Chỉ phạt tiền chưa đủ, cần phải đánh người vi
phạm
Đỗ Phú Thọ
“Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nâng mức xử phạt đến 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm, cao gấp hàng chục lần so với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành”
Ngày 24-4, lần đầu tiên, ủy ban Pháp luật của
Quốc hội tổ chức phiên giải trình về nội dung “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông vận tải đường bộ -Thực trạng và giải pháp”. Đây là một trong những
vấn đề mà cử tri cả nước đặc biệt quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sinh
hoạt hằng ngày của người dân, đến trật tự và an toàn xã hội. Theo kế hoạch, ủy ban Pháp luật sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giao
thông Vận tải Đinh La Thăng báo cáo. Đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính và UBND
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng cũng sẽ báo cáo thêm những vấn đề liên
quan. Tiếp đó, các thành viên trong ủy ban Pháp luật sẽ chất vấn, đối thoại với
Bộ trưởng Đinh La Thăng và đại diện một số cơ quan có mặt.
Ảnh minh họa/ Internet |
Phiên giải trình này được thực hiện ngay sau
phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những nội dung còn có ý kiến
khác nhau của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính với những tranh luận khá gay
gắt về mức độ xử phạt như thế nào để đạt được mục đích phòng ngừa và răn đe.
Trước đó, ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã thành lập Đoàn giám sát thực
trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
Xử lý vi phạm hành chính, theo quy định của Pháp
lệnh Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện
pháp xử lý hành chính khác. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối
với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của
pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của
pháp luật phải bị xử phạt hành chính
Theo Đoàn giám sát của ủy ban Pháp luật, kết quả
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã góp phần quan
trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước
trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế còn quá nhiều bất cập, hạn chế trong
việc thực hiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ. Đó là các quy định của pháp luật còn chồng chéo trong
việc phân định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao
thông, thanh tra giao thông, UBND các quận, huyện, thị xã; trong cơ chế xử lý
tài sản tịch thu của người vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng và phương tiện để xử
lý vi phạm giao thông còn thiếu; một số điểm trong quy định của pháp luật hiện
hành về vấn đề này còn chung chung, khó thực hiện…
Cử tri cả nước hy vọng rằng, qua phiên giải trình
tại ủy ban Pháp luật, những “khoảng trống pháp lý” về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được phát hiện. Đề xuất của Bộ Giao thông
Vận tải và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này cũng sẽ được ghi nhận. Tuy
nhiên, vấn đề quan trọng là các đề xuất phải tuân thủ pháp luật, mang tính khả
thi và được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội.
Mục đích chính của việc xử lý vi phạm hành chính
là để phòng ngừa và răn đe những tập thể, tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính.
Vì thế, chế tài xử lý phải đủ mạnh, mức độ xử phạt phải tương xứng với những sai
phạm. Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nâng mức xử phạt đến 1 tỷ đồng
với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm, cao gấp hàng chục lần so với quy
định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Sai phạm tại nội thành sẽ
bị xử lý nặng hơn ở ngoại thành. Quy định như vậy sẽ thể hiện rõ tính chất răn
đe và sự nghiêm minh của pháp luật. Vấn đề quan trọng mà dư luận quan tâm là
phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc xử lý vi phạm này bởi nếu không giám sát
chặt chẽ thì rất có thể tiền phạt không vào Nhà nước mà lại chạy vào túi một số
ít người thực thi công vụ.
Theo: QĐND
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét