Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Trí thức – vinh và nhục!

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/trc3adthe1bba9cvinhhaynhe1bba5c.jpg?w=186

Quantcast
Vinh quang hay nhục nhã?


Lê Nguyên Hồng – DienDanCTM
Giới trí thức – trong một nghĩa nào đó – chính là nơi lưu giữ và trau truyền các giá trị trí tuệ của nhân loại, trí thức nắm giữ “chìa khóa” đi đến tương lai, trí thức dẫn dắt tư tưởng và định hướng xã hội.., đó là những vai trò quan trọng không thể phủ nhận của họ trong đời sống con người. Một đặc điểm quan trọng của trí thức, đó là vốn kiến thức rộng hay sự hiểu biết phong phú. Cũng chính vì khả năng đó, sự cảm nhận về vinh và nhục của họ rất sâu sắc.

“Vinh” có nhiều trạng thái: Vinh quang, vinh dự, vinh hạnh, vinh danh, vinh hiển, vinh quy… Người ta chỉ đạt được vinh quang khi trở thành người chiến thắng. Người ta chỉ có vinh dự khi được cộng đồng tôn trọng, kính nể. Người ta chỉ có vinh hạnh khi được người trên chú ý, quan tâm, đánh giá đúng vị trí và tài năng. Vinh danh là cái tự thân không làm được phải nhờ một tập thể nào đó tôn vinh. Riêng đối với vinh hiển và vinh quy là những từ cổ, chỉ dùng trong thời phong kiến hoặc trong các tôn giáo, ngày nay ít ai sử dụng, ta cũng không cần nhắc lại thêm. Nhưng cái mà trí thức quan tâm nhất, đề cao nhất, chính là sự vinh quang.

Đối với sự “nhục” (loại trừ nhục dục chỉ vấn đề xác thịt), thì chỉ có một trạng thái, đó là sự nhục nhã. Sự nhục nhã, cảm giác nhục nhã chỉ đến với một người khi lòng tự trọng của người đó bị tổn thương, bị thử thách.

Vinh quang và nhục nhã thường gắn liền với thành công hay thất bại trong cuộc sống. Nhưng những khái niệm đó khá ước lệ và còn phụ thuộc vào thời gian cũng như không gian sống. Như vậy có nghĩa rằng: Không có vinh quang vĩnh hằng và cũng không có nhục nhã vô tận. Bất kỳ ai cũng có thể chạm vào vinh quang, nếu họ là người chiến thắng. Và họ cũng có thể cảm thấy nhục nhã khi nhân phẩm bị coi rẻ và lòng tự trọng bị tổn thương…

Đối với giới trí thức, thành đạt hay hạnh phúc có thể đồng hành, nhưng chưa đồng nghĩa với vinh quang. Họ chỉ cảm thấy vinh quang, hãnh diện khi chiến thắng một cái gì đó bằng danh dự, niềm tin, công sức, trí tuệ và nỗ lực của bản thân mình.

Đôi khi ở đời, người ta nghĩ vinh quang chỉ có khi một ai đó làm được một điều gì đó to lớn, vĩ đại. Không phải vậy! Vinh quang có thể đến với một người khi họ vượt lên được chính bản thân mình: Ví dụ một người tàn phế dày công tập luyện, tạo ra những khả năng làm việc phi thường, đó chính là vinh quang. Một người lính vốn nhát gan, nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc, anh ta đã chiến thắng sự sợ hãi trước bom đạn, đó chính là vinh quang. Một người ra đường gặp chuyện bất bình, gặp người lâm nạn, ra tay cứu người, đó cũng chính là vinh quang. Vậy vinh quang là một phần thưởng tinh thần rất thực tiễn, rất cụ thể.

Quan niệm vinh và nhục của những người trí thức, những người có vốn kiến thức xã hội nhất định rất chính xác và rõ ràng: Thế kỷ XIX Việt Nam có danh nhân Nguyễn Công Trứ vừa là nhà quân sự vừa là nhà văn hóa, vừa là nhà kinh tế nổi tiếng (lấn biển khai hoang, lập làng lập ấp). Khi làm quan lên đến chức Thượng thư, Tổng đốc rồi bị giáng chức xuống làm lính quèn, ông cũng không coi đó là nhục, vì ông biết rõ, đó chính là quy luật của cuộc sống…

So sánh quả là hơi khập khiễng, nhưng nếu đem sự việc của người nông dân trí thức đi khai hoang lấn biển, Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng –Hải Phòng ra so sánh với Nguyễn Công Trứ , thì lúc này khi đang ở trong tù, anh Vươn cũng không cảm thấy nhục nhã, vì biết mình đã làm một việc cần thiết trong hoàn cảnh khốn cùng. Tương tự như vậy, một người “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” mà lỡ bị kẻ xấu tấn công gây thiệt hại, họ vẫn cảm thấy vinh quang vì mình đã hành động đúng. Nhưng đối với những người tầm thường thì rất có thể sẽ nghĩ khác và hành động khác…

Nhân nhắc đến “người nông dân trí thức”, liên tưởng đến câu nói của giáo sư Ngô Bảo Châu trong thư gửi nhà văn Nguyễn Quang Lập cách nay vài ngày (đề nghị phổ biến trên mạng Internet), phân bày về chuyện định nghĩa “trí thức”. Người viết bài này khẳng định là giáo sư Châu đã hoàn toàn sai trong việc cho rằng “Phản biện xong mà bị phong hàm nông dân trí thức, công nhân trí thức thì phiền phức lắm”. Trên thực tế người nông dân (ví dụ như anh Đoàn Văn Vươn) đúng là một hình mẫu người nông dân trí thức, theo định nghĩa “trí thức là người lao động trí óc”.

Hiện nay trong thế giới người lao động chân tay, nhất là công nhân hợp đồng hay thời vụ thì có vô số người là trí thức, đang lao động trí óc nhưng họ vẫn tranh thủ làm thêm công việc lao động phổ thông để tăng thu nhập. Số khác thì do thất nghiệp nên tạm làm công việc khác với chuyên môn của mình. Không lẽ vì có làm công việc phổ thông thì họ đã mất “chức danh” trí thức? Vậy ta nên khoáng đạt hơn trong nhận định thì mới phù hợp với đời sống xã hội hiện đại.

Trở lại với vấn đề vinh và nhục của giới trí thức, xưa trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa từng có nhân vật Gia Cát Lượng – Khổng Minh, mắng mà Vương Lãng phải chết. Vương Lãng chết vì đã quá uất và xấu hổ bởi sự nhục nhã. Đó, cái nhục của người có học, có hiểu biết ghê gớm đến như thế! Tháng 9/2008 tổng giám mục Ngô Quang kiệt nói: “Chúng tôi cảm thấy rất là nhục nhã khi mang hộ chiếu Việt Nam”. Đó là sự thật, là cái nhục quốc thể, vì Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, mất tự do, từ đó người Việt sinh ra nhiều tật xấu: bê tha, trộm cướp, dối gạt.., nên bị người dân các nước phát triển coi thường và xa lánh…

Cái nhục của thời nào cũng giống thời nào, ngày nay vẫn vậy. Thử hỏi một người trí thức tài cao học rộng, chí lớn hơn người mà cúi đầu chịu để cho một người kém tài kém dũng hơn mình chỉ bảo phải làm thế này thế khác, họ không được nói ra những suy nghĩ của mình, vì cấp trên của mình là kẻ con ông cháu cha, quyền cao vọng trong, người đó có nhục hay không? Cái nhục sẽ tăng lên gấp bội nếu người đó vì chút lợi ích vật chất, vì miếng cơm manh áo mà phải làm, phải nói những điều không đúng lương tâm và không đúng với nhận thức của mình. Người đó đích thị không còn là người trí thức chân chính nữa, họ đã là phường “giá áo túi cơm” mất rồi!

Có nỗi nhục nào hơn, khi ta biết rất rõ lũ quan chức kia đều là kẻ trộm cướp của công và của dân, mà là lũ trộm cướp tàn bạo nhất, vậy mà ta vẫn phải cúi đầu quỵ lụy trong sợ hãi? Có khi nào người bị cướp bóc lại phải cắn răng đặt bút, mở miệng tôn vinh kẻ đã cướp bóc mình? Có lẽ nào chúng ta bị lừa gạt công khai, khi kẻ nói làm “đầy tớ của dân” lại ngang nhiên cấm người dân tự do nói lên sự thật, tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, mà chúng ta lại không dám đối mặt với những kẻ lừa đảo? Đó là những cái nhục không thể phủ nhận!

Cái vinh cũng thế. Thời nay chẳng khác xưa là mấy. Xưa Trần Bình Trọng chấp nhận chết vinh quang hơn là sống nhục: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Nay một Cù Huy Hà Vũ không chịu khuất phục trước công an, tòa án, quyết tâm bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình, đó chính là vinh quang. Một Đoàn Văn Vươn bất ngờ chấp nhận sẵn sàng trả giá bằng mạng sống để bảo vệ lẽ phải, đó thực sự là vinh quang. Một “hiệp sĩ” đường phố ra tay bắt cướp (mặc dù chúng ta không nên khuyến khích điều này), đó cũng chính là sự vinh quang.

Vinh quang và nhục nhã cũng có cái giống nhau: Không ai có thể từ chối sự vinh quang của người khác, và chẳng người nào có thể áp đặt sự nhục nhã cho đồng loại. Như thế có nghĩa là, trong một vài trường hợp, thắng lợi (nhất là thắng lợi của phi nghĩa) không đồng nghĩa với vinh quang. Và thất bại (nhất là thất bại của chính nghĩa) không đồng nghĩa với nhục nhã. Vinh và nhục đều là từ nhận thức của chính bản thân mình mà ra. Giống như AQ, khi bị đánh thì nói: “Nó đánh mình thì cũng như đánh bố nó”, vậy còn biết đâu là nhục nhã nữa!

Một ví dụ gần đây của lịch sử giữ nước, đó chính là việc hàng chục ngàn bộ đội và dân quân tự vệ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Việt – Trung (1979), họ đều là những người vinh quang. Hay trước đó vào năm 1974 các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, mặc dù thất bại nhưng họ vẫn là những người vinh quang.

Nhưng ngược lại, thái độ đớn hèn của nhà nước Việt Nam đã giấu nhẹm những cuộc xâm lược trên biển của Trung Quốc, nhằm vào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, giấu nhẹm những tổn thất và hy sinh của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống bảo vệ biển đảo của tổ quốc nhiều năm qua, đó chính là sự nhục nhã.

Liên tưởng đến giới trí thức ngày nay, thà rằng họ cứ cúi đầu xuống, chịu nhục “trùm chăn” hay làm “trí ngủ” như ai đó từng nói thì thôi. Họ đã là những kẻ nhục nhã không thể chối cãi. Còn những trí thức “nửa muốn thức” cố làm như họ cũng là những người yêu nước, không chịu nhục, nhưng đến khi phát biểu thì “đi hàng hai” hoặc phản biện với tư duy đứng giữa, thì thật là hài hước. Tất nhiên họ sợ bị đàn áp, họ sợ đủ thứ sợ, đó cũng là điều dễ hiểu, nên cảm thông. Nhưng nếu như họ vì danh vì lợi mà phát biểu thì sẽ rất nguy hiểm, bởi ảnh hưởng của giới trí thức trong định hướng dư luận là vô cùng to lớn…

Tuy vậy yêu cầu một trí thức xông vào nơi chiến trường là việc bất đắc dĩ. Cách tốt nhất là những người trí thức chân chính hãy làm đúng vai trò của mình. Họ cần mạnh dạn đối diện với sự thật, trước hết là từ những tiếng nói phản biện nghiêm túc và có lập trường của mình để hướng dư luận đến chân lý, sau đó chính là vai trò lãnh đạo xã hội. Nếu như vậy thì những người trí thức mới không bị coi là sống nhục.

Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào: