An ninh Trung Quốc là lực lượng thường tiến hành bắt giữ người không theo các quy định của pháp luật. REUTERS/Stringer |
Ngoài việc tăng 11,5% ngân sách dành cho ngành cảnh sát, công an trong năm 2012, Trung Quốc còn tiến hành sửa đổi luật pháp để tăng cường trấn áp giới ly khai.
Hôm nay, 08/03/2012, Quốc hội Trung Quốc bắt đầu xem xét dự luật sửa đổi bộ Luật Hình sự, trong đó có những điều khoản cho phép cảnh sát bắt giữ bí mật các nhà ly khai. Ngay sau khi dự luật được công bố vào tháng Tám năm ngoái, giới đấu tranh và bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc cũng như trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Bắc Kinh muốn hợp lệ hóa việc giam giữ bí mật, chà đạp lên nhân quyền.
Do vậy, dường như trong văn bản mới nhất trình lên Quốc hội để thảo luận và thông qua trong kỳ họp thường niên lần này, chính quyền Bắc Kinh đã phải lùi bước, xóa bỏ những điều khoản bị phê phán mạnh mẽ
Theo dự thảo sửa đổi được công bố vào năm ngoái, thì cảnh sát được phép giam giữ một người bị tình nghi tới 6 tháng mà không cần phải đưa ra những tội danh, tại những nơi bí mật ở bên ngoài các đồn cảnh sát hoặc ngoài hệ thống nhà tù chính thức. Và trong trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, khủng bố hoặc tham nhũng nghiêm trọng, cảnh sát không bắt buộc phải liên lạc với thân nhân gia đình người bị tình nghi.
Bản thông cáo được phát cho các đại biểu Quốc hội và báo chi ngày hôm nay, cho thấy Bắc Kinh đã phải sửa đổi : « Gia đình những người bị giam giữ phải được thông báo trong vòng 24 giờ về việc bắt giam, trừ trường hợp không thể hoặc những người này bị nghi ngờ phạm các tội có liên quan đến an ninh Nhà nước và khủng bố ».
Theo giới phân tích, dự luật sửa đổi bổ sung bộ Luật Hình sự là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc muốn trấn áp mạnh mẽ giới ly khai, sau những cuộc nổi dậy vừa qua của người dân trong thế giới Ả Rập.
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, người đã từng bị giam giữ bí mật 81 ngày, nói với Reuters : « Điều này thể hiện tâm lý hiện nay (của chính quyền Trung Quốc), do thiếu lòng tin và sợ hãi ». Theo ông, « đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống tư pháp và sự an toàn của công dân ».
Tại Trung Quốc, tội danh « xâm hại đến an ninh Nhà nước » thường được sử dụng để bắt giữ, bỏ tù tất cả những ai chống lại đảng Cộng sản cầm quyền. Còn các cáo buộc khủng bố thì được chính quyền viện dẫn để đàn áp mọi đòi hỏi quyền tự trị lớn hơn, hoặc độc lập của nguời Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, ở miền tây Trung Quốc.
Để biện minh cho những biện pháp cứng rắn này, một đại biểu Quốc hội nói rằng « Trung Quốc đang trải qua giai đoạn biến đổi xã hội và nhiều vụ xung đột nổ ra, tội phạm đang ở mức cao và các vụ bạo lực phạm tội ác gia tăng ».
Cảnh sát và viện kiểm sát vốn đã có nhiều quyền hành trong việc bắt giữ, trong khi đó, các tòa án Trung Quốc do đảng Cộng sản chỉ đạo, hiếm khi nào có ý kiến, đề nghị trái ngược với hai cơ quan nói trên. Thế nhưng, theo giới ly khai Trung Quốc, việc bổ sung những điều khoản liên quan đến giam giữ bí mật vào bộ Luật Hình sự làm tăng nguy cơ bắt, giam giữ công dân một cách độc đoán, tùy tiện và lạm dụng.
Bản dự thảo sửa đổi bộ Luật Hình sự có điều khoản quy định rằng những người bị nghi ngờ phạm tội ác liên quan đến « an ninh Nhà nước, khủng bố và trường hợp tham nhũng nghiêm trọng » thì có thể bị giam giữ tại những nơi bí mật để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ, gia đình của họ phải được thông báo về việc bắt giữ này.
Giới bảo vệ nhân quyền nhận định là Bắc Kinh đã có lùi bước vì trong bản dự thảo cũ, cảnh sát không cần phải làm việc này. Theo ông Nicholas Bequelin, thuộc tổ chức Human Rights Watch, « dường như quan điểm của giới luật gia cuối cùng đã thắng thế và ý đồ của cảnh sát muốn mở rộng hơn nữa quyền hành của mình đã bị bác bỏ ».
Năm ngoái, lo ngại ảnh hưởng « Cách mạng Hòa Nhài » trong thế giới Ả Rập lan sang Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ hàng chục nhà đối lập. Nhiều người, trong đó có nghệ sĩ Ngải Vị Vị, đã bị giam giữ bí mật hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Một số người, sau khi được thả, cho biết, họ đã bị cảnh sát hành hạ về thể xác và tinh thần.
Luật sư Phố Chí Cường, chuyên gia về các vụ án ly khai chính trị và tự do ngôn luận, nhấn mạnh rằng các hành động lạm dụng nói trên cho thấy tại Trung Quốc, quy định luật pháp không quan trọng bằng việc áp dụng luật như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét