Pages

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Sự chia rẽ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc

Blog Phanthehai
Vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, ông chủ của thủ phủ Trùng Khánh vùng Dương Tử tập hợp 100.000 người vào một sân bóng và bắt nhịp cho họ hát một bài hát mừng sinh nhật. Họ hát toáng lên, Không có Đảng Cộng sản, sẽ không có nước Trung Hoa mới, cùng với rất nhiều nghi thức khác, các nghi thức cũ của nhiều thập niên trước.

Cách đó một quãng đường dài bằng chuyến bay 90 phút, ở vùng sản xuất công nghiệp duyên hải Quảng Châu, một lễ mừng ngày thành lập đảng cũng được tổ chức vào ngày 1-7. Nhưng chủ lễ ở đây phát biểu bằng một giọng tenor (nam cao) dịu dàng hơn: “Đối với một đảng cầm quyền đang trưởng thành, rất cần phải học hỏi và nhìn lại lịch sử để làm mạnh thêm những ước mơ, hơn là chỉ hát ngợi ca sự lỗi lạc của mình” – bí thư Đảng ủy Quảng Đông, ông Vương Dương, nói trong một bài phát biểu mà sau này được đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật báo.

Xét theo các tiêu chuẩn của phương Tây thì đó là một cú chọc sườn rất nhẹ vào Bạc Hy Lai, ông bí thư tỉnh ủy thích ca hát của Trùng Khánh. Nhưng trong cái thế giới chính trị tăm tối của ban lãnh đạo Trung Quốc, cú chọc ấy của ông Vương thật sự là hiếm, vì tính trực diện của nó. Đây là chuyện một quan chức cao cấp của Đảng công khai chỉ trích cung cách lãnh đạo của một quan chức khác, vào một ngày được coi là phải dành riêng để tôn vinh những thành tựu của Đảng.
Bài phát biểu hé lộ một tí sự thật về cuộc đấu đá trong hậu trường – cái đang định hình hướng đi trong thập niên tới của cường quốc đang nổi lên của thế giới.
Ông Bạc và ông Vương không chỉ là hai vị bí thư tỉnh ủy, mà còn là đối thủ cạnh tranh vào những cương vị bí mật trong số 9 chiếc ghế của Ban Chấp hành Bộ Chính trị – đỉnh tháp quyền lực của Trung Quốc – trong một cuộc đua 10 năm mới xảy ra một lần. Cuộc đua này sẽ diễn ra vào năm tới. Và các địa phương mà hiện giờ họ đang cai quản thường là ví dụ về những mô hình hoàn toàn khác nhau về đường lối của Trung Quốc năm tới.
Đấu đá giữa hai ông cho thấy một sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến mức mà, cho dù Đảng hiện giờ có đang trình diễn tuyệt vời như thế nào trước thế giới cái vai mặt trận thống nhất, thì một số người vẫn nhìn nhận sự chia rẽ đó như một cuộc chiến đấu để nắm được linh hồn của Trung Quốc.
Một bên là ông Bạc với mô hình Trùng Khánh của ông – món ưa thích của một tỷ lệ đáng kể các thành phần cánh tả cứng rắn, có xu hướng hoài cổ và đi theo đường lối của thời Mao Trạch Đông, muốn thấy đất nước theo đuổi tăng trưởng một cách cân bằng với tập trung vào ổn định xã hội, phân phối bình đẳng hơn những của cải mới ở Trung Quốc.
Bên kia là mô hình Quảng Đông cởi mở hơn, của ông Vương. Đây là sự lựa chọn của một nhóm nhỏ hơn gồm các nhà dân chủ thị trường tự do, mà với họ thì bây giờ không phải thời điểm để ngừng tất cả cải cách kinh tế, chính trị trong nước.
Kể từ khi ông Bạc tiếp quản ghế Bí thư tỉnh ủy ở Trùng Khánh từ cách đây 4 năm, ông đã được khen ngợi rất nhiều về thành tích phá tan các xanh-đi-ca tội phạm trong khu vực. Nhưng thậm chí ông còn tai tiếng hơn thế vì hành động áp dụng chính sách hoài cổ “Văn hóa Đỏ”: các cán bộ viên chức không chỉ ca các bài ca cách mạng mà còn được điều về nông thôn để lao động cùng nông dân, bản thân ông Bạc còn gửi tin nhắn với nội dung là những câu trích dẫn lời Mao nói đến hàng triệu điện thoại di động.
Chiến dịch của ông Bạc biến ông thành vị anh hùng của “phe cánh tả mới” của Trung Quốc, nhưng cũng làm cho một số trí thức nổi tiếng bực mình khi phải chứng kiến những dư âm đáng sợ của thời Cách mạng Văn hóa, cái thời mà hàng chục triệu người bị thanh trừng bằng bạo lực, nhân danh việc làm trong sạch ý thức hệ.
Trong khi đó, ông Dương – người tiền nhiệm của ông Bạc ở cương vị bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh, sau mới chuyển sang Quảng Đông – đã nổi lên như là niềm hy vọng mới của phe tự do.
Quảng Đông, đặc biệt là hai thành phố Thâm Quyến và Quảng Châu, nổi tiếng là cái nôi của cải cách kinh tế ở Trung Quốc những năm 1980 và 1990. Bây giờ tỉnh này là nơi có báo chí tự do nhất nước và đã trở thành cái lồng ấp nuôi dưỡng xã hội dân sự. Nhưng một làn sóng đình công và biểu tình trong vài năm qua ở Quảng Đông đã khiến các quan chức cao cấp khác của đảng cảm thấy bất an. Những người này chẳng hề giấu giếm việc họ ưu tiên ổn định hơn tự do.
“Đường lối của Bạc là đường lối dân túy, dựa vào việc thu hút quần chúng bằng nỗi hoài nhớ lịch sử” – ông Russell Leigh Moses, một nhà phân tích chính trị Trung Quốc, hiện ở Bắc Kinh, nhận định. “Mọi việc ông Vương làm cũng không kém dân túy hơn, nhưng chúng dựa trên quan điểm cho rằng tính chính thống, chính danh của đảng phải cậy vào nhiều thứ chứ không chỉ là tăng trưởng kinh tế”.
Một số người Trung Quốc coi cuộc chiến đấu sắp tới là quyết định để biết liệu đất nước có tiếp tục con đường cải cách chông chênh, hay là sẽ tiến một bước nguy hiểm lên phía trước. “Trùng Khánh đang trên đường trở thành Bắc Triều Tiên. Quảng Đông thì sắp thành Singapore” – Yu Chen, nhà báo điều tra của tờ Nhật báo Đô thị Miền nam ở Quảng Châu (được nhiều người coi là một trong những tờ báo độc lập nhất Trung Quốc), nói.
Dù vậy, thật không công bằng khi cho rằng phép so sánh thẳng thừng ấy hoàn toàn xuất phát từ lỗi của ông Bạc. Trùng Khánh và Quảng Đông khác nhau về mặt văn hóa và chính trị cũng hệt như Newfoundland khác Alberta; chẳng chính trị gia nào hy vọng có thể lãnh đạo được những nơi đó mà không phải thích nghi với thực tế ở địa phương (lấy sự nghiệp của ông Vương làm ví dụ – ông chỉ nổi lên như là một “người theo trường phái tự do” hàng đầu sau khi đã chuyển đến Quảng Đông) và với bộ máy hành chính ở đó.
Nhưng với việc có tới 7 trên 9 ủy viên hiện tại của Ban Chấp hành Bộ Chính trị sẽ nghỉ hưu trong vòng 12 tháng tới, cả hai ông đều đang làm nổi bật những khác biệt của mình, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm thu hút sự ủng hộ từ các phe phái trong Đảng Cộng sản.
Trùng Khánh của Bạc Hy Lai
Bốn năm về trước, khi Bạc Hy Lai đến đây, khu vực này đôi lúc được gọi là “Detroit của vùng Dương Tử”. Gọi thế không phải để tâng bốc.
Trùng Khánh khi ấy được cả nước Trung Hoa biết đến nhờ hai đặc điểm, ngoài chuyện đồ ăn ở đó rất cay: là một trong những trung tâm của ngành sản xuất xe hơi của đất nước, và là trung tâm tội phạm có tổ chức.
Bây giờ Trùng Khánh được biết đến chủ yếu là vì đó là phòng thí nghiệm chính trị của ông Bạc.
Ban đầu, nhiều người thấy việc ông Bạc được bổ nhiệm tới thành phố làm thiên hạ toát mồ hôi này (thành phố mà nếu kể cả vùng ngoại ô có tới 29 triệu cư dân) là một điều cũng tương tự như bị đày khỏi Bắc Kinh.
Trước đó ông Bạc từng được coi như cái chốt chặn trong đội ngũ nhân sự dự bị của Ban Chấp hành Bộ Chính trị năm 2007 – và sau đó có lẽ sẽ là trong một trong những cơ quan cao nhất đất nước. Nhưng ông bị gạt ra khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sải chân bước trên thảm đỏ ở Đại sảnh đường Nhân dân, xung quanh ông Hồ là 8 nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc, thành viên của Bộ Chính trị mới.
Hai phe phái được xem là đang đấu đá lẫn nhau trong Đảng Cộng sản là phe của ông Hồ – xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản – và cánh của người tiền nhiệm ông Hồ là Giang Trạch Dân, cánh này đặt căn cứ quyền lực ở Thượng Hải và nó bao gồm những “thái tử” có ảnh hưởng trong đảng. “Thái tử”, tức là con của các nhà cách mạng nổi tiếng.
Bản thân phe Đoàn Thanh niên và phe Thái tử đều chia rẽ nội bộ thành phái tả, phái hữu, tuy nhiên, nhiều thái tử có quan hệ với các nhân tố cứng rắn hơn và cổ hủ hơn, còn các nhân vật tiếng tăm trong Đoàn Thanh niên thì quan hệ với thành phần ủng hộ cải cách.
Ông Bạc vốn là con của Bạc Nhất Ba, đồng chí của Mao và là một trong “bát bất tử” (tám nhân vật bất tử) của Đảng Cộng sản. Do đó ông Bạc cũng là thái tử.
Ông đã thể hiện chút ít tinh thần dân túy khi làm thị trưởng thành phố cảng Đại Liên, và giành được độ tín nhiệm cao về khả năng quản lý kinh tế trong ba năm làm Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc.
Năm đó ông Bạc 58 tuổi. Ông có hình thức khá, lý lịch đẹp và gia đình nhiều quan hệ thân thế. Nhiều nhà quan sát bên ngoài tin rằng việc ông Bạc thăng tiến trơn tru là tất yếu.
Nhưng sau đó, trong một tình huống giống như là một thỏa thuận khôn ngoan và rất cẩn thận, đội nhân sự dự bị của Bộ Chính trị năm 2007 chỉ còn có đúng một ngôi sao đang lên, đến từ một trong hai phe nói trên. Đoàn Thanh niên tiến cử Lý Khắc Cường, người này hiện giờ đang được thiết kế để kế nhiệm Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng trong vòng một năm tới. Phe Thái tử đề cử Tập Cận Bình, người được dự báo là sẽ thành chủ tịch kiêm lãnh đạo tối cao tới đây của Trung Hoa.
Tại sao ông Tập chứ không phải ông Bạc được chọn, đấy là điều không bao giờ được hé lộ, nhưng vị thái tử bị mất mặt đã phản ứng lại bằng cách làm cho mình trở thành một nhân vật không thể bị bỏ qua.
Chẳng bao lâu sau khi đến Trùng Khánh, ông tổ chức một cuộc trấn áp vào các hội tam điểm hùng mạnh nhất thành phố, nới lỏng tay cho công an hành động trong một chiến dịch dài hơi, bắt hơn 2000 người. Trong chiến dịch này, đã diễn ra phiên xử án rất ngoạn mục và kết tội Tạ Tài Bình (Xie Caiping), “Mẹ Già” của thế giới ngầm ở Trùng Khánh.
Giới chức tham nhũng ở địa phương cũng bị vào đích ngắm: nguyên giám đốc sở tư pháp thành phố (anh rể của Tạ Tài Bình) bị tử hình năm 2010 với hai tội danh hiếp dâm và ăn hối lộ.
“Diệt bọn đen” – như tên gọi của chiến dịch – là một thành công vang dội trong mắt công chúng. Rất nhiều người dùng Internet Trung Quốc bày tỏ ao ước rằng ông Bạc sẽ “bị đày” đến tỉnh thành của họ để chống tham nhũng.
Nhưng một vài học giả và nhà hoạt động nhân quyền thì không yên tâm, do trình tự tố tụng vẫn chưa được đảm bảo và do có phản ánh rằng nhà chức trách đã dùng nhục hình để ép cung. Cuối cùng, chính vị luật sư đảm nhận nhiệm vụ rất nản là cãi cho nghi can, đã bị tống giam vì tội khai man trước tòa.
“Có quá nhiều điều xảy ra ở thành phố này… những điều khiến người ta phải nghĩ rằng bánh xe thời gian đã quay ngược trở lại, rằng Cách mạng Văn hóa đang tái diễn và ý niệm pháp quyền giờ không còn nữa” – Hạ Vệ Phương (He Weifang), một giáo sư luật danh tiếng ở Đại học Bắc Kinh, viết trong một lá thư ngỏ gửi các đồng nghiệp ở Trùng Khánh.
Trùng Khánh quả thật là nơi tụt hậu tới ít nhất một thập niên sau các thành phố phát triển nhanh chóng ở miền duyên hải Trung Quốc. Mặc dù cả ông Vương và ông Bạc đều phấn đấu để đảo ngược tình hình này, nhưng một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trùng Khánh vẫn là người lao động, sẵn sàng làm việc với mức lương rẻ mạt ở bất kỳ nơi đâu trên đất Trung Quốc.
Báo chí Trùng Khánh nằm trong số báo chí ít tính phản biện nhất ở Trung Quốc, tuân thủ một cách nghiêm ngặt đường lối chính thống của Tân Hoa Xã khi không tán dương những phẩm chất của ông Bạc và thứ văn hóa đỏ của ông ta.
Trùng Khánh là một trong những nơi rắn nhất ở Trung Quốc khi nói về các chủ đề chính trị, bởi vì hầu hết cư dân Trùng Khánh đều tỏ rõ ra rằng họ muốn tránh một chủ đề vốn chỉ đem đến phiền phức cho họ.
Nhưng mối lo ngại về đường lối của ông Bạc tăng lên khi ngay sau chiến dịch “Diệt bọn đen”, ông ta tung ra chiến dịch “Hát nhạc đỏ”. Lần này, người dân được khuyến khích học lại những bài hát có liên quan đến Cách mạng Văn hóa (hoặc nếu là thanh niên thì phải học từ đầu).
Vào các chiều cuối tuần, công viên ở Trùng Khánh đông nghịt những nhóm người rền rĩ những khúc ca tán dương cuộc cách mạng của Mao.
Trong một ca “trở lại quá khứ” những năm 60 và 70 khác, các quan chức chính quyền địa phương được điều về nông thôn để lao động chút đỉnh và sống cùng những người dân nông thôn.
Chuyện này đặc biệt khó hiểu đối với một người mà cả gia đình ông ta đã bị khủng bố trong Cách mạng Văn hóa (bố ông Bạc, một cựu chiến binh trong cuộc Trường Chinh và là kiến trúc sư chính của thảm họa Đại Nhảy Vọt, từng bị tù, bị tra tấn suốt 15 năm sau khi bị phu nhân của Mao vu là tên phản cách mạng). Nhưng phong cách quản lý kiểu “trở về tương lai” của ông Bạc cũng đã có người kế nhiệm ở ngay Trùng Khánh và cả ngoài Trùng Khánh nữa.
Năm ngoái, khi ông Tập, vị chủ tịch tương lai, bay đến Trùng Khánh gặp ông Bạc, ông Tập đã hoan nghênh cả “Diệt bọn đen” lẫn “Hát nhạc đỏ”.
“Những hoạt động này đã đi sâu vào trái tim quần chúng và rất xứng đáng được ngợi khen” – ông Tập nói. Ông gọi hai chiến dịch là “phương tiện rất tốt để giáo dục toàn thể các đảng viên và cán bộ về những giáo lý và niềm tin [đúng đắn về chính trị]”.
Sau đó, lại một chuyện nữa: nhiều người nói là ông Bạc – và ông Tập trong chuyến thăm Trùng Khánh của ông ta – là những người ít tin tưởng vào việc học tập quá khứ (nguyên văn: rolling back the clock, nghĩa là vặn ngược đồng hồ – ND) hơn là những chính trị gia đang cố gắng lấy lòng phe cứng rắn ở cấp cao trong đảng.
“Có một quan niệm cho rằng ở Trung Hoa, đã có một sự chuyển dịch mạnh mẽ sang hệ thống toàn trị dân tộc chủ nghĩa hơn, quyết liệt hơn, thích sự ổn định hơn, và một sự chuyển dịch khỏi những thứ như pháp quyền và tinh thần quốc tế” – ông Joshua Rosenzweig, một nhà nghiên cứu về nhân quyền, ở Hong Kong, cho biết.
“Không có cách nào để biết được liệu những việc làm của ông Bạc ở Trùng Khánh có phản ánh quan niệm của ông ta về chuyện một hệ thống tư pháp hình sự phải như thế nào trên toàn đất nước không, hay đó chỉ là một phần trong chiến dịch của ông ta nhằm tiến thân lên Bộ Chính trị”.
Quảng Đông của Vương Dương
Có thể không chính xác là “Quảng Đông vui vẻ” (nguyên văn: Swinging Guangdong, từ swinging nghĩa đen là “trao đổi bạn tình” – ND), nhưng đã nhiều năm, tỉnh này là nơi Đảng Cộng sản thử nghiệm cho tồn tại một Trung Hoa cởi mở hơn so với phần còn lại của cả nước.
Do nằm gần Hong Kong về địa lý và do có biển, Quảng Đông đã được Đặng Tiểu Bình chọn từ đầu những năm 80 để làm nơi thử nghiệm cải cách kinh tế – những thay đổi ở đây diễn ra sâu sắc hơn bất kỳ nơi nào khác.
Ngày nay, Quảng Đông là khung cửa sổ để Trung Hoa nhìn ra thế giới bên ngoài, là trung tâm của các ngành sản xuất và xuất khẩu. Nhiều người ở đây tin rằng phần còn lại của Trung Quốc cũng nên nhìn lại Quảng Đông như một mô hình để học hỏi, mà lần này là để học Quảng Đông trong việc vừa mở rộng tự do báo chí truyền thông vừa giới hạn xã hội dân sự.
Dân chúng Quảng Đông cho rằng tỉnh của họ được như vậy là vì chính bản thân họ khác về căn bản so với những người sống ở miền bắc và trong nội địa Trung Quốc. Là thủ phủ của ngôn ngữ và văn hóa Quảng Đông (Cantonese), mảnh đất này vẫn duy trì được quan hệ với người nước ngoài và thế giới bên ngoài trong suốt những ngày đen tối nhất của Cách mạng Văn hóa.
Nhiều người dân Quảng Đông ngày nay thú thật rằng những gì xảy ra ở Bắc Kinh không ảnh hưởng tới họ, miễn là Bắc Kinh để yên cho họ.
(Bắc Kinh dường như đồng ý rằng Quảng Đông khác biệt, nên họ duy trì một chính sách – không chính thức – là không bao giờ cho phép một người gốc Quảng Đông trở thành chủ tịch tỉnh, cốt để ngăn chặn xu hướng độc lập của khu vực).
Được gắn nhãn “người theo đường lối tự do” trong mắt một phe cánh đang tìm kiếm ai đó để tập hợp chung, Vương Dương, đương kim bí thư tỉnh ủy, giành được tín nhiệm ở Quảng Đông chủ yếu do ông thi hành chính sách không can thiệp ở mức độ thoáng hơn một chút so với một bí thư tỉnh ủy bình thường. Hoạt động báo chí tự do hơn, sản sinh ra tờ Nhật báo Đô thị Miền Nam và nhiều ấn phẩm thách thức chính quyền khác chẳng hạn, đã xuất hiện trước khi ông Vương đến đây, năm ông ta 56 tuổi.
Lại một lần nữa, điều này được cho là nhờ có ảnh hưởng từ Hong Kong, nơi truyền thống báo chí tự do mà Anh quốc để lại vẫn tiếp tục cho tới ngày nay dưới cơ chế “một nước, hai chế độ” của Trung Quốc.
Nhưng ông Vương được ca tụng vì đã không can thiệp. “Tôi sẽ gọi Vương Dương là một vị lãnh đạo thông minh, vì ông ta hiểu rõ địa phương mà ông ta đang cai quản” – ông Tang Hao, phó giáo sư môn khoa học chính trị ở Đại học Sư phạm Nam Hoa (South China Normal University) ở thủ phủ Quảng Châu, nói. “Ông ấy biết cách xử lý các vấn đề xã hội trong tỉnh. Ông ấy hiểu rằng sức mạnh phi-chính phủ không phải là sức mạnh chống-chính phủ”.
Trên giấy tờ, ông Vương là một bí thư tỉnh ủy kiểu kinh điển, người lặng lẽ leo lên trên nấc thang quyền lực và được hậu thuẫn bởi những nhân vật đỡ đầu ở cấp cao hơn.
Hoạn lộ của ông gần như hoàn hảo: Sinh tại tỉnh lỵ An Huy, đến Bắc Kinh năm 24 tuổi để học kinh tế chính trị (năm 1979), đúng vào khi Đặng Tiểu Bình đang đưa đất nước ra khỏi cuộc thử nghiệm tàn hại với thứ chủ nghĩa cộng sản cứng rắn. Chẳng bao lâu sau ông Vương vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, ông xuất hiện khi một ngôi sao đang lên có tên là Hồ Cẩm Đào, từng một thời cũng được coi là nhà cải cách, đang tiếp quản cả vương quốc từ tay tổ chức.
Ông Hồ tiến thân và ông Vương cũng thế. Năm 2003, ngay sau khi ông Hồ và Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhậm chức, ông Vương trở thành phó tổng thư ký Quốc Vụ Viện (State Council, tức là chính phủ – ND), nội các của ông Ôn, khi đó có mặt cả đối thủ cạnh tranh của ông là Bộ trưởng Thương mại Bạc Hy Lai.
Hai năm sau, ông Vương được điều chuyển về Trùng Khánh. Và tới năm 2007, sau khi Bộ Chính trị mới ra mắt ở Bắc Kinh, ông chuyển tới Quảng Đông.
Mặc dù không có tinh thần dân túy của ông Bạc, nhưng ông Vương vẫn thành công trong việc tỏ ra mình là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe. Giống như ông Ôn – một lãnh đạo cộng sản khác đã tạo cho mình hình ảnh một người tự do biết quan tâm tới dân chúng – ông Vương mạnh dạn để tóc hoa râm như đúng tuổi. Đây là một sự lựa chọn làm cho cả hai ông Ôn và Vương khác biệt với những người khác, trong một đảng mà đại đa số là những người già thất thập nhưng tóc vẫn đen một cách bất khả thi.
Ông rất có thể được coi là một bí thư tỉnh ủy đã cho phép xã hội dân sự được nảy nở ở Quảng Đông và cả ngoài Quảng Đông nữa. Từ cuối năm 2010, tỉnh này bắt đầu nới lỏng những hạn chế đối với việc đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) – một đối tượng trước kia bị Đảng rất ghét.
Tất cả các nơi khác ở Trung Quốc đều gây khó khăn không thể tin nổi đối với các NGO trong việc đăng ký hoạt động – các NGO bị buộc phải tìm ra một tổ chức chính thống nào đó sẵn sàng tài trợ họ, mà điều này hiếm khi xảy ra lắm. Trong khi đó, Quảng Đông bây giờ cho phép các NGO trong nước được mở cửa hàng mà không cần mất nhiều giấy tờ và thủ tục quan liêu như ở những địa phương khác. Bầu không khí mới này đã khuyến khích những tổ chức lâu năm như One Foundation của Lý Liên Kiệt mở văn phòng ở Thâm Quyến và Quảng Châu, sau nhiều năm hoạt động trong “vùng xám” về pháp lý tại nhiều nơi khác ở Trung Quốc.
“Chúng tôi thấy ở đây sự cởi mở” – Zhan Min, giám đốc văn phòng Dự án Maitian, nói. Dự án Maitian (Maitian Project) là một tổ chức từ thiện độc lập chuyên hỗ trợ các trường nghèo ở nông thôn Trung Quốc và đang làm thủ tục mở văn phòng ở Quảng Đông sau nhiều năm hoạt động không có tư cách pháp nhân tại Thượng Hải. “Các lãnh đạo địa phương ở Quảng Đông táo bạo hơn, can đảm hơn là các vị lãnh đạo trong nội địa, vốn hay lo ngại rủi ro”.
Nhưng nói Quảng Đông dưới thời ông Vương “mở” là chỉ xét trong bối cảnh toàn trị ở Trung Hoa mà thôi. Các phóng viên, biên tập viên có thể viết về những chủ đề cấm kỵ đối với đồng nghiệp của họ ở những nơi khác trong nước, nhưng họ biết thì nhiều mà phê phán giai cấp thống trị cao nhất của Trung Quốc, hoặc bản thân ông Vương, thì ít. Và các NGO được phép đăng ký ở Thượng Hải thì cũng chỉ là những tổ chức ít quan tâm đến chính trị nhất – các hội từ thiện theo kiểu “hãy làm tốt hơn” thì được cấp phép, còn lại, tổ chức nào có liên hệ đến tôn giáo hoặc bất kỳ chương trình hành động vì nhân quyền nào thì có thể yên tâm là không được mau chóng chào đón.
Trong nội bộ cái Đảng Cộng sản bị ám ảnh vì hai chữ ổn định, có những người sẽ cãi rằng không phải thế, rằng ông Vương thực sự đã đi rất xa rồi. Quảng Đông là tâm điểm của một làn sóng bất ổn do người lao động gây ra năm ngoái, làn sóng này lan ra khắp dây chuyền sản xuất trong nước, buộc các chủ doanh nghiệp và chính quyền phải nâng lương.
Nhiều vụ bạo lực – như là vụ bạo loạn tháng trước, trong đó người làng cướp một đồn công an địa phương và đốt xe cảnh sát sau khi chính quyền địa phương tịch thu đất ruộng của dân cho một dự án phát triển – cũng phổ biến ở Quảng Đông bất ổn hơn là ở những nơi khác trong nước.
Chính quyền trung ương đã rút lui khỏi rất nhiều những cuộc biểu tình như thế thay vì đàn áp chúng, có lẽ điều này cũng bộc lộ một tín hiệu cho thấy phong cách lãnh đạo hiền từ hơn của ông Vương.
“Nếu Đảng muốn bảo vệ lợi ích quốc gia, họ sẽ thấy cái gọi là mô hình Quảng Đông cũng như các ý kiến của Vương Dương hữu ích hơn [so với mô hình Trùng Khánh]” – Giáo sư Tang nói. “Sử dụng quyền lực vào việc ổn định xã hội, cái cách giản đơn ấy không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa. Họ cần sử dụng sức mạnh xã hội để xử lý các vấn đề xã hội, cần dùng sức mạnh thị trường để xử lý các vấn đề thị trường”.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?
Trong những tuần tới, thế giới bên ngoài có thể nhận thấy tín hiệu về việc liệu một trong hai, hoặc cả hai ông Bạc Hy Lai và Vương Dương có được sắp đặt để tham gia nhóm lãnh đạo quyền lực nhất thế giới hay không, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nhóm họp ở Bắc Kinh.
Có thể không có thông báo nào về tương lai chính trị của cả hai vị – chiến dịch bí mật tranh giành ghế này vẫn còn kéo dài nhiều tháng trước khi phiên họp tới của Bộ Chính trị diễn ra công khai, và các quyết định của Trung ương Đảng cũng không cần phải đem ra bất cứ hội nghị nào để phê chuẩn hay duyệt lại. Thế nhưng các ý kiến, tư tưởng của hai ông chắc chắn sẽ được đem ra tranh luận giữa 300 có lẻ đảng viên, một khi cánh cổng Đại sảnh đường Nhân dân được đóng kín lại trước người ngoài.
Những người có đủ tư cách nhất để có thể đánh giá công trạng, thành tích tương đối của hai ông chắc chắn phải là cư dân Trùng Khánh, vốn đã trải qua thời kỳ lãnh đạo của từng ông. Tất nhiên, sẽ không bao giờ có cuộc bỏ phiếu nào cho phép nhân dân biểu lộ những gì họ thật sự nghĩ về phong cách lãnh đạo của hai ông, so sánh giữa hai vị như thế nào. Nhưng ít người cho rằng ông Bạc đã thu hút cảm tình của người dân địa phương bằng các chiến dịch của ông. Trong khi đó, ông Vương được nghĩ đến như một nhà lãnh đạo nhu nhược hơn, cũng có thể nói là khoan dung hơn.
“Vương Dương hứa hẹn sẽ làm thành phố phát triển về kinh tế, và ông đã làm được điều đó, cho dù một số người chẳng đánh giá cao vì sự thịnh vương đâu có đến với họ” – một quan chức chính quyền Trùng Khánh, đề nghị giấu tên, nói tại bữa ăn trưa ở một nhà hàng ẩm thực nổi tiếng trong tỉnh. Dù nhà hàng này gần như vắng ngắt, ông ta vẫn hạ giọng đến mức thầm thì, để không ai nghe được là ông ta đang nói về các bí thư tỉnh ủy. “Ông Bạc đi con đường ngắn hơn [đến chỗ lấy được cảm tình của quần chúng] và giải quyết được vấn đề tội phạm ở thành phố, do đó, tất nhiên trong hai người thì ông Bạc được ưa thích hơn”.
“Cả ông Bạc lẫn ông Vương đều dành nhiều công sức để cải thiện mức sống cho dân” – ông Zhang Yuren, một chuyên gia về truyền thông ở Đại học Sư phạm Trùng Khánh, nhận định. Tuy nhiên, ông bảo, “có những khác biệt lớn: ông Bạc tin rằng thành phố cần phải có tinh thần dân tộc, ái quốc, và ông ta gắn nó với văn hóa Đỏ. Còn Vương thì khác. Ông ấy muốn một nền văn hóa đa dạng và cởi mở hơn”.
Nhưng liệu có đủ số đảng viên trong Trung ương Đảng mong muốn điều tương tự không? Trên rất nhiều khía cạnh, cuộc đấu tay đôi Bạc-Vương chỉ là hiện thân mới mẻ nhất của cuộc đấu đá trong hậu trường, vốn đã diễn ra trong Đảng Cộng sản suốt từ thập niên 80. Những nhà cải cách đương thời như tổng bí thư Triệu Tử Dương (Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1980 tới 1987, và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987 tới 1989 – ND) đã ngầm ủng hộ những sinh viên đấu tranh đòi thay đổi trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Sau đấy, họ đều sống phần đời còn lại trong tù ngục, quản thúc.
Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu cuộc đấu đá chỉ là chuyện để rỉ tai nhau, dù Ôn Gia Bảo đôi khi cũng gây xôn xao dư luận với những tuyên bố rằng đất nước đang cần đổi mới chính trị, cần một cách tuyệt vọng. Giờ đây, với việc ông Ôn sẽ rời nhiệm sở mà chẳng để lại mấy đỗi cải cách về chính trị sau nhiệm kỳ làm thủ tướng của ông, những người theo phái tự do ở Trung Quốc bắt đầu hướng ánh mắt về phía ông Vương với chút ít hy vọng mệt mỏi, và nhìn ông Bạc với nỗi lo ngại mới phát sinh
“Tôi đã từng đi Bắc Triều Tiên” – ông Yu, nhà báo của tờ Nhật Báo Đô thị Miền Nam, nói. “Dứt khoát là tôi thích sống ở Singapore hơn”.
Mark MacKinnon là phóng viên ở Trung Quốc của tờ The Globe and Mail.

Thủy Trúc – Đan Thanh dịch từ The Globe & Mail

Không có nhận xét nào: