Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Canh bạc của Trung Quốc tại Biển Đông


Will RogersThe Diplomat
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

“Những cố gắng của Bắc Kinh có thể là vô ích nếu xu hướng năng lượng tiếp tục phát triển như dự tính, và đặc biệt là nếu biển Đông không có nhiều dầu. Kết quả là thái độ mạnh mẽ của Trung Quốc tại biển Đông có thể làm ảnh hưởng đến tuyên bố đi lên một cách hoà bình của mình và củng cố việc các quốc gia như Việt Nam và Philippines kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.”
Nếu Trung Quốc đúng thì sẽ có đủ dầu trên biển Đông đủ để cung cấp cho sức tiêu thụ của thế giới trong vài năm. Nhưng Bắc Kinh có thể đang đưa ra một cú cá cược hùng hổ vào một con ngựa què.
Bắc Kinh dường như đang dốc hết tiền cược vào biển Đông. Vì sao?
Phần lớn là để bảo đảm quyền tiếp cận vào nguồn hydrocarbon dưới đáy đại dương như dầu hoả và khí đốt mà nhiều người ví rằng biển Đông giống như một Vịnh Ba Tư tương lai vì tiềm năng tài nguyên dồi dào được cho là đang nằm dưới lòng biển. Và trong khi có những khác biệt lớn giữa hai khu vực này khiến cho việc so sánh trở nên phức tạp – bao gồm việc tiếp cận dễ dàng vào những nguồn dầu mỏ cũng như phí tổn để khai thác chúng – đây cũng là một so sánh hữu ích để hiểu được vì sao Trung Quốc lại xem khu vực này rất quan trọng đối với quyền lợi cốt lõi của mình.


Nhưng trên thực tế có thể Bắc Kinh đang đánh giá quá mức tầm quan trọng chiến lược về dầu hoả và khí đốt của khu vực này – và đang thực hiện những mạo hiểm không đáng có thể làm tổn hại đến sự đi lên một cách hoà bình của mình.
Sức tiêu thụ năng lượng dữ dội của Trung Quốc nhằm cung cấp cho quá trình phát triển kinh tế liên tục của mình sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi quốc gia này tiếp tục chuyển hoá thành một cường quốc công nghệ. Năm 2009, Trung Quốc chỉ vừa vượt qua Hoa Kỳ thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới; đến năm 2025, sức tiêu thụ năng lượng của nó dự tính sẽ vượt qua Hoa Kỳ đến gần 50%. Để bảo đảm quyền tiếp cận những nguồn tài nguyên năng lượng cần thiết để vận hành nền kinh tế của mình, Bắc Kinh đang xây dựng hàng loạt những nguồn năng lượng, bao gồm những đầu tư vào việc phát triển kỹ thuật năng lượng mặt trời và thuỷ điện. Nhưng nguồn nhiên liệu cố hữu mà Trung Quốc đang đánh cược, chắn chắn sẽ vẫn ở vị trí thống lĩnh.
Kết quả là Bắc Kinh đang xây dựng một danh sách các nguồn dầu hoả trên những địa điểm khác nhau, bao gồm Trung Đông, Trung Á và biển Đông, với nỗ lực nhằm giảm thiểu vị thế bấp bênh từ một nguồn duy nhất. Dầu từ Trung Đông phải được vận chuyển qua eo biển Malacca mà Bắc Kinh vẫn đang ý thức rất rõ là đang tạo ra một yếu điểm chiến lược nếu bất kỳ một quốc gia nào tìm cách cản trở tuyến thông tin hàng hải bằng cách ngăn chặn eo biển này. Đầu tư của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng khổng lồ cho hệ thống đường ống dẫn dầu trên mặt đất từ Trung Á có nghĩa là dầu phải đi qua những quốc gia trung chuyển đầy bất ổn như Miến Điện và Pakistan và được chuyển đến miền tây Trung Quốc, nơi ảnh hưởng của Bắc Kinh rất hời hợt và suy yếu. Vì thế, Bắc Kinh đang nhắm vào biển Đông như là phương cách an toàn hơn để bảo đảm quyền tiếp cận nguồn năng lượng cần có để phát triển.
Tuy nhiên kế hoạch của Bắc Kinh có thể bị sơ hở. Những ước đoán về trữ lượng của nguồn hydrocarbon nằm dưới đáy biển thì cách biệt nhau rất lớn. Cơ quan Thăm dò Địa lý Hoa Kỳ tính toán rằng có khoảng 28 tỉ thùng dầu – đủ để cung cấp cho sức tiêu thụ của thế giới trong khoảng 11 tháng, căn cứ theo dữ liệu năm 2009. Trong khi đó chính phủ Trung Quốc lại dự tính rằng khu vực biển Đông chứa gần 200 tỉ thùng, đủ để cung cấp cho sức tiêu thụ của thế giới trong hơn 6,5 năm. Các nhà phân tích đều cho rằng dự tính của Trung Quốc là lạc quan quá mức.
Những cách biệt trong dự đoán này cần phải được giải quyết, nhưng những nỗ lực thăm dò nguồn dầu mỏ gần đây của các quốc gia như Việt Nam đã bị cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của Trung Quốc cản trở bằng cách cắt dây cáp những tàu thăm dò khi chúng tìm cách tìm kiếm thông tin chính xác hơn.
Hơn nữa, việc Bắc Kinh đánh cược vào dầu hoả vẫn sẽ là nguồn nhiên liệu thống lĩnh dường như đã tảng lờ việc phát triển kỹ thuật năng lượng và thị trường năng lượng rộng lớn hơn. Thật vậy, lĩnh vực giao thông vốn từng sử dụng nguồn năng lượng duy nhất, chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ dầu tại những quốc gia trong tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện nay đang được đa dạng hoá bằng ô tô chạy điện cũng như việc nghiên cứu và phát triển nghiêm túc đối với nguồn nhiên liệu sinh học lỏng thế hệ thứ hai lấy từ nguyên liệu thức ăn của động vật như tảo có thể thay thế nhu cầu về dầu hoả.
Thật vậy, việc gia tăng sử dụng nhiên liệu dạng khác sẽ làm thay đổi giá trị chiến lược của nguồn nhiên liệu nào đấy đang nằm dưới lòng biển Đông một khi giá của chúng ngang bằng với giá nhiêu liệu dầu hoả thông thường. Các chuyên gia cho rằng nếu việc sản xuất tiếp tục tăng nhanh, trong vòng một thập niên, những nhiên liệu dạng khác này có thể có mặt trên thị trường với giá tương đương với xăng dầu.
Hơn nữa, không phải tất cả dầu mỏ đều giống nhau, ít nhất là về mặt phí tổn. Một số nhà phân tích dự tính rằng giá một thùng dầu khai thác từ những giếng dầu trên đáy đại dương có thể cao gấp bốn lần một thùng dầu khai thác từ những mỏ dầu thông thường tại Trung Đông. Vì thế chi phí để khai thác dầu mỏ từ biển Đông có thể đắt hơn rất nhiều so với nhiên liệu chế biến từ tảo, nguyên liệu sinh học hoặc thậm chí từ những nguồn bẩn hơn như than và khí đốt tự nhiên, khiến cho dầu từ lòng đại dương trở nên ít quan trọng hơn về mặt chiến lược so với những nguồn khác.
Liệu những nguồn tài nguyên hydrocarbon trên biển Đông có quan trọng về mặt chiến lược hay không, quan điểm của Bắc Kinh dường như là chúng rất quan trọng. Vì thế không gì ngạc nhiên khi Trung Quốc ngày càng tăng cường hướng đi được ăn cả ngã về không để bảo đảm quyền tiếp cận vào những nguồn tài nguyên này, trở nên hung hãn hơn đối với các quốc gia láng giềng mà nó nghi rằng đang tìm cách khai thác dầu và khí đốt cho riêng mình. Trong khía cạnh này, cả việc Bắc Kinh thúc đẩy việc hợp tác khai thác cũng bị xem như là một cố gắng nhằm chậm bước nỗ lực của những quốc gia khác trong khi Công ty Dầu hoả Quốc gia Trung Quốc của mình sẽ được lợi thế để khai thác những nguồn tài nguyên này trước.
Nhưng những cố gắng của Bắc Kinh có thể là vô ích nếu xu hướng năng lượng tiếp tục phát triển như dự tính, và đặc biệt là nếu biển Đông không có nhiều dầu. Kết quả là thái độ mạnh mẽ của Trung Quốc tại biển Đông có thể làm ảnh hưởng đến tuyên bố đi lên một cách hoà bình của mình và củng cố việc các quốc gia như Việt Nam và Philippines kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Có lẽ bước đi quan trọng nhất mà Hoa Kỳ có thể có trong thời hạn gần nhằm giảm thiểu căng thẳng trong khu vực là cổ vũ thông điệp rằng những nguồn năng lượng này không có giá trị nhiều như Bắc Kinh vẫn tưởng. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ nên khuyến khích các quốc gia Đông nam Á dẫn đầu một nỗ lực đa phương qua việc hợp tác như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong việc thăm dò những nguồn tài nguyên dầu mỏ, giải đáp dứt khoát mối nghi ngờ về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển Đông thực sự là bao nhiêu. Có thể lúc ấy Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng họ không đủ sức để đánh cược trên biển Đông.

Không có nhận xét nào: