Pages

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Tranh luận sôi nổi việc "công bố người mua dâm"


“Người mua dâm có thể bỏ ra đến 2.500 đô để mua vui trong chốc lát thì họ có thể bỏ ra hơn thế để mua sự “nhân đạo”. Còn người bán dâm chắc là không thể?”.

Muốn trị bệnh thì phải chịu đau
Xung quanh câu chuyện có nên công bố danh tính người mua dâm có nhiều ý kiến. Song phần đông đều ủng hộ việc nêu đích danh người mua, vì đó là hành động thể hiện sự công bằng.
Lâu nay, pháp luật quy định không nêu tên người mua là vì nhân đạo, vậy công bố tên tuổi, hình ảnh người bán là nhân đạo sao? Đó là câu hỏi trăn trở của nhiều độc giả.
Chia sẻ với VietNamNet, độc giả My Nguyễn nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc công khai danh tính của cả người mua lẫn người bán. Nếu nói việc gia đình của người mua dâm sẽ làm sao ngẩng mặt lên nhìn xã hội khi bị công bố thì sao không đề cập đến việc bố mẹ của người bán dâm cũng sẽ phải chịu điều tiếng không dám ngẩng đầu? Công bằng sẽ là như thế nào đây?”

Bạn đọc Trung Kiên cũng cho rằng: “Đã phạm pháp thì đều như nhau, nếu muốn yên bình thì đừng vi phạm pháp luật. Chính người mua dâm mới cần phải vạch mặt chỉ tên, nên công khai danh tính họ ra chứ đừng vì họ là người có chức sắc hay nhiều tiền nên phải bao che”.
 
Có nên công bố danh tinh người mua dâm hay không vẫn là một câu hỏi còn nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa. Nguồn: GDVN)
Độc giả Minh Huệ còn tỏ ra nghi ngờ: “Lâu nay ta chỉ thấy công khai tên tuổi của người bán dâm, không công khai tên tuổi của người mua dâm, có một cái gì đó không minh bạch hay là vì họ có tiền, bỏ tiền ra để mua sự im lặng? Người mua dâm có thể bỏ ra đến 2.500 đô để mua vui trong chốc lát thì họ có thể bỏ ra hơn thế để mua sự “nhân đạo”. Còn người bán dâm chắc là không thể?”.
 “Không có người mua thì người bán sao bán được. Công khai tên người mua, người bán là một việc làm công bằng, đừng để người bán bị thiệt thòi vì họ cũng là con người như bao người khác, cũng có gia đình, chồng con, bè bạn. Đừng đưa họ vào con đường cùng của xã hội dù việc làm của họ đáng lên án”, độc giả này chia sẻ thêm.
Ủng hộ quan điểm công khai danh tính người mua dâm, nhiều ý kiến phân tích, việc chống mại dâm thực chất là để bảo vệ nhân phẩm cho người phụ nữ. Nhưng khi phụ nữ đi bán dâm bị công khai tên tuổi (tức bị chà đạp) thì lại không được bảo vệ, giữ gìn.
Phải xử lý cả cung và cầu. Đã công khai thì phải công khai tất cả từ người bán cho tới các đại gia, quan chức, kể cả cán bộ cấp cao. Việc làm cho người mua cảm thấy xấu hổ trước dư luận cũng là một cách để giảm tệ nạn mại dâm”, độc giả Mai Hoàng nêu quan điểm.
Đánh giá cục diện vấn đề, độc giả Văn Chương thẳng thắn: “Tại sao lại không công khai danh tính người mua dâm. Sợ phá hạnh phúc gia đình ư? Muốn trị bệnh thì phải chịu đau, thà 1% gia đình bị đau để cho 99% gia đình được hạnh phúc. Vậy nên chọn cách nào đây? Không làm thế thì khó mà răn đe được”.

Mua – bán là lẽ tự nhiên
Đưa ra một lý do rất “chính đáng” cho việc không nên công bố người mua dâm, độc giả ở địa chỉ khactam78@… cho rằng: “Từ cổ chí kim hàng ngàn năm nay lầu xanh, mại dâm vẫn tồn tại, nó tồn tại có lý do của nó chúng ta đừng nghĩ đến chuyện thay đổi quy luật làm gì. Vì càng cấm thì người ta càng lén lút, khi bị bắt thì người ta sẽ tìm đủ đường chạy chọt để khỏi bị công khai và thế lại sinh ra tiêu cực”.
Bạn đọc Khắc Tuấn cũng bảo vệ quan điểm không công bố danh tính người mua dâm bởi lẽ nó liên quan đến quyền con người, bao gồm những quyền tự nhiên, trong đó có quyền liên quan đến nhu cầu sinh lý.
“Còn hành vi chứa và môi giới mại dâm được xem là tội phạm bởi lẽ động cơ của hai hành vi này xuất phát từ lòng tham bất chính, lợi dụng nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người đứng ra tổ chức môi giới mại dâm để trục lợi”, độc giả Khắc Tuấn phân tích.
Đồng quan điểm, độc giả Mạnh Hùng đưa ra bằng chứng: “Chúng ta nghĩ công khai tên người mua dâm thì cấm được sao? Tình dục là bản năng của con người. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới còn không cấm được mà phải cho phép hoạt động để kiểm soát có điều kiện”.
Bạn đọc ở địa chỉ lamdkb@… thì quả quyết, việc công bố danh tính người mua dâm sẽ mất nhiều hơn được.
“Không thể công khai bởi vì để bắt được mại dâm thì phải cài người vào đường dây mại dâm dưới dạng khách mua dâm. Không bao giờ bắt được mại dâm nếu không có người đóng giả khách mua dâm. Thử hỏi khi công khai, còn ai dám làm “nội gián” nữa, khi ấy liệu có bắt được mại dâm nữa không?”, độc giả này đưa ra lý lẽ.
Đưa ra một góc nhìn khác xung quanh vấn đề đang tranh cãi, độc giả Phan An Bình cho rằng “Những cô gái bán dâm bản chất là những người lười lao động, muốn dùng thân xác để kiếm tiền. Nhiều người còn đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn rồi do số phận đưa đẩy, nhưng xét cho cùng đó cũng là ngụy biện.
Còn người mua dâm bỏ tiền túi ra để mua vui, điều này khẳng định là sự sòng phẳng… Những người không muốn lao động mà vẫn muốn có tiền thì việc công bố tên tuổi và cho đi phục hồi nhân phẩm không có gì là phi lí”.
Độc giả Tạ Minh Hiếu cũng đồng tình: “Không nên công bố tên người mua dâm. Vì nói thẳng ra là họ “ăn bánh trả tiền”. Họ đã mất tiền, nay lại bị đưa ra cho công chúng soi xét thì có quá khắc nghiệt không?”.
Bạn đọc này gợi ý “Thiết nghĩ không nên công bố danh tính của họ mà chỉ nên xét xử kín, với mức án thích đáng để họ có cuộc sống bình yên, không xáo trộn”.
Đức Tâm (VietNamNet)

Không có nhận xét nào: