Pages

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Lựa chọn nào của Mỹ trong căng thẳng biển Đông



Việc Hoa Kỳ mới đây chính thức lên tiếng chỉ trích các hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông được cho là một hành động chỉ trích trực tiếp Trung Quốc một cách hiếm hoi.
AFP photo
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon họp với Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 7 năm 2012.
Từ trước đến nay Hoa Kỳ vẫn duy trì lập trường không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, và cũng không muốn phá hỏng quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình là Trung Quốc. Động thái này của Hoa Kỳ cũng đặt ra câu hỏi là liệu Hoa Kỳ còn có thể tiến xa tới bước nào trong căng thẳng biển Đông? Liệu những hy vọng về sự can thiệp sâu hơn của Hoa Kỳ vào khu vực này có phải là quá mức?

Hoa Kỳ công khai chỉ trích

Những hành động liên tục của Trung Quốc gần đây trên biển Đông từ việc nâng cấp thành phố Tam Sa quản lý các quần đảo đang tranh chấp là Trường Sa và Hoàng Sa, đến việc quyết định lập đơn vị đồn trú tại khu vực này đã khiến Hoa Kỳ lần đầu tiên phải lên tiếng chỉ trích Trung Quốc một cách công khai. Hành động này cũng có thể khiến nhiều người nhướn mày ngạc nhiên và trông đợi các bước tiếp tới từ cường quốc trên biển.
Vào ngày 3 tháng 8, khoảng 2 tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập đơn vị quân đội đồn trú tại Tam Sa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có một tuyên bố chính thức đăng tải trên website của mình lên án các hành động của Trung Quốc. Tuyên bố viết:
‘Việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa và thiết lập một đơn vị quân đội ở nơi này, bao trùm các vùng biển tranh chấp ở biển Đông là đi ngược lại các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong vùng’.
Tuyên bố này của Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra cùng vào lúc thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết 524 về biển Đông, khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong trong khu vực biển Đông. Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, không tiến hành các họa động gây phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng khả năng xung đột.
Trước khi nghị quyết này được thông qua, thượng nghị sĩ John McCain, một trong những nghị sĩ giới thiệu nghị quyết cũng đã chính thức lên tiếng phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc khi ông nói rằng ‘quyết định của quân ủy Trung ương Trung Quốc cho thiết lập quân đội đồn trú tại các đảo ở biển Đông mà Việt Nam đòi chủ quyền là một hành động gây hấn không cần thiết’.
Phản ứng này của Hoa Kỳ với Trung Quốc theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc học viện quốc phòng Úc cho thấy sức ép từ các hành động của Trung Quốc đang khiến Hoa Kỳ phải có những động thái mạnh mẽ hơn. GS Carl Thayer nói:
Trước diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhấn mạnh chính sách lâu nay của Mỹ là muốn vấn đề tranh chấp trên biển Đông được giải quyết không phải bằng đe dọa, lấn chiếm và vũ lực. Đó là chính sách từ lâu nay của Mỹ. Nhưng dù Mỹ đã nhấn mạnh như vậy, Trung Quốc giờ đây lại tiến thêm một bước nữa bằng cách thiết lập quân đội đồn trú, cho thấy họ dường như không chú ý tới lời nói của Mỹ. Và khi mỗi nước đưa ra các tuyên bố của mình, rồi vẽ lằn ranh trên biển thì chỉ làm tăng thêm sức nóng khiến Hoa Kỳ phải đưa ra các hành động của mình, dù không phải là đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền mà chỉ tập trung các ủng hộ về mặt ngoại giao chống lại Trung Quốc.
Mặc dù lên án các hành động của Trung Quốc, nhưng ngay trong bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ cũng một lần nữa khẳng định lập trường từ trước đến nay của nước này là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.

TQ gia tăng gây hấn

000_Hkg2306577-250.jpg
Hải quân Trung Quốc tại cảng Thanh Đảo. AFP photo
Theo giáo sư Carl Thayer, tập trung về mặt ngoại giao mà Hoa Kỳ có thể có được đối với Trung Quốc là tại các diễn đàn khu vực sắp tới như thượng định ASEAN và thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tại Campuchia. Còn nhớ trong thượng đỉnh Đông Á vào năm ngoái ở Indonesia, đã có tới 16 thành viên trong số 18 nước tham gia thượng đỉnh đưa vấn đề biển Đông ra bàn thảo, trong khi Trung Quốc là nước duy nhất không muốn nói đến vấn đề này tại các diễn đàn khu vực vì không muốn quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Cũng theo giáo sư Carl Thayer thì Trung Quốc sẽ chỉ khiến các cường quốc lớn trên thế giới phải nhảy vào cuộc nếu các áp lực về ngoại giao không được nước này đáp ứng:
Trung Quốc hiểu là nếu họ không chơi trò chơi ngoại giao thì chỉ khiến các nước như Mỹ, Nhật, Úc và Nam Hàn là những nước có quyền lợi trên biển phải đóng vai trò tích cực hơn và điều này không có lợi cho Trung Quốc.
Nhật, Úc, và Nam Hàn là những nước đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á, Thái Bình Dương và là những nước đóng vai trò quan trọng trong trọng tâm chiến lược mới của Mỹ tại khu vực này. Những nước này dù không can dự trực tiếp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng đều có những quan ngại nhất định giống như Mỹ về sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhất là trên biển.
Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Bộ quốc phòng Mỹ công bố một bản báo cáo bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ trước sự gia tăng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cho rằng chỉ vào khoảng cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có thể có được sức mạnh quân sự và duy trì được một lực lượng hải quân cũng như bộ binh ở mức độ vừa cho các xung đột ở xa Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc có khả năng thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ trên biển tại khu vực Đông Á.
Sách trắng quốc phòng của Úc gần đây nhất là vào năm 2009 cho rằng Úc cần phải tăng thêm chi phí quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, mua sắm thêm các tàu ngầm quy ước đời mới, để bảo vệ Úc khỏi hướng tấn công từ phía bắc.
Trong khi đó sách trắng của Nhật Bản mới đây cũng đã đề cập đến sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc và cho rằng điều này sẽ tạo ra mối đe dọa cho thế giới. Nhật bản cũng là nước đang có tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc hiểu là nếu họ không chơi trò chơi ngoại giao thì chỉ khiến các nước như Mỹ, Nhật, Úc và Nam Hàn là những nước có quyền lợi trên biển phải đóng vai trò tích cực hơn và điều này không có lợi cho Trung Quốc.
GS Carl Thayer
Mỹ vào năm ngoái cho biết kế hoạch đến năm 2017 sẽ điều động 2,500 lính thủy quân lục chiến đến căn cứ Darwin ở Úc như một phần trong chiến lược gia tăng quân sự của Mỹ trong khu vực và thiết chặt mối quan hệ với đồng minh lâu năm của mình trên biển.
Mới đây nhất vào tháng 5, Hoa Kỳ và đồng minh Philippines, nước đang có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa, một lần nữa cũng khẳng định cam kết sẽ bảo vệ lẫn nhau theo hiệp ước phòng thủ chung được ký giữa hai nước cách đây hơn 60 năm. Giáo sư Rommel Banlaoi, Giám đốc viện nghiên cứu hòa bình, bạo động khủng bố của Philippines giải thích về hy vọng một sự can thiệp về quân sự của Mỹ trong vấn đề biển Đông như sau:
Tinh thần của hiệp ước cho thấy là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ chúng tôi khi chúng tôi bị tấn công. Mà chúng tôi chưa bao giờ thử hiệp ước này cho nên tranh chấp trên biển Đông sẽ là phép thử tinh thần của hiệp ước này.
Cho đến giờ, dù căng thẳng trên biển Đông vẫn còn tiếp tục, một số chuyên gia cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc chiến tranh tới gần khiến Hoa Kỳ phải lo ngại. Tuy nhiên cũng có những chuyên gia cho rằng Mỹ cần phải có hành động chuẩn bị mạnh mẽ hơn trước khi quá muộn.

Mỹ sẽ phải làm gì

000_Hkg7627581-250.jpg
Cái gọi là Thành phố Tam sa của Trung Quốc chụp hôm 25/7/2012. AFP photo
Một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC đệ trình lên Bộ Quốc Phòng Mỹ đã đề nghị Mỹ nên điều động quân từ Đông Bắc Á sang khu vực biển Đông. CSIS kêu gọi Mỹ nên điều động thêm tàu ngầm tấn công đến Guam, điều động lực lượng xung kích tàu sân bay đến căn cứ hải quân HMAS Stirling ở thành phố Perth, miền Tây nước Úc, xây dựng bãi đỗ ném bom tại đây.
Chuyên gia về an ninh hàng hải, Robert Haddick viết trên trang web của Foreign Policy mới đây rằng Trung Quốc đang sử dụng cách thức tằm ăn dâu (salami-slicing) để khẳng định chủ quyền của mình, phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), với hy vọng cuối cùng đặt mọi việc vào sự đã rồi. Chuyên gia này lập luận rằng mối lợi của Hoa Kỳ ở đây là rất lớn với khoảng hơn 1 nghìn tỷ đô là hàng hóa đến Mỹ đi qua vùng biển này mỗi năm. Mỹ có lợi ích trong việc ngăn cản bất cứ một cường quốc nào định viết lại luật biển quốc tế theo ý mình. Và cuối cùng sự đáng tín trong mối đồng minh giữa Mỹ và các đối tác chiến lược cũng bị ảnh hưởng do những hành động này.
Theo ông Roberth Haddick, dù Mỹ và các nước ASEAN muốn đạt được một bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông với Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc vẫn muốn sử dụng chiến lược ‘tằm ăn dâu’ thì chỉ khiến các nhà làm chính sách ở Washington đi đến kết luận là đối sách khả thi về mặt chính trị là khuyến khích các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines phải có phản ứng mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trước Trung Quốc, cho dù phải mạo hiểm với nguy cơ xung đột, với lời hứa hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Tinh thần của hiệp ước cho thấy là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ chúng tôi khi chúng tôi bị tấn công. Mà chúng tôi chưa bao giờ thử hiệp ước này cho nên tranh chấp trên biển Đông sẽ là phép thử tinh thần của hiệp ước này.
GS Rommel Banlaoi
Cho đến giờ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định lập trường trung lập trong vấn đề biển Đông, và kêu gọi các bên tiếp tục tìm các giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Tuy nhiên, với những hành động mang tính gây hấn liên tục trong thời gian gần đây của Trung Quốc và nỗi lo của những đồng minh của Mỹ tại châu Á trước người láng giềng Trung Quốc đầy tham vọng, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có còn nhiều lựa chọn khác tại biển Đông hay không?

Không có nhận xét nào: