Những tuyên bố trái chiều gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama về chương trình hạt nhân của Iran cho thấy dường như Washington đang đứng giữa ngã ba đường, giữa “bật đèn xanh” cho Israel tấn công Iran hay “bật đèn đỏ” để cảnh báo Tehran.
Tổng thống Obama tiếp Thủ tướng Netanyahu tại phòng Bầu dục ở Bạch Ốc ngày 5/3.
Kể từ khi bước chân vào Bạch Ốc năm 2008, đây là lần đầu tiên ông Obama bị kẹt cứng giữa hai luồng quan điểm trái chiều xung quanh việc nên hay không nên tấn công Iran.
Những người theo trường phái thứ nhất (đồng ý tấn công Iran) cho rằng giờ là thời điểm nước Mỹ cần phải hành động để ngăn chặn nguy cơ Tehran có thể tiến tới khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân, điều mà cả Mỹ và Israel không bao giờ cho phép xảy ra. Tuy nhiên, những người theo trường phái thứ hai (chưa muốn tấn công Iran ngay) thì lại lập luận rằng một hành động phủ đầu từ Israel sẽ gây ra những phản ứng dữ dội từ Nhà nước Hồi giáo, kích hoạt tình trạng rối loạn trong khu vực, đẩy giá dầu thế giới tăng cao và quan trọng nhất là sẽ kéo Washington vào một cuộc chiến tranh mới.
Trước hai luồng quan điểm ấy, ông Obama như bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mà đồng ý cũng không được, phản bác cũng chẳng xong.
Nỗ lực xoa dịu đồng minh
Chính vì vậy, nên trong cuộc gặp hôm 5/3 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Bạch Ốc, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã tìm mọi cách trấn an đồng minh chiến lược của mình ở Trung Đông.
Bằng giọng nói rất mực cảm thông, ông Obama khẳng định việc Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được đối với Israel, và rằng hành động này có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực mà nguy cơ nhãn tiền là việc vũ khí hạt nhân có thể rơi vài tay lực lượng khủng bố hoặc một chính phủ tài trợ cho khủng bố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng vẫn còn thời gian để đạt được giải pháp hoà bình về vấn đề hạt nhân của Iran, cho dù phương án sử dụng sức mạnh quân sự luôn được để ngỏ.
“Chúng tôi thực sự tin rằng vẫn còn cơ hội để áp dụng một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề này”, ông nói.
Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân, những tuyên bố này của Tổng thống Obama rõ ràng “nhẹ ký” hơn nhiều so với những phát biểu hùng hồn chỉ một ngày trước đó.
“Như tôi đã nhiều lần nói rõ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, tôi sẽ không do dự sử dụng vũ lực khi cần phải bảo vệ Mỹ và các lợi ích của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Iran nên biết rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chính sách ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Obama nói với một nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel nhân Hội nghị thường niên của Uỷ ban chính sách công Mỹ - Israel (AIPAC) hôm 4/3.
Trước đó hai ngày, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí The Atlantic, ông Obama cũng đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để cảnh báo Tehran về khả năng lựa chọn giải pháp quân sự khi ông nói rằng “tất cả mọi sự lựa chọn đều đã bày sẵn trên mặt bàn”.
“Đèn xanh” hay “đèn đỏ”?
Mặc dù ông Obama đã không dưới một lần khẳng định Mỹ sẽ có lập trường cứng rắn chống lại Iran cũng như sẽ kiên quyết bảo vệ hoà bình và an ninh cho Israel, song dường như quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Israel vẫn tồn tại hố sâu ngăn cách trong việc có nên tấn công Iran hay không và nếu có thì tấn công vào thời điểm nào.
Điều này được thể hiện khá rõ trong tuyên bố của ông Netanyahu tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Israel kéo dài 2 giờ đồng hồ tại phòng Bầu dục.
“Israel cần phải duy trì khả năng tự vệ trước bất kỳ mối đe doạ nào. Đó là lý do tại sao trách nhiệm lớn nhất của tôi - trên cương vị Thủ tướng Israel - là phải đảm bảo rằng Israel sẽ làm chủ vận mệnh của mình. Khi an ninh bị đe doạ, Israel được quyền ra quyết định”, ông nhấn mạnh.
Nếu chỉ xét theo những ngôn từ cứng rắn của Thủ tướng Israel, nhiều người sẽ lầm tưởng ông Obama có thể đã “bí mật bật đèn xanh” cho Israel trong việc toàn quyền quyết định phương thức cũng như thời điểm tấn công Iran. Tuy nhiên theo một nguồn tin nắm rõ cuộc gặp này, tại buổi nói chuyện, ông Netanyahu đã xác nhận với Tổng thống Obama rằng Tel Aviv vẫn chưa quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Nói theo cách khác, những lời lẽ đanh thép của ông Netanyahu chỉ để nhằm "dạm trước" về một đòn tấn công trong tương lai và đòn tấn công đó (nếu xảy ra) thì cũng không có dính dáng gì tới Mỹ.
Vậy là, thay vì tự mình bày tỏ lo lắng về nguy cơ Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, ông Obama đã khéo léo “đá được quả bóng sang chân đội bạn”, và thông qua đó bắn luôn tín hiệu cảnh báo ngầm tới Iran. Đó là Tehran chớ nên tiếp tục “già néo đứt dây”, vì rằng nút bấm tấn công giờ đây không còn được đặt ở Washington như trước mà đã được chuyển sang mặt bàn của Thủ tướng Israel.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét