trả lời: “Hôm nay, thì buộc em phải nói vì họ đã đẩy em đến bước đường cùng”. Thế rồi cậu kể cho tôi nghe câu chuyện báo Hà Nội mới đã viết về vụ đạp mặt cậu như thế nào, trả lời của Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh ra sao… và nỗi bức xúc của cậu như thế nào.


Điều cậu bức xúc nhất là thà báo nào nói còn được, chứ tờ Hà Nội mới là báo của Thành ủy Hà Nội, cơ quan của Đảng bộ Hà Nội mà ăn nói cỡ đó là không được…


Qua câu chuyện cậu kể, tôi nhớ lại mới cách đó 1 tuần, trong quán Cafe chân cột cờ đường Điện Biên Phủ, cậu đã hào hứng giảng giải cho tôi việc cậu “đập mặt vào đế giày công an”. Cậu nhận thức rằng đó không phải là chủ trương của cấp trên, vì cấp trên không bao giờ có chủ trương và bao che cho hành động đó. Cậu không kiện thì ngành công an nghiêm minh cũng sẽ xử lý đúng người đúng tội đúng pháp luật.


Cậu tin tưởng thế và cậu giảng giải cho tôi về gia đình cậu cũng ở đất Nghệ Tĩnh máu lửa cách mạng, rằng cậu là đảng viên đã 10 năm tuổi đảng và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của cấp trên, rằng cậu biểu tình yêu nước, chống Trung Quốc thì không có tội gì và không thể nào bị đàn áp nên không sợ, rằng cậu cũng đã đi biểu tình từ năm 2007…

Công an đạp vào mặt Nguyễn Trí Đức


Biết tôi là người Công giáo, cậu nói với tôi rất hào hứng rằng hồi trước em trong đội quân dự bị sẵn sàng dập tắt vụ Tòa Khâm sứ nếu có bạo loạn, em đã từng ăn ngủ trực vụ Tòa Khâm sứ đến cả chục ngày và sẵn sàng xông lên, trấn áp thẳng tay vụ Ngô Quang Kiệt… Mà bọn em được lệnh là nếu có bạo loạn, khi đã ra tay là trấn áp thật sự chứ không đơn giản đâu, khi đó thì nếu có hàng chục ngàn giáo dân cũng không lại được đội quân đã chuẩn bị nhiều tầng, nhiều lớp… sẽ bất chấp tất cả, nghĩa là sẵn sàng một Thiên An môn.


Rồi cậu nói về Cù Huy Hà Vũ rằng bức thư của Vũ lại dám gửi “đồng bào” là không được, vì từ đó không thể dành cho một người mà cậu nói rằng đó chưa phải là anh hùng…


Tôi thầm nghĩ, chưa bao giờ Cù Huy Hà Vũ tự xưng mình là anh hùng, cũng như việc Cù Huy Hà Vũ gửi thư và gọi là đồng bào thì có sao, có người mới 58 tuổi đã gọi là cha già dân tộc rồi, trong khi Vũ cũng đã 57 tuổi chứ ít đâu. Còn tờ Hà Nội mới, cậu chưa biết về nó thì cứ tin, còn tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm với nó.

Cậu nói hào hứng, tin tưởng và tôi ngồi nghe một lúc cứ nghĩ rằng người đã đóng đinh tư tưởng như cậu này, thì mãi mãi sẽ kiên định tinh thần tin tưởng vào đảng, vào nhà nước không hề lay chuyển.


Thế rồi có chuyện một tuần sau, cậu ngán ngẩm khi gặp tôi thốt ra một lời: “Nhận thức là một quá trình anh ạ”.


Cũng hôm đó, tôi gặp lại Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, nạn nhân bị công an đánh đến gãy cổ chết.

Cháu Tiến nhận ra tôi và hỏi thăm “Chú đã lấy vợ chưa” làm tôi suýt bật cười vì trước đó, tôi nói đùa với cháu là tôi đang bận chuẩn bị đám cưới nên lâu không gặp cháu.

Gặp lại cháu Kim Tiến tại hội ngộ yêu nước. Ảnh:NBG


Cháu còn tin tưởng là một đứa con gái như cháu, mới lớn chưa biết gì mà khi trực diện chất vấn Phó Giám đốc Công an Hà Nội dám nói thẳng, chất vấn mà chú ấy vẫn im lặng chịu khó ngồi nghe, hứa hẹn vậy thì cháu yên tâm là chú ấy sẽ làm hết sức mình để bố cháu được khỏi oan uổng.


Tôi chẳng biết nói gì hơn với cháu, chỉ thắp nén hương, ghi nhận thái độ của cháu và nói với cháu rằng, cố gắng để bố cháu mồ yên mả đẹp và yêu cầu làm đúng pháp luật, có điều tôi tin rằng sau khi cháu chôn bố cháu xong thì mọi việc sẽ khác. Cháu có vẻ không tin điều đó và còn nói với tôi rằng chẳng lẽ không tin vào pháp luật của nhà nước nghiêm minh sao.


Tôi ra về, trước khi về chỉ nói với cháu rằng, cứ đợi xem cháu ạ, hãy xem những việc người cộng sản làm.

Thế rồi đám tang của ông Tùng cũng được hệ thống công an chăm sóc kỹ lưỡng và ông xuống mồ với nỗi oan tầy đình.

Một thời gian sau, cháu Tiến nhắn với tôi, chú ơi, đến giờ việc của bố cháu vẫn chưa được giải quyết, mặt khác gia đình cháu đang bị trả thù… Tôi hỏi lại là trả thù cái gì, nhà cháu không trả thù thì thôi chứ có làm gì mà bị trả thù? Cháu kể tôi nghe chuyện về căn nhà của gia đình chị cháu và phường. Cháu còn cho biết là bây giờ khi cháu lên gặp chú Chung, chú ấy bảo là đã chuyển sang chú khác làm việc đó rồi nên chú ấy không đến gia đình cháu như khi chưa chôn bố cháu nữa. Còn vụ việc của bố cháu đến bây giờ vẫn dẫm chân tại chỗ…

Thế rồi bẵng đi khá lâu, khi tôi ở nơi xa xôi nhìn thấy tấm hình cháu mang áo dài đi biểu tình chống Trung Quốc, rồi gặp gỡ cháu hôm đó, tôi thấy cháu đã thay đổi nhiều.


Từ một thanh niên mới lớn, cháu khoe chỉ biết học, chơi và chụp ảnh, ngoài ra không quan tâm gì nhiều đến các vấn đề xã hội, cháu trở thành hoa hậu biểu tình. Hôm gặp cháu, tôi nói với cháu: “Giờ mày còn nổi tiếng hơn hoa hậu đấy cháu ạ”. Cháu bảo cháu cũng bị nhiều sức ép lắm, nhưng nhận thức của cháu đã thay đổi, đã lớn lên nhiều.

Thực hiện lời hứa ở Tòa Khâm sứ


Nhớ lại những câu chuyện này, tôi nhớ đến Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Khi mọi vấn đề đang hết sức quyết liệt, tinh thần giáo dân cao hơn bao giờ hết thì ngài quyết định cung nghinh Thánh giá về. Tôi gặp ngài sau đó và hỏi: “Thưa Đức Tổng, lý do gì vậy?” Ngài cho biết quan chức cao cấp của nhà nước, chính phủ đã đến đề nghị đưa Thánh giá về để đỡ mất mặt nhà nước trong việc trả lại Tòa Khâm sứ và hứa hẹn chắc chắn sẽ làm thủ tục trả lại cho Giáo hội. Tôi nói với ngài: “Coi chừng cha sẽ bị lừa”. Ngài còn nói lại “Họ có chức vụ, có uy tín chứ đâu phải chuyện trẻ con nói xong không làm”. Một tháng sau, tôi hỏi lại chuyện đó, ngài còn tin tưởng: “Có lẽ do nền hành chính rùa bò thôi, chứ họ đã hứa thì họ sẽ thực hiện thôi con ạ”.


Thế rồi chó, dùi cui, dây kẽm gai, công an, cán bộ… phong tỏa và biến Tòa Khâm sứ, Nhà dòng Thái Hà thành vườn hoa. Đến độ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt còn phải thốt lên “Tôi sợ lắm rồi, tôi bị lừa nhiều rồi nên tôi sợ”.


Qua ba câu chuyện trên, cách giải quyết và hậu quả như thế nào?


Người ta đưa Nguyễn Trí Đức đi giám định sức khỏe sau những cú đạp mặt là không cần thiết, bởi cú đạp đó dù không trầy da xước thịt thì cũng có sức nặng ngàn cân là đạp vào lòng yêu nước, đạp vào cả mặt của một dân tộc. Điều cần giám định ở đây, là giám định lại cái đầu chứa tư tưởng gì mà đạp vào mặt lòng yêu nước, tinh thần dân tộc?


Cũng như vậy, lẽ ra điều cần thiết ở vụ án Trịnh Xuân Tùng không phải là yên ủi, vỗ về cô bé mới tuổi 19, 20 để đưa xác ông bố đi chôn cho xong, mà cần chôn vùi thái độ hống hách, cửa quyền, man rợ của những kẻ công bộc nhân dân lạm quyền và tàn ác.


Tương tự, lẽ ra nên bằng mọi cách trả lại tài sản Giáo hội bị chiếm đoạt trái pháp luật, không văn tự để thể hiện là một nhà nước pháp quyền, người ta đã dùng xe ủi, thép gai, công an và chó để chiếm đoạt bằng được tài sản đó.


Dù là người nông dân ít học, dù là trí thức, sinh viên đến các bậc lão thành, những nhà lãnh đạo… tất cả đều rất dễ tin vào những lời ngon ngọt nếu không qua một thực tế kiểm nghiệm để rút cho mình những bài học cần thiết. Thế nhưng sau đó, dù có được việc tức thời thì hậu quả cũng lớn lao cần trả giá không kém.

Như vậy, qua các câu chuyện tôi chứng kiến, mới hiểu ra điều mà Nguyễn Trí Đức đã nhắc tôi: “Nhận thức là một quá trình”.


Vì thế, nhiều khi chúng ta trách người khác tại sao lại tin những điều vô lý tưởng chừng không thể tin nổi, tại sao không làm những điều mà lẽ tất nhiên phải làm… chúng ta cần hiểu điều đơn giản rằng để họ nhận thức được, cần một quá trình.

Quá trình đó dài hay ngắn, nhanh hay chậm đều phụ thuộc môi trường, hoàn cảnh, điều kiện… của mỗi cá nhân.


Nhưng ở đời, mọi chuyện sẽ không bao giờ vượt qua được sự thật. Bản chất, hình thức tất cả dù là những chiếc kim, có tài giỏi giấu kín bao nhiêu thì cũng đến lúc sẽ thò mũi kim qua lớp vải bọc.


Và vì thế, các thế lực thù địch tiềm tàng trong nhân dân sẽ ngày càng nhiều khi nhận thức của người dân ngày càng tăng lên nếu vẫn dùng những cách lấp liếm, giải quyết thời vụ như vừa qua.


Hà Nội, ngày biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 10, 14/8/2011

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào: