Pages

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Cửa hàng đóng, giá xăng dầu rục rịch tăng ?

(VnMedia) – Theo Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, Bộ đã nhận được thông tin về việc một số cửa hàng xăng dầu tại Huế, Đà Nẵng, Hà Tây cũ, Đắc Nông, Đắc Lắc… tạm dừng lưu thông hàng hóa hoặc tiết giảm thời gian bán hàng.

Chiều qua (5/3), Bộ Công Thương đã tổ chức buổi họp báo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm năm 2012. Tại đây, những vấn đề nóng liên quan đến xăng dầu lại làm nóng không khí buổi làm việc.

Tái diễn hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến tình trạng "đứt" nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây thông qua phương tiện truyền thông, cũng như điện thoại Bộ Công Thương đã nhận được thông tin có hiện tượng một số cửa đã xin phép dừng bán hàng hoặc tiết giảm thời gian bán hàng, thậm chí là tạm dừng cung cấp xăng dầu ra thị trường. Điển hình đây là tại Thừa Thiên Huế, Đã Nẵng, Hà Tây cũ, Đắc Nông, Đắc Lắc…


“Như vậy, có thể thấy hiện nay đã bắt đầu có hiện tượng dừng cung cấp xăng dầu ra thị trường tại một số địa bàn, tuy nhiên có tái diễn lại kịch bản cũ hay không chỉ là suy đoán của dư luận, còn tôi nghĩ việc này là khó”, ông Quyền nói.

Ông Quyền giải thích, trong điều kiện khó khăn như hiện nay theo như các doanh nghiệp đầu mối phản ánh, thì giá cở sở hiện đang vượt trên giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên câu chuyện xử lý làm sao để, có thể vận dụng theo nguyên tắc giá là theo thị trường, nhưng mặt khác phải góp phần bình ổn thị trường, kìm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Đấy với là bài toán mà các nhà kinh tế vĩ mô, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính sẽ chủ động và lên kế hoạch.


Cũng theo ông Quyền, thuế, phí, giá xăng dầu Bộ tài chính chủ trì và sẽ sớm có bản thảo, để làm việc theo thẩm quyền của Nhà nước. Mục tiêu là đảm bảo nguyên tắc vận hành theo thị trường, nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu về kiểm soát lạm phát của nền kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. “Tăng nhiều thì ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tăng ít thì dẫn đến lỗ. Vì vậy chúng ta phải dùng đến các công cụ khác nhau, các lộ trình khác nhau để xử lý”, ông Quyền lý giải.

Riêng về việc giá xăng dầu cũng như giá điện có tăng trong thời gian tới hay không, ông Quyền khẳng định phía chủ trì là Bộ Tài chính và biện pháp tăng giá, giảm thuế, giảm phí chỉ là một trong các biện pháp mà phải tiến tới là vận hành theo cơ chế thị trường. "Việc có tăng giá hay không và vào thời điểm khi là câu chuyện của Bộ Tài Chính," ông Quyền khẳng định.

Nguồn cung vẫn đảm bảo

Theo thống kê, hiện nay giá bán xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực khá nhiều. Điển hình như ở Trung Quốc, giá xăng A92 hiện là 26.288 đồng/lít, Lào là 27.316 đồng/lít, Campuchia là 28.300 đồng/lít. Còn đối với dầu DO thì Trung Quốc là 27.308 đồng/lít, Campuchia là 26.700 đồng/lít. Trong khi đó, hiện nay giá xăng A92 của Việt Nam chỉ bán 20.800 đồng/lít, còn dầu DO chỉ có 20.400 đồng/lít.

Với mức chênh lệch khá lớn này, đã dẫn đến hiện tượng, nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương bị “đứt”. Điều này khiến nhiều người lo ngại về kịp bản khan hiếm xăng dầu như hồi năm 2010 có thể tái diễn. Tuy nhiên, theo khẳng định lãnh đạo Bộ Công Thương thì nguồn cung hiện tại vẫn đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, câu chuyện dự trữ, lưu thông xăng dầu, luôn được Bộ Công Thương theo dõi sát 10 ngày tiến độ. Khi có dấu hiệu xuất hiện tình trạng bất thường, Bộ sẽ yêu cầu cơ quan quản lý thị trường vào cuộc, và các doanh nghiệp cũng có báo cáo thường xuyên.

Mặc dù hiện tại có nhiều khó khăn, nhưng các đầu mối vẫn giữ được dự trữ vẫn đúng theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu (tức đảm bảo 30 ngày dự trữ), cung ứng đủ trong mọi điều kiện. Tuy nhiên việc cung ứng này là vì mục tiêu năng lượng và chỉ trong ngắn hạn, còn nếu kéo dài sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, ông Quyền nói.

Riêng về vấn đề liên quan đến xăng kém chất lượng và bán giá sai quy định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, trước tình hình phức tạp về kinh doanh xăng dầu Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kết quả cho thấy, đã kiểm tra xử lý 2.228 trường hợp kinh doanh xăng dầu, trong đó có 501 vụ vi phạm hành chính xăng dầu, xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng, tước quyền giấy phép kinh doanh nhiều trường hợp. Đặc biệt, một số cửa hàng ngừng bán, bán nhỏ giọt, hai ngày qua một số chi cục đã báo tin về và Bộ đã yêu cầu xử lý ngay.

Minh Hường

Không có nhận xét nào: