Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Mất để được – Được để mất !!!

Mới đây, dư luận còn bị đánh động bởi lời tuyên bố trên BBC ngày 20-01-2012 của bà Phạm Thị Hiền, em dâu ông Đoàn Văn Vươn, vợ ông Đoàn Văn Quý (người đã nổ súng hoa cải vào lực lượng cưỡng chế): “Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Có nghĩa là thứ nhất Đảng và Nhà nước sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu. Và cái được thứ ba nữa là các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều vì họ sẽ không bị chịu cái cảnh như gia đình em nữa…. Em không cho rằng gia đình em đã chống những người thi hành công vụ, bởi vì bọn em cho rằng đấy là cướp chứ không phải thi hành công vụ.” Người ra phải lấy làm khâm phục trước lời lẽ thâm thúy của một phụ nữ nông dân chất phác nhưng kiên cường dũng cảm. Nó cho thấy ý nghĩa sâu xa trong hành vi tự vệ chính đáng của những lương dân bị bọn cướp ngày dồn đến chân tường. Cả gia đình bà chấp nhận mất (trước là mất nhà mất đất, nay là mất công mất việc, mất yên mất ổn, và biết đâu 4 kẻ đang bị giam cầm sẽ mất mạng… dưới chế độ Cộng sản thì lối trả thù tàn nhẫn này là có thể). Nhưng cái được đầu tiên -trong hy vọng- là cho đảng. Đảng đang đứng trước thách thức phải loại bỏ những ung nhọt trong hàng ngũ của mình, những con sâu to có nhỏ có đang đục khoét mình và đục khoét đất nước, xã hội. Nhưng đảng có thành tâm làm chuyện này chăng, khi vụ việc xảy ra chỉ một tuần sau hội nghị và nghị quyết “chỉnh đốn đảng”? và non tuần sau đó (13-01-2012) là vụ tuyên án nhẹ hều một đảng viên trung tá công an tàn sát một nhân mạng? Kể ra, có một thành viên cao cấp của đảng là cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh đã sớm giật mình lên tiếng. Ông ta phán quyết: “Chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang sai hoàn toàn”. Tuy nhiên ai cũng nhận thấy đó chỉ là cách chạy tội cho đảng, cho lãnh đạo cao cấp của đảng! Vì nếu không có cái chế độ độc tài và cái cộng đảng toàn trị thì làm sao sinh ra hai anh em chủ tịch huyện và xã bao che nhau, kết bè kết đảng để trấn áp bóc lột? thì ai cấm đoán quyền tư hữu đất đai, giành độc quyền làm chủ ruộng vườn cho guồng máy nhà nước? ai bắt nông dân chỉ được hưởng quyền sử dụng một thời gian ngắn rồi cán bộ địa phương có thể đòi lại? Cái được thứ hai -cũng trong hy vọng- là dân oan thấp cổ bé họng, bị cướp đất đoạt nhà trên cả nước từ nay có một tấm gương để noi theo mà đòi công lý. Đoàn Văn Vươn chính là cánh chim báo bão, là giọt nước tràn ly uất hận của nông dân và của nhân dân. Tiếng bom Tiên Lãng là lời hiệu triệu cho cả một dân tộc đã bị dồn vào bước đường cùng bởi cái chủ thuyết triết học tàn hại lý trí và lương tâm, bởi cái chế độ chính trị và kinh tế đưa đất nước đến bờ hỗn loạn và suy thoái, bởi cái chính đảng độc tài toàn trị gây đủ áp bức và bất công, vấn nạn và khủng hoảng cho toàn xã hội. Nếu cái đảng cầm quyền này không chịu nghe tiếng kêu gào công lý từ mọi miền đất nước, từ mọi giai tầng xã hội thì số phận như Ceaucescu, Hussein, Mubarak và Gaddafi là không tránh khỏi! Và cái được thứ ba -cũng trong hy vọng thôi- là các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng nói riêng và nông dân canh tác cả nước nói chung, sẽ không bị chịu cái cảnh như gia đình họ Đoàn nữa. Rất nhiều tiếng nói lần này đã cất lên hoặc tái cất lên cách mạnh mẽ, đòi nhà nước phải sửa lại luật đất đai, phải bỏ cái nguyên tắc hết sức phi lý và lường gạt: “Đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý”, phải dẹp cái thực tế hết sức bất công và phũ phàng là cán bộ đảng viên trở thành những đại địa chủ, đại điền chủ gian tham và tàn ác hơn cả thời phong kiến và Pháp thuộc.
· Cũng gây chấn động dư luận trong tháng qua là lời phát biểu của hai nhà trí thức cỡ lớn tại Việt Nam hiện thời: giáo sư Chu Hảo trên đài BCC ngày 11-01 và giáo sư Ngô Bảo Châu trên báo Tuổi Trẻ ngày 20-01. Những phát biểu này đã nhắc lại vai trò của giới trí thức trong xã hội với những gì được và mất của họ. Có thể nói tại Việt Nam hiện thời, có bốn loại trí thức:
- Hạng trung thành tuyệt đối với chế độ và cung cúc phục vụ Cộng đảng. Dù được đào tạo trong thế giới xã hội chủ nghĩa hay thế giới dân chủ tây phương, có bằng cấp lớn hay nhỏ, họ cuối cùng vẫn lấy “chủ nghĩa xã hội” làm lý tưởng và lẽ sống, lấy đảng làm hướng đạo và tôn chủ. Đối với họ, trung với đảng hơn trung với nước, phục vụ đảng hơn phục vụ dân, lấy ý đảng hơn là sự thật và lẽ phải để hành xử. Hạng này được giao chức vụ cao, hưởng bổng lộc lớn. Trong giới dân biểu có Hoàng Hữu Phước với ý kiến bãi bỏ dự luật biểu tình; trong giới quân sự có đại tá “tiến sĩ” Nguyễn Văn Quang với định nghĩa quái đản về “nhân dân”; trong giới tòa án có luật sư Nguyễn Trọng Tỵ phán rằng cầu nguyện cho việc dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên là vi phạm luật pháp, phạm tội hình sự; trong giới giáo dục có hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Nghệ An Phạm Bá Thắng tuyên bố việc cứu vớt trẻ sơ sinh hay chôn cất bào thai bị phá là phản động; trong giới ngoại giao có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Duy Chiến cho vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu VN là hành động “thương con cho đòn cho vọt”… Hạng người này được lợi lộc vật chất từ đảng nhưng mất hết cả lương tâm cũng như lòng tôn trọng của quần chúng.
- Hạng thứ hai chăm chăm chú chú nghiên cứu, làm việc chuyên môn, không cần biết đến tình hình xã hội, thân phận nhân dân, tiền đồ đất nước, nguy cơ dân tộc. Nói theo kiểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. Thái độ này ngày càng bị phản ứng gay gắt bởi những ai ưu tư về thời cuộc. Blogger Nguyễn Quang Lập viết: “Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc. Các nhà khoa học được coi là trí thức hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả. Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính”. Blogger kiêm nhà văn Phạm Viết Đào thì nhận xét: buông xuôi, làm ngơ, thờ ơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước như thế thì chỉ có thể xếp vào tầng lớp “trí ngủ”. Hạng người này được lợi lộc từ việc nghiên cứu, từ các công trình, nhưng lại mất đi niềm tin tưởng và hy vọng của giới bình dân vốn mong họ sẽ đem kiến thức và uy tín để giúp nước cứu đời.
- Hạng thứ ba thì nhột vì câu “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, ý thức được phần nào vai trò kẻ sĩ, nên cũng cố gắng thực hiện việc phản biện xã hội. Nhưng vì quen sống dưới ách cai trị độc tài của đảng, đang hưởng phần nào bổng lộc từ nhà nước, nên họ chỉ đóng vai “đối lập trung thành”. Theo nhà văn Phạm Thị Hoài (phê bình Gs Chu Hảo), “họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống. Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó”. Hạng này được địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống, nhưng không có được sự cảm phục dành cho những ai sau khi thấy sai lầm và tội ác trong chế độ thì truy tầm nguyên nhân và quyết tâm phá bỏ nguyên nhân này.
- Hạng cuối cùng thấy mình có trách nhiệm đáp trả sự hy sinh của giới lao động đang bị áp bức; đem kiến thức truyền đạt cho quần chúng bị bưng bít thông tin, cho công luận bị lèo lái đầu độc; cất tiếng nói bênh đỡ những con người bị bịt miệng; dùng lý luận đáp trả giới cầm quyền ngụy biện, ngu dân; sử dụng khả năng lãnh đạo và uy tín trí thức để vận động nhân dân lật đổ chế độ độc tài. Họ muốn noi gương những nhà trí thức đã làm nên lịch sử trong chế độ CS như Sakharov bên Liên Xô, như Vaclav Havel bên Tiệp Khắc… Dù đang bị giam cầm bởi chế độ vì những tội danh lếu láo, quái đản như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Lê Công Định, kinh tế gia Trần Huỳnh Duy Thức, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, mục sư Nguyễn Trung Tôn, linh mục Nguyễn Văn Lý (và rất nhiều vị đang chịu cảnh lao tù hay quản chế), họ chính là hạng trí thức đúng nghĩa, kẻ sĩ thời loạn (hiện tình VN đâu có yên ổn), sĩ phu yêu nước. Họ có thể mất tự do thể xác, mất thành đạt sự nghiệp, nhưng được đồng bào yêu mến, quốc tế kính trọng, lịch sử lưu danh.
BAN BIÊN TẬP
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 140 (01-02-2012)

Không có nhận xét nào: