Lý Bằng (trái) và Giang Trạch Dân được cho là vẫn có ảnh hưởng
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về hai cựu lãnh đạo, gây ra đồn đoán đang có thương lượng gấp rút giữa các phe nhóm trước Đại hội Đảng.
Các nhà lãnh đạo cộng sản khi đã về hưu thường tránh xuất hiện trước báo chí, ngoại trừ những dịp lễ lạt như Ngày Quốc khánh.
Nhưng từ cuối tháng Bảy, ông Giang Trạch Dân, người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình, được truyền thông nhắc tên ba lần trong vòng một tuần.
Ông Giang, người đã thôi chức Tổng Bí thư cuối năm 2002 và Chủ tịch nước tháng Ba 2003, gọi điện cho Bí thư Thành ủy Dương Châu, quê của ông, thuộc tỉnh Giang Tô nhân một trận động đất nhẹ.
Một tờ báo địa phương tường thuật cuộc điện đàm hôm 23/7 và tin này cũng lên trang mạng của Nhân dân Nhật báo hôm 2/8.
Ông Giang cũng gửi vòng hoa viếng cựu trưởng ban Tuyên huấn Đinh Quan Căn.
Đài truyền hình CCTV không quên đưa tin về một cuốn sách giáo khoa lịch sử mới với lời giới thiệu của cựu Tổng Bí thư.
Ông lão 85 tuổi không còn giữ chức vụ chính thức nhưng được cho là vẫn có ảnh hưởng trong cuộc đua quyền lực trước Đại hội 18.
“Những lần xuất hiện liên tục và nổi bật của ông, trong dịp hội nghị ở Bắc Đới Hà, dường như là để giúp các ủng hộ viên và đồ đệ được thăng tiến,” theo lời Joseph Cheng Yu-shek, giáo sư chính trị học ở Đại học Hong Kong.
"Những lần xuất hiện liên tục và nổi bật của ông, trong dịp hội nghị ở Bắc Đới Hà, dường như là để giúp các ủng hộ viên và đồ đệ được thăng tiến."Joseph Cheng Yu-shek, Đại học Hong Kong.
Cuộc họp kín tại Bắc Đới Hà, từ đầu tháng Tám và có thể kéo đến giữa tháng, sẽ chứng kiến những thương lượng cuối cùng cho cuộc chuyển giao quyền hành tại Trung Quốc.
Một vấn đề quan trọng Đảng Cộng sản đang bàn là có nên giảm số thành viên Thường vụ Bộ Chính trị từ chín xuống bảy ghế, như đã từng có trước năm 2002.
Chương Lập Phàm, một phân tích gia, nói với tờ South China Morning Post rằng sự xuất hiện của ông Giang chứng tỏ cuộc đua vẫn quyết liệt và chưa có thống nhất về những vấn đề lớn.
“Thông điệp của ông là tôi vẫn đang và sẽ ngồi đây, ít nhất cho đến khi Đại hội Đảng kết thúc,” ông Chương, từng làm việc ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
Sức khỏe của ông Giang được quan tâm đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm chính trị.
Năm ngoái, nhân dịp 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản, ông không xuất hiện, khiến người ta đồn về sức khỏe của ông.
Cựu Thủ tướng tái xuất
Mới nhất, hôm 6/8, Nhân dân Nhật báo có bài dài ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của cựu Thủ tướng Lý Bằng.
Tác giả bài viết dài gần một trang báo là cựu tổng thư ký của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc).Ông Lý Bằng, 83 tuổi, là Chủ tịch Quốc hội từ 1998 đến 2003, và là Thủ tướng từ 1987 đến 1998.
Ông Hồ Cẩm Đào có thể cũng sẽ 'chấp chính' từ sau hậu trường?
Ông là người gây tranh cãi vì đóng vai trò không nhỏ trong quyết định đàn áp cuộc biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Giữa lúc hội nghị Bắc Đới Hà chưa ngã ngũ, việc ca ngợi cựu Thủ tướng dường như là nỗ lực bảo vệ quyền lợi kinh doanh của gia đình ông một khi ban lãnh đạo mới ra mắt.
Giống như Giang Trạch Dân, ông Lý Bằng hẳn muốn thế hệ Tập Cận Bình hiểu rằng các “Thái thượng hoàng” vẫn còn ảnh hưởng.
“Việc lên báo chắc chắn nhằm gửi tín hiệu là họ muốn có tiếng nói tại cuộc họp Bắc Đới Hà,” theo lời Tiến sĩ Lưu Khang từ Đại học Duke.
Ông Lưu, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Duke, nói việc Bạc Hy Lai ngã ngựa khiến cuộc đua quyền lực càng căng thẳng.
Vị Tổng Bí thư sắp ra đi, Hồ Cẩm Đào, cũng có thể sẽ theo chân ông Giang trong cố gắng duy trì ảnh hưởng ngay cả khi Tập Cận Bình và các đồng sự đã lên thay.
Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ thành Tổng Bí thư, nhưng nhiều người nói có thể ông Hồ Cẩm Đào sẽ vẫn đứng đầu Quân ủy Trung ương thêm hai năm, giống người tiền nhiệm Giang Trạch Dân./BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét