Mạnh Quân
Sau các phát hiện về những khoản đầu tư không đúng ngành, đúng nghề của một loạt tập đoàn, tổng công ty như Dầu khí Việt Nam (PVN), Điện lực Việt Nam (EVN), Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV)…, những tưởng hoạt động kinh doanh, đầu tư của khối doanh nghiệp nòng cốt của Nhà nước sẽ được chấn chỉnh. Thế nhưng, nhìn vào bản báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng do cơ quan Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương lập trong tám tháng đầu năm 2011, có thể thấy, tình hình chẳng thay đổi là bao.
Trong số 31 doanh nghiệp lớn và ngân hàng có báo cáo, có tới 21 đơn vị vẫn đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình. Số vốn đầu tư trái ngành nghề chẳng hề nhỏ: 22.590 tỉ đồng, trong đó, có sáu tập đoàn, tổng công ty đầu tư trên mức 1.000 tỉ đồng/đơn vị. Riêng “anh cả đỏ” PVN nhiều tiền nhất – đầu tư ngoài ngành 6.690 tỉ đồng – chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Công nghiệp cao su, dù tài chính không mạnh và năm nay việc trồng, chế biến, xuất khẩu cao su thu lãi cao nhưng vẫn đầu tư ra ngoài 3.700 tỉ đồng, chiếm tới 19,8% vốn điều lệ của tập đoàn. “Quả đấm thép” EVN kêu than lỗ vốn, phải tăng giá điện đợt hai trong năm nhưng vẫn đầu tư ngoài lĩnh vực chính 2.100 tỉ đồng (2,8% vốn điều lệ).
Những lĩnh vực được coi là mạo hiểm, nhạy cảm mà nhiều chuyên gia kinh tế từng cảnh báo các tập đoàn nên tránh xa là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lại vẫn là những lĩnh vực ngoài ngành được khối doanh nghiệp này đầu tư nhiều nhất. Đã có hơn 10.700 tỉ đồng được 13 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng rót vào các lĩnh vực trên mà nhiều nhất là PVN với 5.626 tỉ đồng. Trong khi thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều nhà đầu tư tháo chạy thì một số tập đoàn, tổng công ty vẫn bỏ vốn vào. Có 13 tập đoàn, tổng công ty đã mua chứng khoán với số vốn 1.300 tỉ đồng. Có tám đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với số vốn 3.754 tỉ đồng, trong đó nhiều nhất là tập đoàn Công nghiệp cao su với số tiền 1.500 tỉ đồng.
Có thể với từng tập đoàn, tổng công ty, số vốn đầu tư nói trên chưa vượt quá tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành trên tổng vốn của doanh nghiệp mà Chính phủ cho phép hiện nay (30%), nhưng trong bối cảnh hầu hết những lĩnh vực “ngoài ngành” mà các tập đoàn, tổng công ty đã và đang rót vốn khá ảm đạm thì việc tiếp tục đầu tư trái ngành, nghề khó tránh khỏi những rủi ro nhất định. Và, kết quả sản xuất, kinh doanh tồi tệ ở một số tập đoàn, tổng công ty thời gian qua phải chăng cũng có phần do không tập trung vốn, không tập trung cho cái “lõi” của mình mà đem tiền, của mạo hiểm đầu tư sang ngành khác?
Theo số liệu cơ quan chức năng tổng hợp được, năm nay, dự kiến EVN lỗ trên 11.600 tỉ đồng; tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ước tính lỗ 1.200 tỉ đồng; tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) lỗ trên 3.000 tỉ đồng, tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 613 tỉ đồng… Trong số này, có những tập đoàn, tổng công ty lỗ có thể không phải là do đầu tư ra ngoài ngành do đã tái cơ cấu lại như Vinashin. Nhưng hậu quả thua lỗ đó cũng có phần do sự đầu tư dàn trải của các năm trước. Hay như Vinalines phải gánh chịu những khoản lỗ từ Vinashin chuyển sang và làm ăn trong bối cảnh thị trường vận tải biển rất không thuận lợi.
Còn ở nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, tuy vẫn duy trì lợi nhuận cao nhờ những lợi thế kinh doanh nhất định như tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Dệt may, tổng công ty Cà phê, nhưng điều đáng lưu ý là tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hầu hết các đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xây dựng đều giảm so với năm trước. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, xây dựng, ximăng, sắt thép có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ước chỉ đạt dưới 5% – một con số rất thấp.
Số tiền thua lỗ hay lợi nhuận thấp có thể không chỉ do nguyên nhân đầu tư ngoài ngành nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất cao, việc nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn bỏ vốn đầu tư ngoài ngành chẳng những không đem lại hiệu quả, lợi nhuận gì thêm mà càng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn, có đơn vị thậm chí càng thêm thua lỗ.
Mặc dù Chính phủ luôn nói rằng phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu đầu tư nhưng nhìn vào thực tế đầu tư ở khối tập đoàn, tổng công ty – những doanh nghiệp sử dụng nguồn lực lớn của đất nước như trên – người ta có lý do để lo ngại việc hô hào “tái cơ cấu” chỉ là khẩu hiệu. Trong khi đó, những yêu cầu cải cách, chấn chỉnh hoạt động đầu tư, quản lý việc đầu tư ở khối các tập đoàn, tổng công ty chưa được hiện thực hoá bằng các văn bản, chính sách mới. Những dự định xây dựng luật Đầu tư công, các dự thảo nghị định, quy chế về mô hình, cơ chế hoạt động của các tập đoàn, các quy định làm rõ, thắt chặt hơn quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu, quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ, ngành ở doanh nghiệp…vẫn chưa có. Cho nên, việc đầu tư tuỳ tiện vào chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… ở một số tập đoàn, tổng công ty với qui mô vốn không hề nhỏ trong tám tháng đầu năm vừa qua cũng là điều dễ hiểu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét