Pages

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

LM Nguyễn Văn Khải DCCT viết về câu chuyện Thái Hà (1)

Italy – Kính gửi quý ông, bà, anh, chị em tín hữu Công giáo cùng toàn thể những người yêu công lý, sự thật và hòa bình, những người thực tâm muốn xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, một chính quyền biết tôn trọng pháp luật.
SỰ KIỆN: BẠO NGÔN, BẠO LỰC VÀ BẮT BỚ
Từ ngày 02.10.2011 sáng chiều loa phóng thanh công suất lớn của phường Quang Trung chĩa vào nhà thờ Thái Hà liên tục phát đi phát lại thông báo kế hoạch “xây dựng trạm xử lý nước thải bệnh viện Đống Đa”, trên diện tích 2000m2 đất của nhà thờ Thái Hà.
Tiếp theo, những ngày sau đó, đại diện bệnh viện Đống Đa đến nhà thờ thông báo cùng một nội dung. UBND Phường Quang Trung cũng mời đại diện nhà thờ Thái Hà đến UBND Phường để nghe thông báo cùng một nội dung.

Giáo xứ Thái Hà lập tức gửi đến các cơ quan hữu quan kiến nghị (1) ngưng tiến hành dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, đồng thời (2) trả lại giáo xứ khu nhà đất mà nhà nước đang mượn. Nhà thờ còn trưng một biểu ngữ điện tử thể hiện nguyện vọng chính đáng của mình.
Trong khi đó đài báo tivi của nhà nước lại lên cơn điên cuồng tập thể, bất chấp lương tri, vào cuộc tấn công giáo xứ Thái Hà. Liên tục xuyên tạc, vu khống, chụp mũ, kết án và đe dọa giáo dân, tu sĩ và linh mục nhà thờ Thái Hà.
Tiếp theo là màn kịch quen thuộc: cán bộ và công an còn bảo kê một nhóm người lạ mặt đến nhà thờ quấy phá, đe dọa, sách nhiễu, khủng bố các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Tệ hại hơn, ngày 8/11/2011, nhà nước còn cho người đến sinh sự với ông Dũng, một giáo dân trung kiên của giáo xứ, rồi công an lấy cớ đến bắt giam ông Dũng một cách vô cớ.
Thực tế, nhưng như bao nhiêu người khác, giáo dân Thái Hà chúng ta đang trở thành nạn nhân của một chế độ tham nhũng, bất công chỉ coi trọng quyền lợi của phe nhóm mình. Một chế độ luôn hành xử độc đoán, duy ý chí, theo lý của kẻ mạnh chứ không theo pháp luật.
Theo báo đài của nhà nước, thì chúng ta đang cản trở một dự án có tính chất nhân đạo, mang lại phúc lợi cho người dân. Thế nhưng sự thật có phải như báo đài tuyên truyền không? Thưa không! Vì thực tế, chúng ta đang tôn trọng pháp luật và ngược lại nhà nước đang vi phạm pháp luật và đang dùng sức mạnh để xâm phạm quyền lợi của các công dân mà nhà nước có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ.
Để tiện cho quý ông bà anh chị em hiểu thêm phần nào sự việc đang diễn ra, chúng tôi xin trình bày đầu đuôi câu chuyện như sau:
Chứng thư nhượng quyền sở hữu nhà đất nhà thờ Thái Hà cho DCCT
Bằng khoán điền thổ và bản đồ nhà đất giáo xứ Thái Hà dọc theo quốc lộ 6 ngay là phố Nguyễn Lương Bằng.
Khu nhà đất nhà thờ Thái Hà khi mới mua năm 1928
Nhà thờ Thái Hà xây dựng năm 1935 và hiện vẫn đang sử dụng
XÂY DỰNG CƠ SỞ VÀ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN
Dòng Chúa Cứu Thế là một phái tu hành chuyên giảng đạo Chúa và giúp đỡ những người nghèo khổ. Năm 1926 chúng tôi đến Hà Nội và năm 1928 chúng tôi mua mảnh đất hơn 6,1 hécta, nằm ở mặt quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng, lập nên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.
Năm 1930 tu viện xây tòa nhà thứ nhất và năm 1939 khánh thành tòa nhà thứ hai, hai tòa nhà này nằm nối tiếp nhau, hiện nay nhà nước đang đơn phương “mượn” làm bệnh viện Đống Đa.
Năm 1935 xây ngôi nhà thờ đang sử dụng hiện nay. Đồng thời tu viện cũng xây ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng và trung tâm tập thể dụng thể thao tại khu vực mà cách đấy hơn 3 năm nhà nước chiếm dụng làm vườn hoa 1 Tháng 6.
Vì là một phái tu hành có mục đích là giúp đỡ người nghèo nên Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã chuẩn bị những phương tiện cần thiết để phục vụ.
Tu viện đã lập trại Cứu tế và trại Tỵ nạn Thái Hà để cứu giúp hàng nghìn người từ các nơi đổ về trong trận đói kém và dịch bệnh năm 1945 cũng như trong cuộc chiến 1946-1954. Một số dãy nhà được cất lên để dùng vào việc này vẫn còn tồn tại cho đến những năm gần đây. Hiện nay còn lại vài gian ở khu vực nhà ông Đông cuối ngõ 180, gần Hồ Ba Giang.
Từ năm 1928 đến năm 1954 tu viện đã xây dựng trường Trung học Khâm Thiên và các trường tiểu học tại các làng ở khu vực Đống Đa và Thanh Xuân hiện nay. Đấy là những ngôi trường đầu tiên theo hệ thống giáo dục hiện đại được thành lập trong vùng này mà nhiều bậc cao niên tuổi trên dưới 70 ít nhiều đã theo học trong các trường ấy trước năm 1954. Suốt gần 3 thập niên, Thái Hà đã đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp mở mang giáo dục, y tế, thể dục thể thao trong khu vực.
CƠ SỞ BỊ “MƯỢN” HOẶC BỊ TIẾP THU
Sau năm 1954, theo chủ trương và chính sách của nhà nước, toàn bộ các trường tiểu học, trung học do giáo xứ Thái Hà sáng lập và quản lý đã được nhà nước tiếp thu quản lý và điều hành. Các khu đất thuộc quyền sở hữu của giáo xứ tại các làng gần Thái Hà cũng bị cải tạo.
Các dãy nhà ở mặt tiền quốc lộ 6 nay là phố Nguyễn Lương Bằng và khu vực nhà đất phía Tây Nam nhà thờ cũng được dành cho người dân các nơi đến cư trú miễn phí. Về sau, các cá nhân và gia đình mua bán, sang nhượng cho nhau và đến nay có thể đã qua nhiều đời chủ. Từ trước năm 1954 đến nay, nhà thờ Thái Hà không bao giờ đặt vấn đề chủ quyền về các phần đất đã dâng tặng cho những người dân các nơi đến cư trú trong hoàn cảnh khó khăn.
Một số kẻ xấu phao tin nói là nhà thờ Thái Hà sẽ đòi lại nhà đất của các hộ dân đang sống gần nhà thờ, nhưng giáo xứ Thái Hà khẳng định không có chuyện đấy và giáo xứ luôn muốn cho người dân được an cư lạc nghiệp trên phần đất mà họ đang quản lý và sử dụng như hiện trạng.
Sau khi các trường học bị tiếp thu, giáo xứ Thái Hà-Dòng Chúa Cứu Thế chỉ còn quản lý tòa nhà dành cho các tu sĩ tu hành và học tập, nhà thờ làm nơi thờ phượng, khu nhà sinh hoạt cộng đồng nằm cách xa mặt đường và một số nhà nhỏ xung quanh thánh đường.
Thế nhưng cái khu vực địa giới cuối cùng để tu hành và phục vụ cộng đồng rồi cũng bị xâm phạm và bị thu hẹp dần.
Năm 1959 một số cán bộ vào ép cha Vũ Ngọc Bích và thầy Phạm Văn Đạt cho mượn 1 trong hai tòa nhà các tu sĩ đang ở để làm trường học, sau đó năm 1972 họ lại đơn phương mượn nốt tòa nhà còn lại, nhập hai cái lại với nhau làm bệnh viện Đống Đa.
Vì cương quyết phản đối hành vi lấn chiếm bất hợp pháp của các cán bộ, mấy tháng sau, sang năm 1960, thầy Phạm Văn Đạt đã bị bắt đi tù và thầy đã qua đời tại trại Cổng Trời vào năm 1970.
Một số cán bộ trong khu Đống Đa lại mượn tiếp khu nhà sinh hoạt cộng đồng của giáo xứ để họ làm cơ sở dệt len, bất chấp sự phản đối của cha Vũ Ngọc Bích và giáo dân trong giáo xứ.
Trong những năm cuối thập niên 1970 một số cơ quan lại mượn ngôi tiền đình của nhà thờ để làm trạm 2 và Hội Chữ thập đỏ. Mượn một phần khu Đền Giêrađô làm HTX Cơ khí Thăng Long.
Việc mượn các cơ sở nhà đất trên đây hoàn toàn không được tiến hành trên bất cứ một cơ sở pháp luật nào. Điều đó cũng là hiển nhiên, vì từ trước đến nay, nhà thờ Thái Hà KHÔNG hề ký giấy tờ hiến tặng nhà đất cho nhà nước; KHÔNG ký giấy bàn giao quyền quản lý và sử dụng cho cơ quan nào; KHÔNG bán lại cho cơ quan, tổ chức nào của nhà nước.
Kể từ đó các tu sĩ và cộng tác viên phải sống trong mấy căn nhà nhỏ gần nhà thờ và quản lý khu hồ Ba Giang làm nguồn sinh sống. Trong cảnh cơ hàn vẫn kiên trì và âm thầm phục vụ những người khốn khổ bằng nhiều cách khác nhau.
Tu viện Thái Hà- Toàn cảnh hai tòa nhà nối tiếp nhau hình chữ L. Thời điểm năm 1939. Hiện nay đang được mượn làm bệnh viện Đống Đa
GIỮ NGUYÊN TRẠNG VÀ TÔN TRỌNG QUYỀN CỦA NHÀ THỜ
Liên quan đến khu nhà đất được mượn để tạm thời làm bệnh viện Đống Đa:
Vì các cán bộ quản lý bệnh viện biết là nhà đi mượn, cho nên trong những năm qua, họ luôn tôn trọng quyền sở hữu và /hoặc quản lý và/hoặc sử dụng của nhà thờ Thái Hà.
Họ tôn trọng tòa tu viện bằng cách giữ nguyên trạng, đồng thời họ luôn luôn hỏi ý kiến các tu sĩ trong giáo xứ mỗi khi phải sửa sang gì liên quan đến nhà đất của giáo xứ Thái Hà.
Chẳng hạn, khi cây thánh giá trên nóc tòa nhà thứ nhất, đang dùng làm bệnh viện bị hỏng, thì ông giám đốc cũng thông báo cho nhà thờ biết và hai bên cùng phối hợp để sửa sang lại.
Khi bệnh viện muốn dời mộ các cha các thầy ở sân để làm mái che chỗ để xe, ông giám đốc cũng xin phép giáo xứ và ông chịu toàn bộ kinh phí di chuyển và xây mới các ngôi mộ này tại nghĩa trang Thanh Tước.
Ở phía trước hàng lang tu viện có cây đa cổ thụ già cỗi và đã gãy một số nhánh. Trước khi muốn chặt cây này, Ban Giám đốc Bệnh viện cũng sang thông báo và hỏi ý kiến các linh mục và giáo dân ở nhà thờ Thái Hà và họ chỉ tiến hành khi được phép của nhà thờ.
Năm 1993, có ông giám đốc mới về, muốn xây một cái nhà mới ở giáp lối sang nhà thờ, các linh mục và giáo dân nhà thờ có ý kiến phản đối, ông lập tức cho dừng lại đến nay.
Những hành động này cho thấy cán bộ bệnh viện biết các tòa nhà mình đang sử dụng vẫn thuộc quyền sở hữu và quản lý của nhà thờ Thái Hà.
MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN
Từ tháng 9 năm 2011, các cán bộ hữu quan của thành phố và quận Đống Đa, có lẽ là các cán bộ mới nhận trách nhiệm, lại đơn phương quyết định “xây dựng trạm xử lý nước thải” mà số tiền dành cho dự án này theo báo chí lên đến nhiều trăm tỷ đồng.
Sau đó, đại diện bệnh viện Đống Đa mới đến gặp đại diện nhà thờ Thái Hà để “thông báo”. Rồi UBND phường Quang Trung mới gửi giấy mời cha chính xứ Thái Hà ra Ủy ban để nghe “thông báo”.
Hành động ấy của bệnh viện và của UBND phường Quang Trung vừa chứng tỏ khu nhà dùng làm bệnh viện vẫn thuộc quyền giáo xứ Thái Hà, nhưng lại cũng chứng tỏ họ đang đơn phương quyết định số phận trên phần nhà đất của người khác. Họ muốn cướp quyền sở hữu và quản lý, sau khi đã cướp quyền sử dụng.
Đến đây thì nhà thờ Thái Hà phản đối dự án này và hoàn toàn không đồng ý với quyết định thiển cận kia của các cán bộ các cấp các ngành liên quan. Cũng như năm 2008 nhà thờ Thái Hà đã kiên quyết phản đối việc phân lô, biến đất linh địa Đức Bà thành đất tư nhân cho các quan chức tham nhũng chia nhau.
Nhờ việc phản đối ấy, mà các quan chức tham nhũng phải từ bỏ tham vọng của mình và khu đất đã tạm thời được làm vườn hoa. Ai cũng biết không phải tự nhiên mà các quan chức trong thành phố này, vốn đang xà xẻo các công việc lớn bé bỗng dưng lại đi làm vườn hoa trên khu đất ấy, nếu không có sự đấu tranh của giáo dân nhà thờ Thái Hà.
(Còn tiếp…)
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào: