Pages

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Bali : Biển Đông vẫn là hồ sơ nóng

Ngoại trưởng Indonesia họp báo. Bali ngày 17/11/11
Ngoại trưởng Indonesia họp báo. Bali ngày 17/11/11
RFI/Trọng Nghĩa
Trọng Nghĩa / Đức Tâm
 
Ngày 17/11/2011, lãnh đạo các nước Đông Nam Á chính thức khởi động Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tại Bali- Indonesia. Mối quan tâm chính của khối Đông Nam Á là thúc đẩy tiến trình hội nhập. Nhưng tranh chấp Biển Đông giữa nhiều thành viên ASEAN với Trung Quốc đã nổi cộm trở lại buộc hội nghị phải quan tâm. Mối quan ngại này đã được chính chủ tịch hiện thời của ASEAN là Tổng thống Indonesia gợi lên.
Từ Bali, đặc phái viên Trọng Nghĩa tường trình :
Bài diễn văn khai mạc hội nghị của Tổng thống Indonesia, nước chủ trì khối ASEAN, lẽ dĩ nhiên đã tập trung trên chủ đề chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tại Bali. Đó là « Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia ». Ông Susilo Bambang Yudhoyono, đã kêu gọi các đồng nhiệm dồn sức vào mục tiêu nhanh chóng biến khối Đông Nam Á thành một cộng đồng vào năm 2015, đóng được một « vai trò lớn hơn trong công việc của thế giới và tỏa rộng ra thế giới ».

Trên cơ sỏ đó, ông Yudhoyono, nhấn mạnh đến 5 điểm chủ yếu cần giải quyết trong khuôn khổ các hội nghị lần này. Điểm thứ tư liên quan đến vấn đề an ninh trong đó Tổng thống Indonesia gián tiếp gợi lên tranh chấp Biển Đông khi ông tuyên bố : « Chúng ta cần phải duy trì tình hình ổn định và an ninh tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á. ASEAN sẽ tạo điều kiện cho các hành động chủ động để tham gia vào việc tìm giải pháp cho các ‘’vấn đề tồn đọng‘’ từng là nhân tố cản trở, không cho tiến trình hợp tác của ASEAN tăng tốc.»
Hồ sơ Biển Đông sau đó đã được ông Yudhoyono nhắc lại khi ông cho rằng thỏa thuận về bản Hướng dẫn Thực thi Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông DOC - vừa được ký giữa ASEAN và Trung Quốc tháng Bảy vừa qua – ‘’đã tạo được lạc quan về vấn đề Biển Đông.
Biển Đông như vậy đã nổi bật trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Đây là điều đã được dự báo trước sau khi không đạt được đồng thuận ở cấp ngoại trưởng trên yêu cầu của Philippines muốn có cuộc gặp trực tiếp giữa Trung Quốc với các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Aquino cũng đã nhất quyết nêu ra trước các đồng nhiệm sáng kiến của Manila về một vùng Biển Đông « hòa bình, tự do và hợp tác », mặc nhiên phủ nhận đòi hỏi của Trung Quốc nêu lên trong tấm bản đồ hình chữ U.
Theo các nhà quan sát, thái độ cứng rắn của Philippines chắc chắn sẽ lại không được một số thành viên ASEAN khác tán đồng. Indonesia, chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã từng tỏ ý dè dặt về đề nghị của Manila, cho rằng không nên có phương thức tiếp cận trực diện như vậy.
Trong hậu trường Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, hồ sơ Biển Đông tiếp tục gây nên tranh luận giữa hai quan điểm, một bên như Philippines muốn ASEAN có thái độ dứt khoát hơn đối với Trung Quốc và một bên kia như Indonesia, cho rằng tranh chấp có thể được giải quyết dần dần thông qua thương thuyết.
Trong cuộc họp báo lúc 18 giờ giờ địa phương, kết thúc ngày thảo luận đầu tiên giữa các lãnh đạo ASEAN, ngoại trưởng Indonesia đã xác định trở lại rằng hồ sơ Biển Đông hiện đang có hướng giải quyết theo con đường đàm phán, với bản tuyên bố ứng xử DOC trên đà được áp dụng sau khi bản hướng dẫn thực thi đã được thông qua và bản quy tắc ứng xử thực thụ COC bắt đầu được soạn thảo. Theo ông, chỉ có đàm phán và đối thoại mới giải quyết được vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Nếu như hồ sơ Biển Đông không có những tiến triển đáng kể thì các nước ASEAN lại đạt được đồng thuận trong việc để cho Miến Điện làm chủ tịch khối này vào năm 2014. Ngày 16/11/11, các ngoại trưởng ASEAN đã đưa ra khuyến nghị này và trình lên Hội nghị Thượng đỉnh.
Quyết định của ASEAN cũng được Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, phe đối lập chính tại Miến Điện hoan nghênh. Theo Liên đoàn, việc Miến Điện đứng ra làm chủ tịch ASEAN vào 2014 sẽ buộc chính quyền phải thúc đẩy nhanh các cải cách chính trị.

Không có nhận xét nào: