Đặt ra câu hỏi này, để trả lời chắc không đơn giản chút nào! Bởi không gói gọn nằm trong một khía cạnh của vấn đề, mà nó gồm bao quát tổng thể, ảnh hưởng dây chuyền, liên quan chằn chịt. Không thiếu gì câu trả lời của nhiều người để kiến thiết xây dựng xã hội, nhưng chỉ mới nằm trong khía cạnh của một sự việc hoặc chỉ một vài vấn đề liên quan.
Người ta có thể hình dung, một quốc gia ví như cơ thể con người. Trong đó gồm những tế bào, mạch máu và nhiều bộ phận cơ quan. Những thứ đó liên quan khắn khít với nhau, nếu một trong những bộ phận vừa nêu không lành mạnh thì cơ thể sẽ không được khỏe. Cơ thể con người, muốn được khỏe mạnh, người ta phải sống theo nề nếp, có qui định, chừng mực.
Trở lại vấn đề quốc gia, để cho xã hội có kỷ cương, nề nếp, người ta qui định hiến pháp là nền tảng, là cái khung luật pháp, nên nếu được thực thi đúng đắn thì xã hội mới lành mạnh (ở đây không bàn đến điều 4 hiến pháp độc tài, quái gở, nó trói buộc theo một phe nhóm nắm quyền)
Bao nhiêu năm trời nay, hiến pháp nằm sờ sờ ra đó mà người ta vì quyền lợi, hoặc kém hiểu biết nên tránh né, tự động đề ra luật pháp kèm theo nền tảng của luật pháp đã có sẵn, theo ý đồ để dễ bề thao túng. Nhiều cái luật trời ơi đất hỡi được gắn thêm vào gần đây làm cho thiên hạ có dịp phải cười bể bụng.
Ba cái chuyện lặt vặt ruồi bu du côn như: quăng lưới bắt xe ai vi phạm khi tham gia giao thông là một “sáng kiến” mới, đã vi phạm luật, xúc phạm đến nhân quyền, làm cho con người ta tưởng chừng như cái xã hội còn đang sống trong thời đại hoang dã thì không bàn đến làm gì. Rồi luật nhà thơ. Rồi một ông thủ tướng có bằng cử nhân luật, tức là một người có hiểu biết về luật mà còn đưa ra quốc hội bảo là soạn thêm cái luật biểu tình thì đúng là căn bệnh xã hội đến thời kỳ thầy chạy, hết thuốc chữa rồi!
Nói đến luật, là phải nghĩ ngay đến ràng buộc, qui định. Cái luật bểu tình theo qui định của pháp luật nó ra làm sao!? Chẳng lẽ cho biểu tình nhưng không được tụ tập đông người gây mất trật tự!? Mà thế nào mới gọi là có trật tự nhỉ!? Chẳng lẽ chỉ vì… ngứa mắt thì cho rằng làm mất trật tự công cộng.
Rồi chẳng lẽ biểu tình cũng phải xin phép theo qui định pháp luật. Phản đối một sự việc; bất đồng ý kiến một vấn đề mà cũng phải xin phép sao? Mà xin phép thì phải xin phép ai? Thí dụ như khi người ta uất ức vì đất đai bị cướp, làm đơn xin từ địa phương theo hệ thống hàng dọc để được biểu tình thì kẹt lắm à! Rồi chẳng lẽ biểu tình phải được đoàn thể của đảng quản lý, đứng ra tổ chức, cho phép mới không phạm pháp? Những lần tụ tập đông người của mấy giáo xứ để cầu nguyện vì bị chính quyền cướp đất, họ chỉ xin chính quyền bình tâm trở về với lương tâm, lẽ phải, công lý thì có thể gọi là biểu tình được không, hay phải gọi là gì gì?
Cái luật biểu tình lần này, nếu được thông qua là đảng sẽ tự tố cáo mình cho mà xem.
Theo qui định của pháp luật, ở đây phải hiểu rằng: không làm mất trật tự công cộng như đập phá tài sản công, tư; không xúc phạp đến danh dự, thể xác, nhân phẩm người khác. Ở xứ tự do, người ta còn vẽ hình biếm họa những lãnh tụ quốc gia của họ trong khi biểu tình; cảnh sát cấm xe lưu thông để dành riêng khu vực cho người biểu tình.
Vẽ hình biếm họa một lãnh tụ, phản đối, đả đảo một dự luật, thế thì có xúc phạm đến danh dự, phạm pháp chưa?
Đi ra đầy đường biểu tình chưa hẵn là làm mất trật tự công cộng. Không cho đi ra đường thì đi đâu để biểu tình bày tỏ chính kiến bây giờ?
Chúa nhật, Sài Gòn-Hà Nội biểu tình ủng hộ thủ tướng đem luật biểu tình ra quốc hội bàn thảo, là một cái tát thâm thúy vào mặt thủ tướng Dũng nên một số người bị hốt về đồn là một câu trả lời dứt khoát cho quyền biểu tình mà dự luật sắp đề ra.
Ông thủ tướng muốn cấm biểu tình nhưng không có cách nào. Thôi thì đành đẻ ra thêm một cái luật mới, cho phép biểu tình theo qui định của pháp luật để gọi là nhà nước của dân, vì dân vậy. Không phải là một nhà nước độc tài à nghe!
Những tên dốt, tham nắm quyền mà không nhận ra mình dốt tham thì đất nước Vn đã đến ngày mạt vận rồi!
Nguyễn Dư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét