Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

USD “chợ đen” và trị giá VND

(Tamnhin.net) – Giải pháp tốt nhất cho vấn đề USD“chợ đen” là bằng cách nào đó làm cho đồng tiền Việt Nam có giá trị trên thị trường.
TS kinh tế Võ Trí Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh điều này khi trao đổi về thực tế tình trạng tồn tại song song hai tỷ giá USD của nhà nước và USD“chợ đen” tái diễn sau khi Nhà nước có chính sách kiểm tra, rà soát các cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên thị trường.

TS.Võ Trí Thành nêu rõ, chúng ta phải làm sao ổn định được kinh tế vĩ mô, kéo được lạm phát xuống thấp, thâm hụt thương mại không quá lớn gây áp lực lên thị trường, đó mới là vấn đề căn bản. Còn việc chúng ta áp dụng các biện pháp hành chính, kiểm soát thị trường, đứng về mặt pháp lí có thể đúng và trong một số thời điểm có thể là cần nhưng đấy không phải là giải pháp tốt nhất.
Về ảnh hưởng của tình trạng hai tỉ giá ở thị trường ngoại hối, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, bất kỳ một hàng hóa nào mà có hai giá sẽ gây rất nhiều méo mó trong phân bổ nguồn lực, có nguy cơ tuồn từ giá thấp lên giá cao. Hai giá luôn có xu hướng ép lên tỉ giá, tạo ra một vòng xoáy đô la hóa, mất giá lại dẫn đến lạm phát.
TS.Võ Trí Thành cho rằng, người ta lại giữ USD để bảo vệ giá trị tài sản và nghĩ rằng USD có giá vì người ta không tin vào đồng nội tệ và một số tài sản khác. Đây chỉ là vấn đề lòng tin vào đồng tiền và đã là lòng tin thì không thể bảo người dân tin bao nhiêu là vừa đủ.
USD là đồng tiền giao dịch quốc tế nên cũng được giao dịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó cho chính sách tiền tệ của Nhà nước vì không biết lúc nào loại tiền này được giao dịch hay được giữ làm tài sản. Quay trở lại vấn đề ban đầu, Nhà nước phải làm sao để người dân có niềm tin vào đồng nội tệ, giảm lạm phát xuống mức 4-5%, có như vậy đồng tiền Việt Nam mới có thể chuyển đổi và giao dịch được trên thị trường quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, VietinBank cho rằng, tỷ giá USD không chỉ tác động đến xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, nợ quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của dân chúng.
Khi người dân và doanh nghiệp luôn kỳ vọng VND mất giá, sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào điều hành chính sách tài chính – tiền tệ của Chính phủ, NHNN, tiếp tục gây ra những bất ổn trên thị trường. Điều này đã và đang xảy ra trong dân chúng. Khi tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng, người dân nghĩ ngay đến việc NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá theo hướng VND giảm giá.
Khi giảm giá VND thì giá một số hàng hóa dịch vụ tăng, lãi suất cho vay và huy động cũng bị đẩy lên cao, các giao dịch ngắn hạn trở lên phổ biến hơn lúc nào hết (gửi tiền cũng chỉ chấp nhận kỳ hạn ngắn từ tuần, đến tháng; nếu có gửi kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm thì các NHTM lại phải áp dụng theo kiểu “rút ra trước hạn ở thời điểm nào sẽ được hưởng lãi suất ở kỳ hạn đó”. Nếu vẫn cứ tiếp cách hành xử này, VND luôn đặt trong xu thế điều chỉnh giảm. Điều này là rất bất ổn trong trung hạn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, có thể khắc phục được vấn đề bằng cách trong ngắn hạn cần chấp nhận một tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn hiện tại (trên dưới 5%), duy trì một tỷ lệ lạm phát thấp (trên dưới 6%), đồng thời với nó là dùng các biện pháp để nâng giá tiền đồng, tạo một sự thay đổi từ nhận thức của người dân. Việc làm này sẽ tạo yếu tố tâm lý rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin của người dân bị suy giảm về sự không ổn định sức mua của tiền đồng, họ có tiền nhàn rỗi sẽ nhanh chóng chuyển sang vàng và ngoại tệ nắm giữ .
Khi VND lên giá, có thể sẽ làm tăng thêm tình trạng nhập siêu, xuất khẩu có thể giảm đi. Yếu tố tỷ giá có tác động đến xuất nhập khẩu nhưng không hẳn là yếu tố quyết định. Vì vậy hướng đến sự ổn định tỷ giá trong trung hạn, rất cần thiết có cách nhìn mới về vấn đề này.
Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng cho rằng dù đến hẹn lại lên, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng trong các tháng cuối năm, nhưng với số dư ngoại tệ của các ngân hàng, thặng dư từ cán cân thanh toán của nhà nước cùng với dự trữ ngoại hối đã tăng lên thì trong tháng 10 và các tháng sắp tới, tình hình sẽ không căng thẳng như các năm trước.
Ông Vũ Đình Ánh khuyến nghị việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường là quan trọng. Nếu trong các tháng tới lạm phát có tăng, hay các đồng tiền trên thế giới biến động thì việc tỷ giá thay đổi là hợp lý, không nên quá cứng nhắc là phải giữ tỷ giá ở một mức nào đó trong một thời gian dài.
Trong những ngày gần đây, nhiều thông tin cho rằng thị trường ngoại tệ biến động do các ngân hàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã phải dùng một khoản USD lớn để mua vàng qua tài khoản ở nước ngoài. Đại diện một ngân hàng trong số này khẳng định, để mở tài khoản giao dịch ở nước ngoài, tỷ lệ ký quỹ bằng ngoại tệ chỉ là 7,5%, tức rất nhỏ so với nguồn ngoại tệ cần có để nhập vàng chính thức.
Hơn nữa, lượng vàng bán ra trong những ngày qua chưa đáng kể so với lượng mà các ngân hàng đang có trong kho. Vì vậy, chưa đến lúc các ngân hàng phải mua vàng vật chất qua tài khoản, tức chưa phải dùng nguồn ngoại tệ lớn như các thông tin kể trên. Do đó, thông tin về việc mua vàng qua tài khoản là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước thay đổi tỷ giá liên ngân hàng là không hợp lý.


Minh Giang
http://tamnhin.net/Tuvan/15656/USD-cho-den–va-tri-gia-VND.html

Không có nhận xét nào: