Pages

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Đức không loại trừ khả năng để cho Hy Lạp phá sản nhằm cứu đồng euro

Chris Hondros/Getty Images
Đức Tâm
 
Người Đức có thói quen nói thẳng hoặc tình hình khu vực đồng euro nguy ngập đến mức giới lãnh đạo châu Âu không thể quanh co, lẩn tránh vấn đề được nữa. Báo Die Welt ngày hôm qua, 11/09/2011, trong mục diễn đàn, có đăng phát biểu của bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Philipp Rösler, theo đó, việc để cho Hy Lạp phá sản một cách « có bài bản » không còn là chủ đề cấm kỵ nữa.
Ông Philipp Rösler là phó thủ tướng và đồng thời là chủ tịch đảng Dân chủ Tự do - FDP - đối tác của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU - của thủ tướng Angela Merkel, trong liên minh cầm quyền hiện nay tại Đức.

Theo ông Rösler, để ổn định đồng euro, không thể lẩn tránh những điều cấm kỵ nữa, kể cả việc phá sản có bài bản của Hy Lạp, nếu như các công cụ tài chính cần thiết cho phép làm việc này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức còn đề nghị là phải áp đặt những cơ chế trừng phạt đối với các nước không tôn trọng những cam kết về ngân sách. Cụ thể là « nếu các quy định không được tôn trọng, cần phải có những trừng phạt nghiêm khắc (…) và nếu các vi phạm này gia tăng, việc đình chỉ tạm thời quyền bỏ phiếu (của nước vi phạm) trong Hội đồng bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu không nên là một cấm kỵ ».
Phát biểu này được đưa ra sau khi tạp chí Der Spiegel, hôm thứ bẩy, 10/09/2011, có bài nói về việc bộ trưởng Tài chính Đức đang nghiên cứu tác động tiềm tàng của việc Hy Lạp mất khả năng thanh toán, với nhiều kịch bản khác nhau trong đó có cả việc Hy Lạp từ bỏ đồng euro.
Mối lo ngại của Đức lại càng lên cao sau khi các bộ trưởng Tài chính và các thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7, họp tại miền Nam nước Pháp, ngày 09/09 vừa qua, không có một thông báo mới nào liên quan đến Hy Lạp và chỉ nói rằng các thành viên G7 sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và có phối hợp đối với các thách thức do tình trạng suy giảm tăng trưởng gây ra, đối với các thâm hụt ngân sách và những khoản nợ của các nhà nước.
Theo một tài liệu mà Reuters có được, thì đảng Xã hội Thiên Chúa giáo – CSU – trong liên minh cầm quyền ở Berlin, muốn đe dọa khai trừ khỏi khu vực đồng euro đối với những quốc gia mắc nợ quá nhiều.
Trên nhật báo Bild am Sonntag, cựu Ngoại trưởng Đức Joska Fischer tuyên bố, « Chưa bao giờ tình hình tại châu Âu lại nghiêm trọng như vậy. Trước đây, tôi không nghĩ rằng đồng euro có thể bị thất bại, thế nhưng, nếu mọi việc vẫn tiếp tục như thế này thì đồng euro sẽ sụp đổ ».
Không phải chỉ có nước Đức lo ngại. Tại Hà Lan, một trong những nước chủ trương đường lối cứng rắn đối với những thành viên vùng euro bị thâm hụt ngân sách, đa số người dân ủng hộ đề xuất của thủ tướng Mark Rutte là châu Âu phải chỉ định một quan chức cao cấp phụ trách ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu, có thẩm quyền trừng phạt những quốc gia không tôn trọng các quy định về ngân sách.
Về phần mình, bộ trưởng Tài chính của Slovakia Ivan Miklos cảnh báo rằng việc mất khả năng thanh toán của một trong số các thành viên khu vực đồng euro có thể bao gồm các rủi ro lây lan và ông cho rằng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu – FESF – phải tạo ra các điều kiện cần thiết để hạn chế những nguy cơ này.
Nền kinh tế Đức đóng vai trò đầu tầu tại châu Âu và Berlin không hề muốn thấy khu vực đồng euro tan rã vì điều này có thể đe dọa sự tồn tại của chính Liên Hiệp Châu Âu. Theo tạp chí Der Spiegel, thì cho dù Hy Lạp có ở lại khu vực đồng euro hay không, giới lãnh đạo chính trị Đức đều nhất trí trên một điểm : Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tình huống một nước bị mất khả năng thanh toán.
FESF do Liên Hiệp Châu Âu thành lập vào tháng Năm 2010 là một quỹ tín dụng chung có nhiệm vụ duy trì ổn định tài chính tại châu Âu và trợ giúp các nước trong khu vực đồng euro gặp khó khăn. Hiện nay, khả năng can thiệp của Quỹ này lên tới 440 tỷ euro, sau khi các nước dùng đồng euro cam kết nâng cao khả năng bảo lãnh nợ. Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu ngày 21/07 đã quyết định mở rộng thêm chức năng của Quỹ : ngoài việc mua lại công trái do chính phủ các nước trong khu vực đồng euro phát hành, Quỹ có thể mua loại công trái này trên thị trường thứ cấp, tham gia hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn, cấp tín dụng cho những Nhà nước bị khốn đốn về tài chính công.

Không có nhận xét nào: