Pages

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Liệu Trung Quốc vượt Mỹ về khả năng trí tuệ?

Adam Davidson
V.Giang chuyển ngữ

Hỏa tiễn Trường Chinh 2F của Trung Quốc cất cánh tại trung tâm vũ trụ Jiuquan, mang theo phòng thí nghiệm Không gian đầu tiên của nước này, với mục tiêu hoàn thành một trạm Không gian của Trung Quốc vào năm 2020. Bao lâu nữa thì Trung Quốc sẽ vượt qua mặt Mỹ về khả năng trí tuệ? (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

Ba tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, Angus Echols, một thành viên trong hội đồng điều hành công ty DuPont, bắt đầu nghĩ đến hướng đi cho đại công ty hóa phẩm này trong thập niên tới. Nước Mỹ sẽ sớm tham dự vào cuộc chiến, ông giải thích trong một loạt các báo cáo và các cuộc thảo luận cấp cao, về việc công ty cần phải có chuẩn bị đóng góp vào nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên công ty DuPont cũng cần phải nhìn xa hơn nữa. Khi chiến tranh chấm dứt, ông Echols nhận định, phụ nữ sẽ muốn làm đẹp, cần mua các loại vớ mới và với giá rẻ. Và khi đó, công ty DuPont sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu quan trọng này?

Và ông Echols có được sự chuẩn bị của công ty DuPont như ông mong muốn. Trong khi DuPont cung cấp ni lông (bên cạnh nhiều mặt hàng khác) cho quân đội Mỹ để dùng trong việc chế tạo dù và vỏ xe, phòng nghiên cứu của công ty cũng tìm hiểu làm thế nào để chế tạo vớ phụ nữ với giá rẻ, và cuộc nghiên cứu đó sau cùng dẫn đến vật liệu nổi danh Orlon và Lycra. Và chỉ tám ngày sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, DuPont loan báo sẽ chuyển đổi việc sản xuất ny lông cho vật liệu chiến tranh sang hàng đồ lót của phụ nữ. Ðiều này không chỉ giúp các cựu chiến binh có công việc trong các cơ xưởng sản xuất của DuPont khi trở về từ chiến trường, nhưng công ty còn thống lãnh thị trường rộng lớn về sợi hỗn hợp và plastic trong nhiều thập niên sau đó.
Hình ảnh có hàng ngàn nhà nghiên cứu kỹ nghệ, đeo kính cận dày cộm và mặc áo khoác trắng làm việc trong các phòng thí nghiệm nay có thể đã lỗi thời, nhưng lãnh vực nghiên cứu và phát triển của các công ty nay trở nên quan trọng cho nền kinh tế Mỹ hơn bao giờ hết.
Trước đây một công ty có thể sáng chế ra điều gì mới, vớ ni lông chẳng hạn, rồi cứ liên tục thu tiền từ sản phẩm này mãi cho đến mấy thập niên sau đó, các sản phẩm của ngày hôm nay có thời hạn tồn tại ngắn hơn rất nhiều.
Ta hãy lấy điện thoại làm một thí dụ điển hình.
Mãi cho đến thập niên 80, người ta vẫn dùng điện thoại để bàn hình giống như cái hộp, trước kia là xoay số, về sau này biến cải thành ấn nút, vốn đã được đưa ra thị trường từ năm 1949. Nhưng ngày nay, các loại điện thoại như Motorola RAZR hay iPhone thuộc thế hệ đầu đã đi từ “vật báu” ai cũng phải có đến lúc trở thành đồ phế thải chỉ trong một, hai năm.
Ở vai trò người tiêu thụ, chúng ta chẳng cần biết là các sản phẩm chúng ta mua đã được sáng chế ở Mỹ hay ở quốc gia nào khác. Nhưng ở vai trò người trong lực lượng lao động, chúng ta nên lưu ý điều này.
Ðã có nhiều bài viết về việc các cơ xưởng Trung Quốc cướp lấy công việc sản xuất của người dân Mỹ và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp của chúng ta, nhưng ít ai thấy rằng hai nước hình như đã có một thỏa thuận kinh tế bất thành văn trong một thập niên qua.
Các công ty Mỹ nay thấy rằng có thể cạnh tranh với chi phí sản xuất rẻ bằng cách liên tục đưa ra các sản phẩm mới. Ðiều này có lợi cho các công ty Mỹ, tuy rằng không hẳn có lợi cho các công nhân làm việc trong các cơ xưởng ở Mỹ. Bởi vì người ta kiếm lợi nhiều hơn khi làm chủ sản phẩm trí tuệ về một món hàng mới so với việc sản xuất ra khối lượng hàng lớn bằng các nguyên liệu rẻ tiền. Và mức lời cao này được nhìn thấy rõ ràng trong mức lương cao của người công nhân Mỹ.
Nước Mỹ hiện vẫn còn được coi là dẫn đầu thế giới trong lãnh vực nghiên cứu và phát triển, như đã từng thấy trong hơn một thế kỷ qua. Nước Mỹ mỗi năm chi vào ngân sách Nghiên Cứu và Phát Triển (R&D) nhiều gấp đôi Nhật và Ðức cộng lại. Nhưng sự hiện diện bất ngờ ở hàng thứ nhì của Trung Quốc trong lãnh vực này là điều rất đáng lo ngại.
Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây của Viện Battelle Memorial Institute tiên đoán rằng mức chi của Trung Quốc trong lãnh vực này sẽ ngang hàng với Mỹ vào khoảng năm 2022. Trong lãnh vực nghiên cứu, đây là sự cận kề lắm rồi.
Trung Quốc hiện đã có các kế hoạch nghiên cứu về những lãnh vực mới như năng lượng xanh, cũng như bio – và nanotechnology để đưa ra các sản phẩm mới vào khoảng năm 2020 trở đi. Và nếu các phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ, các nhà nghiên cứu trường đại học cũng như ở các công ty ngay lúc này không đưa ra được các ý tưởng có tính cách đột phá cho thế hệ tới, nước Mỹ nhiều phần sẽ bị qua mặt chỉ trong 10 đến 20 năm tới, khi các phát kiến của các quốc gia khác biến thành sản phẩm bán trên thị trường.
Sức mạnh cạnh tranh của Mỹ tùy thuộc vào khả năng đưa ra các phát kiến mới nhất, độc đáo nhất. Và điều gì sẽ xảy ra nếu các ý tưởng độc đáo kia lại xuất phát từ nơi nào khác. Câu trả lời là điều làm chúng ta phải lo sợ.
Bạn hãy tưởng tượng một nền kinh tế thế giới trong đó nước Mỹ phải cố đuổi theo Trung Quốc: trong khi một nhóm nhỏ thành phần dân Mỹ chắc chắn sẽ tìm ra cách hưởng lợi, phần lớn người công nhân Mỹ sẽ có mức lương thấp hơn, và khoảng cách giữa các tầng lớp giàu nghèo sẽ còn trầm trọng hơn bao giờ hết.
Ðiều đáng lo ngại là khó mà thay đổi được chiều hướng này. Nói chung, mức chi cho lãnh vực R&D của chính phủ Mỹ đã tiếp tục giảm xuống khi lên đến mức cao nhất (so với Tổng Sản Lượng Nội Ðịa) thời thập niên 60 với chương trình Không gian. Và vì rất ít có hy vọng Quốc Hội sẽ chuẩn chi thêm tiền cho nghiên cứu và phát triển, điều này sẽ tùy thuộc phần lớn vào lãnh vực tư nhân. Và đây là nơi thật sự có vấn đề.
Từ quan điểm của các vị tổng giám đốc điều hành, các kế hoạch nghiên cứu và phát triển có tính cách dài hạn là những đầu tư rất tệ hại. Các kế hoạch này có thể tốn rất nhiều tiền và thường không đạt kết quả. Và ngay cả khi thành công, cũng có thể xảy ra tình trạng bị các công ty khác lấy cắp ý tưởng đó.
Câu hỏi là các công ty Mỹ kiếm tiền bằng cách nào có lẽ không bao giờ quan trọng như ở thời điểm này. Với một cuộc chiến vừa chấm dứt và một cuộc chiến khác đang đi vào giai đoạn kết thúc, hàng ngàn thanh niên Mỹ khoảng 25 tuổi hay trẻ hơn, nhiều người không có bằng cấp đại học, sẽ sớm gia nhập vào lực lượng lao động mà chẳng có việc làm gì cho họ. Kết quả các cuộc nghiên cứu mới đây đều cho thấy rằng mức thất nghiệp trong giới trẻ cao khoảng gấp đôi mức trung bình của cả nước. Chúng ta cũng chưa biết là những người cựu chiến binh cuộc chiến Iraq này sẽ làm sao kiếm sống chỉ trong một hay hai thập niên sắp tới.
Chúng ta chỉ còn biết hy vọng là có ai đó vẫn được trả tiền để tìm ra câu trả lời cho điều này.

Không có nhận xét nào: