Phó Thường Dân
T/g gửi tới TTHN
Hổm rày đọc mấy bài viết của các blogger tự do trên mạng thì tui thiệt là rầu hết biết. Hổng hiểu sao cho thấu được cái chế độ và luật pháp ở đất nước quê nhà. Mà thôi để tui kể chuyện bên quê người.
Phó thường dân tui ở đây có ông hàng xóm làm nghề thợ điện. Ngày mới dọn vô nhà thì buổi chiều đã nghe có tiếng bấm chuông.
Mở cửa ra thì thấy hai vợ chồng ông bà người Mỹ đứng trước cửa ôm cái bánh táo (apple pie) và tấm thiệp trao tặng. Ông bà nói lời chào mừng chúng tôi, người hàng xóm mới. Dần dà cũng gặp nhau đôi lúc khi ra lấy thư ở đầu ngõ. Hai vợ chồng và ba đứa con nói chuyện đàng hoàng, hiền lành, và vui vẻ. Ông ta trông vẻ bình thường cũng như mọi người dân ở đây.
Một hai năm sau đó trong những lần thăm hỏi nhau thì ông ấy đề cập đến việc bản thân ông đi kiện Căn Cứ Tàu Ngầm Hải Quân[1] vì họ không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin về kế hoạch và phương án phòng ngừa với các rủi ro với đầu đạn nguyên tử trang bị cho tàu ngầm. Cách đây hơn một tháng thì ông thợ điện hàng xóm của tui cho biết là đã sang thủ đô Washington dự phiên xử ở Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court) và kết quả là ông ta thắng kiện với tỉ số 8 thuận 1 chống. Đây là một quá trình kiện tụng khá dài của ông từ tiểu bang (state), tới khu vùng (circuit court), và cuối cùng là Tối Cao Pháp Viện.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một chút là có chín vị thẩm phán được bổ nhiệm bởi Tổng thống với phê chuẩn từ Quốc hội vào Tối Cao Pháp Viện Hoa-kỳ. Nhiệm kỳ của họ là suốt đời trừ khi họ từ chức vì lý do sức khoẻ hoặc qua đời thì Tổng thống mới bổ nhiệm người thay thế. Với tư thế hoàn toàn độc lập họ tuân thủ bảo vệ hiến pháp tối thượng, giải thích luật theo hiến pháp, và bảo vệ quyền hiến định của người dân. Họ không thiên vị cho bất cứ đảng phái hoặc phe nhóm nào, cho kẻ giàu có hay người nghèo khó.
Quyền hiến định và vốn có (constitutional and inherent rights) của mỗi công dân Hoa-kỳ phải được tôn trọng, đáp ứng. Một trong những quyền này là quyền được biết việc làm của các tổ chức nhà nước vì vai trò của chính quyền là phục vụ người dân. Để công dân biết tất cả các việc làm của chính quyền thì Hoa-kỳ có Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) nhằm ngăn ngừa việc các cơ quan hành chánh, tư pháp, lập pháp lạm quyền che dấu thông tin.
Chỉ riêng Nhà Trắng, Bộ Ngoại Giao, Cơ Quan Tình Báo FBI, CIA, và Quốc Phòng có hồ sơ mật (secret) vì lý do an ninh quốc gia (national security) thì rơi vào trường hợp ngoại lệ. Tất cả các cơ quan khác thì không được quyền bảo mật hồ sơ hay tài liệu của mình mặc dù có những văn kiện được xếp hạng là kín (confidential). Ngoại trừ quyền bảo mật các tài liệu kỹ thuật (trade secrets), các công ty tư nhân phải cung cấp các hồ sơ hành chánh nếu có án lệnh của cơ quan nhà nước trong việc điều tra trong các vụ kiện tư nhân hoặc khởi tố.
Nói chung, chỉ các hồ sơ trong dạng dự thảo (draft) có thể phân loại là kín nhưng khi đã hoàn chỉnh và lưu hành (ngay cả khi chỉ trong nội bộ) thì các tài liệu này đều phải được cung ứng nếu có yêu cầu.
Các yêu cầu về thông tin phải được đáp ứng trong khoảng thời gian quy định (không quá 20 ngày). Nếu chậm trễ quá thời hạn thì sẽ bị phạt hành chánh. Người dân chỉ cần trả chi phí bản sao (photocopy) tương đương với giá trên thị trường.
Chuyện đáng nói nữa là không phải bất cứ hồ sơ nào cứ được đóng dấu “Mật”là trở thành tài liệu bí mật. Các hồ sơ đóng dấu mật nhưng không đúng tiêu chuẩn thì cũng phải bị bật mí.
Không phải như ở Việt Nam cứ tự do vô tội vạ đóng dấu mật thì được bảo vệ là mật. Từ phường, xã, huyện, tỉnh, thành phố mạnh anh nào anh đó “ịn” dấu mật để che dấu các quyết định bất hợp pháp. Các hồ sơ, tài liệu, công văn về Vinashin, Bô-xit Tây Nguyên, tiền Polymer đã chôn trong hũ mắm dán giấy mật thì có ai mà khui ra được.
Riêng phó thường dân tui đã từng yêu cầu các các tài liệu liệt vào loại công cộng (public record request) như thế từ Thành phố Seattle. Dĩ nhiên tui đã được cung cấp đầy đủ không rắc rối, phiền hà. Sau khi nhận giấy yêu cầu của dân như tui chẳng hạn thì họ xin thời gian để thu thập và hẹn ngày thuận tiện đến xem xét.
Tụi tui được họ cung cấp tất cả công văn, điện thư, tài liệu liên quan đến đề mục đòi hỏi. Họ cho sử dụng một phòng nhỏ riêng để chúng tôi có thể duyệt qua các hồ sơ và đánh dấu những tài liệu nào cần bản sao. Nếu số lượng bản sao ít hay/và quan trọng thì nhân viên sẽ cung cấp bản sao ngay tại chỗ, còn nếu số lượng lớn thì họ yêu cầu cho thời gian sao chép và gởi bằng bưu điện đến tận nhà hoặc đến lấy sau.
Về vấn đề cư trú, cảnh sát Hoa-kỳ không được quyền vào nhà người dân để khám xét trừ khi có lệnh của toà án. Muốn được lệnh của quan toà, cơ quan cảnh sát phải có bằng chứng rất rõ để thuyết phục ông quan toà viết lệnh khám xét. Không phải cái kiểu nghi ngờ khơi khơi rồi khám xét, dựng chuyện, tạo bằng chứng để kết tội.
Ông quan tòa nào viết lệnh hớ không có bằng chứng thuyết phục sẽ bị báo chí bêu xấu và dân cư tẩy chay không tín nhiệm và không bầu cho nữa, hoặc có thể kiện luôn sở cảnh sát và quan toà. Không có chuyện mời “làm việc” vì người dân chẳng có mắc mớ gì phải làm việc với cảnh sát khi chưa bị truy tố về một tội phạm nào. Cảnh sát nào cứ lảng vảng liên tục theo dõi thì sẽ bị kiện là quấy nhiễu (harassment).
Như thế mới gọi là nhà nước pháp quyền. Mọi người phải tuân thủ luật pháp và mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Đó là chuyện quê người. Nhìn lại cái Toà án tối cao của Việt Nam thì ra sao? Theo như lời trong bài “Toà Án (mạo danh) Nhân Dân”[2] thì công lý của TAND thiệt là quá ớn:
Ông Chánh án TATC Trịnh Hồng Dương để lại câu nói lịch sử. “Luật ở Việt Nam xử sao cũng được” và ông chánh án TATC kế tiếp là ông Nguyễn Văn Hiện cũng đi vào lịch sử với câu nói bất hủ: “ngành tòa án thiếu cán bộ trầm trọng phải vơ vét cả lái xe, nhân viên vệ sinh, cán bộ phòng tiếp dân của tòa án đi học nghiệp vụ về để làm thẩm phán”.
Tưởng như nói cà rỡn kiểu “Nhỏ không học lớn làm thẩm phán” nhưng thiệt là trúng phóc.
- Trong xã hội ở chế độ dân chủ thì Toà Án Tối Cao bảo vệ hiến pháp và quyền lợi của người dân.
- Trong chế độ độc tài cộng sản Việt Nam thì Toà Án (mạo danh) Nhân Dân Tối Cao bảo vệ đảng ma-phia và bè lũ tội phạm.
Cái nhà nước Việt Nam dưới quyền cai trị của băng đảng tội phạm CSVN lấy luật lệ(nh)[3] đè người vi phạm quyền hiến định của người dân. Dzậy mà lúc nào cũng ra rả cái “nhà nước pháp quyền”. Họ sử dụng công an[4] làm sức mạnh bạo lực trấn áp và dùng luật lệ(nh) với toà án[5] làm công cụ kềm kẹp và trừng trị người phản kháng. Họ dung túng và kết nối với xã hội đen[6] để khủng bố, đe dọa giới bất đồng.
Phó thường dân tui nói tới đây lại nhớ đến chuyện học chính tả ở cấp tiểu học. Học tả cảnh, tả người, tả thú vật v.v… Dzui nhất là bài tả thú vật nuôi trong nhà. Học trò làm biếng nhớt thây như tui thì cứ điền tên con thú nuôi theo sườn bài có sẳn bắt đầu bằng câu “Nhà em có nuôi một con chó/mèo, tên nó là vá/lulu/kiki, lông nó đen/vàng, có đốm/khoanh v.v…” Từ đó đám học trò tiểu học tui đặt ra câu hát vè “Nhà em có nuôi một con chó, sáng nó kêu gấu gấu gấu, trưa nó kêu gầu gầu gầu, tối nó kêu gậu gậu gậu.”
Cứ theo bài viết của cô Tạ Phong Tần[7] và tin tức ở các báo nhà nước thì em Phương Nga[8], phát ngôn viên bộ ngoại giao sẽ được phó thường dân miêu tả bằng câu hát vè “Nhà nước ta có nuôi một con két, sáng nó kêu pháp pháp pháp, trưa nó kêu quyền quyền quyền, tối nó kêu pháp quyền pháp quyền pháp quyền” thì cũng đặng dzậy.
© 2011 Vietsoul:21
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét