Kỳ trước, quý vị và các bạn đã nghe các bạn Tú ở Hà Nội, Dũng ở Phú Thọ, Hiếu ở Đà Nẵng và Tuynh ở Bình Thuận bàn về mối quan hệ giữa Đảng CS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc.
AFP photo
TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc báo chí tại
một địa điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2011
TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc báo chí tại
một địa điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2011
Trong kỳ này, các bạn trẻ sẽ tiếp tục thảo luận về việc liệu ĐCS VN sẽ chọn nhân dân hay chọn Trung Quốc, cũng như việc họ suy nghĩ thế nào về danh từ “thế lực thù địch” vốn hay được truyền thông trong nước sử dụng gần đây.Bây giờ, Khánh An mời quý vị tiếp tục nghe ý kiến của bạn Hiếu hôm trước:
Hiếu: Họ cần phải gắn chặt vận mệnh của mình đối với lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và Đảng Cộng Sản Trung Quốc làm điều gì, có yêu cầu như thế nào thì Đảng CSVN đều làm tất cả mọi thứ có lợi cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho dù điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến dân tộc thì cũng vậy thôi. Nếu mà ở trong lòng Đảng CSVN có những người thực sự yêu nước thì ngay từ bây giờ họ nên đứng về phía nhân dân Việt Nam để mà chống đối Đảng CSVN trong việc mà Đảng CSVN đã quá nhu nhược đối với những chính sách bành trướng của Bắc Kinh trong thời điểm hiện nay.
Khánh An: Nếu mà nói như các bạn, để Khánh An sắp xếp lại nhé, các bạn cho rằng Đảng CSVN đi đêm, hay nói cách khác là đi cùng hay là “cùng một giuộc”, giống như ý bạn Dũng nói, với phía Trung Quốc. Thế thì hiện nay nhân dân người ta biểu tình chống Trung Quốc, không lẽ Đảng cộng sản tự đưa mình về bên phía để nhân dân chống lại mình hay sao?
Hiếu: Theo mình nghĩ thế này, là đảng cộng sản người ta không quan tâm đến thái độ của người dân Việt Nam đâu. Họ chỉ quan tâm đến thái độ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bởi vì sự tồn vong, sự thịnh vượng của Đảng CSVN họ ăn chia với nhau như thế nào, họ có được tồn tại hay không, gia đình họ có được giàu có phát triển hay không là nhờ vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không phải là nhờ vào nhân dân Việt Nam.
Còn việc người dân Việt Nam chống lại họ mà họ, theo như chị Khánh An nói, là nếu mà họ đứng về phía Đảng Cộng Sản Trung Quốc thì họ vô tình đẩy mình vào thế chống lại nhân dân Việt Nam, thì theo Hiếu nghĩ là Đảng CSVN sẽ làm như vậy mà không phải có một chút suy nghĩ, không phải có một chút vướng bận nào cả, bởi vì đối với họ thì điều đó không thực sự quan trọng.
Khánh An: Các bạn khác thì sao? Các bạn có đồng ý với bạn Hiếu không?
Cơ chế độc đảng
Tấm bảng tuyên truyền chính sách của ĐCSVN chụp tại TPHCM hôm 29/9/2011. ONLY FRANCE photo
Mình nói Đảng CSVN mưu mô cùng một giuộc với Đảng Cộng Sản Trung Quốc này kia đấy thì là mình chỉ nói đến các ông chóp bu thôi, chứ còn rất nhiều người đảng viên cộng sản, kể cả những người ở cấp thấp như cấp phường, cấp xã thì họ có thể là lợi dụng chức vụ và quyền hạn để họ tham nhũng này kia, nhưng mà thực sự họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ăn chia với Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Họ không bao giờ nghĩ đến chuyện bán nước bán niếc gì cả, nhưng mà họ không nhận thức ra được những vấn đề ở tầm cao, ở phía trên như cái tầm của các ông ở Bộ Chính Trị hay ủy viên trung ương gì đấy, chứ còn nói thật ở nhà mình đảng viên đầy, chỉ có mỗi mình là không phải đảng viên.
Khánh An: Vâng. Chắc ở đây ai cũng hiểu rằng mình đang nói đến nhóm lãnh đạo của Đảng CSVN cũng như là nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Các bạn trẻ: Đúng! Đúng! Đúng!
Khánh An: Vâng. Bây giờ mình sẽ tiếp tục mời các bạn khác bày tỏ ý kiến. Các bạn có đồng ý với ý kiến của Hiếu hay không?
Tú: Hiếu bày tỏ về cái ban lãnh đạo của đảng cộng sản có lệ thuộc vào lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc thì cái việc đó hiển hiện rồi, ai cũng biết như thế nhưng mà vấn đề bây giờ trong câu chuyện này em sợ nhất, lo nhất là cái mà Trung Quốc sẽ dùng chính người Việt Nam để tàn sát người Việt Nam.
Ví dụ như điển hình bây giờ những người họ đang dùng đấy có thể nói là những người chóp bu của Đảng CSVN. Thế thì vấn đề là bây giờ chúng ta là người một nước, bây giờ giả sử như không có cái bộ chóp bu đấy thì sẽ có cái bộ chóp bu khác. Đấy, cái đấy là cái mà em nghĩ nó là vấn đề mấu chốt. Vấn đề là ở người Việt Nam, người Việt Nam không hề đoàn kết. Người Việt Nam thích đi với người ngoài quay lại chiếm của đồng bào mình thôi. Cái việc đó xảy ra nhiều rồi. Vấn đề ở chỗ là ta, bây giờ mình nói về cái chuyện là …
Hiếu: Mình thì không đồng ý với lại ý kiến của bạn ở chỗ là người Việt Nam chúng ta nói là không đoàn kết. Thứ hai nữa nói là không có bộ phận lãnh đạo này sẽ hình thành một bộ phận lãnh đạo khác mà nó cũng phụ thuộc vào quyền lực của phía bên ngoài thì điều đó cũng không hoàn toàn chính xác. Mình giả thử nếu như mà chế độ cộng sản Việt Nam….
Dũng: Do cái cơ chế độc đảng.
Hiếu: Đúng. Cái đó là do cái cơ chế độc đảng.
Dũng: Do cái cơ chế độc đảng chứ không phải bảo là không có bộ lãnh đạo này sẽ có bộ lãnh đạo khác mà tại vì không có đảng này thì chẳng có đảng khác, tại vì cơ chế độc đảng thì như thế thôi, thì ông nào lên lãnh đạo cũng thế thôi.
Hiếu: Nếu mà ở Việt Nam mà tạo dựng được một xã hội, một bộ máy nhà nước dân chủ thì mình nghĩ sẽ không có vấn đề gì cả. Vấn đề ở chỗ là làm thế nào mà người dân có thể can thiệp trực tiếp vào việc lãnh đạo quốc gia. Mình tin là người dân Việt Nam không một người nào là không yêu nước cả. Người dân Việt Nam chúng ta có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đấu tranh cho dân chủ có thể là người dân Việt Nam người ta không có thiết tha lắm, nhưng mà đấu tranh để chống giặc ngoại xâm, đấu tranh để chống lại một thế lực nào đó bành trướng và muốn nô lệ hóa người dân Việt Nam thì chắc chắn là tất cả mọi người dân, mọi con dân Việt Nam đều vùng lên mà đứng dậy chống lại.
Dũng: Đúng. Mình cũng nghĩ vậy.
Hiếu: Chứ không phải là nói như vậy là hình thành người dân Việt Nam chỉ có căm thù nhau và đấu đá với nhau để các thế lực bên ngoài lợi dụng cái đó mà nhằm trục lợi, thì mình nghĩ cái đó không chính xác.
“Thế lực thù địch”
Tú: Mình xin cắt lời bạn Hiếu một chút là như thế này. Sở dĩ em nói như thế là vì việc này em cũng có đọc và nghiền ngẫm rất nhiều tài liệu nghiên cứu về tính cách người Việt và văn hóa người Việt. Thực ra thì chuyện mọi người nói do cái cơ chế độc đảng sinh ra cái chuyện đó thì nó đúng, em cũng công nhận. Nhưng vấn đề ở chỗ là, bây giờ không xét đến yếu tố nước ngoài, không xét đến Trung Quốc, chỉ trong Việt nam thôi, thì nội chiến liên miên luôn.Mà người Việt Nam có một cái rất dở nữa là mình hay có một cái tính là ngộ nhận thái quá, ví dụ như là tinh thần dân tộc thái quá. Bây giờ nói Việt Nam có hơn hai nghìn năm lịch sử thì có thể tin được, nhưng mà nói Việt Nam có bốn nghìn năm lịch sử thì cái đó nó thổi phồng và nó làm cho cái lòng yêu nước của chúng ta nó không được thực, nó bị ảo hóa đi. Đó là một.
Cái thứ hai, em nói tại sao người Việt Nam không đoàn kết, căm thù nhau. Việc đó là lịch sử đã chứng minh rồi. Xét trong quá trình sau Công Nguyên cho đến tận bây giờ, hai nghìn năm lịch sử Việt Nam trừ những thời gian chiến tranh với nước ngoài thì Việt Nam nội chiến liên miên bốn thế kỷ, từ thế kỷ XVI cho đến tận đầu thế kỷ XX, đến thời kỳ vừa qua là thời kỳ cận hiện đại thì bản chất nó là một cuộc nội chiến giữa người Việt nam, có đúng không ạ?
Dũng: Ồ! Bạn ơi, tôi nghĩ là bạn nhầm rồi đấy. Cái hồi phong kiến thì các thứ hồi phong kiến đánh nhau là cái chuyện rất thường xảy ra ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Còn cái hồi thế kỷ XX, khi mình đánh nhau đấy là sức ép của hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, chứ không phải cái đấy nó xuất phát từ bản thân đặc thù riêng của dân tộc Việt Nam đâu. Còn một số tính cách thói hư tật xấu của người Việt Nam sẽ làm chậm quá trình đấu tranh chống Trung Quốc, rồi cái quá trình dân chủ hóa của đất nước nó sẽ chậm chạp, nhưng mà các bạn lấy mấy cái nội chiến thời phong kiến với cả nội chiến dưới sức ép của hai hệ thống tư bản chủ nghĩa với xã hội chủ nghĩa để nói là người Việt Nam hay đấu đá, căm thù nhau thì không phải. Đấy, mình có ý kiến như vậy.
Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân TQ hôm 01/7/2011. AFP photo
Khánh An: Vâng. Các bạn từ nãy tới giờ chúng ta nói rất nhiều và chủ yếu là chỉ tập trung vào cái mối đe dọa lớn nhất là từ phía Trung Quốc đối với an ninh của quốc gia, thế thì bây giờ Khánh An chỉ đặt một câu hỏi rất nhỏ thôi. Theo như những gì mà báo chí chính thống nói, theo các nhà lãnh đạo đảng cộng sản nói, người ta rất ít đề cập đến mối đe dọa từ Trung Quốc, có nhưng không nhiều, mà có một mối đe dọa khác lớn hơn, đó là các mối đe dọa từ những “thế lực thù địch”. Mình rất ấn tượng với từ “thế lực thù địch” này. Các bạn nghĩ như thế nào về mối đe dọa này?
Hiếu: Đảng CSVN thì trong 700 tờ báo chính thức nói về Trung Quốc thì ít mà nói về sự đe dọa từ phía các “thế lực thù địch” thì nhiều.
Mình nghĩ đó là cái cách mà Đảng CSVN cố tình đưa ra vấn đề này để mà thuận tiện trong việc đàn áp những người yêu nước, bởi vì người ta sợ các cuộc biểu tình yêu nước và càng ngày số lượng càng lớn lên dần thì nó sẽ tạo nên một sự thách thức đối với sự cầm quyền của chế độ cộng sản. Chính ở chỗ lo ngại đó mà người ta mới tung ra chiêu bài gọi là sự xúi giục của các “thế lực thù địch”. Chứ còn thực tế là một người có khả năng tư duy thì cái khả năng bị xúi giục, cái từ “bị xúi giục” chỉ có dành cho trẻ con thôi chứ không ai dành cho những người trưởng thành cả.
Khánh An: Vâng. Các bạn khác thì sao ạ? Các bạn khác đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của các “thế lực thù địch”?
Dũng: Mình nghĩ các “thế lực địch” là danh từ mà đảng cộng sản đặt ra đối với những người khác ý kiến với mình. Tất cả những ai khác ý kiến với đảng cộng sản thì đều là “thế lực thù địch” hết, nghĩa là chế độ độc đảng người ta triệt tiêu cạnh tranh, người ta chẳng muốn ai có ảnh hưởng, ai có tiếng nói khác với mình cả, kể cả nếu mà anh có tiếng nói giống với họ nhưng mà họ cũng bắt anh phải đứng vào hàng ngũ với họ cơ, kể cả nếu họ chống Trung Quốc đi nữa nhưng mà anh chống theo kiểu của anh thì cũng không được. Anh chống giống như kiểu của họ nhưng mà anh ở tổ chức khác với họ thì họ cũng không cho đâu. Đấy là bản chất của độc quyền.
Khánh An: Vâng.
Tuynh: “Thù địch” ở đây là nó vô hình, chả là ai cả nhưng mà nó có thể là những người dân bình thường nhưng mà có chính kiến khác với nhà nước cộng sản thì dĩ nhiên bị họ xếp vào các “thế lực thù địch” thôi. Chứ còn bây giờ mà hỏi ông tướng công an rằng “thế lực thù địch” là ai thì chắc là ổng cũng chẳng biết là ai, nhưng mà nói chung, “thế lực thù địch” là nhân dân.
Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của bạn Tuynh. Đã đến lúc chương trình Cafe Wifi phải tạm dừng rồi. Hẹn gặp lại quý vị trong phần thảo luận cuối ở kỳ tới khi các bạn trẻ bàn về tương lai của đất nước và người dân Việt Nam khi đứng trước những mối lâm nguy hiện tại. Bây giờ thì Khánh An xin kính chào tạm biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét