Một số nguồn dư luận trong và ngoài nước cho rằng qua việc ký thỏa thuận này, Việt Nam đã thuận theo chủ trương đàm phán song phương Trung Quốc thay vì kiên quyết duy trì quan điểm mang tranh chấp Biển Đông ra bàn đàm phán đa phương.
Thậm chí có bình luận trên mạng internet gọi việc ký thỏa thuận là Việt Nam 'mắc bẫy song phương' của Trung Quốc.
Báo chí Philippines trong những ngày qua còn nhận định rằng Việt Nam đã rút khỏi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà khối Asean đã ký với Trung Quốc hồi năm 2002.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị bác bỏ chỉ trích này với lý do "Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất chỉ giải quyết song phương các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc".
"Các tranh chấp liên quan đến các nước khác sẽ tiến hành hiệp thương với các nước đó để giải quyết (điểm 3 trong Tuyên bố)."
Ông nói Việt Nam xưa nay vẫn nhất quán rằng: "Những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp".
Theo ông Nghị, điều này hoàn toàn phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Báo chí trong nước có mặt tại buổi họp báo chiều thứ Năm 20/10 ở Hà Nội dẫn lời ông Nghị nói Việt Nam muốn kết hợp các giải pháp song phương và đa phương một cách "hài hòa".
Dễ trước khó sau
Thỏa thuận Việt-Trung ký hôm 11/10 cũng thống nhất sẽ giải quyết tranh chấp tuần tự theo các chủ đề 'dễ trước khó sau'."Những tranh chấp chỉ liên quan đến hai nước sẽ được giải quyết song phương giữa hai nước liên quan; những tranh chấp liên quan đến nhiều nước sẽ được trao đổi, giải quyết giữa tất cả các nước có liên quan; những vấn đề có tính chất khu vực hoặc toàn cầu cần phải có cách tiếp cận giải quyết đa phương thích hợp."
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị
Ông cũng nói tiến trình giải quyết tranh chấp đòi hỏi 'nỗ lực và thiện chí' của các bên.
Truyền thông Trung Quốc ngay sau lễ ký kết thỏa thuận cũng đã có nhiều bình luận ca ngợi văn bản này.
Nói chung, chính giới và các học giả Trung Quốc đều diễn dịch nội dung thỏa thuận là "nguyên tắc cơ bản cho giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông là giải quyết bất đồng thông qua "đàm phán song phương" chứ không thảo luận đa phương.
Họ cũng nói đây có thể là mô hình cho Trung Quốc và các nước tham gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông khác.
Rõ ràng đã có một sự chênh lệch trong cách hiểu của hai bên.
Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm sáu nguyên tắc chính.
Nguyên tắc đầu tiên được hai bên thống nhất, là “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục", dưới sự chỉ đạo của 16 chữ vàng và tinh thần bốn tốt, "kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét