Thông Luận – “…Điều 88 nhắm bóp nghẹt quyền tự do phát biểu, nghĩa là nó nhắm đàn áp trí thức. Đáng lẽ trí thức Việt Nam, đối tượng bị đàn áp, phải phản ứng rất mạnh mẽ…”
Chính quyền CSVN sắp xử án ba bloggers Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày, Phan Thanh Hải tức Anh Ba Sài Gòn và cô Tạ Phong Tần về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” chiếu theo điều 88 bộ “luật” hình sự.
Đó là những gì người ta được biết qua báo chí nhà nước. Một số tờ báo còn đăng phóng ảnh các bản cáo trạng đối với ba người mà các luật sư cũng như các gia đình đều không có được dù đã yêu cầu được cung cấp. Chỉ riêng một sự kiện này cũng đủ chứng tỏ pháp luật của “nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” nhảm nhí tới mức độ nào. Chưa hết, qua một tiếp xúc sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn được thông báo là phiên tòa xét xử họ sẽ diễn ra ngày 17.04.2012 nhưng các luật sư và các gia đình đều không biết gì cả.
Đây không phải là lần đầu tiên mà những người phát biểu ý kiến một cách ôn hòa bị đem ra xét xử và kết án. Rất nhiều, quá nhiều người đã là nạn nhân của điều luật 88 này. Danh sách họ dài đến độ không thể liệt kê hết trong một bài xã luận. Nhưng lần này vụ án diễn ra trong những điều kiện đặc biệt nhảm nhí trong một bối cảnh đặc biệt ý nghĩa.
Ngày 01.04 Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi dành thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu cử quốc hội, đánh dấu một bước ngoặt quyết định về dân chủ tại Miến Điện. Do bị đàn áp thô bạo trong hơn hai mươi năm Liên Minh Dân Chủ Miến Điện đã chỉ có thể đưa ra 44 ứng cử viên trong số 45 đơn vị có tổ chức bầu cử nhưng họ đã giành được 43 ghế. Một thắng lợi như vậy có ý nghĩa của một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả hùng hồn là tuyệt đại đa số nhấn dân Miến Điện bác bỏ chế độ độc tài quân phiệt và chọn dân chủ. Nó cũng là một vinh quang cho tập đoàn tướng lãnh cầm quyền. Họ đã có can đảm công khai nhìn nhận một nguyện vọng của nhân dân bất lợi cho họ. Biến cố càng có ý nghĩa vì mới cách đây không lâu chính quyền Miến Điện còn được coi là chính quyền độc tài hắc ám nhất Đông Nam Á. Cùng ngày, 70 nước – gồm Mỹ, các nước Châu Âu, các nước thuộc khối Ả Rập, và nhiều nước Châu Á và Châu phi khác – đã họp tại Istanbul, Turkey, tuyên bố nhìn nhận lực lượng chống chế độ độc tài Al-Assad là đại diện chân chính của nhân dân Syria. Tuyên bố này đặt nền tảng cho những hỗ trợ công khai cho lực lượng nổi dậy đòi dân chủ và có ý nghĩa của một tuyên chiến đối với Nga và Trung Quốc, hai nước bảo trợ chế độ hung bạo Al-Assad. Ngày 14-04-2012, Nga và Trung Quốc nhượng bộ, biểu quyết thuận để Liên Hiệp Quốc gửi những quan sát viên tới giám sát cam kết chấm dứt dùng bạo lực tàn sát những người biểu tình đòi dân chủ. Biểu quyết này tương đương với bản án tử hình dành cho chế độ Al-Assad vì nó chỉ có thể tồn tại dựa trên bạo lực.
Trong bối cảnh đó một sự sáng suốt tối thiểu cũng đủ khiến chính quyền cộng sản Việt Nam hiểu rằng phải chuyển hướng về dân chủ thay vì tiếp tục đàn áp. Tuy nhiên ban lãnh đạo cộng sản đã ngoan cố tiếp tục sử dụng điều 88 để đàn áp, và lần này sự thô bạo đi đôi với sự tùy tiện nhảm nhí.
Điều 88 như sau:
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Không cần biện luận nhiều. Nó vừa thô bạo vừa ngu ngốc. Thế nào chống, là tuyên truyền, phỉ báng? Thế nào là “có nội dung chống”? Thế nào là “trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”? Nó chỉ là luật của kẻ có súng. Nó không phải là luật vì, như Socrates đã nói cách đây 25 thế kỷ trước, luật gian trá không phải là luật.
Trong trường hợp cụ thể của ba người thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sắp bị đem xét xử chính quyền cộng sản luận tội như sau:
(…) hầu hết những bài viết đều chứa nội dung, giá trị của sự phê phán trong tinh thần không phải để xây dựng, hoặc cao hơn là lên án, kết án nhằm hướng tới sự cổ động, kích động công luận tham gia đấu tranh thay đổi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, thay đổi chế độ chính trị, nhà nước hiện tại nhằm xây dựng một chế độ khác, nhà nước khác…
Chỉ có thế thôi nhưng họ bị coi là đã “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”. Sự nhảm nhí đã vượt mọi giới hạn.
Nhưng còn có một sự nhảm nhí khác. Điều 88 nhắm bóp nghẹt quyền tự do phát biểu, nghĩa là nó nhắm đàn áp trí thức. Đáng lẽ trí thức Việt Nam, đối tượng bị đàn áp, phải phản ứng rất mạnh mẽ. Thực tế là tuyệt đại đa số đã chọn cúi đầu im lặng.
Lần này, khi sự đàn áp diễn ra một cách cực kỳ thô bỉ trong một bối cảnh đặc biệt thuận lợi cho dân chủ liệu họ có còn tiếp tục cúi đầu im lặng nữa không? Nếu như thế thì giữa sự nhảm nhí hung bạo của chính quyền cộng sản và sự nhảm nhí hèn nhát của trí thức Việt Nam người ta khó có thể nói sự nhảm nhí nào lớn hơn.
Thông Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét