Lần đầu tiên nhắc Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa
Liêu Ân cũng muốn giúp giải quyết tranh chấp biển Ðông
HÀ NỘI 25-11 (NguoiViet) - Việt Nam sẽ đòi quần đảo Hoàng Sa “bằng biện pháp hòa bình,” Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong một buổi điều trần ở Quốc Hội tại Hà Nội hôm Thứ Sáu.
Ðảo Phú Lâm, một trong những đảo chính của quần đảo Hoàng Sa của việt Nam mà Trung Quốc chiếm năm 1974 rồi đổi tên lại thành “Vĩnh Hưng đảo” hiện đã được xây dựng một phi đạo. Nơi đây đồn trú một phi đội phản lực, một đơn vị thiết giáp để phòng thủ bên cạnh hải quân. (Hình: China Defense Blog)
Ông Dũng phát biểu về vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông vào lúc nhà cầm quyền Bắc Kinh cho tổ chức du lịch đến quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn xác nhận chủ quyền.
Cũng vào ngày này, báo Philippines cho hay Liên Âu cũng sẵn sàng góp phần giải quyết tranh chấp biển Ðông.
Theo các báo tường thuật rộng rãi, trong cuộc điều trần, ông Dũng nói:
“Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía Ðông của quần đảo. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền đã lên án việc làm này và đề nghị LHQ can thiệp”.
Còn từ năm 1975 đến nay, sau khi tiếp quản 5 đảo của quần đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca…) chính quyền mới đưa quân đóng giữ thêm 21 đảo bên cạnh việc xây dựng thêm 15 nhà dàn trong vùng biển Tư Chính Vũng Mây (Ðông Nam Vũng Tàu, phía Ðông bồn trũng Nam Côn Sơn).
Theo lời ông Dũng, hiện nhà cầm quyền Hà Nội “tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội-kỹ thuật ở các nơi ta đang nắm giữ: Ðường sá, điện nước, trạm xá, trường học, cải thiện đời sống, tăng cường khả năng tự vệ của quân dân ở quần đảo này”. Ðồng thời “có cơ chế chính sách, hiện đã có, đang sơ kết, đánh giá, để hỗ trợ đồng bào đang khai thác đánh bắt cá, thủy hải sản ở khu vực biển này, làm ăn sinh sống và thực hiện chủ quyền ở khu vực Trường Sa.”
Cách đối phó và giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, ông Dũng nói lập trường của Hà Nội là “Giải quyết và khẳng định chủ quyền 200 hải lý thuộc EEZ và thềm lục địa Việt Nam theo UNCLOS 1982”.
Một ngày trước khi ông Dũng ra điều trần ở Quốc Hội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, Lương Thanh Nghị, đưa ra lời tuyên bố phản đối Trung Quốc “mở tuyến du lịch đến Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần nguyên tắc ứng xử trên biển Ðông – DOC”.
Báo chí Trung Quốc ngày 22 tháng 11, 2011 loan tin Sở Giao Thông Vận Tải của tỉnh Hải Nam đã cấp phép cho một công ty du lịch mở đường du lịch tới quần đảo Hoàng Sa.
Nhà cầm quyền Hà Nội đã nhiều lần khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam “không thể tranh cãi”.
Mặt khác, theo báo The Phillipines Star, Liên Hiệp Âu Châu (EU) bắn tiếng sẵn sàng “là thành phần hữu ích để ‘cân bằng’ vị thế chiến lược trên biển Ðông và cũng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông”.
Lên tiếng tại trụ sở trung ương đặt tại Brussels, Bỉ, của tổ chứ EU, Phillippe van Amersfoort, phó giám đốc khu vực Á Châu của ngành ngoại giao Liên Âu, cho biết EU hoan nghênh bất cứ lời yêu cầu nào từ phía ASEAN để giúp giải quyết tranh chấp.
“Trong khi tình thế chiến lược ở đây diễn tiến, EU có thể là một thành phần hữu ích để cân bằng”, ông Van Amersfoort nói. “EU sẵn sàng đóng vai trò trung gian tuy đó là vai trò đầy thử thách. Chúng tôi rất vui sướng cứu xét điều đó…”
Trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN mở rộng thành hội nghị thượng đỉnh Ðông Á Châu Thái Bình Dương, hầu hết đại diện các nước đều lên tiếng về vấn đề an ninh và tranh chấp biển Ðông. Trung Quốc ở trong thế cô lập nhưng vẫn ngang ngược đòi hỏi giải quyết tranh chấp bằng các cuộc đàm phán song phương hầu dễ lấy thế nước lớn chèn ép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét