Hiện diện của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương –
Cơ hội và thách thức
Cơ hội và thách thức
Lê Ngọc Thống
Dư luận thế giới không bất ngờ việc trở lại của Mỹ với khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhưng rất ngạc nhiên bởi sự trở lại một cách “ngoạn mục”, có vẻ như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đến thế. Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này khi mà chiến trường Trung Đông, A-Phú-Hản đã có dấu hiệu hồi kết về sự can thiệp tốn kém về sức người và của, khi mà sự trỗi dậy của Trung Cộng đã, đang và sẽ đe dọa ,thách thức an ninh và ngôi bá chủ thế giới của Mỹ là yêu cầu bức thiết, tất yếu trước mắt cũng như lâu dài của Mỹ. Dù Mỹ có che giấu bằng những ngôn từ ngoại giao nào… thì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương là nhằm vào một trong những mục tiêu chủ yếu là bao vây, kiềm chế Trung Hoa trên hai lĩnh vực quân sự và Kinh tế, “đưa Trung Hoa vào luật chơi”.
Sự hiện diện của Mỹ làm khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tạm thời chia ra làm 3 nhóm lực lượng.
Nhóm lực lượng thứ nhất là Mỹ và các đồng minh quân sự gồm Mỹ-Nhật; Mỹ-Hàn; Mỹ-Philipin; Mỹ-Australia; Mỹ-Đài Loan…
Nhóm lực lượng thứ hai là còn lại những nước không liên minh trong đó có Việt Nam. Việt Nam không liên minh quân sự với nước nào nhưng mối quan hệ mật thiết đặc biệt với Nga, Ấn Độ làm cho lực lượng này không thể coi thường.
Và nhóm lực lượng thứ ba là Trung Hoa – một quốc gia đang trỗi dậy hùng mạnh, với những ý tưởng vĩ đại…ai cũng biết.
Mối quan hệ giữa 3 nhóm lực lượng này mỗi khi có sự xung đột xảy ra thì nó biến động như thế nào, đối đầu hay đối tác? Trung lập hay liên minh?… rất dễ xác định. Bởi vì cứ xem cách hiện diện của Mỹ với khu vực thì rõ. Các nước trong khu vực, ngay cả Việt Nam (đang còn bị Mỹ cấm vận quân sự) cũng hoan nghênh sự hiện diện này. Các căn cứ quân sự trên Nam Hàn , Nhật Bản của Mỹ như có sức sống trở lại, Liên minh Mỹ-Nhật , Mỹ – Hàn được tăng cường và củng cố… Những điều này cách đây 5 năm về trước Mỹ có nằm mơ cũng không được. Tại sao? Tại Trung Quốc và do…Mỹ đạo diễn.
Trung Hoa sau khi kinh tế phát triển, họ tăng cường tiềm lực quân sự đặc biệt là Hải quân. Mục tiêu đầu tiên của Trung Hoa là chiếm trọn Biển Đông. Sau đó là vân vân và vân vân…thế giới đều biết. Xét về lý thì đây là mục tiêu phi lý, cho nên không thể đạt được bằng lý lẽ, đàm phán… mà chỉ có thể đạt được bằng vũ lực hoặc dọa nạt. Do đó chiến lược của Trung Cộng luôn bắt đầu từ cơ sở hiếu chiến, ngạo mạn là tất yếu. Vốn thích phô trương thanh thế, tự ru ngủ mình, Trung Quốc được Mỹ thổi phồng lên nữa bằng lời nói và nhường nhịn một số đụng độ mang tính chiến thuật. Thiết nghĩ bài học về tai hại của hiếu chiến và ngạo mạn của Liễu Thăng, Tôn Sỹ Nghị chỉ xảy ra ở Việt Nam nào ngờ Mỹ cũng biết để đưa Trung Quốc vào tròng. Trung Quốc cho rằng đã qua rồi thời kỳ “ẩn mình trên núi luyện võ, chờ thời”. Giờ là lúc “xuống núi tuốt kiếm giành ngôi bá chủ”. Trung Cộng ngạo mạn “đề nghị” Mỹ chia phần một nửa Thái Bình Dương, Trung Hoa , cho rằng Mỹ đã suy yếu nên có thể lập lại trật tự theo cách của mình, mở rộng, tuyên bố những khu vực có “lợi ích cốt lõi” khác… Với thái độ hung hăng, ngạo mạn, hiếu chiến, hành động ngang ngược, quyết đoán sẵn sàng dùng vũ lực khiến các nước trong khu vực lo ngại và cảnh giác trước một “hung thần” đang lên. Trung Cộng vô tình rơi vào cái bẫy giăng sẵn của Mỹ.. Trung Cộng từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tưởng là Mỹ đã đuối sức, suy yếu sẽ nhường vai trò lãnh đạo cho Trung Hoa ; tưởng tiềm lực quân sự tự xếp thứ 2 thế giới sau Mỹ sẽ làm Mỹ chùn tay… Khi hiểu ra thì đã quá muộn, xung quanh đâu cũng là kẻ mình gây thù chuốc oán, trong khi đó Mỹ thì đường đường chính chính hiện diện ở khu vực châu Á Thái Bình Dương như một “Cảnh sát biển Thế giới” với đầy đủ sức mạnh vượt trội, sức mạnh thật sự chứ không phải được “bơm” như Trung Hoa !. Đăc biệt Thoả thuận mới với Australia sẽ khôi phục lại dấu ấn đáng kể của người Mỹ ở gần Biển Đông sau 10 năm kể từ khi rời bỏ căn cứ quân sự Subic-Philipin (Dù phong độ có lúc này lúc kia nhưng đẳng cấp của siêu cường số 1 thế giới đâu có khác). Mỹ không như Trung Cộng tưởng, thậm chí bị “dính đòn” ở châu Phi khi các tử huyệt năng lượng bị Mỹ đánh chặn mà Trung Hoa vẫn chủ quan hành xử duy ý chí. Xem ra chiến lược mà những nhà vạch chiến lược của Trung Cộng đem thi thố không có tư tưởng mà chỉ có âm mưu, không có nghệ thật mà chỉ có thủ đoạn, lại mang nặng tư tưởng hiếu chiến, ngạo mạn vì thế luôn bị động đối phó, bất lực khi vỡ trận.
Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương không chỉ là quân sự mà còn hình thành một “Khối tự do thương mại” (Đối tác xuyên Thái Bình Dương) không gồm Hoa Lục. Khu vực tự do thương mới mới ở Thái Bình Dương nhằm cung cấp cho các đồng minh thị trường tự do của Mỹ trong khu vực không ít đặc quyền thương mại mà không dành cho Trung Quốc. Do đó dù Trung Hoa có bán hay cho các nước trong khu vực “vé để bước lên con tàu tăng trưởng kinh tế cao tốc của họ” như họ nói thì nay không phải là sự lựa chọn duy nhất. Trung Hoa muốn gia nhập vào thì phải nâng giá đồng nhân dân tệ, chấm dứt trợ cấp các DNNN(doanh nghiệp nhà nước), bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của các nhà Sản xuất ngoại quốc … mà nâng giá đồng nhân dân tệ thì chẳng khác nào xóa nợ cho Mỹ. Vì vậy gia nhập khối hay không đều là sự lựa chọn khó khăn cho Trung Cộng .
Có thể khẳng định chắc chắn rằng: Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương khiến Trung Cộng bị bao vây về quân sự cũng như kinh tế. Vậy đây có phải là một thách thức, một nguy cơ cho an ninh Trung Cộng hay là cho tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn của Trung Hoa?. Dư luận thế giới, các quốc gia trong khu vực không khó để trả lời chính xác vấn đề này.
Thực ra, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng hành động của Trung Hoa dẫn đến sự căng thẳng khu vực là một yếu tố thúc đẩy tạo điều kiện cho sự hiện diện mang vẻ “có lý có tình” hơn. Điều này cơ bản cho thấy ngoài sự thách thức cho Trung Hoa thì đây là cơ hội cho các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Cơ hội đó là gì? Các nước liên minh với Mỹ không sợ Trung Hoa chèn ép , bắt nạt, mà chơi theo luật như Phi Luật Tân chẳng hạn. Nhóm thuộc lực lượng thứ 2 như Việt Nam không liên minh quân sự ,vì họ đủ khả năng đương đầu với những thách thức an ninh từ phía Trung Hoa. Họ có cơ hội để trung lập, ổn định, hòa bình, áp lực từ phía Trung Hoa giảm đi và cũng có cơ hội sẵn sàng gia nhập vào nhóm thuộc lực lượng thứ nhất khi cần thiết.
Như vậy, điều mà Trung Quốc không muốn nhất đã xảy ra: Các nước lớn đã không để cho Trung Quốc một mình làm mưa làm gió ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Mỹ đã từng tuyên bố có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Nga, Ấn Độ tuy không và có vẻ như trung lập nhưng lại hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là quân sự để Việt Nam đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế của họ trên Biển Đông. Xét cho cùng thì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương dẫu sao cũng cảm thấy đỡ bất an hơn khi không có. Phải chăng đó là cơ hội cho các nước trong khu vực? Thời gian sẽ trả lời.
Vậy,Trung Hoa sẽ làm gì trong tình hình hiện nay? Liệu có xảy ra cuộc chiến giữa Trung Hoa với Mỹ và liên minh không? Philipin đã từng bị Trung Cộng “nhắc nhở” là hãy chuẩn bị tâm lý “nghe tiếng đại bác”, vậy liệu Trung Cộng có dám thử “độ tin cậy” của Liên minh quân sự Mỹ-Philipin không? Câu trả lời cũng có lẽ phải chờ đến năm 2012 bởi một giới lãnh đạo mới của Trung Hoa được bầu. Giờ đây giới lãnh đạo hiện tại chỉ có thể nghiên cứu để rút ra một bài học cho mình để lại kinh nghiệm cho thế hệ sau. Chính sách nào, chiến lược nào, đường lối nào đã khiến chúng ta(Trung Hoa) bị các nước trong khu vực xa lánh, cảnh giác, sẵn sàng đương đầu trong khi Mỹ thì được coi như một “Cảnh sát thế giới”? vân vân và vân vân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét