Pages

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Việt Nam: Có một chọn lựa của Tương Lai

Gởi bạn, những người ngoài Đảng và trong Đảng, những người tôi đã gặp và có thể gặp trong tương lai, nhưng quan trọng hơn, là chúng ta cùng chia sẻ ước mơ về một nước Việt Nam tự do và phồn thịnh.  

 Những lần tiếp xúc với những người bạn, thân và sơ, hiếm hoi còn quan tâm đến đất nước, để lắng nghe những suy nghĩ của họ rằng làm sao để đất nước có một tương lai, nhiều phần nhận được một câu trả lời rằng Đảng Cộng sản mạnh lắm và những cải cách để đất nước có được một tương lai phần nhiều tùy thuộc vào những người lãnh đạo đảng.  

Vì nghĩ như vậy nên cách duy nhất là gửi những tâm thư với ước mong rằng những người lãnh đạo thực hiện những khát vọng của nhân dân. Những lá thư sau đó được đặt sang một bên, và những tác giả, nếu ở trong nước, sẽ nhận được sự chiếu cố của an ninh.  

Ở một phía khác, những người vận động cho tự do dân chủ bị gán những án tù cho tội chống chính quyền. Đất nước lâm vào bế tắc.  

Có nhiều người đưa ra các ý kiến cải cách nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Nhưng sau những lý luận đó, dù tránh nói về những cải cách chính trị, những bế tắc về chính trị hiển hiện là rào cản cuối cùng và lớn nhất kìm hãm tất cả những chính sách phát triển khác của một quốc gia.  

Một cách đơn giản, trước hết làm sao chúng ta có được những chính sách khôn ngoan cho tất cả các lĩnh vực nếu những người lãnh đạo ở các cấp không phải là những cá nhân xuất sắc của một đất nước được bầu chọn một cách công bằng và cạnh tranh? Làm sao chúng ta có được một sự kiểm soát nếu những chính sách không vì quyền lợi của đại đa số nhân dân vẫn tiếp tục được thi hành? Làm sao chúng ta bảo đảm rằng một nền luật pháp công bằng và nghiêm minh? Hay làm sao chúng ta bảo đảm rằng người dân có được tiếng nói khi những quyền về sở hữu tài sản không được bảo đảm? Và một khi tài sản của người dân không được bảo đảm một cách tuyệt đối thì làm sao doanh nhân dám bỏ hết vốn ra đầu tư phát triển đất nước? Đó chỉ là một vài ví dụ trong vô số các ví dụ để cho thấy rằng sự phát triển bắt nguồn trước tiên từ một hệ thống chính trị lành mạnh, dân chủ và tự do, để bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người trong một đất nước và sau đó thúc đẩy sự thịnh vượng của một quốc gia.  

Nói như vậy để thấy rằng đã đến lúc chúng ta, những người ngoài đảng và người trong đảng, cần dứt khoát một điều rằng hoặc là chúng ta cải cách chính trị để đất nước có một tương lai cho tất cả chúng ta và con cháu, hoặc là chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là một dân tộc tầm thường.

 Liệu đâu là một chọn lựa của quốc gia?

 Những chuyển đổi dân chủ ở Miến Điện, dù chưa hoàn hảo, đã cung cấp cho chúng ta một mô hình để tham khảo. Một cuộc chuyển đổi trong hòa bình, sự tôn trọng, và cùng hướng tới tương lai.  

Một cuộc chuyển đổi mà ở đó phe quân sự một thời khét tiếng với đàn áp đối lập, tham nhũng, và buôn lậu bỗng trở thành những người hùng đi vào lịch sử của dân tộc bằng việc mở ra một cánh cửa tương lai cho đất nước.  

Một cuộc chuyển đổi mà ở đó không ai thiệt chỉ dân tộc được lợi. Cả hai phe đều nhận và duy trì được những quyền lợi và quyền lực khác nhau.  

Nhưng quan trọng nhất, đó là cuộc chuyển đổi mà tất cả người dân của đất nước đều bắt đầu nói về hi vọng và niềm tin cho một tương lai.

Liệu có một vận hội nào cho Việt Nam?

 Còn đúng một tháng nữa chúng ta kết thúc năm 2015 và đón năm 2016. 2016 là thời điểm bầu cử của quốc hội nhiệm kỳ mới.  

Chúng ta sẽ có hai lựa chọn. Hoặc là tiếp tục với cơ chế đảng cử dân bầu để cho ra một chính phủ với những nhân sự cũ kỹ mà thành tích duy nhất là làm lụn bại đất nước. Hoặc là những người lãnh đạo đảng sẽ mở cánh cửa cải cách chính trị mà phương thức của Miến Điện là một tham khảo. 

Giữa hai sự lựa chọn, một sự lựa chọn của tiếp tục dẫn đất nước vào những u mê và khủng hoảng, và một sự lựa chọn để mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc.  

Một lựa chọn để đất nước tiếp tục tụt hậu và một ngày không xa, chỉ hai, ba nhiệm kỳ Quốc hội nữa, trở thành sự khinh thường của các quốc gia trong khu vực và sự đe nẹt của những anh láng giềng to con; và một sự lựa chọn đem lại niềm tin và hi vọng, mở toang cánh của tương lai của đất nước cho chính chúng ta và các thế hệ mai sau. 

Một cơ hội hiếm hoi mà những chính trị gia khôn ngoan ở tuổi xế chiều phải nắm để ghi tên tuổi mình vào dòng lịch sử của dân tộc.

 Vậy đâu là cách tiếp cận của người dân?

 Trong suốt một thời gian dài, những người dấn thân cho dân chủ theo đuổi một chiến lược nhằm làm suy yếu Đảng Cộng sản. Đó là một công việc khổng lồ và trừu tượng. Trừu tượng bởi vì Đảng Cộng sản chỉ là một cái tên chung và là một bức bình phong, chứ không phải là một cá nhân cụ thể.  

Nhiều trong số những người dấn thân cho dân chủ cũng quên rằng đa số những đảng viên cộng sản và nhân viên chính quyền cấp thấp hoàn toàn không có những quyền quyết định và họ cũng chịu đựng như tất cả những người dân bình thường khác.  

Một chiến lược khả thi trước hết là một chiến lược có tính chính danh và tranh thủ được sự ủng hộ của lớp người này.  

Đòi hỏi rằng đất nước có một cuộc bầu cử để chọn lựa các đại biểu Quốc hội trong cuộc Bầu cử Quốc hội 2016 và từ đó các đại biểu bầu ra các lãnh đạo quốc gia, hoặc ít nhất chính quyền phải đưa ra một lộ trình mà ít nhất 50% đại biểu Quốc hội được bầu chọn tự do vào năm 2016 để mở đường cải cách chính trị là một chiến lược như vậy. 

Hay nói một cách ngắn gọn hơn, chúng ta, những người Việt trong và ngoài Đảng, bằng tất cả những phương tiện khác nhau hãy lên tiếng đòi hỏi Bầu cử Tự do 2016.

 Bàn về hoà giải

 Một đất nước của tương lai hiển nhiên sẽ phải bao gồm những người cộng sản và những người không cộng sản, và những chính sách đưa ra, một cách đúng đắn, phải vì quyền lợi chung của tất cả mọi người.  

Với nhiều người cộng sản, sự lo sợ trả thù là một trong những nguyên nhân lớn lao và thầm kín khiến nhiều người trong họ ngăn cản những cải cách về dân chủ. Nhưng trả thù hay đem ra xét xử những người cộng sản ở những chế độ hậu cộng sản là những chính sách tồi và những nhà lãnh đạo tương lai cần phải tránh. Có vài nguyên nhân. 

Nếu việc xét xử những cựu lãnh đạo cộng sản chỉ để lấy lại tài sản tham nhũng cho quốc gia thì sẽ có một xác suất lớn rằng chúng ta sẽ không lấy lại được những tài sản đáng kể nào vì những tay tham nhũng đủ khôn ngoan để chuyển phần lớn những tài sản tham nhũng ra nước ngoài mà việc truy tìm và hoàn trả là một việc vô cùng tốn kém và phức tạp. 

Những phiên tòa xét xử khác còn lại, nếu có, chỉ nhằm mục tiêu trừng trị vì những lỗi lầm khác nhau. Nhưng sau đó thì được gì nếu chẳng là sự hả hê của những người nắm quyền mới. Để rồi cái mất lại nhiều hơn cái được sau những phiên tòa xét xử. 

Với ba triệu đảng viên cùng các thành viên gia đình, trung bình khoảng 9 triệu người hay 10% dân số có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản. Việc xét xử một số lãnh đạo đảng, nếu xảy ra, nó sẽ đưa ra một tiền lệ xấu và sẽ chỉ khiến cho những thành viên còn lại lo sợ. Một đất nước mà 10% dân số lo sợ một đa số còn lại thì, chưa nói đến tương lai, đó là một đất nước của thù hằn và chia cắt. 

Nói như vậy để thấy rằng những cải cách chính trị phải loại bỏ hẳn những phiên tòa nhằm xét xử những thành viên của Đảng Cộng sản cho những vi phạm trong quản lý hành chính vì nó không có lợi cho đất nước.

 *****

Những cuộc chuyển đổi xã hội không phải là trách nhiệm hay bởi bất cứ một cá nhân riêng lẻ nào trong xã hội, mà ở đó là sự cộng hưởng của những tiếng nói cùng chiều. Hoặc là chúng ta cùng cất lên tiếng nói từ hôm nay để thay đổi vì một tương lai tươi sáng của dân tộc. Hoặc là chúng ta sẽ đợi để một ngày mai rất gần chúng ta nghĩ về dòng dõi Rồng Tiên như một sự nhạo báng của dân tộc.

 Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 1.12.2015

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-12-15

(Viet-studies)

Không có nhận xét nào: