Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Lý Tưởng


Ngô Nhân Dụng - Nước Việt Nam có những Trịnh Kim Tiến hay Huỳnh Thục Vy khiến chúng ta hãnh diện. Ðó là những người trẻ còn giữ lý tưởng, có thể tự hy sinh cảnh sống an toàn của bản thân mình cho một mục đích cao thượng.
Nhà thơ Thái Bá Tân viết một bài về “cô cháu gái” Huỳnh Thục Vy, xin trích mấy đoạn:
Cháu như người phụ nữ
Trong tranh Delacroix,
Guidant le peuple
Mà peuple – là chúng ta…
Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ…
Giờ xin phép âu yếm
Ðặt hoa dưới chân mày.
Mày vấp ngã, còn sức,
Nhất định bác chìa tay.

Tôi ước mong các bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài được biết tin tức về những thanh niên sống có lý tưởng trong nước Việt Nam. Tôi nhớ lại mấy câu chuyện cũ, xin kể.
Một cháu gái 20 tuổi lớn lên ở Mỹ, nghe bố cháu kể mãi chuyện thủa bé bố đi chăn trâu, cưỡi trên lưng trâu như thế nào, mê quá, khi về Hà Nội cứ đòi ông bác họ: “Bác ơi, bác cho con đi gặp con ‘châu” đi.” Ông bác chở cô cháu bằng xe gắn máy đi cả buổi sáng để cháu “gặp con châu.” Ði mấy chục cây số, tới một làng ở Sơn Tây, quê ngoại cháu, được giới thiệu với một chú mục đồng với hai con trâu. Cháu ngần ngại mãi mới dám xin thêm một đặc ân: Cho cháu được cưỡi trâu! Tuần sau, cha mẹ cháu ở Mỹ nhận được tấm hình viết: “Li Li chụp ảnh với Châu.”
Một điều cha mẹ cháu không ngờ là sau mấy tuần lễ về thăm quê nội, quê ngoại một mình, cháu trở về Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi. Trước kia cháu không dám nói tiếng Việt nơi công sở vì khổ sở phải tìm các tiếng cho đúng. Ở Việt Nam cháu đã bị rơi vào một nơi mọi người chỉ nói tiếng Việt, ai cũng nghĩ cháu chỉ biết “tiếng Mỹ.” Cho nên cháu nói gì cũng được khen là nói giỏi và giúp cháu sửa chữa các chữ sai. Về đến Mỹ cháu tự tin hẳn lên, gặp các bạn bè cháu còn chê sao chúng nó không biết tiếng Việt!
Nhưng một điều khác cha mẹ cháu không ngờ, là cảm tưởng của họ hàng ở quê hương khi gặp cháu. Một năm sau, cha mẹ cháu về thăm nhà ai cũng khen ngợi họ khéo dạy một cô gái lễ phép, hồn nhiên, thành thật, trông như là “ngố” nhưng là thứ “ngố đáng yêu.” Ông bố cải chính: Tôi có dạy nó “ngố” như thế bao giờ đâu! Một ông bác họ suy nghĩ rồi kết luận: Trẻ con sống ở một nước tự do chúng nó hồn nhiên, chân thật, chúng được phát triển tự do, sung sướng quá. Chúng nó không có mặc cảm, mà không cần đến những thứ khôn ngoan láu cá như trẻ con ở đây. Một ông anh họ gật đầu đồng ý: Con người ta cứ sống thành thật, thẳng thắn với nhau vẫn sướng hơn chứ. Phải tập lấy những thói hàng chợ sớm làm gì cho nó khổ?
Một cháu gái tuổi 30 được mẹ dẫn đi thăm một làng quê ở Quảng Trị, nơi bà vẫn quyên góp tiền bạc về xây mấy phòng học cho trường mẫu giáo. Cháu vào lớp học dạy trẻ em những bài hát thiếu nhi mà cháu đi Hướng Ðạo Việt Nam ở nước ngoài, học được thuở nhỏ. Cho các em chơi mấy trò chơi. Nửa năm sau khi đã trở về Mỹ cháu được mẹ gửi cho những tấm hình cảnh những nạn nhân bão lụt ở mấy tỉnh miền Trung. Cháu là một giáo sư dạy đàn, cuối tuần đó cháu có một buổi cho các nhạc sinh trình diễn. Cháu đã in các tấm hình bão lụt ở Việt Nam ra treo trong phòng biểu diễn. Và lạc quyên cha mẹ các học trò góp tiền cho cháu gửi về giúp đỡ đồng bào. Học trò của cháu không có em nào là người gốc Việt Nam.
Nhiều ban trẻ Việt Nam sinh trưởng ở nước ngoài sau khi về thăm Việt Nam một lần, bỗng dưng thấy thương xót quê hương của bố mẹ. Một cháu trai hơn 10 tuổi về đến Mỹ rồi cứ hỏi mẹ: Con làm gì được để giúp cho mấy đứa bé chơi đá bóng với con ở Nha Trang không mẹ?
Khi chúng ta nuôi dạy các con ở một xứ giầu có và xã hội có tổ chức như ở Âu Mỹ, muốn truyền cho con tấm lòng thương xót người nghèo khổ là điều rất khó. Nhưng khi các cháu được tiếp xúc với những người nghèo khổ thật, không cần ai dạy dỗ tình thương cũng tự phát sinh. Khi các cháu đi chơi ở bãi biển bên Mexico, Santo Domingo thì cũng thấy những người bản xứ nghèo nàn phải hầu hạ mình. Nhưng thấy cha mẹ “mua các dịch vụ” của những người này, trả tiền sòng phẳng và hậu hĩnh, cũng khó giúp cho từ tâm trong huyết quản được nẩy mầm. Khi về quê hương của cha mẹ, các cháu dễ xúc động một cách tự nhiên hơn. Hạt giống lành dễ nẩy sinh.
Nhưng các cháu lớn tuổi cần nhìn xa hơn những công việc có tính cách bố thí. Những bạn trẻ 30, 40 có thể giúp đồng bào Việt Nam trên những quy mô lớn hơn. Các cháu có thể giúp đồng bào ở quê nhà với những dự án lớn hơn, về y tế, giáo dục, huấn luyện kỹ thuật nông nghiệp, lập quỹ tín dụng, và ngay cả những chương trình thể thao, văn nghệ, v.v… Chính quyền cộng sản sẽ tìm cách ngăn cản? Tất nhiên họ sẽ ngăn cản các hoạt động tự nguyện làm phát triển xã hội công dân, vì đảng Cộng Sản muốn kiểm soát tất cả các sinh hoạt. Nhưng khi rất nhiều người mang những sáng kiến đó về, hợp tác với các nhà thờ, nhà chùa, trường học ở trong nước để tổ chức những công tác xã hội, thì các cháu có thể thúc đẩy các hoạt động tự nguyện cùng với các thanh niên trong nước. Rồi từ đó chính các thanh niên này sẽ thấy nhu cầu phải được tự do sống, tự do làm việc thiện, tự do giúp đỡ đồng bào. Chính những thanh niên trong nước sẽ đòi được sống tự do, được theo đuổi những lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ.
Tôi tin rằng tuổi thanh niên thời nào cũng đầy lý tưởng. Các thanh niên sống ở nước ngoài nếu được dịp tiếp xúc với đồng bào nghèo khổ ở trong nước, thay vì chỉ về nước hưởng thụ các thú vui với giá rẻ thì họ cũng nẩy sinh những lý tưởng cao thượng. nếu họ được khuyến khích thực hiện các lý tưởng đó, họ sẽ gặp được những người cùng tuổi cũng có lý tưởng ở trong nước. Lớp người trẻ sẽ thay đổi tương lai đất nước chúng ta.
Tôi nhớ năm chưa 20 tuổi một lần đi xe gắn máy trên xa lộ Biên Hòa tôi thấy một đám trẻ em đang chơi đá bóng trên dải đất mới san bằng dọc theo xa lộ. Lúc đó xa lộ Biên Hòa mới được trải nhựa, hai bên bờ vẫn còn đất đá vụn ngổn ngang, chưa có bãi cỏ mọc như sau này. Các em vừa chạy vừa reo hò, chân đá bóng hăng say, sung sướng. Nhưng sự thật là các em không có một trái bóng để mà chơi. Chân các em tranh giành nhau một quả cầu tròn bằng giấy cuộn lại, trông như trái bóng. Cuộc chơi chắc đã bắt đầu từ lâu, trái bóng giấy rách tươm.
Lúc đó tôi nẩy ra một ý nguyện trong đầu. Tôi nghĩ: Trong đời mình, phải xây dựng nước Việt Nam để làm sao cho mỗi trẻ em muốn chơi đá banh phải có một trái banh mà đá. Ước mơ nhỏ bé đó chắc bây giờ vẫn chưa thành sự thật. Một người bạn tôi đi thăm quê ngoại ở miền Bắc kể rằng ngôi nhà một ông bác họ ở bên đường xe lửa. Trẻ em đá banh chung quanh nhà, nhiều em đã bị xe lửa cán chết. Từ bao nhiêu năm nay đã bao nhiêu tai nạn mà chính quyền không làm gì để thay đổi tình trạng đó.
Khi chúng ta đòi thay đổi chế độ chính trị ở nước Việt Nam, phải xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản để đất nước được sống trong dân chủ tự do, chúng ta không cần phải viện dẫn một lý thuyết chính trị, kinh tế lớn lao nào cả. Chỉ cần nói cho đồng bào ta biết rằng khi có một chính quyền chịu trách nhiệm với dân, do dân bầu ra một cách tự do, có các đảng chính trị tự do hoạt động, có báo chí, có đài phát thanh tư nhân tự do thì kinh tế mới phát triển, xã hội mới tiến bộ. Những trẻ em có trái banh mà đá, và có chỗ để chơi không còn chết oan vì đường rầy xe lửa nữa.
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: