Chính phủ Nam Triều Tiên triệu tập một phiên họp khẩn của nội các ngay sau khi có thông báo của cơ quan truyền thanh truyền hình chính thức Bắc Triều Tiên. Mặc dầu đã có tin đồn Kim Jong-il bị ốm đau từ vài năm nay, gần như tất cả mọi người ở Seoul đều bất ngờ.


Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên Choi Bo-sun nói chính phủ đang theo đúng các thủ tục.

Người phát ngôn này nói cách thức chính phủ cần phải đáp ứng với loại khủng hoảng này đã được đề ra trong chỉ nam của Bộ. Một toán theo dõi sẽ quan sát tất cả các diễn biến có liên quan đến Bắc Triều Tiên.

Một thông cáo riêng của Tổng thống Lee Myung Bak kêu gọi công dân bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt bình thường.

Tại Seoul, đa số người Nam Triều Tiên dường như đều chú ý đến lời của tổng thống.

Mặc dù sự bất định do cái chết của ông Kim gây ra đối với tương lai của cuộc giao tiếp giữa hai miền Nam Bắc, cũng như các nỗ lực tiếp diễn nhằm chấm dứt các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhiều người ở Nam Triều Tiên không lo ngại về các diễn biến ở miền Bắc.

Cô Yu Mi Hyun thoạt nghe tin hôm nay lúc đang ở văn phòng.

Người phụ nữ 25 tuổi này bà không cho chuyện đó là quan trọng. Nhưng sau khi nói chuyện với bạn bè trong quân đội thì cô nghĩ rằng tình hình nghiêm trọng và cần phải theo dõi.

Đối với ông Seong, 56 tuổi thì ông tỏ ra lo ngại hơn về việc cái chết của ông Kim Jong-il sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế của Nam Triều Tiên.

Ông Seong cho rằng sẽ có rất nhiều thay đổi trong các thị trường vì vụ này. Tất cả các lãnh vực sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Seoung có lý do để lo ngại. Sau khi có tin ông Kim qua đời, chỉ số KOSPI của Nam Triều Tiên đã sụt 3,2%.

Mặc dù nhiều người Nam Triều Tiên tỏ vẻ lãnh đạm trước các diễn biến ở Bắc Triều Tiên, một phần dân chúng ở đây vẫn theo dõi sát.

Đối với nhiều người trong cộng đồng 22 ngàn người Bắc Triều Tiên đi đào tỵ, cái chết của ông Kim Jong-il là tin vui mà họ đã chờ đợi lâu nay.

Ông Kim Hung-kwan là chủ tịch tổ chức Đoàn kết Trí thức Bắc Triều Tiên, gồm các nhân vật trong chính phủ cũ, các nhà học thuật và giới tinh hoa đã đào tỵ qua miền Nam. Oâng nói vẫn còn quá sớm để xác định liệu cái chết của ông Kim có đưa đến những thay đổi tốt đẹp hơn hay không.

Ông Kim nói miền Bắc họăc sẽ trở nên cởi mở hơn với cộng đồng quốc tế, hoặc sẽ còn trở nên quân sự hóa hơn dưới một chế độ độc tài còn nguy hiểm hơn trước nữa.

Ông nói bây giờ là lúc tiếp xúc với người dân Bắc Triều Tiên và chống lại sự tuyên truyền nhà nước Bình Nhưỡng về cố lãnh tụ của họ. Ông Kim nói đối với những người đào tỵ khác như ông, chuyến đi trở về quê nhà của họ ở miền Bắc có thể đến gần hơn.