Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Én Việt Nam ơi!




Trịnh Sơn - Ai có tâm có trí mà không nghĩ đến vận mệnh quốc gia, dân tộc! Vấn đề lãnh thổ có thể mỗi con kiến không thể tự mình cõng một hột cát về cho tổ quốc được, nhưng vấn đề văn hóa, kinh tế, khoa học thì sao có thể nói "một con én không làm nên mùa xuân"? Tôi đọc và tôi tìm thấy từng ngày trên các trang mạng giản dị, mộc mạc tiếng Việt - những cánh én chở khát vọng tự do cho đất nước.

Vâng, vì mới chỉ là khát vọng nên nó mới nặng và nó mới có thể gắn kết con người ta khắp năm châu bốn biển lại với nhau, bằng ý chí trong sáng chứ không phải bằng bất cứ mắt xích vật chất giả/thật nào. Ý chí thúc đẩy hành động. Vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức là một biến dạng của ý chí phản kháng ở đỉnh điểm thăng hoa, cao vút và nổ tung. Nó đem lại cái gì cho dân tộc? Nó đem lại cái gì cho công cuộc thống nhất Phật giáo và thống nhất đất nước? Câu trả lời đến hôm nay hẳn nhiên đã nhiều người trả lời cho chúng ta. Một que diêm không thể tự soi sáng nó. Nó được soi sáng sau khi cháy hết mình để soi sáng cho tha nhân bốn phía quanh mình. Tôi nghĩ, Thích Quảng Đức là một con én made in Lạc Hồng thứ thiệt! Bay qua mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và đậu lại trên một nhánh mùa đông lạnh lẽo. Nó có cần biết nó đã trải qua ngày tháng và đất đai nào không? Nó có cần thiết cọ cọ hai mảnh mỏ nhỏ vào nhau như người ta chập cheng đánh kẻng báo giờ? Đường bay của con én là cuộc đời của nó. Hạnh phúc và mãn nguyện vì đã đủ đầy xuân hạ thu đông chảy qua mạch sống của mình.

Lâu lâu, tôi vẫn mơ thấy những con én cô độc, cần cù, mãi miết trên dãi đất máu đỏ da vàng "từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau"... Mơ mơ thật thật...

Lâu lâu, vẫn đọc câu ghi nhớ trên trang chủ của nhà văn Nguyễn Quang Lập: "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Không biết ông choa này có nghĩ như tôi không, nhưng tôi luôn luôn bị đóng đinh cả thần trí mình vào con đường vất vả của người Việt trước bốn bề biến động mỗi khi đọc câu này. Đến hôm nay, đọc một bài viết của ông "Lời cuối cho Bauxite" thấy có câu kết: "“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, kinh thì kinh thật nhưng chắc là không còn xa nữa đâu." thì sung sướng không gì bằng, hóa ra, chúng ta đang sở hữu quá nhiều những con én của tình yêu xứ sở và của lòng tự tôn giống nòi. Mùa đông có thể dài thật dài, nhưng bạn ơi, chớ bao giờ lo sợ mình không chạm vào mùa xuân được. Có thể khi bạn đang cóng róng bại liệt trong chậu trong lồng, nhưng chỉ cần tâm hồn không nằm yên một chỗ thì mùa xuân sẽ đến, bất ngờ như một người thức dậy trễ dưới ánh nắng ấm áp của một vùng ven biển. Mùa xuân lúc ấy không cần gọi tên chỉ mặt, vì cả hạ thu đông đều đã tan biến hòa lẫn vào một mùa vỹ đại. Mùa của tự do. Cỏ và hoa hiện diện trong tầm mắt chúng ta như đã có từ lâu lắm rồi, trên máu và mồ hôi và xác thân anh em bè bạn nằm xuống.

Tôi tin, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã có mùa xuân đầu tiên. Ôi, mùa xuân đầu tiên của Văn Cao có còn quanh quẩn bên những liễu yếu chợ chiều ?

Tự nhiên, tôi lại nhớ nhà văn Xuân Cang. Mới trung tuần tháng 9 vừa rồi, ông đăng đàn Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc ở Tuyên Quang, nói về vận mệnh của một nhà văn. Đại ý là, mỗi con người đều có mệnh có số, nhà văn cũng vậy. Nếu biết được vận số của mình thì nhà văn sẽ mau tìm thấy con đường mà đi cho tiện, khỏi lòng vòng mất thời giờ và công sức. Cũng hay hay! Tối hôm đó, tôi đánh bạo tìm gặp riêng ông.

- Thưa bác! Bác nói mỗi người có vận mệnh ?

- Đúng, tôi tin thế.

- Mỗi tác phẩm có vận mệnh không ?

- Theo logic của tôi thì có.

- Đất nước ta vận mệnh thế nào ?

Trời mưa. Trong khi mọi người ngồi nép dưới hiên thì một ông lão với một gã trai trẻ vẫn chìm vào câu chuyện của mình.

- Chúng tôi đã bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này rất nhiều. Khó nói lắm.

- Chúng tôi ? Nghĩa là không chỉ một mình bác ?

- Chúng tôi gặp nhau trên nhiều phương diện, và thống nhất với nhau một số vấn đề. Với lại, phát biểu về đất nước, làm sao một mình Xuân Cang tôi cáng đáng hết được.

- Vận mệnh Việt Nam là nói về vận mệnh đất nước hay các bác chỉ nói về vận mệnh của đảng ?

- (cười).

- Từ sau 45 hay từ sau 75 ?

- (lại cười)

- Còn bao lâu nữa ?

Ông trầm ngâm hơi lâu, dưới những hạt mưa bắt đầu rơi nặng.

- Không lâu nữa đâu. Nhưng, chính xác là bao lâu thì khó nói lắm.

- Nếu có một vị anh hùng kiệt xuất như Hồ Chí Minh nữa, thì người ấy ở đâu ? Trong nước ?

- Tất nhiên trong nước. Chúng tôi bàn cãi về con người này nhiều. Đã có lúc nhất trí rằng người ấy xuất hiện từ vùng Quảng Nam Đà Nẵng. Nhưng, sau đó lại biến mất, không thấy lộ diện trở lại.

- Trên quẻ ? Hay, trên tình hình thời sự quốc gia ?

- Cả 2.

Ông trời cắt ngang cuộc trò chuyện thú vị của chúng tôi. Nhà văn Xuân Cang hẳn nhiên tin điều mình làm là đúng, nên tôi thấy mình không nhất thiết phải xin phép ông cho công bố mấy lời trên đây.

Sáng nay, thức dậy, đọc anhbasam vẫn thấy không có gì mới. Toàn những chuyện đau lòng cả thôi.

Trịnh Sơn
Nguồn : Facebook Trịnh Sơn

* Ca khúc "Tiếng nói thế hệ trẻ", thơ Trịnh Sơn , nhạc Đặng Vương Quân, ca sĩ Tâm Thư

Video : HoaCoMayTD

Không có nhận xét nào: